top of page

Xây dựng một chiếc điện thoại không gây nghiện – Hành trình cai nghiện mạng xã hội.



Bài viết này được truyền cảm hứng từ cuốn sách Make Time: Quản lý thời gian hiệu quả, tác giả sách Jake Knapp và John Zeratsky.


Trong cuốn sách Make Time, tác giả Jake Knapp có chia sẻ:

Cái điện thoại trong túi áo đã từng mời gọi tôi như cái cách chiếc Nhẫn có sức hấp dẫn với Bilbo Baggins. Bất kể khi nào tôi cảm thấy tẻ nhạt dù chỉ một chút, chiếc điện thoại sẽ xuất hiện trong lòng bàn tay tôi như một phép thuật. Giờ đây, không có những ứng dụng cám dỗ, tôi cảm thấy đỡ bồn chồn hơn. Vào những khoảnh khắc khi tôi dùng điện thoại một cách bản năng, tôi buộc mình phải dừng lại – hóa ra những lúc như thế sau này lại không buồn chán như tôi nghĩ.

Những chia sẻ trên thực sự đúng là đã nói thay tiếng lòng cho một người nghiện sử dụng điện thoại, hay cụ thể là nghiện mạng xã hội, như mình.


Cho đến tận chưa đầy 2 năm trước, mình vẫn còn là một người sống mòn với thói xấu ngồi lướt điện thoại cả ngày của mình.

2 năm về trước, việc mình lướt mạng xã hội từ 4-5 tiếng một ngày là chuyện thường tình. Mình ăn có điện thoại, ngủ có điện thoại, làm có điện thoại, ngồi toilet có điện thoại, thậm chí là đi từ phòng này sang phòng khác trong khi vẫn đang dán mắt vào cái điện thoại.


Ồ, đúng là video của những chú mèo thì rất dễ thương, nhiều meme rất hài hước, nhiều drama để hít hà, nhiều quảng cáo để bị che mắt và reel thì là vô cùng vô tận, xem mãi không bao giờ hết được content.

Với tất cả những sự “giải trí” trên, hồi đó mình đã không hiểu vì lý do gì mà đến cuối ngày, mọi thứ mình cảm nhận được chỉ luôn là một sự trống rỗng từ bên trong.


Khi màn hình điện thoại tắt đi, mình cảm thấy như mình cũng không còn lại gì.

Mọi nỗi lo sợ vẫn còn đó. Mọi công việc vẫn dở dang. Và sự cô đơn lập tức quay trở lại để ám ảnh mình.


Đó là lúc mình nhận ra là bản thân mình có vấn đề.

Mình nhận ra cuộc sống của mình đã trở nên thụ động đến nhường nào. Đến cả cái cách mình giải trí cũng đã chuyển sang thụ động một cách thảm hại.


Mình nhận ra rằng, những khi mình ngồi lướt điện thoại cả tiếng đồng hồ như vậy là khi mình đang “chờ để được giải trí”, chứ không phải là mình “đang giải trí”.

Mình cứ lướt và lướt, với một “hy vọng ảo” rằng bài post tiếp theo sẽ hài hước, rằng video tiếp theo sẽ thú vị, và rằng các nền tảng mạng xã hội sẽ “tới và giải cứu” mình khỏi những cảm xúc tiêu cực đang ám ảnh mình – những cảm xúc mà phần lớn là do chính mạng xã hội gây ra.


Mình vẫn nhớ lần đầu tiên mình được tiếp cận với Facebook là khi mình vẫn còn đang trong độ tuổi vị thành niên.

Mạng xã hội này đã khiến mình vô cùng ngạc nhiên bởi các tính năng kết nối tuyệt vời của nó. Mình có thể trò chuyện với bạn bè của mình ở bất cứ đâu. Mình có thể chia sẻ những kỷ niệm đẹp với gia đình. Mình có thể tham gia vào những hội nhóm của những người chung sở thích.

Ngày đó mọi thứ thật đơn giản biết bao, khi mạng xã hội vẫn còn là một công cụ để kết nối chúng ta, chứ không phải là một sản phẩm tạo ảo giác và đánh lạc hướng con người khỏi cuộc sống thật.


Vậy, mình đã làm thế nào để tự thân cai nghiện mạng xã hội?

Một trong những kiến thức xây dựng thói quen tốt, loại bỏ thói quen xấu đầu tiên mà mình học được chính là: Thay đổi môi trường.


Trong cuốn sách Atomic Habits, tác giả James Clear có chia sẻ rằng:

Nếu bạn muốn biến thói quen trở thành một phần cuộc sống, hãy làm cho tín hiệu trở thành một phần to lớn trong môi trường. Các hành vi bền vững nhất thường có nhiều hơn một tín hiệu kích hoạt.

Với trường hợp của thói nghiện mạng xã hội, ý mình không phải là “Đổi từ ngồi ở nhà sang ngồi quán cà phê để lướt mạng” đâu nha.

Với thói nghiện mạng xã hội, mình phải thay đổi môi trường ở bên trong chính chiếc điện thoại của mình.


Có lẽ khi đọc đến đây, bạn cũng đoán được mình đã làm gì rồi ha?

Mình đã xóa hết tất cả các ứng dụng mạng xã hội. Xóa cả các trình duyệt. Xóa cả các app tin tức và giải trí khác, như YouTube hoặc Gmail chẳng hạn.

Nếu bạn muốn liên hệ với mình qua điện thoại thì bạn sẽ chỉ có thể gọi điện hoặc nhắn tin qua mạng di động cho mình mà thôi.


Những việc trên, nghe thì có vẻ dễ, nói cũng dễ, nhưng làm thì đúng là khó.

Đối với một kẻ nghiện mạng xã hội lâu năm như mình, khoảng thời gian “ngồi xóa app” đó đúng là khổ cực và đầy thử thách.

Sự thật là ngày đó mình đã phải mất gần hai tuần lần lữa mới có thể xóa hết được những app mà mình đáng nhẽ ra nên xóa dứt điểm trong 1 lượt mà thôi.


Khi cái câu hỏi “Bạn có chắc chắn muốn gỡ bỏ ứng dụng này không?” hiện lên, mình có thể cảm nhận được tất cả sức lực của mình dồn vào ngón tay chỉ để cố gắng chống lại ý định ấn chữ “Không” vô cùng mạnh mẽ trong tâm trí mình.


“CÓ! TÔI MUỐN GỠ BỎ! TÔI MUỐN XÓA NGAY! TÔI MUỐN ĐƯỢC THAY ĐỔI!!!”

Mình đã tự nhủ với bản thân như vậy đấy.


Có lẽ nhiều bạn sau khi đọc được câu chuyện xóa app ngốc nghếch của mình sẽ nghĩ: “Không sống được với điện thoại thông minh thì sao không đổi sang dùng điện thoại đen trắng luôn đi?”


Bản thân mình cũng đã không ít lần nhận được câu hỏi tương tự từ những người bạn nghe mình tâm sự về thói xấu lạm dụng mạng xã hội của mình.

Và câu trả lời của mình đơn giản là: Vì ngay cả khi mình đã xóa hết những ứng dụng cám dỗ, một chiếc điện thoại thông minh vẫn là một thiết bị hữu ích vô cùng và đáng để sở hữu.


Tại sao ư?

Điện thoại thông minh có thể dùng thay cho cuốn sổ tay ghi chép lịch trình của mình.

Nó có thể dùng thay cho tập giấy note để ghi chú nhanh vào những lúc cần kíp.

Nó có thể trở thành tấm bản đồ chỉ đường, bởi mình cũng thuộc nhóm mù đường, hehe.

Nó có thể chứa cả trăm cuốn sách, giúp mình tiết kiệm không gian sống và cả chi phí mua sắm.

Nó cho phép mình nghe nhạc, nghe podcast, nghe sách nói.

Camera của nó cũng sắc nét và ấn tượng không kém gì so với những chiếc máy ảnh tầm trung.


Như hai tác giả của cuốn sách Make Time có viết:

Điện thoại thông minh có hàng tá ứng dụng hỗ trợ cuộc sống mỗi ngày mà không làm mất thời gian của chúng ta.

Nếu như bỏ lại hết tất cả những lý lẽ và hùng biện lại phía sau, mình sẽ thú nhận với bạn rằng mình vẫn yêu chiếc điện thoại của mình.

Ai mà lại không trân trọng món đồ đắt tiền nhất trong túi của mình cơ chứ.


Điện thoại thông minh, dẫu cho quan điểm của bạn về nó có ra sao, vẫn là một sản phẩm công nghệ tuyệt vời và có lẽ là không thể thiếu trong thời đại ngày nay.


Phải, đúng là mình yêu nó, nhưng cũng giống như với mọi thứ tình yêu khác, mình hoàn toàn không còn muốn lúc nào cũng phụ thuộc vào mọi thứ mà nó có.

Mình muốn sử dụng điện thoại, chứ không phải là lạm dụng điện thoại nữa.


Vậy nên, nếu như bạn cũng đồng tình với quan điểm sử dụng điện thoại của mình và nếu như bạn cũng đang gặp nhiều khó khăn trong việc kiểm soát cuộc sống bởi thói xấu lạm dụng điện thoại, hay lạm dụng mạng xã hội, vậy thì bài viết này là dành cho bạn.


Với một chiếc điện thoại không gây nghiện, mình tin rằng chúng ta có thể quay ngược thời gian về thời đơn giản hơn, khi công nghệ di động vẫn còn là một công cụ giúp kết nối chúng ta, chứ không phải là những sản phẩm tạo ảo giác và đánh lạc hướng con người khỏi cuộc sống thật.


Một chiếc điện thoại không gây nghiện, đúng như tên gọi, sẽ là một thiết bị hữu ích với cuộc sống của bạn nhưng cũng sẽ không trói buộc bạn.

Bạn có thể sử dụng nó thỏa thích, dùng xong thì bạn sẽ có thể dễ dàng đặt nó xuống, và bỏ nó lại phía sau để tận hưởng các giá trị ý nghĩa hơn trong cuộc sống như sở thích, tình cảm và các mối quan hệ xã hội.


Trong bài viết này, mình chia sẻ với bạn những gì mình đã làm để xây dựng một chiếc điện thoại không gây nghiện và từ đó bắt đầu hành trình cai nghiện mạng xã hội của mình.

Một lần nữa, mình muốn nhắc lại, những điều mình sắp chia sẻ dưới đây, nghe thì có vẻ dễ, nói cũng dễ, nhưng làm thì sẽ khó hơn.


Vậy nên, nếu bạn thực sự nghiêm túc với hành trình cải thiện tình trạng lạm dụng điện thoại, mình nghĩ bạn có thể tự coi như đây là một thử thách lành mạnh để tìm ra và mở rộng giới hạn cho bản thân đó.


I – Nút “gỡ bỏ” chính là nút bật chế độ “không gây nghiện”

Sau đây là những gì mình khuyên bạn nên gỡ bỏ, hoặc xóa bỏ, trong điện thoại của bạn để xây dựng một chiếc điện thoại không gây nghiện cho riêng bạn.


1. Xóa các ứng dụng mạng xã hội

Đầu tiên, xóa Facebook, Instagram, Twitter, Snapchat, Reddit, Zalo và vân vân mây mây.

Mình khuyến khích bạn hãy ngồi xóa trong một lèo luôn thì hơn, đừng lần lữa như mình hồi trước.


Bạn cũng đừng lo lắng quá. Nếu bạn đổi ý, thì cũng rất dễ để cài đặt lại những ứng dụng này mà.


2. Xóa tất cả những trò gây nghiện khác.

Nhóm này bao gồm có các loại trò chơi, các ứng dụng xem phim như Netflix hoặc xem video như YouTube, và cả các ứng dụng cập nhật tin tức như Gmail.


Nhiều bạn bè của mình chia sẻ rằng nhóm này “khó xóa” hơn nhóm mạng xã hội.

Có lẽ do phần lớn mọi người đều đã biết chuyện “mạng xã hội có thể gây nghiện” rồi, nên mức độ sẵn sàng xóa bỏ của họ dành cho mạng xã hội cũng cao hơn so với những ứng dụng khác như YouTube.


Tuy nhiên, nếu như bạn có bao giờ bắt gặp các em nhỏ ngồi xem YouTube cả buổi mà không chớp mắt thì có lẽ bạn cũng đã biết các ứng dụng kiểu này cũng có thể gây nghiện nhiều đến thế nào rồi đó.


Bất kỳ thứ gì có nguồn thông tin và content hấp dẫn bất tận đều nên bị xóa.

Nếu bạn có xu hướng update nó một cách mù quáng và/hoặc mất hàng tiếng đồng hồ xem vô thức, hãy xóa nó đi.


3. Xóa trình duyệt web

Trình duyệt web được hai tác giả của cuốn sách Make Time gọi là “con dao hai lưỡi của sự cám dỗ”.

Nó là nơi mà bạn có thể tìm tới để sử dụng thay thế cho ham muốn được truy cập vào mạng xã hội hoặc các trò gây nghiện khác, vậy nên, mình khuyến khích bạn cũng hãy xóa nó đi.


4. Giữ lại mọi thứ khác

Như mình đã chia sẻ ở trên, vẫn có rất nhiều ứng dụng điện thoại tuyệt vời khác mà không gây nghiện, hay tạo ra các cám dỗ thiếu lành mạnh – chúng là những ứng dụng giúp cuộc sống của chúng ta tiện lợi hơn mà không kéo chúng ta vào mê đắm.


Một số ứng dụng mình cho rằng khá là vô hại bao gồm có:

  • Các ứng dụng hỗ trợ quản lý cuộc sống. Ví dụ như Notion, Google Calendar.

  • Các ứng dụng hỗ trợ học tập, làm việc. Ví dụ như Google Docs, Google Sheets, Google Meet.

  • Các ứng dụng nghe nhạc, nghe podcast. Ví dụ như Spotify.

  • Các ứng dụng di chuyển, mua sắm tiện ích. Ví dụ như Tiki, Grab.

  • Các ứng dụng tiện ích đời thường khác. Ví dụ như lịch, bản đồ, thời tiết.


Lời khuyên của hai tác giả cuốn sách Make Time là:

Nếu ứng dụng đó chỉ là công cụ hoặc nếu nó không khiến bạn mất ăn mất ngủ, thì hãy giữ lại.

II – “Cài đặt” những thói quen tốt để thay thế.

Trong cuốn sách Đừng chết trên giảng đường, tác giả Hải Thắng có chia sẻ bài học rằng:

Cách tốt nhất để từ bỏ một thói quen xấu: Thay thế nó bằng một thói quen tốt.

Đứng từ góc nhìn của khoa học mà nói, việc sử dụng điện thoại và các loại hình mạng xã hội có thể dẫn tới tình trạng nghiện là do chúng kích thích cho cơ chế trao thưởng (reward system) của não bộ sản sinh ra Dopamine.


Dopamine là chất dẫn truyền thần kinh chịu trách nhiệm cho các trạng thái cảm xúc liên quan đến sự “sung sướng” hoặc “thoải mái”.

Đây cũng là chất được bộ não sản xuất ra khi ta ăn ngon, quan hệ tình dục, uống rượu bia, bài bạc,...


Dopamine sẽ được sản sinh ngay khi não bộ của bạn tiếp nhận được tín hiệu cho thấy nó “có thể” sắp được trao thưởng.

Nó chính là nguồn cơn của sự thèm thuồng hoặc ham muốn (craving).


Nếu như bạn đã thành công trong việc tạo ra chiếc điện thoại không gây nghiện của riêng bạn nhờ làm theo những bước ở mục trên, thì có lẽ bạn sẽ nhận ra có 2 vấn đề khó chịu sau đây:

  • Thứ nhất, cơn thèm được sử dụng điện thoại và sử dụng mạng xã hội ở trong bạn sẽ thường xuyên nổi lên và khiến bạn bồn chồn, hay thậm chí là căng thẳng.

  • Thứ hai, bạn không biết phải làm gì với những khoảng thời gian được giải phóng sau khi đã cách ly bản thân khỏi mạng xã hội.


Để giải quyết cho cả hai vấn đề trên, mình khuyến khích bạn hãy bắt đầu xây dựng những thói quen tốt giúp bạn phát triển bản thân và sử dụng thời gian trong ngày một cách hiệu quả.


Cá nhân mình đã lựa chọn thói quen đọc sách để thay thế cho thói quen sử dụng điện thoại của mình.

Mỗi khi cơn “thèm” nổi lên, thay vì cầm cái điện thoại lên, mình sẽ cầm cuốn sách lên và đọc nó.


Mình thấy đây là cách rất hiệu quả để điều hướng cơn thèm muốn của bạn sang một mục tiêu khác lành mạnh hơn.

Thời gian mình bỏ ra để đọc sách cũng thường đem lại những hiệu suất bổ ích hơn rất nhiều so với thời gian lướt mạng xã hội.


Xem thêm: 4 lời khuyên giúp bạn xây dựng thói quen đọc sách mỗi ngày.


Đương nhiên, việc lựa chọn thói quen tốt nào để thay thế cho thói quen dùng điện thoại cũng hoàn toàn phụ thuộc vào sở thích và tính ứng dụng của thói quen đó vào đời sống cá nhân của bạn.

Một số thói quen tốt khác mà mình rất đề cao bao gồm có:

  1. Tập thể dục, thể thao

  2. Viết, vẽ hoặc chơi nhạc

  3. Làm việc nhà

  4. Thiền


Xem thêm: 6 thói quen ý nghĩa đã thay đổi cuộc sống của mình!


III – Tận hưởng cuộc sống với chiếc điện thoại không gây nghiện của bạn

Điều đầu tiên mình nhận ra sau khi đã quen với cuộc sống cùng với chiếc điện thoại không gây nghiện đó là mình có nhiều thời gian hơn và khả năng thưởng thức cuộc sống của mình cũng được bồi đắp.

Mình nhận ra mình đã từng phí hoài thời gian một cách vô ích đến nhường với chiếc điện thoại luôn khư khư trong tay.


Chẳng cần phải nói đâu xa, đơn giản như là thời gian ăn cơm thôi chẳng hạn.

Trong quá khứ, sau khi các món ăn đã được bày biện ra đầy đủ rồi, mình thường tốn thêm từ 5 cho đến 20 phút tiếp theo chỉ để tìm ra một video YouTube thú vị nào đó để xem trong khi ăn.

Bữa ăn cùng YouTube của mình cũng thường kéo dài tới hơn 1 tiếng đồng hồ. Sau khi ăn xong, mình cũng thường nán lại bàn ăn để “xem nốt”, vậy là lại tốn thêm nhiều thời gian nữa.


Mình nhận ra cuộc sống sinh hoạt với chiếc điện thoại luôn khiến cho mọi hoạt động bị kéo dài hoặc trở nên ì ạch, chậm chạp.

Hiện tại, mình vẫn dùng điện thoại khi ăn, nhưng mình dùng để nghe podcast, và mình cũng để nó ra xa chứ không để ngay trước bát cơm như ngày trước nữa.

Bữa cơm của mình hiện tại thường chỉ diễn ra trong khoảng 20 phút.


Không còn bị chiếc điện thoại phân tâm, bữa cơm của mình không chỉ nhanh gọn hơn mà còn chất lượng hơn.

Mình ăn thấy ngon miệng hơn và cũng thường ăn nhiều hơn, nhờ vậy mà mình không còn để thừa thức ăn nhiều như ngày trước nữa.


Mình bắt đầu chú ý tới sự khác biệt của các món ăn mình nấu. Giờ đây, mình thậm chí còn có thể nhớ được cả mùi vị của món mình nấu tuần trước để so sánh với cùng món đó mà mình nấu trong tuần này.

Dù chưa có những dấu hiệu rõ ràng, nhưng mình hy vọng sự thay đổi về khả năng chú ý mùi vị này sẽ có thể giúp mình lên tay trong nhiệm vụ nấu ăn hằng ngày.


Mình nghĩ sự kỳ diệu của thời gian thực sự nằm ở khả năng cộng dồn mang tính dây chuyền của nó.

Ví dụ như thời gian ăn giảm đi thì cũng thường giúp mình có thêm thời gian để nghỉ ngơi sau khi ăn.

Mình có thêm thời gian để ngủ trưa, nhờ đó mà mình có thêm thời gian để đọc sách, rồi mình lại thêm thời gian để viết lách, rồi thêm thời gian để vẽ vời, rồi thêm thời gian để tập thể dục.

Và đến cuối ngày, tất cả những sự “thêm thời gian” trên lại thường giúp mình có thêm thời gian hơn nữa để đi ngủ sớm. Khi mình ngủ sớm, mình sẽ dậy sớm và vậy là mình lại có thêm thời gian để làm việc này việc nọ.


Cuộc sống với chiếc điện thoại không gây nghiện, đối với mình, cũng là cuộc sống bớt âu lo hơn và giàu tình cảm hơn.

Mình đã có thể trở nên cởi mở hơn với gia đình về các vấn đề cá nhân. Mình không còn nhiều mối quan hệ xã hội, nhưng bù lại thì tình cảm với những người bạn thân thiết cũng trở nên sâu đậm hơn.

Và cũng không còn nữa những buổi cà phê mà cả nhóm ai nấy cũng đều chỉ nhìn điện thoại, haha.


Cuộc sống không còn bị trói buộc bởi những nút like và dòng comment, đối với mình, chính là một cuộc sống tự do hơn và ý nghĩa hơn.

Mình làm việc hiệu quả hơn và chuyên tâm hơn. Mình tập trung hơn vào việc học những kỹ năng mới thay vì chỉ đơn giản là chấp nhận bản thân như hiện tại.


Vẫn còn rất nhiều điều thú vị nữa mà cuộc sống cùng với chiếc điện thoại không gây nghiện đã, đang và sẽ đem lại cho chúng ta.

Mình tin rằng đây là những trải nghiệm ý nghĩa mà tất cả chúng ta nên tự trải nghiệm để học hỏi từ đời sống cá nhân.


IV – “Tái cài đặt”

Vào tháng 9 năm 2021, sau 6 tháng sống cùng với chiếc điện thoại không gây nghiện, mình đưa ra quyết định sẽ cân nhắc tái cài đặt một số ứng dụng mạng xã hội về điện thoại của mình.


Quá trình bạn tận hưởng cuộc sống với chiếc điện thoại không gây nghiện cũng thường là quá trình giúp bạn hiểu hơn về bản thân.

Ở cá nhân mình, đây là quá trình đã giúp mình thực sự nhận ra là mình thích gì và không thích gì; phân biệt những gì mình cần và những gì mình muốn.


Mình biết là các bạn đang nghĩ gì.

Ở trên mình vừa khuyên các bạn xóa đi, rồi giờ mình lại bảo là mình sẽ tái cài đặt lại. Đúng là bõ công vô ích.


Trước hết, mình muốn khẳng định là nếu như bạn đã trải qua cả 3 bước I, II và III ở trên thì sẽ chẳng có gì là bõ công vô ích cả đâu.

Giờ, bạn đã nhận ra là bạn không còn cần có mạng xã hội để sống một cuộc sống vui vẻ và đầy tính kết nối. Một ngày của bạn giờ đây cũng đã được lấp đầy bởi các thói quen tốt khác, chúng đem lại những tính thưởng thức trong cuộc sống mà chẳng có app nào thay thế được nữa rồi.


Thứ hai, đây là lời khuyên được mình rút ra từ một trong những nguyên tắc sống tối giản của mình.

Trong cuốn sách Lối sống tối giản của người Nhật, nguyên tắc này được tác giả Sasaki Fumio gọi là “Giả vờ” vứt thử.

Tác giả viết:

“Giả vờ” vứt thử có nghĩa là bạn thử kéo khoảng cách với các món đồ của mình và xem xét lại mối quan hệ giữa mình với đồ đạc.

Trong suốt thời gian qua, chiếc điện thoại không gây nghiện đã giúp mình tạo ra khoảng cách với các ứng dụng điện thoại gây nghiện và từ đó mình học được nhiều bài học về việc ứng dụng nào là ứng dụng mình “cần” và ứng dụng nào là mình “thèm muốn”.


Mình cũng khuyên bạn, nếu như muốn tái cài đặt, thì hãy phân biệt rõ ràng giữa sự “cần” và sự “muốn” của bạn.

Hãy cẩn thận, bởi lẽ “muốn” và “cần” rất dễ bị nhầm lẫn với nhau. Đôi khi, cái “muốn” nó thậm chí còn khôn khéo ngụy trang thành cái “cần” để nó dụ dỗ bạn cài đặt lại những thói quen xấu vào cuộc sống đấy.


Sau khi đã cân nhắc cẩn thận, mình quyết định sẽ tái cài đặt lại Instagram và Gmail.

Sự thật là mình đã rợn hết tóc gáy khi nhìn thấy cái logo Instagram trên app store.

Mình đã lo sợ rằng nhỡ đâu mình sẽ lại “ngựa quen đường cũ”, nhỡ đâu “mèo lại hoàn mèo” thì phải làm sao đây.


“Không sao hết!” – Mình nghĩ.

“Giờ mình đã là một con người mới, với những mindset mới. Trong trường hợp tệ nhất là các dấu hiệu lạm dụng bắt đầu trở lại, mình biết chính xác mình sẽ phải làm gì để một lần nữa tự thân cải thiện tình trạng đó. Vậy nên, cũng không có gì phải lo sợ.”


V – Hướng dẫn sử dụng chiếc điện thoại “có thể” gây nghiện

Do bản chất của thói quen là dựa trên các cơ chế sinh-hóa học của cơ thể nên bạn cũng có thể hình dung cơ chế vận hành của thói quen giống như là một phản ứng hóa học vậy.

Chỉ cần gặp các điều kiện phản ứng phù hợp thì phản ứng hóa học sẽ xảy ra.


Giờ, điện thoại của bạn đã lại có một số ứng dụng gây cám dỗ, nghĩa là các điều kiện để châm ngòi cho thói quen xấu cũng đã trở lại.

Dù cho mình cũng khá tự tin vào khả năng tự kỷ luật của bản thân, nhưng để phòng hờ thì mình vẫn thực hiện thêm một số bước sau đây.


1. Từ chối nhận thông báo

Dù cho bạn có thử dùng phương pháp xây dựng chiếc điện thoại không gây nghiện hay không, thì mình tin rằng lời khuyên này cũng vẫn nên được bạn áp dụng.


Theo mình, thông báo không phải bạn bè của bạn đâu. Chúng là những tên trộm liên tục cướp đi sự tập trung của bạn đó.

Đang ngồi học hoặc đang làm việc mà chỉ cần cái điện thoại lên tiếng “Ting!” một cái thôi là chúng ta đã lập tức bị sao nhãng rồi.


Tắt thông báo cũng rất đơn giản thôi.

Vào phần cài đặt trong điện thoại của bạn, tìm danh sách thông báo, tắt thông báo của từng ứng dụng.


2. Đăng xuất

Gõ tên đăng nhập và mật khẩu là chuyện vô cùng rắc rối, vậy nên các website và ứng dụng đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ khi để bạn không còn phải làm điều đó nhiều lần nữa.

Mọi thứ bạn cần làm là ấn vào icon và thế là thế giới content gây nghiện sẽ tràn vào màn hình điện thoại của bạn, thật quá đỗi dễ dàng.


Hãy khiến cho thói quen xấu phải gặp khó khăn bằng nút đăng xuất.

Khi bạn dùng xong Facebook, Instagram, hay bất cứ mạng xã hội nào, hãy đăng xuất ra.


Và nếu cái điện thoại có hỏi “Bạn có muốn ghi nhớ tài khoản trên thiết bị này không?”, đừng ấn “Có” nhé.


3. Dọn dẹp màn hình điện thoại

Mình bỏ hết tất cả những ứng dụng cám dỗ trong điện thoại của mình vào một nhóm và đặt tên nhóm đó là “GÂY NGHIỆN!”

Mình cũng đồng thời phân loại và nhóm các ứng dụng có chung mục đích sử dụng vào với nhau. Ví dụ như Học tập, Làm việc, Tiện ích,...


Mục tiêu của mình là để cho màn hình chính được trống trơn, không có bất cứ một ứng dụng nào hết.

Mình muốn khi mình mở điện thoại lên, thì thứ mình nhìn thấy đầu tiên và duy nhất sẽ là gương mặt béo tròn của chú mèo mình nuôi.


Vì vậy nên mình đã đầy hết tất cả các nhóm ứng dụng không gây nghiện sang màn hình thứ 2, và đẩy nhóm gây nghiện sang màn hình cuối cùng.

Phương pháp này tạo nên sự bất tiện một cách cố ý, nhờ đó mà mình cảm thấy tự chủ hơn và sử dụng các ứng dụng điện thoại cũng có chủ đích hơn.


4. Sắp xếp khung giờ online

Nếu như bạn đã theo dõi kênh blog của mình một thời gian rồi, thì có lẽ bạn cũng đã chú ý là mình thường đăng bài trong một khung thời gian nhất định.


Do mình đã có thói quen quản lý thời gian nên việc sắp xếp thời gian để online cũng là một chiến lược hiệu quả giúp mình sử dụng mạng xã hội một cách cẩn trọng hơn.


“Keep Moving Forward”

Chấp bút: Tom.


4 lượt xem0 bình luận

Bài đăng gần đây

Xem tất cả
Bài đăng: Blog2 Post
bottom of page