top of page

Trong tình yêu, chia sẻ với nhau bao nhiêu thì là đủ?

Đã cập nhật: 14 thg 1

Bài viết này được truyền cảm hứng từ truyện ngắn “Drive my car” trong cuốn sách Những người đàn ông không có đàn bà, tác giả sách Haruki Murakami.


Như bạn cũng đã biết, trong hầu hết mọi tương tác hằng ngày, chúng ta đều phải cẩn trọng với lời ăn tiếng nói, phải nhìn trước ngó sau trong mọi hành động của bản thân để tránh gây nên thương tổn hoặc xúc phạm đến người khác.


Điều này gần như đã trở thành một trong những nguyên tắc cơ bản nhất của đời sống văn minh, rằng chúng ta không thể lúc nào cũng sống theo kiểu “ruột để ngoài da” và tiết lộ hết mọi điều về bản thân mình cho người khác biết.

“Biết giữ mồm giữ miệng” dường như đã trở thành một kỹ năng thiết yếu để một cá nhân có thể được chấp nhận và được yêu quý.


Thế rồi, đến một ngày nọ, bạn gặp gỡ một người rất đặc biệt và hai bạn yêu nhau.

Điều khiến cho người ấy trở nên đặc biệt với bạn – vượt lên trên cả nụ cười không hoàn hảo nhưng rạng rỡ, tính cách hơi tinh nghịch nhưng nhiệt thành, cử chỉ hơi vụng về nhưng lại đầy tình cảm – đó là sự thật rằng giờ đây chỉ với riêng người ấy thôi, bạn sẽ không cần phải đề phòng bằng những lời nói dối nữa.


Bạn sẽ có thể chia sẻ những bí mật mà bạn đã giữ làm của riêng suốt bao lâu nay.

Bạn sẽ có thể nói cho người ấy nghe về những sự thật quan trọng nhưng lại hay gây mất lòng.


Và tuyệt vời hơn cả là bạn sẽ được trọng thưởng cho những sự chia sẻ đó, bằng tình yêu và sự tin tưởng – cá nhân mình thực sự không nghĩ ra được phần thưởng nào quý giá hơn hai thứ đó trong chuyện tình cảm.


Những bí mật được trao đổi qua lại cũng thường đồng nghĩa với lòng tin giữa hai bạn sẽ tăng lên.

Bạn sẽ sớm nhận ra rằng những bí mật nào càng “dị” thì lại càng vui và càng đáng quý.

Và rằng dường như giữa hai bạn sẽ chẳng có điều gì có vẻ như là quá sốc, hoặc quá kinh khủng đến nỗi “không thể chấp nhận” được ở đối phương.


Trong tình yêu, sẽ là rất bình thường nếu bạn chia sẻ cho người ấy biết rằng bạn cảm thấy một người quen nọ thật xấu tính và kiêu ngạo.

Hay cũng là bình thường nếu người kia chia sẻ với bạn rằng họ thấy phim The Dark Knight thực ra cũng không ấn tượng cho lắm.

Bạn có thể bật mí cho người kia biết những vị trí trên cơ thể mà bạn thích được chạm vào, rồi người ấy sẽ cho bạn biết rằng họ thích cái cách bạn phản ứng lại mỗi khi họ chiều theo ham muốn của bạn.


Tình yêu, nói theo một cách nào đó, được sinh ra từ quá trình dùng những bí mật để trao đổi lấy lòng tin.

Nhưng rồi sẽ tới một ngày hai bạn buộc phải va vào cái giới hạn của sự trao đổi này.


Là một cặp đôi, hai bạn có lẽ thường kỳ vọng rằng đối phương sẽ không bao giờ giấu giếm mình điều gì.

Rằng sẽ là tốt nhất nếu một trong hai người không có bí mật nào cần phải che giấu với người kia.

Rằng sau tất cả những gì hai bạn đã trải qua và chia sẻ với nhau, nếu bạn yêu người kia thật lòng, thì bạn nên nói cho người ấy biết sự thật về mọi thứ.


Nhưng theo thời gian, việc có nhau trong đời rồi cũng sẽ dần mất đi lớp filter màu hồng của sự say mê (infatuation), và cùng với đó, bạn có lẽ cũng sẽ muốn dành lại cho bản thân một số chuyện cá nhân, và cả một phần đời sống riêng tư nữa.


Thực tế cũng sẽ luôn quăng về phía chuyện tình của hai bạn những thứ chắc chắn có thể khiến cho một trong hai, hoặc cả hai, bị tổn thương nếu như được tiết lộ.


Với rất nhiều người, việc giữ riêng cho bản thân một vài bí mật mà không chia sẻ với bạn đời khiến họ cảm thấy như họ đang phản bội lại sự tin tưởng của đối phương trong một mối quan hệ.

Đồng thời, về mặt cảm xúc mà nói, cũng là hợp lý nếu họ cảm thấy muốn che giấu những sự thật “khó nuốt trôi” có khả năng đặt mối quan hệ của họ vào vòng nguy hiểm; và chẳng phải là ngay từ đầu chúng ta đều đã như vậy sẵn rồi đấy ư?


Vậy, giờ là đến câu hỏi triệu phú: Theo bạn, trong tình yêu, chia sẻ với nhau bao nhiêu thì là đủ?


Đương nhiên, bạn có lẽ sẽ muốn hỏi ngược lại mình rằng: Thế nào mới là đủ?

Mình sẽ trả lời: Cái đó tùy thuộc vào nhu cầu của mối quan hệ bạn đang có.

Đó cũng là lý do mình thêm vào câu hỏi cụm từ “Theo bạn”.


Nếu trong trường hợp bạn đang muốn tham khảo quan điểm của mình, vậy thì mình cũng xin sẵn lòng chia sẻ cho bạn biết.


Cá nhân mình tin rằng vấn đề ở đây là chúng ta nên phân biệt rõ ràng thế nào là “Sự riêng tư” (privacy) và thế nào là “Sự bí mật” (secrecy).

Trong quá nhiều trường hợp của một cuộc tình, chúng ta dễ để lạc mất làn ranh giới mong manh mà quan trọng giữa hai khái niệm này.


Quá nhiều sự riêng tư có thể dẫn đến sự xa cách, lạnh nhạt và ít thấu hiểu giữa hai bên.

Quá ít sự riêng tư có thể khiến bạn cảm thấy như bạn đời và tình yêu của họ vừa nuốt chửng mất cuộc đời của bạn vậy.


Vậy chúng ta nên phân biệt chúng thế nào?

Sự riêng tư (privacy) có thể được định nghĩa là trạng thái hoặc điều kiện không bị người khác quan sát, can thiệp hoặc làm phiền.
Sự bí mật (secrecy) là hành động giữ cho thông tin được che giấu.

Trước tiên, hãy cùng nhất trí với một sự thật rằng tất cả chúng ta đều có quyền có được sự riêng tư cho bản thân mình, dù chúng ta có đang trong bất cứ mối quan hệ nào hay không.

Sự riêng tư là cần thiết với mỗi người và nó là một quyền con người.


Theo đó, bạn hoàn toàn có quyền được giữ bí mật về một phần nào đó trong cuộc đời của bạn với bạn bè, bạn đời, và gia đình của bạn.

Việc bạn có chia sẻ bí mật ấy với họ hay không cũng vì thế mà hoàn toàn phụ thuộc vào nguyện vọng của bản thân bạn.


Trong một mối quan hệ lành mạnh, chúng ta đều nên tôn trọng và đề cao sự riêng tư – cả về mặt tinh thần và thể chất – của bản thân và cả của người bạn đời ta yêu nữa.


Nếu như bạn vẫn còn đang cảm thấy hơi mông lung giữa hai khái niệm quan trọng trên, vậy thì hãy thử cùng mình đi qua một số ví dụ xem sao nhé.


Thứ nhất, sự riêng tư.

Cá nhân mình hiểu sự riêng tư là khi bạn giữ bản thân trong trạng thái không bị làm phiền bởi người khác (on your own); chỉ có một mình bạn với những suy nghĩ, cảm xúc và trải nghiệm của riêng bạn.


Sự riêng tư có thể bao gồm sự thật rằng bạn từng gian lận trong bài thi cuối cấp 3.

Hay đó có thể là việc bạn vẫn còn giữ liên lạc với người cha nghiện rượu.

Hay đó cũng có thể là việc bạn từng có quan hệ tình dục với người tình trước.


Đây đều là những thông tin cá nhân mà bạn có quyền được giữ riêng cho bản thân, là một phần cuộc đời mà bạn có quyền được giữ riêng tư.


“Ơ, nhưng mà Tom ơi, ít nhất 2 trong số 3 ví dụ trên nghe giống như những bí mật động trời có khả năng gây tổn hại tới mối quan hệ hiện tại đấy chứ?”


Yep, mình hiểu các bạn đang thắc mắc điều gì, vậy nên hãy thử xem xem “sự bí mật” nó có những dấu hiệu nhận biết nào nhé.


Mình hiểu bí mật là sự cố ý che giấu thông tin.

Sự cố ý che giấu này thường được thúc đẩy bởi hai cảm xúc – Xấu hổ (shame) và Sợ hãi (fear).


Chúng ta xấu hổ vì chúng ta nhận thức được rằng những gì ta đã làm là rất tệ.

Chúng ta sợ hãi vì chúng ta lo lắng rằng nếu sự thật bị phơi bày, ta sẽ đánh mất tình yêu, sự tôn trọng và cả sự tin tưởng mà người bạn đời đã dành cho ta.


Vậy nên, nếu hiện tại bạn đang cảm thấy hổ thẹn hay sợ sệt vì phải chia sẻ một điều gì đó với bạn đời của bạn, vậy thì có khả năng cao là điều bạn đang che giấu có lẽ đã vượt ngoài khuôn khổ của sự riêng tư nơi mà nó chỉ ảnh hưởng tới một mình bạn, và tiến tới việc ảnh hưởng tới cả nửa kia trong cuộc tình của bạn rồi đó.


Theo mình, những bí mật có thể làm tổn thương mối quan hệ tình cảm của bạn là những bí mật liên quan đến:

  • Ngoại tình.

  • Vấn đề việc làm.

  • Che giấu thói quen nghiện ngập và sử dụng chất kích thích.

  • Vấn đề pháp lý.

  • Con cái.

  • Gia đình, người thân và bạn bè.

  • Tiền bạc, tài chính.

  • Bệnh tật.


Nhưng mà khoan, từ cách hiểu này của mình, việc bạn từng gian lận trong bài thi cuối cấp 3 cũng hoàn toàn có thể là một bí mật nếu cá nhân bạn cảm thấy chuyện này đủ xấu hổ để nảy sinh mong muốn che giấu nó khỏi bạn đời của bạn, có phải không?

Tương tự, việc bạn có thể có một người cha nghiện rượu và việc bạn có thể từng có quan hệ tình dục với người tình trước cũng như vậy, có phải không?


Đây là nơi mà làn ranh giới mong manh giữa “sự riêng tư” và “sự bí mật” thực sự được dựng lên.


Hãy cùng lật ngược lại câu hỏi một chút nhé.

Sẽ thế nào nếu như bạn đời của bạn thực sự không hề quan tâm tới việc bạn có gian lận trong bài thi cuối cấp 3 hay không?

Khi đó thì chuyện này có còn nên được coi là bí mật nữa hay không?


Cá nhân mình sẽ trả lời là “Không!”

Thông tin ấy phải đủ quan trọng, hoặc có ý nghĩa nào đó, với bạn đời của bạn để được coi là một bí mật.

Và có phải bạn đang tự hỏi làm thế nào để biết được một thông tin nào đó có quan trọng, hay có ý nghĩa, với bạn đời của bạn hay không đấy ư?


Theo mình thì dễ thôi.

Nếu thông tin đó có thể khiến cho bạn đời của bạn trở nên không vui, thất vọng, buồn phiền hoặc lo lắng khi họ phát hiện ra là bạn che giấu nó, vậy thì chắc chắn là nó có ý nghĩa với họ đấy.


Vậy tổng kết lại, mình cho rằng bí mật có 3 đặc điểm nhận biết như sau:

  1. Bạn cố tình che giấu điều gì đó.

  2. Bạn cảm thấy xấu hổ và sợ hãi khi phải chia sẻ nó.

  3. Bạn đời của bạn sẽ không vui nếu họ phát hiện ra là bạn đang che giấu nó.


Nói đi thì cũng phải nói lại, mình vẫn muốn khẳng định rằng có những lý do chính đáng để ta che giấu những bí mật khỏi nửa kia của mình.

Bạn thực sự có nhiều lý do để cảm thấy không muốn chia sẻ về một chuyện quá khứ nào đó đã từng khiến bạn tổn thương (traumatized), xấu hổ hoặc sợ hãi.


Có lẽ bạn không muốn kể với bạn đời nghe về người cha thường xuyên say xỉn và bạo hành gia đình bạn.

Hay bạn không muốn nhắc lại về cuộc tình trước vì bạn cảm thấy bản thân bị lợi dụng nhiều hơn là được yêu thương.


Giờ, câu hỏi tiếp theo mà bạn có thể sẽ muốn hỏi đó là: Có bí mật riêng như vậy thì có phải là xấu không?


Mình cho rằng bản thân mình thực sự không có quyền phán xét bạn và bí mật của bạn là tốt hay xấu.

Nhưng mình tin rằng chúng ta đều nên tự nhận thức được về tầm ảnh hưởng tiềm tàng của những bí mật ta đang che giấu với mối quan hệ tình cảm ta đang có.


Rất lắm khi, chúng ta che giấu đi bí mật vì ta biết rằng cái bí mật ấy gây ảnh hưởng trực tiếp tới người bạn đời của ta.

Những khi ấy, ta có thể sẽ phải giữ bí mật bằng cách tự huyễn hoặc bản thân với những lý do ích kỷ và yếu ớt kiểu như “Tôi sợ rằng người ấy sẽ không chịu nổi sự thật…”, hay “Nói ra thì có ích gì?”, hoặc phổ biến hơn cả là “Tôi không muốn làm người ấy tổn thương…”


Những khi ấy, mình tin rằng chúng ta chỉ đang trốn tránh trách nhiệm và từ chối nhìn thẳng vào cái vấn đề mà ta đã tạo ra trong mối quan hệ của mình mà thôi.


Ở mặt còn lại, như mình đã chia sẻ ở trên, trong một mối quan hệ lành mạnh, chúng ta nên tôn trọng sự riêng tư trong đời sống của nhau.

Và mình mong bạn đừng hiểu nhầm rằng cứ là “đời sống riêng tư” thì bạn sẽ phải tìm cách che giấu nó khỏi bạn đời của bạn.


Sự riêng tư xứng đáng được tôn trọng để không bị nhòm ngó và không bị xâm phạm khi chưa được phép.

Trong một mối quan hệ lành mạnh, bạn sẽ thấy rằng sự riêng tư tự bản thân nó cũng chẳng có gì để mà phải giấu giếm.


Bạn có thể chơi guitar cho một ban nhạc trong khi người kia tham gia một lớp yoga trong những ngày cuối tuần.

Bạn có thể thích đi cắm trại trong khi người kia thích đi mua sắm.

Bạn có thể đang muốn thăng tiến trong công việc trong khi người kia muốn tiếp tục học lên bậc cao hơn.


Hai bạn có thể sẽ thích tắm riêng hơn là thường xuyên tắm chung.

Hai bạn có thể chưa một lần chia sẻ bất cứ loại mật khẩu nào với nhau.

Hai bạn có thể đều có những người bạn chung và những người bạn riêng.


Đương nhiên, mỗi cặp đôi khác nhau thì cũng sẽ có những nhu cầu và giá trị quan khác nhau, bên trên chỉ là những ví dụ chứ không phải là một “mô hình lý tưởng” nào hết.


Khác với những bí mật, sự riêng tư là một yếu tố thiết yếu trong một mối quan hệ tình cảm.

Khi yêu, những bí mật ta che giấu với người kia có thể nhiều, có thể ít; nhưng sự riêng tư không nên vì thế mà ít quan trọng hơn.


Ta có thể có một cuộc tình hoàn hảo với không một bí mật nào nằm giữa hai người; và nếu đã là một cuộc tình hoàn hảo, vậy thì cuộc tình đó chắc chắn đã được đặt nền móng bởi sự riêng tư được tôn trọng bởi hai bên.


Với tất cả những gì đã chia sẻ, mình muốn cùng các bạn quay trở lại với câu hỏi triệu phú: Theo bạn, trong tình yêu, chia sẻ với nhau bao nhiêu thì là đủ?


Mình tin rằng mỗi người chúng ta nên tự tìm ra điểm cân bằng giữa những gì ta nên chia sẻ và những gì ta nên giữ lại cho bản thân trong một mối quan hệ tình cảm.

Dù sao thì câu chuyện cuộc đời của mỗi người đều quá độc nhất và những nét tương đồng giữa chúng ta thì lại thường quá vụn vặt để có thể đưa ra một “bộ quy tắc chia sẻ thông tin trong tình yêu”.


Để kết thúc bài viết này, mình muốn đề cao hai giá trị mà mình cho là quan trọng nhất trong chuyện tình cảm, đó là “Sự trung thực” (honesty) và “Sự minh bạch” (transparency).


Sự trung thực, có lẽ cũng không cần mình phải nói nhiều nữa, chính là sự ngay thẳng, thật thà, dám nói lên sự thật.

Và đi cùng với nó, là sự minh bạch, mang nghĩa là sự rõ ràng, rành mạch; hay có thể hiểu rộng hơn một chút là sự đáng tin cậy (reliable).


Đây là hai giá trị mà mình tin rằng chính là nền tảng tạo nên lòng tin trong tình yêu.

Lòng tin (trust), theo cách hiểu này, là niềm tin vững chắc rằng một người là đáng tin cậy và trung thực.


Ngoài tác dụng xây dựng lòng tin, sự trung thực và minh bạch còn có thể giúp hai bạn:

  • Giảm căng thẳng và lo lắng trong chuyện tình cảm.

  • Cải thiện giao tiếp và thúc đẩy các tương tác tích cực.

  • Thể hiện rằng bạn tôn trọng người bạn đời của bạn.

  • Thể hiện rằng bạn đặt đủ tin tưởng vào đối phương để tiết lộ những điều có thể giúp họ hiểu hơn về con người bạn và hành trình bạn trở thành người như hôm nay.

  • Cải thiện chất lượng sống và mức độ hài lòng của bạn về bản thân và về đối phương.


Mình hiểu rằng trong phần lớn các trường hợp, giữ bí mật sau khi gây nên chuyện thường là ý tưởng đầu tiên và cũng là quyết định dễ dàng được chấp thuận nhất trong tư tưởng mỗi người chúng ta.


Mình hy vọng bài viết này đã có thể giúp bạn nhận ra rằng đó thường là do nỗi sợ hãi và sự hổ thẹn đã quyết định thay cho bạn, chứ đó chưa chắc đã là quyết định xuất phát từ tư duy logic của bạn, và nhiều khả năng, đó cũng không phải là quyết định sáng suốt nhất bạn có thể đưa ra trong tình huống ấy.


Ở chiều ngược lại, sự trung thực, đáng buồn thay, lại thường bị chúng ta dùng làm phương án cuối cùng, là “con bài sau chót để vớt vát một chút thể diện trong trường hợp bí mật vỡ lở.”


Mình không dám nói là cứ trung thực ngay từ đầu thì mọi lỗi lầm sẽ được xóa bỏ, mọi sự vụ sẽ được tha thứ và đôi bên sẽ lại hạnh phúc như chưa hề có chuyện gì xảy ra.

Sẽ luôn luôn có hậu quả cho những gì mà chúng ta đã làm, và chúng ta thường đều biết vậy mà vẫn làm.


Nếu như ngày hôm nay bạn quyết định chia sẻ một bí mật mà bản thân đã giữ kín trong lòng từ lâu với nửa kia, mình mong bạn hãy hiểu rằng đây có lẽ sẽ không phải là một cuộc đối thoại dễ dàng.


Có lẽ sẽ có nước mắt.

Có lẽ sẽ có mắng nhiếc.

Có lẽ sẽ có sự im lặng của nỗi thất vọng.

Có lẽ sẽ có một cánh cửa đóng sầm trước mặt bạn.


Hãy thử bắt đầu bằng việc chọn một thời điểm phù hợp, khi đôi bên đều không mệt mỏi hoặc căng thẳng.

Hãy trung thực, chứ đừng tàn nhẫn – luôn luôn có cách để nói lên sự thật về những gì ta đã làm mà không khiến cho người kia phải tổn thương nhiều hơn.


Và cuối cùng, nhưng cũng không kém phần quan trọng, ta không nên bao biện hoặc đổ lỗi.

Ta nên sẵn sàng giải thích và nhận trách nhiệm cho những gì mình đã làm, chứ không phải là quanh co về việc điều gì đã khiến ta làm vậy.


***

Mình viết bài viết này với những mong muốn tốt đẹp nhất muốn gửi tới mọi bạn đọc của mình, dù bạn có đang trong một mối quan hệ tình cảm lãng mạn hay không.


Chúng ta đang sống trong một thế giới không hoàn hảo, với những con người không hoàn hảo yêu những người cũng không hoàn hảo.

Có lẽ sự thật là giữa hai người yêu nhau sẽ luôn luôn có những bí mật nào đó khó lòng được nói ra, bởi nỗi sợ và sự xấu hổ nơi sự không hoàn hảo của mỗi cá nhân.


Nhưng không hoàn hảo không bao giờ nên được dùng để làm lý do khiến cho một người khác phải chịu đựng nỗi đau đớn của sự bội tín trong tình yêu.


Có chăng, chúng ta nên vượt lên nỗi sợ và sự xấu hổ nơi bản thân mình, để qua đó, chúng ta đều có thể trở nên thanh thản hơn một chút với sự không hoàn hảo là bản chất của chúng ta.


“Keep Moving Forward”

Chấp bút và minh họa: Tom.

2 lượt xem0 bình luận

Bài đăng gần đây

Xem tất cả
Bài đăng: Blog2 Post
bottom of page