Tuần làm việc 4 giờ – 5 bài học thiết kế một cuộc sống tự do.
Tác giả sách: Timothy Ferriss
Thể loại: Sách kỹ năng, kinh doanh
Số trang: 342
Đánh giá: Khá hay!

Tuần làm việc 4 giờ có lẽ chính là một trong những cuốn sách viết về chủ đề productivity nổi tiếng nhất trên thế giới.
Mình tin rằng nó nổi tiếng không phải vì nó là cuốn sách hay nhất, mà do nó là cuốn sách “thức thời” nhất.
Xét bối cảnh cuốn sách này được xuất bản lần đầu tiên từ năm 2007, mình tin rằng các thông điệp mà nó truyền tải vẫn còn y nguyên giá trị, hay thậm chí có thể nói là “mang tính thời sự”, bởi mình nghĩ những bài học của cuốn sách này rất phù hợp với một cuộc sống “hậu covid” như hiện nay.
Mình biết rằng nhiều bạn đọc có thể sẽ cảm thấy cái tiêu đề “Tuần làm việc 4 giờ” nghe có vẻ hơi “điêu”. Trong sách, tác giả Timothy Ferriss cũng sử dụng khá nhiều từ ngữ mang tính chất cường điệu tương tự.
Mình sẽ vẫn khuyến khích các bạn nên đọc cuốn sách này.
Tuy nhiên, mình cũng khuyên bạn đừng hy vọng cuốn sách này sẽ giúp bạn có được một cuộc sống kiểu “làm việc 4 giờ/tuần” như tiêu đề đã nêu.
Thay vào đó, cuốn sách này thực ra nói về chủ đề xây dựng một cuộc sống tự do.
Theo như tác giả chia sẻ trong sách:
Mục đích ở đây là tạo ra sự tự do về không gian, thời gian và sử dụng cả hai theo bất cứ cách nào bạn muốn.
Thông điệp to lớn nhất mà mình học được từ cuốn sách này là: Cuộc sống trong mơ thực ra luôn ở gần hơn chúng ta tưởng. Và chúng ta hoàn toàn có thể tự tay thiết kế nên cuộc sống đó.
Trong bài viết ngày hôm nay, mình sẽ chia sẻ với bạn 5 bài học thiết kế một cuộc sống tự do mà mình đã rút ra được từ cuốn sách này.
Nội dung
Đây là một cuốn sách có độ dày vừa phải, với 342 trang.
Cá nhân mình thực ra cũng không hề đọc hết 342 trang này, lý do tại sao thì mình sẽ chia sẻ ở mục Cảm nhận nha.
Để bắt đầu chia sẻ về nội dung của cuốn sách này, mình nghĩ bạn nên làm quen với thuật ngữ “New Rich” (NR).
Phần lớn tất cả chúng ta đều đang sinh sống và làm việc với cùng một mô hình đã được chấp nhận rộng rãi từ lâu đời.
Đó là cuộc sống mà chúng ta cật lực làm việc suốt từ những năm tháng tuổi trẻ sung sức cho đến tận những năm ta nghỉ hưu – những năm ta không còn làm việc được nữa.
Đó là cuộc sống mà mọi kế hoạch, mọi dự định tốt cho bản thân chúng ta đều bị xếp vào danh sách “để sau”.
Đó là cuộc sống khiến chúng ta luôn nghĩ rằng: “Mình cũng muốn tận hưởng cuộc sống lắm chứ, nhưng mình cần phải làm việc trước đã.”
Ở chiều ngược lại, cuốn sách của tác giả Timothy Ferriss giới thiệu về một mô hình cuộc sống được thiết kế khác đi. Đó là cuộc sống của Nhóm Người Giàu Mới (New Rich).
Theo tác giả chia sẻ trong sách:
Nhóm Người Giàu Mới nổi là những người không chấp nhận cuộc sống liên tục bị trì hoãn và tạo ra lối sống xa xỉ ngay trong thời điểm hiện tại bằng thước đo giá trị riêng của họ: thời gian và sự linh động.
Theo như cách hiểu của mình sau khi đọc sách, thì NR là những người sở hữu một phương pháp tiếp cận mới với cuộc sống.
Họ sống một cuộc đời mà sự “nghỉ hưu” và sự “làm việc” được đan xen kết hợp với nhau, chứ không phải là “làm cả đời để chờ cuối đời mới nghỉ”.
Họ đề cao các giá trị liên quan đến tính di động (mobile) và tính linh động (flexible).
Và cũng giống như trong câu trích dẫn ở đầu bài viết, mục tiêu của những người NR là giải phóng họ khỏi sự trói buộc, cả về không gian và thời gian, với việc làm.
Nếu các bạn cần ví dụ để hình dung về đời sống NR là như thế nào thì mình tin rằng các bạn có thể nghĩ đến các anh chị YouTuber / Livestreamer nổi tiếng.
Chẳng hạn như anh Felix Kjellberg – a.k.a Pewdiepie – anh ấy là YouTuber có lượt sub cao nhất trên YouTube và hiện tại anh ấy đang sống một cuộc sống rất tự do thoải mái với gia đình ở Nhật Bản.
Là một người trẻ làm sáng tạo tự do, cá nhân mình rất ủng hộ lối sống của những người NR.
Và nếu như bạn cũng đề cao tư tưởng tự do như mình, tác giả Timothy Ferriss có chia sẻ 10 quy tắc để bắt đầu thiết kế một cuộc sống NR trong cuốn sách này.
1. 10 quy tắc thiết kế cuộc sống NR
Nghỉ hưu là giải pháp an toàn trong trường hợp tồi tệ nhất
Quy tắc này khuyên bạn không nên coi nghỉ hưu là mục đích hay sự đền bù cuối cùng cho cả một cuộc đời lao động của bạn.
Sự hứng thú và năng lượng đều có tính tuần hoàn
Bạn cần những giai đoạn làm việc và nghỉ ngơi luân phiên nhau để tồn tại và phát triển.
Các NR có mục tiêu “nghỉ hưu ngắn hạn” nhiều lần trong đời.
Quy tắc này khuyên bạn chỉ làm việc khi bạn thấy năng suất nhất, cuộc sống của bạn sẽ vừa hiệu quả vừa thoải mái hơn.
Làm việc ít hơn không có nghĩa là lười biếng
Bỏ bớt những việc vô nghĩa để tập trung làm những việc quan trọng với bản thân KHÔNG có nghĩa là lười biếng.
Quy tắc này khuyên bạn hãy tập trung để trở thành một người làm việc hiệu quả, hơn là một người bận rộn.
Kế hoạch thời gian không bao giờ chính xác
Đối với những việc quan trọng nhất thì việc tính toán thời gian cho chúng là không hiệu quả.
Quy tắc này khuyên bạn hãy nhớ rằng “sẽ không có thời điểm nào thích hợp hơn là bây giờ”. Rằng căn bệnh “Một ngày nào đó” sẽ giết chết cả bạn và giấc mơ của bạn.
Yêu cầu sự tha thứ chứ không phải là sự cho phép
Nếu việc bạn sẽ làm không ảnh hưởng quá lớn tới những người xung quanh bạn, hãy cứ làm và sau đó biện minh cho nó.
Quy tắc này khuyên bạn nhớ rằng mọi người sẽ nhanh chóng cản trở bạn trước khi bạn bắt đầu nhưng lại không muốn xen ngang nếu bạn đã thực hiện nó.
Tập trung vào điểm mạnh, đừng ra sức sửa chữa điểm yếu
Quy tắc này khuyên bạn rằng sẽ hiệu quả và vui hơn nhiều nếu bạn phát huy những lợi thế thay vì cố gắng khắc phục hết những điểm yếu của mình.
Cá nhân mình không hoàn toàn đồng ý với quan điểm này. Mình tin rằng có những điểm yếu cần được khắc phục để từ đó ta có thể phát huy điểm mạnh của bản thân.
Ví dụ như để phát triển khả năng thiết kế logo thì mình cũng đã phải đi học thêm một khóa học nhỏ về vẽ phác thảo chẳng hạn.
Cái gì quá nhiều sẽ trở thành cái đối nghịch của nó
Quy tắc này khuyên bạn nên nhớ rằng khi có quá nhiều, hay quá thường xuyên, những gì bạn muốn sẽ trở thành cái bạn không muốn.
Tiền không phải là giải pháp
Đây là quy tắc mình thích nhất. Theo tác giả, tiền có thể khiến bạn lười biếng.
Chúng ta thường nghĩ rằng “Mình sẽ không làm được việc X do mình không có đủ tiền”.
Quy tắc này khuyên bạn nhớ rằng “Giá như tôi có thêm tiền” là cách nhanh nhất để trì hoãn việc tự đánh giá lại bản thân và đưa ra quyết định cần thiết để tận hưởng cuộc sống.
Thu nhập tương đối quan trọng hơn thu nhập tuyệt đối
Thu nhập tuyệt đối được đo bằng một biến không đổi: đồng tiền.
Thu nhập tương đối được tính theo hai biến: đồng tiền và thời gian.
Trong sách, tác giả có nêu ra một ví dụ rất chi tiết giải thích tại sao 1 người kiếm được 50.000$/năm lại có thể giàu hơn 4 lần so với một người kiếm được 100.000$/năm. Các bạn hãy đọc sách để tìm hiểu thêm về ví dụ thú vị này nhé.
Lo âu căng thẳng là điều nên tránh nhưng căng thẳng tích cực là tốt
Sự căng thẳng (distress) làm xuất hiện những tác nhận có hại khiến bạn trở nên yếu đuối hơn, thiếu tự tin và giảm năng lực. Chúng ta nên tránh xa nó.
Ngược lại, sự căng thẳng tích cực (eustress) lại có lợi. Đó là những hình mẫu lý tưởng giúp bạn vượt qua giới hạn của chính mình, những bài thể dục giúp lấy đi sự mệt mỏi hay sự liều lĩnh cho phép bạn được hành động theo ý mình,...
Quy tắc này khuyên bạn rằng không có căng thẳng tích cực sẽ không có tiến bộ, càng căng thẳng tích cực chúng ta càng sớm thực hiện được ước mơ của mình.
Và đó là 10 quy tắc thiết kế cuộc sống NR được tác giả Timothy Ferriss chia sẻ trong cuốn sách này.
Trong phần còn lại của cuốn sách, tác giả đi sâu vào giải thích các bước làm sao để thiết kế ra được một cuộc sống tự do kiểu NR. Các bước này được thể hiện qua cụm từ viết tắt DEAL.
Trong đó:
D là “Definition”, định nghĩa.
E là “Elimination”, sự giản tiện.
A là “Automation”, tự động hóa.
L là “Liberation”, giải phóng.
2. Definition (Định nghĩa)
Theo tác giả Timothy Ferriss, để bắt đầu thay đổi và thiết kế một cuộc sống tự do mới, chúng ta nên đào sâu vào tìm hiểu những nỗi sợ và những ước mơ của chúng ta.
Hay nói theo cách khác, chúng ta cần phải định nghĩa lại những giá trị đang gây ảnh hưởng nhiều nhất tới cuộc sống của chúng ta, đó là nỗi sợ và ước mơ.
Nỗi sợ chính là thứ trực tiếp ngăn cản ta đổi mới cuộc sống.
Tác giả chia sẻ rằng:
Làm hay không làm? Cố gắng hay không cố gắng? Phần lớn mọi người sẽ nói không, dù họ nghĩ bản thân mình có dũng cảm hay không. Sự không chắc chắn và khả năng thất bại có thể trở thành những tác nhân rất đáng sợ. Mọi người thà chọn sự bất hạnh hơn là sự không chắc chắn.
Mình hoàn toàn đồng tình với quan điểm này của tác giả Timothy Ferriss.
Trong quá khứ, mình cũng đã từng phải “cam chịu” một công việc lương cao, một công việc dù đem lại sự “chắc chắn” cho cuộc sống của mình nhưng nó cũng khiến cho mình luôn kiệt sức và tủi hổ về bản thân.
Mọi thứ chỉ thực sự khác đi khi mình quyết định lật lại vấn đề. Mình của hiện tại là người dám thử nghiệm nhiều thứ để được làm những việc khiến mình hạnh phúc, rằng mình thà cam chịu sự không chắc chắn, còn hơn là chịu sự bất hạnh.
Một trong những câu văn mình rất thích cũng được tác giả Timothy Ferriss viết trong mục này, đó là:
Tôi chưa đạt đến giới hạn của mình; tôi chỉ đạt tới giới hạn trong kinh doanh.
Thông điệp của câu văn này là khi chúng ta quyết tâm chọn hạnh phúc thay vì cam chịu nỗi sợ sự không chắc chắn thì chúng ta cũng sẽ lựa chọn để được sống một cách trọn vẹn nhất với tất cả những tiềm năng của bản thân.
Chúng ta sẽ nhận ra rằng cuộc sống của chúng ta có nhiều hơn là chỉ có công việc, rằng giới hạn của chúng ta vẫn còn cao và xa hơn những gì chúng ta vẫn tưởng.
Mình nghĩ nhiều bạn đọc trẻ tuổi sẽ cho rằng chuyện từ bỏ một công việc tốt hiện tại để thử những thứ mới đúng là quá liều lĩnh.
Mình sẽ không phủ nhận điều đó, vì mình cũng tin rằng cách duy nhất để đánh bại nỗi sợ là sử dụng sự dũng cảm.
Tác giả Timothy Ferriss cũng chia sẻ rằng:
Trên thực tế, không có gì là liều lĩnh cả, chỉ có tiềm năng thay đổi hoàn toàn cuộc sống.
Có rất nhiều kiểu lo sợ nhưng chúng ta thường không gọi tên chính xác nỗi lo sợ đó.
Bản thân nỗi lo sợ đã rất đáng sợ.
Trong sách, tác giả Timothy Ferriss có chia sẻ với người đọc 7 câu hỏi “đương đầu với nỗi sợ”.
7 câu hỏi “đương đầu với nỗi sợ” là:
Điều bạn đang sợ để làm là gì?
Bạn sẽ bỏ lỡ những gì nếu không làm điều đó?
Tại sao bạn lại không làm điều đó?
Tình huống tồi tệ nhất có thể xảy ra nếu bạn làm điều đó là gì?
Nếu tình huống tệ nhất trên xảy ra thì bạn sẽ giải quyết thế nào?
Nếu muốn quay đầu lại thì bạn sẽ cần tới những phương pháp nào?
Bạn còn đang chờ đợi điều gì nữa?
Đây là những câu hỏi đã luôn giúp mình đưa ra quyết định một cách sáng suốt hơn mỗi khi mình phải đứng giữa nhiều lựa chọn khó khăn trong cuộc sống.
Mình vẫn nhớ khoảng thời gian khi mình mới bắt đầu xây dựng sự nghiệp viết lách tự do, mình đã rất sợ phải gửi email “xin việc” cho các khách hàng tiềm năng của mình.
Những suy nghĩ kiểu như “Nhỡ họ phát hiện ra mình chưa từng có kinh nghiệm viết lách thì sao?”, “Nhỡ họ không thích phong cách viết của mình thì sao?”, “Nhỡ họ chê bai mình thì sao?”, bla bla bla… xuất hiện trong tâm trí mình rất thường xuyên.
Nhờ trả lời 7 câu hỏi trên mà mình đã nhận ra nỗi sợ này đúng là vô lý, và thực ra nó xuất phát từ việc mình sợ bị từ chối, chứ không phải là mình sợ gửi email cho khách.
Chúng thường khiến mình nhận ra rằng “Ôi, mình chỉ toàn cả nghĩ thôi” và chúng cũng giúp mình bước đầu hình dung ra được một kế hoạch hành động nữa, quả là một mũi tên trúng hai đích.
Sau khi đã định nghĩa được những nỗi sợ cá nhân và có chiến lược để đương đầu với nỗi sợ, chúng ta sẽ tới bước tiếp theo là định nghĩa ước mơ.
Một trong những bài học mình rất thích ở mục này đó là: Thay vì nghĩ đến việc “Làm gì để hạnh phúc?”, chúng ta nên nghĩ đến việc “Làm gì để hứng khởi?”.
Theo tác giả Timothy Ferriss:
Hạnh phúc có thể được mua với một chai rượu và nó đã trở nên quá mơ hồ vì người ta thường lạm dụng ngôn từ đó.
Nếu yêu và ghét là hai mặt của một đồng xu thì hạnh phúc và nỗi buồn cũng vậy. Khóc vì hạnh phúc là một ví dụ hoàn hảo cho quan điểm này.
Trái ngược với tình yêu là sự thờ ơ, và ngược lại với hạnh phúc chính là sự nhàm chán.
Bởi vậy, tác giả kết luận:
Sự hứng khởi là từ đồng nghĩa thực tế hơn của hạnh phúc, và đó chính là cái bạn nên cố gắng theo đuổi.
Là một người rất quan tâm đến lĩnh vực tâm lý học tích cực, cá nhân mình cũng cho rằng: Hạnh phúc là một thứ rất khó để nắm bắt.
Nghĩ về hạnh phúc thôi cũng đã là một sự thử thách rồi chứ đừng nói đến việc lên 1 kế hoạch để đạt được nó.
Đương nhiên, mình tin rằng ý tác giả cũng không phải muốn nói đến sự “hứng khởi” theo kiểu “ăn chơi sa đọa”.
Mình tin rằng ý tác giả đang muốn khuyên chúng ta nên theo đuổi khía cạnh hứng thú, phấn khích của hành trình phát triển đam mê, hoặc tìm kiếm hạnh phúc.
Tác giả Timothy Ferriss thậm chí còn hướng dẫn chúng ta lên một mẫu kế hoạch cho giấc mơ rất cụ thể.
Các thông tin chính của mẫu kế hoạch này bao gồm:
Bước 1: Hãy liệt kê ra 5 điều bạn muốn có, 5 điều bạn muốn trở thành, và 5 điều bạn muốn làm. Từ đây ta sẽ có 15 “ước mơ”.
Bước 2: Chọn ra top 4 “ước mơ” từ danh sách 15 điều ở trên.
Bước 3: Lên kế hoạch hành động cho cho 4 “ước mơ” này. Lên kế hoạch sao cho bước đầu tiên trong kế hoạch của bạn phải có thể được thực hiện ngay lập tức.
Bước 4: Bắt đầu thực hiện kế hoạch ngay bây giờ. Đừng chờ đợi!
Đây là mẫu kế hoạch mà mình sử dụng để lên kế hoạch cho mục tiêu học vẽ minh họa của mình.
Mình đã lựa chọn bước đầu tiên trong kế hoạch của mình là “Tìm một giáo viên/mentor” và “Luyện vẽ mỗi ngày”.
Dù cho mới bắt đầu kế hoạch này cũng chưa lâu nhưng mình cũng đã bước đầu có được những sự tiến bộ, điều này thực sự làm mình rất vui.
So với việc thực hiện kế hoạch thì việc lên kế hoạch và xác định mục tiêu luôn dễ hơn rất nhiều.
Mình tin rằng chuyện “lên kế hoạch sao cho bước đầu tiên có thể được thực hiện ngay lập tức” chính là lý do khiến cho mẫu kế hoạch cho giấc mơ được tác giả Timothy Ferriss chia sẻ trong cuốn sách này lại trở nên hiệu quả tới vậy.
Trong sách, tác giả cũng viết rằng:
Ngày mai có thể trở thành không bao giờ. Dù công việc đó có đơn giản thế nào đi chăng nữa, hãy bắt tay vào bước đầu tiên ngay bây giờ!
Những ngôi sao sẽ không bao giờ thẳng hàng và tất cả đèn giao thông không giờ chuyển sang màu xanh cùng một lúc.
Trái đất này không chống lại bạn, nhưng nó cũng sẽ không thay đổi để mở đường cho bạn. Không bao giờ có tất cả điều kiện hoàn hảo.
Nếu bạn thấy việc nào đó quan trọng và bạn “thực sự” muốn làm ngay thì hãy làm và tự điều chỉnh những sai sót trong quá trình thực hiện nó.
3. Elimination (Sự giản tiện)
Chương sách này tập trung vào chia sẻ về quan điểm: Chúng ta nên tìm cách giản lược bớt những đầu việc đang tiêu tốn quá nhiều thời gian của chúng ta, trong khi không thực sự tạo ra nhiều giá trị ý nghĩa.
Theo tác giả Timothy Ferriss:
Đạt được nhiều thành tựu hơn trong khi làm việc ít đi không chỉ khả thi, mà còn là điều bắt buộc.
Đây cũng là chương sách giới thiệu về rất nhiều kiến thức phổ biến trong giới “ưa thích làm việc hiệu quả” hiện nay.
Đầu tiên là về sự khác biệt giữa năng suất và hiệu quả.
Tác giả viết:
Tính hiệu quả là thực hiện những việc đưa bạn tiến dần tới mục tiêu. Tính năng suất là thực hiện một nhiệm vụ được giao (dù nhiệm vụ đó quan trọng hay không) đem lại hiệu quả kinh tế nhất. Có năng suất mà thiếu tính hiệu quả là điều chúng ta thường thấy nhất.
Sau đây là hai chân lý cần ghi nhớ:
Làm tốt một việc không quan trọng sẽ không làm cho việc đó quan trọng hơn.
Một công việc đòi hỏi nhiều thời gian sẽ không làm cho công việc đó quan trọng hơn.
Tác giả khuyên chúng ta hãy nhớ rằng:
Việc bạn làm chắc chắn quan trọng hơn rất nhiều so với cách thức bạn thực hiện nó. Tính năng suất là vô cùng quan trọng, nhưng nó sẽ trở thành vô ích nếu không được áp dụng với những việc đúng đắn.
Tiếp theo, ta có kiến thức về Nguyên lý Pareto, hoặc Nguyên lý 80/20.
Nguyên lý này cho rằng:
80% sản lượng đầu ra là kết quả của 20% đầu vào.
Nguyên lý này nói về việc sẽ luôn có một phần nhỏ tài nguyên đầu vào tạo ra phần lớn kết quả đầu ra.
Nếu bạn có thể tìm ra được cái “phần nhỏ đầu vào” ấy và tập trung vào làm nó, bạn sẽ có thể làm ít hơn mà vẫn đạt được đa số những kết quả mà bạn mong đợi.
Hãy hình dung về những ngày bạn còn làm bài kiểm tra hồi đi học.
Sẽ luôn có một phần kiến thức trọng tâm mà nếu bạn đào sâu vào học kiến thức đó, bạn sẽ nắm chắc điểm 7 hoặc điểm 8 ở trong tay.
Vấn đề đối với tư duy của chúng ta là chúng ta không hài lòng với điểm 7 hoặc điểm 8. Chúng ta được dạy là phải thích điểm 9, và yêu điểm 10.
Tư duy này bén rễ vào chúng ta, khiến cho ta hình thành ý nghĩ “luôn muốn ôm đồm mọi việc” và luôn muốn làm mọi thứ một cách hoàn hảo.
Tác giả Timothy Ferriss khuyên rằng:
Bạn đừng hy vọng rằng mình đang làm đúng mọi việc – sự thật thường đau lòng. Mục đích của việc này là tìm ra những việc làm phi hiệu quả của bạn nhằm loại bỏ chúng đồng thời tìm ra những điểm mạnh để phát huy.
Mình tin rằng đã đến lúc, chúng ta nên ngồi lại và suy nghĩ về 2 câu hỏi sau:
Đâu là 20% dẫn tới 80% vấn đề rắc rối và bất hạnh của tôi?
Đâu là 20% đem lại 80% thu nhập và hạnh phúc của tôi?
Làm việc quá sức thường cũng kém năng suất như không làm gì cả, mà còn gây phiền nhiễu nhiều hơn.
Biết chọn lọc – làm việc ít đi – chính là con đường dẫn tới hiệu quả.
Hãy chỉ tập trung vào một vài việc quan trọng và bỏ qua tất cả những việc còn lại.
Hay như tác giả có viết:
Thiếu thời gian thực chất là không biết đặt ra các ưu tiên cho mình.
Tiếp theo, là một quy luật nổi tiếng nữa, đó là Quy luật Parkinson:
Quy luật Parkinson phát biểu rằng một nhiệm vụ sẽ (hay được xem là) quan trọng và phức tạp tỷ lệ thuận với thời gian được giao để hoàn thành nhiệm vụ đó.
Hay theo cách hiểu của mình, đó là: Công việc tự nở rộng ra để lấp đầy khoảng thời gian chúng ta dành cho nó.
Áp dụng quy luật này đúng cách, bạn sẽ tạo ra cho bản thân những căng thẳng tích cực (eustress) liên quan đến áp lực thời gian.
Ví dụ như nếu mình có 24 giờ để hoàn thành một dự án viết lách, áp lực thời gian sẽ buộc mình phải tập trung và mình cũng không còn cách nào khác người việc thực thi những điều cần thiết nhất cho dự án.
Và ngược lại, áp dụng quy luật này sai cách thì bạn sẽ tạo ra những căng thẳng tiêu cực (distress).
Nếu như mình có một tuần thì nhiều khả năng là mình sẽ dành ra 3 ngày đầu để quan trọng hóa mọi việc, 3 ngày sau để lười biếng và vẫn sẽ phải hoàn thành mọi việc trong sự vội vã vào ngày cuối cùng.
Vậy nên, mình tin rằng yếu tố chủ chốt ở đây là chúng ta nên nắm vững năng lực của bản thân, để từ đó ta có thể đặt ra các deadline phù hợp với cả nhu cầu của dự án và khả năng làm việc của chính mình.
Giờ, cùng nhìn lại 2 kiến thức quan trọng ở trên, ta thấy hiện tại đang tồn tại 2 xu hướng đồng vận mà lại đảo nghịch nhau:
Tập trung vào các nhiệm vụ quan trọng để giảm bớt thời gian làm việc (Nguyên lý 80/20).
Giảm bớt thời gian làm việc để tập trung vào các nhiệm vụ quan trọng (Quy luật Parkinson).
Theo lời khuyên của tác giả Timothy Ferriss, giải pháp tốt nhất là sử dụng cả hai cùng lúc.
Tác giả viết:
Xác định ra một vài nhiệm vụ tối quan trọng, đem lại nhiều thu nhập nhất và lên lịch cho những nhiệm vụ đó trong thời hạn thật ngắn và rõ ràng.
Nếu bạn chưa xác định được những nhiệm vụ tối cần thiết và đặt ra thời gian bắt đầu và hoàn thành thì những thứ không quan trọng lại trở thành quan trọng.
Nếu bạn biết được nhiệm vụ nào là quan trọng nhưng lại không đặt ra được thời hạn hoàn thành để tập trung vào làm thì những việc nhỏ được giao (hay tự bạn tạo ra) sẽ gây mất thời gian cho tới khi những thứ vụn vặt khác thế chỗ chúng, khiến cho bạn tới hết ngày vẫn chưa hoàn thành được việc gì cả.
Trong chương này, tác giả cũng chia sẻ rất nhiều về kỹ năng batching.
Đây là kỹ năng gom các đầu việc nhỏ nhặt lại để làm trong cùng một lượt, vào một khoảng thời gian nhất định.
Ví dụ như thay vì ngày nào cũng phải đi chợ – vừa tốn thời gian, vừa tốn công sức – thì mình sẽ lên kế hoạch ăn uống cho cả tuần rồi đi chợ mua sắm trong một lượt duy nhất, đó là vào sáng thứ 4 hằng tuần.
Đây cũng là phương pháp giúp mình ăn uống chủ động hơn, lạnh mạnh hơn, và có ý thức về những gì mình nạp vào cơ thể hơn.
Về chủ đề này, tác giả Timothy Ferriss có viết:
Bất kỳ nhiệm vụ nhỏ hay lớn nào đều đòi hỏi một mức thời gian vận hành bắt buộc. Mức thời gian này sẽ giữ nguyên dù cho đó chỉ là một hay một trăm nhiệm vụ.
Bạn có thể áp dụng kỹ năng này vào rất nhiều khía cạnh khác nữa trong cuộc sống.
Ví dụ như thời gian sử dụng điện thoại, thời gian xem TV, thời gian đọc sách, thời gian giặt quần áo,...
4. Automation (Tự động hóa)
Đây là chương sách khá là thú vị đối với mình bởi nó chia sẻ về những kiến thức xây dựng một hệ thống tự động hóa trong việc tạo ra những kết quả mà bạn mong muốn.
Trong chương này, tác giả Timothy Ferriss nhấn mạnh vào tiềm năng kinh doanh và làm việc qua Internet.
Điều này có nghĩa là bạn có thể tự động hóa hệ thống của bạn bằng cách sử dụng công nghệ máy tính, hoặc thuê những người khác làm việc thay cho bạn.
Một trong những phương pháp tự động hóa được tác giả đề cao đó là: Thuê một trợ lý ảo (virtual assistant).
Nếu như bạn đang nghĩ đến những trợ lý ảo là trí thông minh nhân tạo kiểu như Siri hoặc Alexa thì không phải đâu. Ý tác giả muốn khuyên chúng ta nên thuê những người trợ lý làm việc từ xa, và kết nối với chúng ta qua Internet.
Mình thấy đây là một phương pháp đã bắt đầu được chú ý và áp dụng nhiều hơn tại nước ta, mở ra thêm nhiều cơ hội việc làm cho những người muốn theo các ngành nghề làm tự do.
Tuy là nó vẫn chưa được áp dụng quá rộng rãi, nhưng mình tin rằng nó vẫn rất hứa hẹn.
Nếu như bạn có khả năng sử dụng ngoại ngữ chuyên nghiệp, bạn thậm chí còn có thể trở thành trợ lý từ xa cho các khách hàng ở nước ngoài nữa đó.
Theo như chia sẻ của tác giả Timothy Ferriss thì bản thân nhiều người bận rộn cũng muốn được thuê các trợ lý tại các quốc gia có tỷ giá (exchange rate) chênh lệch một khoảng rộng vừa đủ với đồng tiền của họ.
Ví dụ như trong thời điểm mình viết bài viết này, mình kiểm tra và thấy là 1 Đô la đổi được 23.417 Việt Nam đồng.
Nếu như bạn trở thành một trợ lý từ xa cho một khách hàng ở Mỹ, người đó có thể chỉ phải trả cho bạn 6$ hoặc 7$/giờ, một phần rất nhỏ trong mức thu nhập của họ, nhưng lại là một khoản thu nhập lớn tại Việt Nam.
Ý tưởng cốt lõi ở đây là bạn có thể thuê một trợ lý từ xa để làm những việc khá quan trọng nhưng bạn không muốn mất thời gian vào để làm.
Nhờ đó mà bạn có thể dành nhiều thời gian hơn cho công việc hoặc đam mê cá nhân của bạn.
Cá nhân mình thực ra cũng chưa thử qua trải nghiệm thuê trợ lý từ xa bao giờ, haha.
Mình nghĩ nhiều bạn đọc nội dung của chương này cũng sẽ nghĩ rằng: “Mình làm sao mà thuê nổi trợ lý cơ chứ?”
Dù sao thì mình tin rằng đây cũng là một tư tưởng khá là vượt thời đại của tác giả Timothy Ferriss, và mình tin rằng nó chắc chắn phải có hiệu quả thật nên hình thức làm việc với trợ lý từ xa mới ngày một nổi lên như hiện nay.
Đương nhiên, cái gì cũng có hai mặt của nó. Sự tiện lợi cũng thường đi kèm với rủi ro.
Trong sách, tác giả Timothy Ferriss cũng cảnh báo chúng ta rằng hãy cẩn thận về vến đề bảo mật các thông tin cá nhân khi thuê trợ lý từ xa.
Tác giả có trích lời một người bạn như sau:
Những trợ lý bên ngoài giờ đây biết quá nhiều về tôi – không chỉ lịch trình làm việc, mà cả lượng cholesterol, những vấn đề rắc rối của tôi, số an sinh xã hội, mật mã của tôi. Đôi khi, tôi lo ngại mình không dám nổi giận với những nhân viên thuê ngoài, hay sẽ đi đến kết thúc với một hóa đơn trị giá 12.000 đô la được gửi từ Louis Vuitton tại thành phố Anantapur.
Mình tin rằng đây một phần là vấn đề về tính chuyên nghiệp và nhân phẩm của người trợ lý.
Ngoài ra, mình cũng cho rằng nếu như bạn may mắn thuê được một người trợ lý từ xa vừa chuyên nghiệp, vừa có nhân cách tốt, thì cũng không nên quá lạm dụng dịch vụ của trợ lý và cũng không nên tin tưởng bàn giao một cách mù quáng mọi đầu việc bạn không muốn làm cho họ.
Mình tin rằng hình thức thuê trợ lý từ xa sẽ là phù hợp nhất dành cho những người kiếm được thu nhập nhờ thời gian làm việc.
Nếu như thời gian của bạn tương đương với một giá trị to lớn nhất định nào đó trong công việc của bạn, vậy thì có lẽ bạn nên cân nhắc thuê một trợ lý để hỗ trợ bạn.
Ví dụ như với đời sống cá nhân của mình chẳng hạn.
Thời gian mình tạo ra nhiều giá trị nhất là khi mình ngồi viết bài hoặc thiết kế.
Những thời gian làm việc vặt khác như phản hồi email hoặc đặt vé máy bay thì chắc chắn là không giá trị bằng, nhưng vẫn tốn nhiều thời gian và công sức của mình.
Một người trợ lý có thể giúp mình làm những việc này, nhờ vậy mà mình có thể dành thêm thời gian và sự tập trung cho những đầu việc có giá trị cao.
Khía cạnh tiếp theo của sự tự động hóa được tác giả Timothy Ferriss chia sẻ là khái niệm: Bánh lái tự động.
Ý tưởng cốt lõi của khái niệm này đó là xây dựng một việc kinh doanh không tiêu tốn quá nhiều thời gian của bạn để vận hành mà vẫn tạo ra được một nguồn thu nhập hợp lý.
Nếu bạn đang cảm thấy ý tưởng trên nghe có vẻ quen quen, thì thực ra đây cũng chính là ý tưởng đằng sau nhiều loại hình công việc tạo ra thu nhập thụ động.
Đây cũng là lý do mình sử dụng các anh chị YouTuber thành công làm ví dụ cho đời sống NR. “Bánh lái tự động” của họ chính là kênh YouTube với những video của họ.
“Chiếc bánh lái” này vẫn đang liên tục tạo ra thu nhập cho họ hàng ngày, thậm chí là hàng giờ mà không cần họ phải giảm sát hay quản lý gì quá nhiều.
Họ dành phần lớn năng lượng của họ vào 1 việc duy nhất là làm video mà thôi.
Trong sách, đây là một đoạn chia sẻ rất dài, chi tiết và tác giả sử dụng nhiều ví dụ để minh họa thay vì chia sẻ kiến thức tổng quát.
Vậy nên, các bạn hãy tìm đọc cuốn sách này để tìm hiểu thêm về chủ đề Bánh lái tự động nhé.
5. Liberation (Giải phóng)
Nếu bạn đã có được một cuộc sống giản tiện và hiệu quả cao, nhờ áp dụng quy luật Parkinson và 80/20. Nếu bạn đã có được một Bánh lái tự động và/hoặc một trợ lý từ xa giúp đỡ công việc của bạn.
Vậy thì đây sẽ là lúc bạn nhận ra là bạn đã được giải phóng, cả về mặt thời gian và không gian, khỏi công việc của bạn.
Trong sách, tác giả Timothy Ferriss có chia sẻ:
Tôi tin rằng cuộc sống tồn tại để chúng ta thưởng thức và rằng điều quan trọng nhất là chúng ta phải quý trọng bản thân mình. Một số người cho rằng quý trọng bản thân mình và hưởng thụ là ích kỷ và vô tâm, song thực ra không phải vậy. Hưởng thụ cuộc sống và giúp đỡ người khác – hay quý trọng bản thân mình và khiến mọi người cũng quý trọng mình – chính là sống có đạo đức.
Do tác giả là một người ưa trải nghiệm mới mẻ nên đây là chương sách mà tác giả đưa ra nhiều gợi ý về chủ đề đi du lịch.
Mình tin rằng sau khi đã giải phóng bản thân khỏi công việc rồi thì đi du lịch và nhìn ngắm thế giới cũng nên là một trong những lựa chọn hàng đầu.
Tuy nhiên, sự lựa chọn vẫn hoàn toàn nằm ở bản thân bạn.
Là một người tự do, bạn hoàn toàn có thể chọn khác đi.
Bạn có thể thoát khỏi chốn đô thị ồn ã để chuyển về sống ở một vùng thôn quê tĩnh mịch.
Bạn có thể bắt đầu đầu tư vào một sở thích cá nhân, ví dụ như viết một cuốn sách hoặc học chơi một nhạc cụ.
Bạn cũng có thể lựa chọn mục tiêu mới là các hoạt động thiện nguyện và từ thiện.
Hay bạn có thể cùng làm tất cả những điều trên.
Mình tin rằng một người tự do luôn là một người có quyền lựa chọn.
Cảm nhận
Để mô tả về cuốn sách này, mình sẽ sử dụng hai cụm từ là: Bổ ích và Thú vị.
Nếu như bạn cũng đang có mong muốn được thiết kế một cuộc sống tự do hơn và thoải mái hơn thì mình tin rằng cuốn sách này rất đáng để bạn tham khảo.
Ngoài các kiến thức như mình đã tóm tắt trong mục Nội dung thì cuốn sách này cũng chia sẻ rất nhiều công cụ, trang web hoặc app để bạn tham khảo thêm.
Tuy nhiên, do cuốn sách đã được viết từ trước những năm 2007, nên có rất nhiều chi tiết liên quan đến công nghệ được nhắc tới trong cuốn sách này đã trở nên lỗi thời vào ngày nay.
Rất nhiều website mà tác giả chia sẻ cũng không còn hoạt động nữa, vậy nên cá nhân mình đã bỏ qua nhiều trang sách là vì vậy.
Nếu như bỏ qua những điều trên, cuốn sách này thực sự vẫn là một cuốn sách “đi trước thời đại” theo quan điểm của mình.
Có lẽ cũng vì tác giả Timothy Ferriss nhận ra tầm nhìn của anh vượt xa mọi người cùng thời như thế nào nên giọng văn tác giả sử dụng trong cuốn sách này có đôi chỗ mình thấy là hơi kiêu căng, tự mãn.
Nhiều đoạn thậm chí có thể nói là tác giả viết ra chỉ để “khoe”.
Với bản tiếng Việt của cuốn sách này thì mình đang sở hữu phiên bản Tái bản lần thứ 27, với bản quyền thuộc Công ty Cổ phần Sách Thái Hà.
Mình thấy bản này có quá nhiều lỗi sai chính tả, sai ngữ pháp, nhiều lỗi thiếu dấu câu và thậm chí còn có cả những lỗi đánh máy rất vô duyên.
Bìa sách cũng được trình bày quá xấu và kém hấp dẫn.
Mình tin rằng nếu như mình chưa đọc bản tiếng Anh từ trước thì mình cũng sẽ khó lòng muốn mua cuốn sách này bằng tiếng Việt với cái bìa được thiết kế kém duyên thế này.
Bất chấp những điều trên, mình vẫn rất khuyến khích các bạn trẻ nên tìm đọc cuốn sách này.
Cá nhân mình đã có trải nghiệm đọc sách ấn tượng hơn với bản gốc nên nếu bạn có thể đọc tiếng Anh thì mình cũng khuyên bạn nên đọc bản tiếng Anh với cuốn sách này nhé.
Tiếp theo, mình sẽ đọc cuốn sách Đừng làm việc chăm chỉ, hãy làm việc thông minh. Các tác giả: Tony Schwartz, Jean Gomes và Catherine McCarthy.
“Keep Moving Forward”
Chấp bút: Tom.