top of page

Yêu như thế nào?

Bài viết này được truyền cảm hứng từ truyện ngắn “Samsa đang yêu” trong cuốn sách Những người đàn ông không có đàn bà, tác giả sách Haruki Murakami.


Khi được hỏi “Tình yêu là gì?”, mình tin rằng có lẽ tất cả chúng ta sẽ dễ có xu hướng trả lời bằng cách liên hệ tình yêu với một kiểu cảm giác nào đó.


Chúng ta sẽ nói, có lẽ với một chất giọng thật ngọt ngào, rằng:

Yêu là khi trái tim tôi lạc nhịp.

Yêu là khi tâm hồn tôi hân hoan vì hạnh phúc mỗi khi ở bên cạnh người đó.

Và, câu yêu thích của mình, yêu là khi chết trong lòng một ít.


Những cách giải thích như trên, không chỉ là kết quả của chủ nghĩa lãng mạn (romanticism) hay sự cường điệu một cách có ý nghĩa, mà chúng cũng đồng thời là những câu trả lời hợp lý và rất nhân văn.


Thứ nhất là do tình yêu là một thứ có giá trị; và cũng giống như tất cả những thứ có giá trị khác, chúng ta sẽ dễ có thiên hướng sẽ đặt nhiều cảm xúc vào mỗi khi ta muốn mô tả nó.

Và thứ hai, đó là do tình yêu cũng đúng thật là khó hiểu, khó nắm bắt, đồng thời khó để định nghĩa.


Khái niệm gần gũi này thực ra lại phức tạp tới mức nếu thử hỏi 100 người khác nhau thì có lẽ bạn cũng sẽ thu được 100 mô tả khác nhau về tình yêu.

Có thể cũng vì lý do này mà phim mới về tình yêu vẫn được chiếu đều đặn, nhạc mới về tình yêu vẫn liên tục lọt top, và sách mới viết về tình yêu vẫn được lên kệ thường xuyên.


Với những nguồn thông tin khổng lồ và liên tục được cập nhật như vậy, đáng nhẽ ra giờ này, chúng ta đều nên hiểu rõ tình yêu là gì, và biết phải yêu như thế nào rồi chứ nhỉ?


Và, nếu như ta đã nắm rõ trong lòng bàn tay cách thức làm thế nào để yêu, vậy thì chúng ta cũng nên biết – một cách chắc chắn – cách phải làm thế nào để yêu thương nhau nhiều hơn trong các tương tác hằng ngày, có đúng vậy không?


Thực tế dường như đang chỉ theo hướng hoàn toàn ngược lại.


Nếu nghĩ kỹ bạn sẽ thấy, khi cần phải đối diện với những câu hỏi như “Làm thế nào để yêu?” và “Làm thế nào để yêu thương nhiều hơn?” thì việc ta mô tả tình yêu bằng cách liên hệ nó với một kiểu cảm giác như trên, thực sự, không thể đem lại những câu trả lời hiệu quả, mà ngược lại còn rất dễ gây hoang mang.


Thể theo những ví dụ như trên, để yêu và yêu nhiều hơn thì có lẽ trái tim ta cũng sẽ cần phải lạc nhịp nhiều hơn, tâm hồn ta sẽ phải được hân hoan nhiều hơn, và trong lòng ta cũng sẽ phải chết nhiều hơn.


Dĩ nhiên, ở đây mình không hề có ý muốn bắt bẻ quan điểm của bất cứ ai về cách để mô tả tình yêu.


Với mục tiêu của bài viết này là gợi ý cho bạn cách tìm ra câu trả lời cho câu hỏi “Yêu như thế nào?” và “Làm sao để yêu thương nhiều hơn?”, mình chỉ đang muốn chỉ ra rằng cách mô tả tình yêu như trên, dẫu cho nghe rất bùi tai, nhưng chúng lại thường không thể giúp ích cho bạn trong cách bạn yêu và được yêu.


Vậy, chúng ta nên yêu như thế nào đây?

Trước tiên, mình mong bạn sẽ có thể cùng đồng ý với mình rằng đây là một câu hỏi mang tính thiết thực (practical).


Điều đó có nghĩa là khi bạn hỏi câu “Yêu như thế nào?”, thì bạn đang quan tâm tới những gì bạn có thể làm trong thực tế để yêu.

Hay nói theo một cách khác, bạn đang muốn biết về những gì bạn cần/nên thực hiện để qua đó việc yêu có thể được diễn ra, hoặc tạo ra.


Từ đây, mình muốn chia sẻ với bạn một ý tưởng hiệu quả hơn để định nghĩa và mô tả về tình yêu.


Để yêu thương và yêu thương nhiều hơn, mình tin rằng chúng ta không nên chỉ gắn tình yêu với những loại cảm xúc, mà có lẽ sẽ có ý nghĩa hơn nhiều, nếu chúng ta cũng đồng thời coi tình yêu như là: Những cam kết (commitments), những hành động (actions), và những quyết định (decisions).


Cụ thể:

Yêu là một chuỗi những cam kết.

Yêu là một chuỗi những hành động.

Và, yêu là một chuỗi những quyết định.


Nghe thiết thực và rõ ràng hơn nhiều đúng không nào?


Chỉ sau khi ta đã bắt đầu nhìn tình yêu qua những lăng kính trên – Cam kết, hành động, và quyết định – thì từ đó yêu mới thực sự trở thành một hoạt động mà ta có thể thực hiện được (doable) cho bản thân, và cho người khác.


Ta sẽ có thể lựa chọn nên bày tỏ tình yêu như thế nào, chấp nhận kiểu tình yêu nào, hay thậm chí là cả yêu nhiều hay ít, sau khi ta đã chấp nhận ý tưởng trên như là một phần của tình yêu.


Giờ, sau khi bạn đã nắm được ý tưởng nền tảng của bài viết, đã đến lúc chúng ta hướng tới những câu hỏi lớn tiếp theo, đó là:

Những cam kết nào?

Những hành động nào?

Và, những quyết định nào?


Như mình đã chia sẻ ở trên, tới cuối cùng, chúng ta đều đang quan tâm tới những gì ta cần/nên thực hiện để qua đó việc yêu có thể được diễn ra, hoặc tạo ra.


Dẫu cho danh sách sau đây chắc chắn sẽ vẫn còn nhiều thiếu sót, nhưng mình tin rằng chúng sẽ là những gợi ý (suggestions) hữu ích cho bạn với vai trò như là những bước đầu tiên học cách để yêu.


1 – Nhân ái

Có lẽ, một trong những lời than vãn phổ biến nhất mà cuộc sống ép chúng ta phải tuôn ra, một cách khá thường xuyên, đó là:

“Vì sao mà con người lại có thể tồi tệ đến thế?”


Vì sao mà họ – những người khác ấy – lại có thể hung hăng đến thế, không đáng tin cậy đến thế, xảo trá đến thế, xấu tính đến thế, hai mặt đến thế, hèn nhát đến thế.


Để trả lời cho những câu hỏi trên, chúng ta – những người không phải họ ấy – bằng những bản năng tự nhiên nhất, rất dễ có xu hướng tìm tới một lời giải thích mà chúng ta từ nhỏ đã luôn coi là tiêu chuẩn nhất, cô đọng (compact) nhất và dễ hiểu nhất.


Ta nói: “Bởi vì họ là những người xấu.”


Họ ấy – những người hành động tồi tệ, ăn nói xấc láo, suy nghĩ dị biệt – là những kẻ “xấu xa”, tất cả bọn họ.

Với nhiều người, kết luận trên nghe có vẻ thật nghiệt ngã, nhưng đồng thời, chúng ta đều cảm thấy rằng nó cũng đầy tính thuyết phục, và rất khó để bị bác bỏ.


Nhưng với những người đã hiểu rõ rằng thế giới này chẳng khi nào phân định được trắng và đen, khi mọi thứ bắt đầu cảm thấy đặc biệt rõ ràng – khi một bên chỉ thấy trắng, và một bên chỉ toàn đen – họ sẽ bắt đầu tìm cách thách thức những gì mà số đông đang cảm thấy là hoàn toàn chắc chắn (certained).


Có lẽ một trong những khiếm khuyết (flaw) lớn nhất của nhân loại đó là chúng ta đều thường quá kiên quyết với quyết định chỉ đứng về phía bản thân mình.

Chúng ta – cả mình và bạn – đều bị xích chặt vào những quan điểm mà chúng ta có, vào cách chúng ta nhìn thế giới, và vào những gì mà chúng ta cho là “chắc chắn”, thay vì vào những gì là “nhân đạo”.


Nhưng đồng thời, một trong những ưu điểm, mà theo mình, là đáng tự hào nhất của nhân loại, đó là mỗi chúng ta đều có sức mạnh để vượt qua được khiếm khuyết trên, và thử nhìn nhận những điều “chắc chắn” ấy thông qua một góc nhìn khác.


Ưu điểm kể trên là đặc biệt quan trọng khi có lẽ cái điều “chắc chắn” ấy đang được chúng ta gán cho một người, hoặc một nhóm người nào đó.


Gần đây mình có học được một từ rất đẹp trong tiếng Anh: Sonder; và nó là một danh từ.


Sonder là cái cảm giác sâu sắc (profound) khi ta nhận ra rằng tất cả mọi người, kể cả những người lạ mặt ta bắt gặp ngẫu nhiên trên đường phố, đều có một cuộc sống phức tạp và ý nghĩa như chính cuộc sống của chúng ta vậy.


Họ – những người khác ấy – hóa ra, cũng giống như chúng ta, đang sống một cuộc đời trung kiên (constantly), dù cho ta và họ có nhận thức được điều ấy hay không.


Sonder nhắc cho chúng ta nhớ rằng thực tại của mỗi cá nhân đều phức tạp và đa sắc thái (nuanced) hơn rất nhiều so với những gì mà ta có thể mong đợi, suy nghĩ, cảm nhận, hoặc quan sát được ở người khác và bản thân.


Và, trái với những nhận định ban đầu của chúng ta – thường có phần vội vã do phản xạ và mang đậm tính cá nhân do bị cảm xúc làm choáng ngợp – những người khác ấy, rất có khả năng, đáng để được thông cảm và quan tâm (consideration) nhiều hơn những gì ta có thể đã gói gọn chỉ trong hai từ “xấu xa”.


Dù cho họ có thể đã làm bạn tổn thương, hoặc bực dọc.

Dù cho hành vi của họ có thể đã hoàn toàn đi ngược lại với những gì mà bạn kỳ vọng.

Dù cho bạn có thể đã rất muốn chửi họ là “đồ ngu” rồi bỏ họ lại với những sai lầm mà họ gây ra.


Tình yêu – trước cả khi là những nụ hôn hay những cái ôm – là lòng nhân từ (benevolence) và dịu dàng bạn dành cho những gì là thất bại, là nỗi thất vọng, là sứt mẻ, là ô nhục, là không hấp dẫn, là đáng giận dữ, là lỗi lầm,... ở người khác, và ở chính bản thân bạn.


Tình yêu, không bao giờ nên chỉ đơn giản là sự ngưỡng mộ ta dành cho những thế mạnh, những điểm tốt, những lợi ích, hay những thành tựu.


Phức tạp hơn, nhưng cũng đồng thời ý nghĩa hơn, tình yêu còn là khả năng điều hướng sự cảm thông (sympathy) về những nơi thiếu vắng nó nhiều nhất: những nơi có mất mát, những nơi có hỗn loạn, những nơi có đổ vỡ; và cả những nơi bạn có thể thù ghét, phẫn uất (resent) và sợ hãi.


Bất cứ ai cũng đều có thể bày tỏ khát vọng với những gì là đỉnh cao, là hoàn hảo, là lý tưởng.

Nhưng để yêu, bạn cũng sẽ cần phải dành ra một tấm lòng nhân ái (charity) tích cực hướng về những lỗi lầm, và những sự lầm lạc (aberration).


Một ngày nào đó, tất cả chúng ta rồi cũng sẽ cần tới lòng nhân ái từ những người khác.


Bằng cách này hay cách khác, sẽ có một khoảnh khắc nơi mà chúng ta sẽ cầu nguyện.

Rằng ai đó sẽ nhìn xuyên qua được những thất bại rõ rành rành của ta, và cài lên ngực ta một chiếc huy chương mang tên “tình yêu” – huy chương vinh danh những con người bình thường, đang cố gắng sống những cuộc đời bình thường, theo những cách hoàn hảo nhất.


2 – Trí tưởng tượng

Để yêu, một cách sâu sắc và có hảo tâm, bạn sẽ cần dùng tới trí tưởng tượng để nhìn xuyên qua những vỏ bọc xù xì trên một con người – nơi mà hiện tại có thể đang có những cơn thịnh nộ, bản tính cay độc (cynicism), một trái tim yếu đuối, hoặc một tâm hồn tội lỗi – và cố gắng hình dung ra những nỗi đau khổ nào đã đưa người ấy tới việc lựa chọn bước đường này.


Tính phức tạp xen lẫn với sự căng thẳng của đời sống người trưởng thành thường xuyên khiến chúng ta đồng nhất hóa (identify) chặt chẽ một con người với những khoảnh khắc tồi tệ nhất của họ.


Tình yêu thì lại muốn đẩy ta sang một hướng đi khác.

Nó kích thích chúng ta sử dụng trí tưởng tượng (imagination) của bản thân để hình dung ra lý do tại sao một người, dù có thể đã từng gây nên một sự vụ đáng tiếc, nhưng đồng thời, vẫn có thể là một đối tượng đang rất cần tới sự thấu hiểu và thông cảm của chúng ta.


Họ, có lẽ, đã quá sợ hãi, hoặc bị cơn giận dữ làm cho mù quáng.

Họ, có lẽ, đã bị đè nặng dưới áp lực của những nỗi lo âu và tuyệt vọng (despair) cùng cực.

Hoặc họ, có lẽ, đã quá cùng quẫn đến mức tin rằng họ không còn lựa chọn nào khác.


Những hướng lý giải thế này nghe có thể thật quá mức ngây thơ và nông cạn, nhưng chúng ta cũng thường khó lòng có thể bóc tách hành động của một con người ra khỏi hoàn cảnh của họ được.

Dù đương nhiên, hoàn cảnh cũng không thể cứ bị bừa bãi lấy ra để biện hộ cho những gì không nên làm mà ta vẫn làm.


Mục tiêu của trí tưởng tượng trong tình yêu, vì thế mà không nên là để tìm kiếm những lời biện hộ, hay che mắt ta khỏi sự thật với những hậu quả cay đắng mà một con người có thể đã gây ra cho xã hội, cho cộng đồng, cho chúng ta, và có lẽ là cho cả bản thân họ.


Nó nên được chúng ta sử dụng một cách tinh tế và khôn khéo (subtle) hơn.


Trí tưởng tượng, khi được dùng đúng cách, sẽ có thể giúp bạn đoán ra được rằng theo sau những cơn giận dữ, sẽ là nỗi buồn đau và sự hối tiếc đang chờ đợi.

Hay ẩn bên dưới vẻ khoa trương và hợm hĩnh, là một tâm hồn yếu đuối và dễ bị tổn thương.


Yêu, với một lượng vừa đủ trí tưởng tượng, chính là khi ta chủ động nhìn vấn đề dưới một góc độ khác, và chủ động tìm ra một lời giải thích dễ cảm thông hơn cho câu hỏi “Tại sao họ lại làm vậy?”


Để yêu, bạn sẽ cần đặt lòng tin vào khả năng rằng bên dưới cái vỏ bọc xù xì mà ta vẫn thường quen gọi là “một con người” ấy, có những vẻ đẹp ẩn chứa ở bên trong – đó là sự dịu dàng (sweetness), sự ăn năn (remorse) và quan trọng nhất, là tiềm năng để phát triển theo một hướng tích cực hơn (growth).


Đến cuối cùng, ai rồi cũng sẽ phải trả giá cho những hành động, có thể là đáng tiếc hoặc không mấy tốt đẹp, của bản thân.

Khi đứng trước sự thật ấy, một người giàu tình cảm với trí tưởng tượng hiểu rằng, chắc hẳn tận sâu bên trong, tất cả chúng ta đều sẽ rất tuyệt vọng (desperate).


Tình yêu có thể chạm được tới nỗi tuyệt vọng đó, và đối xử với nó bằng sự dịu dàng đầy hy vọng; đồng thời cũng sẽ không quên bày tỏ sự tiếc nuối dành cho những sai lầm (mistakes), và sự nghiêm khắc dành cho những tội lỗi (sins).


3 – Khoan dung

Bước đầu tiên của hành trình học tập đức tính khoan dung (forgiveness) – để biết tha thứ – theo mình, là nhận thức được rằng tự bản thân chúng ta, theo những cách rất riêng, cũng không hề hoàn toàn “trong sạch”.


Tất nhiên rồi, chúng ta đều đã từng phạm sai lầm, chúng ta đều đã từng thất bại, chúng ta đều đã từng nóng vội (hasty), chúng ta đều đã từng khiến ai đó phải chịu tổn thương, và để nói khái quát nhất thì, chúng ta đều không hoàn hảo.


Nhưng có lẽ như bạn cũng đã biết rõ, những điều trên, trong suốt cả chiều dài lịch sử loài người, chưa bao giờ là lý do để bất cứ ai trong chúng ta phải từ bỏ mưu cầu tình yêu thương.


Thực tế này, nếu bạn nghĩ kỹ sẽ thấy cũng ẩn chứa không ít tính an ủi.

Kẻ thù của tình yêu, dưới góc nhìn này, hóa ra chính là cái cảm giác rằng chúng ta không thể nào, hoặc không bao giờ, có lỗi lầm (fault).


Trong thực tế, chúng ta sẽ chỉ có thể bắt đầu học cách tha thứ sau khi đã thôi không còn tự cho bản thân là lý tưởng, là đúng đắn (self-righteous).


Chính niềm tin, thường là kín đáo, vào sự hoàn hảo của bản thân, dù chỉ trong một vài khoảnh khắc, đã biến một số người trở thành những vị thẩm phán quá đỗi khắc nghiệt trong cuộc sống thường ngày.


Lòng khoan dung trong tình yêu biến bạn trở thành một người luôn cố gắng để phán xét mọi thứ một cách công bằng hơn – không chỉ bởi vì sự thật rằng bản thân bạn cũng sẽ muốn được hưởng sự công bằng tương tự khi bạn rơi vào một tình huống tương tự, mà còn bởi vì bạn hiểu cái cảm giác “nếu mình là họ” là như thế nào.


Một lần nữa, tình yêu hướng chúng ta đến với kết luận rằng: Chẳng có ai trên đời này là hoàn toàn xấu xa.

Dù vậy, trên đời này lại có tồn tại những nỗi đau, những nỗi lo âu, và những nỗi dày vò (torment); sự kết hợp của chúng, trong một hoàn cảnh phù hợp, sẽ dẫn tới sự bất hạnh.


Có một kiểu lòng tốt vĩ đại, mang tên khoan dung, chỉ có thể được thể hiện sau khi bạn đã hiểu rõ rằng tất cả chúng ta – kể cả những kẻ mang tội, mà không, đặc biệt là những kẻ mang tội mới đúng – cũng xứng đáng có được sự cảm thông và độ lượng (mercy) từ bạn.


Chúng ta không bao giờ nên chỉ vì sự thật rằng ai đó đã từng vấp ngã trên đường đời mà ngừng ban tặng thứ lòng tốt vĩ đại nhất ấy.


4 – Kiên nhẫn

Để yêu, bạn sẽ cần thời gian, và thường là rất nhiều.

Và để yêu, chúng ta cũng sẽ đồng thời cần tới tính kiên nhẫn (patience), để ta không bị che mắt bởi những gì thuộc về bề nổi, những quyết định vội vã, những cảm xúc nhất thời, và cả những sự “chắc chắn” thiếu cơ sở, ở người khác và cả ở chính bản thân chúng ta.


Kiên nhẫn, bởi vậy mới nói, có nghĩa là bạn biết cách giữ bình thản (serene) trước những hành vi rõ ràng là không mấy ấn tượng tới từ người khác.

Có thể, đó là một cơn giận dữ bất chợt, một lời bóc mẽ ngông cuồng, hoặc một tràng chỉ trích rất ác ý.


Kiên nhẫn, đồng thời, cũng có nghĩa là chống lại cái cảm giác thôi thúc trong nội tâm muốn người khác phải ngay lập tức đáp ứng được những kỳ vọng mà ta đặt lên vai họ.


Người ta vẫn thường nói là: “Khi yêu một bông hoa, người ta sẽ chăm sóc, vun tưới để nó luôn tươi đẹp.”

Tình yêu đích thực (true love), có chăng, chính là khi bạn cho người khác thời gian để họ trưởng thành và tiến bộ.

Để họ được mắc sai lầm và trải nghiệm nhiều hướng đi khác nhau trong cuộc đời.

Để không hét vào mặt họ, và bỏ họ lại với cái mác “nỗi thất vọng” ở trong trái tim.

Để giúp họ có được mọi cơ hội phát triển, hướng tới một phiên bản tốt đẹp hơn của chính bản thân họ, với tốc độ (pace) của riêng mình họ.


5 – Có niềm tin

Yêu có nghĩa là có niềm tin (faith) và trung thành (loyal) với những người mà ta yêu quý – trong đó nên bao gồm cả bản thân chúng ta – bất chấp cho số đông có thể sẽ nói gì.


Mọi người có thể sẽ chế giễu (jeering) và bài bác, nhưng có hề gì đâu, nếu như chúng ta vẫn tiếp tục ở chung một đội, với sự kiên định và niềm tin sắt đá vào tình cảm chúng ta dành cho nhau.


Niềm tin này, có lẽ, nên được đặt vào sự thật rằng song song với những nhược điểm rõ ràng nơi mỗi cá nhân, thì bên trong chúng ta, một cách chắc chắn, cũng sở hữu không ít những ưu điểm.


Khi chúng ta phải chạm trán với một (vài) nhược điểm của đối phương, ta nên biết cố gắng kiềm chế trước cái kết luận rằng “Con người này chính là như thế đấy.”


Bởi bằng cách này hay cách khác, có một số những ưu điểm và nhược điểm tồn tại bên trong một con người giống như cái cách mà hai mặt cùng tồn tại trên một đồng xu vậy; chúng có một mối liên hệ khăng khít; là hai phần của một thể thống nhất, khó lòng có thể bị tách rời.


Có thể bạn đã từng phê phán một người là quá đủng đỉnh, nhưng đồng thời cũng từng cảm kích trước sự chu đáo và tỉ mỉ của họ.

Có thể bạn đã từng gán cho một người cái mác là “vô cảm” (stoic), nhưng đồng thời cũng từng trầm trồ với khả năng của họ khi cần giữ tỉnh táo và bình tĩnh trước áp lực.

Hay, bạn có thể đã từng chê trách một người vì họ quá ít nói, cho đến khi bạn nhận ra rằng họ thực ra lại là một người rất biết lắng nghe và giỏi an ủi người khác.


Tính đáng yêu và đáng kỳ vọng ở đây đến từ kết luận rằng:

Nếu như đúng là trên đời này không thể có ai chỉ với toàn ưu điểm, vậy thì tương tự, trên đời này cũng chẳng thể có ai chỉ với toàn nhược điểm hết.


6 – Rộng lượng

Tình yêu chứa chan.

Tình yêu là rộng lượng (generosity).


Và có lẽ như bạn cũng đã nhận ra rồi đó, bài viết này thực ra không hề chỉ xoay quanh câu hỏi “Làm thế nào để yêu một người?”.


Mình muốn bao hàm cả vào trong đó tình yêu của bạn dành cho bản thân, của những người mà bạn gọi là “gia đình” hay “bạn bè”, của những người xa lạ, của những người tới từ một vùng đất khác, của Trái Đất, của cỏ cây hoa lá, của chú cún con mèo, của những hoạt động nghệ thuật, của niềm vui lao động, của những bữa cơm, của bộ phim bạn vừa xem, của cuốn sách bạn vừa đọc, của ánh nắng mặt trời, cơn mưa, hay cả ngọt gió vừa thổi qua mái tóc bạn nữa.


***

Cũng là dễ hiểu thôi nếu như phần lớn chúng ta đều bối rối trước tình yêu và cách nó vận hành.


Các loại hình truyền thông và giải trí từ lâu đã cố gắng “bỏ bùa” chúng ta.

Họ khiến chúng ta tin rằng hai con người có thể yêu nhau chỉ sau vài giờ, hoặc vài ngày, hoặc chỉ dựa vào tin nhắn, hoặc email; rồi sau đó, họ sẽ có được hạnh phúc mãi mãi về sau, bên cạnh nhau.


Tình yêu đích thực, dường như, sẽ chỉ có thể bắt đầu sau khi ta nhận thức được về tính xa vời của những thực tại mà thứ “bùa chú” kia để phủ lên tâm trí chúng ta.


Tình yêu sẽ chỉ được khởi động, và thử thách, ngay sau khi trái tim ta đã thôi lạc nhịp, tâm hồn ta đã thôi hân hoan, bên trong ta cũng không còn “chết” nữa; khi những gì là “màu hồng” bắt đầu phai nhạt, khi tuần trăng mật kết thúc; khi đời sống thường nhật, cùng với nhau, chính thức bắt đầu.


Cá nhân mình cho rằng đây là một tin tốt lành!

Nó lãng mạn một cách thực tế, không hề cường điệu, và cũng không hề “giả trân” (pretentious).


Bởi lẽ, nếu chúng ta đều đã được biết trước về chuyện tình yêu thực sự sẽ chỉ có thể bắt đầu sau khi ta đã hiểu đối phương một cách rõ ràng hơn – ấy là sau khi ta đã chứng kiến cả những gì là tốt đẹp và xấu xí ở họ – thì chúng ta sẽ đều có thể chuẩn bị sẵn tinh thần (brace ourselves), và sẽ không bỏ cuộc.


Hy vọng rằng sẽ không còn nữa những suy nghĩ kiểu như “Ôi, tôi không còn thấy người ấy đáng yêu và dễ thương nữa, cuộc tình này kết thúc rồi!”, hoặc “Ôi, người này hóa ra lại đầy khuyết điểm và chẳng ngầu chút nào, cuộc tình này kết thúc rồi!”

Nếu chúng ta có thể toàn tâm toàn ý (wholeheartedly) với những cam kết, những hành động và những quyết định gắn liền với tình yêu – như 6 gợi ý kể trên – thì mình tin rằng các mối quan hệ của chúng ta sẽ không chỉ đơn giản là “sống sót” qua hoạn nạn; mà chúng ta sẽ học được cách để thích nghi (adapt), chiến thắng (overcome), và trở nên mạnh mẽ hơn (thrive) sau mỗi thử thách.


Mọi nụ hôn đều có thể có ý nghĩa như là nụ hôn đầu.

Mọi món quà đều có thể giá trị như một chiếc nhẫn cầu hôn.

Mọi chuyến đi đều có thể ngọt ngào như một tuần trăng mật.


Trong một mối quan hệ mạnh mẽ, những gì mà chúng ta chia sẻ với nhau không thực sự nhất thiết cứ phải là “lần đầu tiên” và là “lần duy nhất” mới khiến chúng trở nên đặc biệt các bạn à.


Mình hy vọng rằng bài viết này đã có thể giúp bạn có được một vài gợi ý tích cực để xây dựng và phát triển các mối quan hệ có ý nghĩa nhất trong đời sống cá nhân của bạn.


Có lẽ sẽ là có ý nghĩa hơn nhiều, đồng thời là đúng bản chất của vấn đề hơn, nếu từ giờ thay vì nói “Tôi đang yêu…”, chúng ta sẽ có thể bắt đầu nói câu “Tôi đang cố gắng học cách để yêu…” thường xuyên hơn.

Với một vài cái tên được bạn quan tâm nhất điền vào dấu ba chấm ấy.


Và, để có thể bắt đầu trở thành một người yêu tốt, mình khuyên bạn, hãy bắt đầu từ việc trở thành một người tốt.


Chúc bạn sẽ có một ngày Valentine hạnh phúc <3


“Keep Moving Forward”

Chấp bút và minh họa: Tom

0 lượt xem0 bình luận

Bài đăng gần đây

Xem tất cả
Bài đăng: Blog2 Post
bottom of page