top of page

Vì sao bạn thức khuya thế?



Ở một mức độ nhất định, ta hoàn toàn có thể nói rằng đa số những vấn đề nghiêm trọng nhất mà chúng ta gặp phải trong ngày đều có thể được truy ra nguồn gốc từ một sự thật đơn giản đến mức ngạc nhiên, đồng thời cũng dễ bị bỏ qua đến mức có phần đáng xấu hổ, đó là: Ta đã không ngủ đủ giấc vào đêm hôm trước.


Sự thật này, cũng giống như bao sự thật khác, dù có thể đã được bạn đọc lên với một chất giọng đầy ân cần và cảm thông, nhưng nó vẫn rất dễ gây nên hiểu lầm, hay thậm chí là gây phật lòng.


Chắc chắn mỗi người chúng ta đều có những vấn đề lớn hơn cần phải quan tâm, bất chấp cho cảm giác mệt mỏi đã kéo xuống nặng trĩu trên đôi khóe mắt thâm quầng.


Chúng ta – những người thường xuyên trằn trọc, những người hay phải lo nghĩ, những người mà 24 giờ/ngày dường như là không đủ, những người phải định giá hai chữ “chăm chỉ” bằng những đêm thức trắng – có lẽ, đều đang phải đương đầu với những rào cản đích thực trong cuộc sống.


Đó có thể là do vấn đề tài chính, hoặc do rối ren chính trị.

Đó có thể là do rắc rối công việc, hoặc do căng thẳng trong gia đình.

Đó có thể là do đứa con mới lọt lòng, hoặc do một mối tình vừa tan vỡ.

Đó có thể là do nỗi lo sợ về một sự kiện chưa tới, hoặc do nước mắt từ một chuyện đã qua.


Đây đều là những khó khăn thực sự, điều đó không ai có thể bàn cãi, hay thay đổi.


Nhưng, điều mà chúng ta thường gặp nhiều trắc trở hơn cả để tự nhận thức và tự nhắc nhở bản thân, đó là mức độ khôn khéo (sharpness), can đảm (courage) và can trường (resilience) mà ta có thể bộc lộ khi đương đầu với những khó khăn trên, phần nhiều, đều không phụ thuộc vào những kỹ năng hay mức độ quyết tâm mà ta có khi ấy.


Tất cả những nhân tố quan trọng trên, thực ra, lại phụ thuộc vào một vài điều căn bản nhất, mà cũng đồng thời dễ bị ngó lơ nhất trong tâm trí của những con người đang trong thế bí.


Ấy là những điều như:

Lần cuối cùng bạn có một bữa ăn đích thực là khi nào?

Ngày hôm nay bạn đã uống đủ nước chưa?

Và cuối cùng, nhưng cũng không kém phần quan trọng, đêm qua bạn đã ngủ được bao nhiêu giờ đồng hồ?


Rất nhiều người có lẽ sẽ không thích cách nhìn nhận và lối phân tích vấn đề nghe có phần “ngây thơ” như thế này.


Với nhiều người, nó nghe như một “sự xúc phạm” dành cho phẩm giá của những “người trường thành đầy trách nhiệm”, một “sự phản bội” dành cho tất cả những lời dạy về “tính năng suất” (productivity) từ thế hệ đi trước, và có lẽ, nó thậm chí còn là mầm mống của “sự lười biếng”, “sự ỷ lại”, “sự nhụt chí”, hay “sự yếu đuối”.


Rất nhiều người trong chúng ta cũng vì thế mà còn chưa hề nhận ra rằng dáng vẻ u ám mà ta thường mang trên mặt, tính khí dễ cáu bẳn mà ta thường bộc lộ, và cả những ý nghĩ đầy sầu não mà ta thường mang trong lòng, có lẽ đều có nguyên nhân xuất phát từ sự kiệt sức (exhaustion) mà ra.


Hay nói theo một cách khác, chúng ta đều sẽ dễ cảm thấy tự hào với những danh hiệu như “nhà nghiên cứu”, “sinh viên”, “công nhân”, “nghệ sĩ”, “nhà quản lý” hay “vận động viên”; trước khi tự nhận thức được rằng bản thân, đã và đang, là một người thiếu ngủ (sleep-deprived).


Mình xin khẳng định rằng bài viết này không hề có ý muốn xúc phạm những trách nhiệm hay biệt tài của bạn.

Mình cũng hoàn toàn không có ý muốn khuyên bạn nên phản bội lại những lý tưởng mà bạn biết về tính năng suất và sự chăm chỉ.

Sự lười biếng tiêu cực chắc chắn cũng sẽ không bao giờ có chỗ trong những bài viết của mình đâu.


Có chăng, trong cuộc sống chắc chắn vẫn còn nhiều bộn bề lo toan này, mình mong bạn hãy chú ý quan tâm tới bản thân nhiều hơn, bắt đầu từ ngày hôm nay.


Vì hạnh phúc, cuộc sống của mỗi người chúng ta đều đòi hỏi những thứ nghiêm túc và quan trọng, giả như: tiền bạc, tình yêu, sự tự do, hay địa vị.


Nhưng để được sống trong hạnh phúc, vào ngay lúc này đây, chúng ta cũng cần lắm những thứ nghiêm túc và quan trọng khác, giả như: một chế độ ăn lành mạnh, khoảng 3 lít nước lọc mỗi ngày, những đêm đẫy giấc, và thỉnh thoảng, cũng nên có thêm một vài cái ôm.


Bất cứ ai từng có phước lành được chăm sóc cho một em bé sẽ biết những điều trên quan trọng đến nhường nào.

Ngay từ ngày đầu tiên được hít thở không khí của thế giới này, những đứa trẻ đều hiểu rõ rằng mọi nỗi thống khổ nguyên sơ nhất của kiếp người dường như đều có nguồn gốc sản sinh ra từ sự mệt mỏi (tiredness), cơn đói (hunger) và cái khát (thirst).


Đó là lý do mà trẻ em khóc khi chúng đói, quấy nhiễu khi chúng khát, và lập tức chìm vào giấc ngủ ngay khi sự mệt mỏi trở nên quá mức choáng ngợp.


Đương nhiên, chúng ta giờ đã không còn là trẻ con.

Những đặc quyền tuyệt vời trên, nếu ta có từng được hưởng, thì giờ cũng đã bị tước đi từ lâu rồi.


Nhưng, nếu người lớn chúng ta có thể đặt bản thân vào một góc nhìn hồn nhiên như thế này thường xuyên hơn, mình tin rằng sẽ không có gì là “xúc phạm” hết nếu ta bắt đầu nghỉ ngơi và làm việc có khoa học hơn, uống nước lọc đều đặn hơn, ăn hoa quả và rau xanh nhiều hơn, tập thể dục thường xuyên hơn, và đừng quên nhé, hãy đi ngủ sớm hơn.


Có lẽ cũng do cơn chuếnh choáng (hangover) của tuổi thơ mà “thức khuya”, trong mắt người lớn chúng ta, đã trở thành một khái niệm nghe có vẻ rất quyến rũ (glamorous), hay thậm chí là đầy kịch tính (thrilling).


Có lẽ do cơn tò mò từ những lời cấm đoán đầy bí ẩn, hoặc cũng có lẽ do đó là một hành vi trông rất ra dáng “người lớn”, nên nhiều người trong chúng ta lớn lên với niềm tin rằng đêm khuya là lúc mà những điều hấp dẫn nhất sẽ xảy ra.


Ngày nay, với sự góp mặt của những phương tiện truyền thông luôn cố gắng cạnh tranh với nhau để tranh giành sự chú ý của chúng ta, đồng thời cạnh tranh với cả giấc ngủ của ta, hai chữ “ngủ ngon” đã và đang trở thành của hiếm có khó tìm với rất nhiều người hiện đại.


Những đêm trằn trọc trên giường, vì tất cả những lý do trên, đã trở thành chuyện thường ngày.

Và thức khuya vì công việc, vì thú vui thì đã trở thành thói quen.


Trong tâm lý học có một khái niệm gọi là Bedtime procrastination, mình sẽ tạm dịch từ này là “Trì hoãn giờ đi ngủ”.

Đây là từ để mô tả hành vi khi bạn trì hoãn giấc ngủ một cách không cần thiết và tự nguyện, trong khi đồng thời nhận thức được rằng nếu bạn không đi ngủ ngay thì sẽ gây ảnh hưởng tiêu cực tới các hoạt động của bạn vào ngày mai.


Nghe hơi “nhồn nhột” rồi ha.

Có 3 yếu tố cần thiết để việc thức khuya của bạn có thể được coi là Trì hoãn giờ đi ngủ, đó là:

  • Bạn thức khuya, hoặc hiểu đơn giản là bạn đi ngủ muộn.

  • Bạn không thực sự có một lý do chính đáng nào để thức khuya tới vậy, ví dụ như bị ảnh hưởng bởi một yếu tố khách quan nào đó, hoặc do mắc một chứng bệnh nào đó.

  • Bạn nhận thức được rằng việc bạn thức khuya thế này rồi sẽ dẫn đến những hậu quả tiêu cực.


Có nhiều nguyên nhân khác nhau có thể dẫn tới hành vi trì hoãn giấc ngủ.

Cá nhân mình tin rằng có hai nguyên nhân sau đây là phổ biến nhất.


Thứ nhất, là do thiếu tính tự chủ (self-control).

Chúng ta có thể đã luôn trì hoãn giấc ngủ bởi lẽ ta bị mất kiểm soát trước những hoạt động khiến ta cảm thấy là còn thú vị hơn cả việc đi ngủ.

Đơn cử như là lướt mạng xã hội, xem phim, hoặc chơi game.


Thứ hai, là do hậu quả của việc “không có đủ thời gian rảnh rỗi” (leisure time).

Thế giới thời hiện đại bận rộn, và có phần căng thẳng, của chúng ta hiện nay đang khiến nhiều người phải hụt hơi bởi, nói theo một cách nào đó, họ không có đủ thời gian rảnh.


Trì hoãn giờ đi ngủ là một cách để họ tìm được thời gian trong ngày cho bản thân, để giải trí và thư giãn; mặc dù điều đó cuối cùng sẽ dẫn đến việc thiếu ngủ và ít nhiều gây ảnh hưởng tới cuộc sống của họ.


Nếu như hiện tại bạn đã nhận thức được rằng bản thân đang là một người có thói quen trì hoãn giờ đi ngủ, mình hy vọng bạn sẽ có thể nương vào những chia sẻ trên để tự tìm được kế hoạch cải thiện chất lượng giấc ngủ cho bản thân.


Cũng giống như mọi bài viết khác của Tom, mình cũng đang viết những dòng này với mọi ý nguyện tốt đẹp nhất muốn gửi đến các bạn.


Trong bối cảnh năm cũ vừa qua, năm mới đã tới, mình xin chúc cho mỗi người chúng ta sẽ có thể quan tâm tới bản thân một cách tích cực hơn, đồng thời đồng cảm với mọi người xung quanh ta nhiều hơn.


Mình đã quyết định sẽ bắt đầu thực hiện điều ước này cho bản thân bằng cách rèn luyện thói quen đi ngủ sớm hơn 15 phút so với thường lệ, bắt đầu từ ngày 1/1/2023 vừa qua.


Mình mời gọi các bạn cũng hãy tham gia thực hiện điều ước này với mình, vì lợi ích của chính bản thân các bạn.


Bằng cách thực hiện một bước nhỏ này thôi, chúng ta có thể tìm về với những niềm hạnh phúc giản đơn nhất khi được ngả lưng trên chiếc giường thân thương từ sớm, khi những ánh sáng cuối cùng của một ngày sinh hoạt vẫn còn vương vấn trên phố phường ngoài kia.


Đương nhiên, những vấn đề của chúng ta sẽ không vì một vài giấc ngủ ngon mà tự nhiên biến mất, hoặc trở nên không còn quan trọng.


Nhưng, sau những giấc ngủ ngon, nguồn sức mạnh nội tại ta dùng để đương đầu với chúng, mình tin chắc rằng, sẽ tăng lên đáng kể.


Xin chúc các bạn và gia đình có một năm mới an khang thịnh vượng, vạn sự như ý.


“Keep Moving Forward”

Chấp bút và minh họa: Tom.

2 lượt xem0 bình luận

Bài đăng gần đây

Xem tất cả
Bài đăng: Blog2 Post
bottom of page