The Practice – Ta giấu sáng tạo ở đâu?
Đã cập nhật: 21 thg 3
Tác giả sách: Seth Godin
Thể loại: Self-help, truyền cảm hứng
Đánh giá: Khá hay!

Rio Book đúng là không bao giờ làm mình thất vọng về chất lượng sách của họ.
The Practice: Ta giấu sáng tạo ở đâu? là một cuốn sách rất đẹp mắt và ý nghĩa.
Nó có bìa cứng, in màu, rất nhiều tranh minh họa lôi cuốn, và lối trình bày cũng rất ấn tượng nữa.
Chưa cần phải nói đến nội dung của sách, mình thấy bản thân cuốn sách này cũng đã là một sản phẩm sáng tạo vô cùng đáng ngưỡng mộ và có tính truyền cảm hứng rồi.
Trong sách không có phần giới thiệu về tác giả Seth Godin, nhưng theo tìm hiểu của mình thì ông là một tác giả người Mỹ. Ông cũng đồng thời là một diễn giả và là một doanh nhân (entrepreneur).
Các đầu sách khác của ông thường xoay quanh chủ đề làm marketing và làm kinh doanh, có vẻ như The Practice là cuốn sách đầu tiên ông viết về chủ đề làm sáng tạo.
Trong bài viết ngày hôm nay, mình sẽ chia sẻ với bạn những bài học làm sáng tạo mà mình đã rút ra được từ cuốn sách này.
Nội dung
Nội dung chính của sách được chia ra thành 219 mẩu truyện ngắn trong 8 phần chủ đề.
1. Lao động sáng tạo – một cách hiểu mới!
Sau khi đọc sách, một trong những bài học cốt lõi nhất mà mình rút ra được chính là một góc nhìn mới về lao động sáng tạo:
Lao động sáng tạo là công việc phóng khoáng để cải thiện một điều gì đó theo chiều hướng tích cực hơn, bằng cách làm những việc mà ta không chắc chắn sẽ đem lại kết quả.
Nghe có vẻ hơi nghịch lý ha.
Tuy nhiên, tác giả Seth Godin đã phải tốn tới 219 mẩu truyện để có thể thuyết phục mình tin vào cái nghịch lý trên đấy, haha.
Với vị trí là một người làm sáng tạo, mình cũng đã luôn cảm nhận được cái nghịch lý trên, rằng nó cũng đang tồn tại trong công việc hằng ngày của mình.
Nhưng do bản chất nó khá mơ hồ, và mình thì không muốn bị phân tâm khỏi công việc, nên mình cũng chưa thể (đồng thời không muốn) diễn đạt nó ra thành lời.
Thông qua cuốn sách The Practice của tác giả Seth Godin, mình cuối cùng cũng đã có được những từ ngữ phù hợp để mô tả cảm nhận mập mờ trên của bản thân.
Cụ thể, trong sách, tác giả có viết:
Nghệ thuật là một hành động đầy phóng khoáng mà khi dấn thân làm ta chẳng rõ thành bại, nhưng tự tin rằng điều đó sẽ đem đến sự khác biệt.
Sáng tạo là một lựa chọn, và sự sáng tạo là thứ có thể lan tỏa.
Sáng tạo là hành động, không phải cảm xúc.
Sự quyết tâm hành động có thể thay đổi cảm xúc của bạn. Chúng ta không dành thời gian cho những điều “xa xỉ” như ngồi chờ cảm xúc đến rồi mới bắt tay vào làm.
Việc sáng tạo sẽ bắt đầu với một mệnh lệnh rằng chúng ta phải đi một lối đi khác, một lối đi không cần đến sự đảm bảo mà buộc ta phải tự tìm ra một quá trình cho mình và biết đặt niềm tin vào bản thân.
Cách duy nhất để thực hiện cuộc hành trình này là bắt đầu.
Nhưng sẽ không có gì được đảm bảo. Thực ra, phần lớn điều ta muốn làm sẽ khó mà thành công.
Nhưng mục đích của ta – mong muốn được giúp ích, mong muốn biến mọi thứ trở nên tốt đẹp hơn, mong muốn tạo dựng nên những điều ý nghĩa – mới chính là điểm cốt lõi tạo nên dáng dấp của sự sáng tạo.
Bởi hầu hết chúng ta, trong hầu hết thời gian của đời mình, đều hành động mà chẳng có mục đích gì.
Mánh khóe đằng sau sự sáng tạo là chẳng có mánh khóe nào cả.
Đó phải là một quá trình thực hành bắt đầu từ lòng tin vào bản thân ta sẽ không trốn tránh và bắt tay vào việc.
Trong sách, tác giả Seth Godin có trích lời của Steven Pressfield:
Thành thật hơn cả sự thật và chân thành hơn cả chân lý.
Đó mới là sự chân chính mà chúng ta tìm kiếm.
Đó chính là lao động sáng tạo. Để thực sự phát minh ra điều gì đó, chứ không phải chỉ là phát hiện ra nó.
Cư sĩ Bàng Long Uẩn hơn một nghìn năm trước đã viết:
Hằng ngày không việc khác
Mình ta ta dung hòa
Việc việc không nắm bỏ…
Gánh nước bổ củi tài!
Đó chính là nguồn gốc của cụm từ hiện đại “bổ củi, gánh nước.”
Nhưng từ khóa, từ không được viết ra, chính là “đơn giản.”
Là làm việc mà không có than phiền hay thị phi. Là làm việc mà không quan tâm đến những thứ nằm ngoài tầm kiểm soát của mình. Là làm việc mà không phụ thuộc vào cái kết quả mà bạn kỳ vọng.
Đó chính là thực hành.
Chỉ đơn giản là bổ củi và gánh nước.
Hết lần này đến lần khác.
Những thành công bên ngoài chỉ tồn tại để tiếp sức cho khả năng ta lặp lại những gì đã làm.
2. Lựa chọn
Mình và bạn, những người đọc, có thể đưa ra lựa chọn trong đời để trở thành 1 trong 4 loại người sau:

Kẻ thất bại – thiếu tầm nhìn hoặc tình toàn vẹn nghệ thuật, đồng thời luôn mong chờ sự may mắn – chúng ta đều không muốn trở thành loại người này đúng không nào?
Kẻ chịu đựng – không mang bất kỳ quan điểm nào, cũng chẳng có sự khẳng định nào cả. Sự chịu đựng đảo ngược mọi công việc, khiến nó hầu như chỉ để cho qua ngày.
Làm kẻ chịu đựng chỉ đơn giản là hỏi “quý vị cần gì?” và “mình nên đòi ít tới mức nào để nhận được hợp đồng này?”
Kẻ nghiệp dư – chỉ phục vụ chính mình. Nếu có một người nào đó được hưởng sái thì cũng chẳng sao, nhưng khi là một người sáng tạo nghiệp dư thì công việc của bạn chỉ vì bạn mà thôi.
Người chuyên nghiệp – một người làm sáng tạo chuyên nghiệp không đơn giản chỉ là một tay nghệ sĩ không chuyên được trả thù lao.
Một khi bạn nhận ra mình cần sự may mắn và rằng sự thực hành luôn dành cho bất kỳ ai sẵn sàng gắn bó với nó, thì tức là bạn đã chọn cuộc đời của một người sáng tạo chuyên nghiệp.
3. Hội chứng kẻ mạo danh
Khi chúng ta đã lựa chọn con đường làm sáng tạo, đặc biệt là con đường của một người chuyên nghiệp, ta sẽ thấy bản thân như một kẻ mạo danh.
Ít nhất là khi ta đang trong quá trình tạo ra những sản phẩm tốt nhất của mình
Hội chứng kẻ mạo danh (Imposter Syndrome) chính là những nhiễu loạn trong tâm trí cố nói rằng ta không việc gì phải giơ tay lên, phải nhảy xuống nước hay bước lên sân khấu cả.
Vì để tạo ra những sản phẩm tuyệt nhất, ta phải đảm đương những điều bản thân chưa từng làm trước đây.
Mà tất nhiên là bạn không chắc liệu mình có thành công hay không?
Làm sao bạn có thể biết chắc được điều đó?
Tất nhiên là trên đời này chẳng tồn tại những thứ như cẩm nang hướng dẫn, phương pháp tối ưu được kiểm chứng, hay bộ quy tắc được ban hành.
Bản chất của đổi mới là bạn phải tự tin hành động như thế bạn hiểu rõ, như thể cách bạn làm sẽ hiệu quả, như thể bạn có quyền ở vị trí này.
Trong suốt cuộc hành trình đó, bạn sẽ phát hiện ra những gì không phù hợp, từ đó rút ra con đường phù hợp nhất dẫn tới thành công.
Hội chứng kẻ mạo danh là có thật.
Đó là một dấu hiệu cho thấy bạn hoàn toàn bình thường và chỉ đang thực hiện những việc quan trọng thôi.
Nó cho thấy bạn đang tin tưởng vào cả quá trình, và bạn đang thực sự dồn tâm huyết vào nó mà không toan tính.
Tự đòi hỏi bản thân phải làm chủ được các yếu tố ngoại cảnh chỉ khiến bạn thêm đau lòng và thất vọng.
Tệ hơn nữa, nếu bạn cứ nhất nhất phải có sự đảm bảo cho chiến thắng trước cả khi bắt đầu, bạn sẽ chẳng bao giờ bắt đầu được.
Còn có một lựa chọn khác, đó là đặt lòng tin vào quá trình sáng tạo, làm việc có chủ đích cùng tinh thần phóng khoáng, và chấp nhận mọi kết quả dù tốt hay xấu.
Đúng, bạn đang mang hội chứng kẻ mạo danh. Nhưng bạn là một kẻ mạo danh giúp ích cho người khác mà không suy tính, khao khat muốn biến mọi thứ trở nên tốt đẹp hơn.
Cảm giác “kẻ mạo danh” là bằng chứng cho thấy ta đang đổi mới, sáng tạo và tiên phong.
4. Tìm đến sự luyện tập
Để hạn chế những ảnh hưởng tiêu cực của hội chứng kẻ mạo danh, chúng ta nên xây dựng lòng tin vào năng lực của bản thân.
Và cách đơn giản nhất và đúng đắn nhất để có được lòng tin đó, chính là tìm đến sự luyện tập.
Nghệ thuật chính là những gì chúng ta tạo ra để cho đi.
Khi bạn chọn lao động sáng tạo, bạn đang giải quyết một vấn đề, không chỉ cho bạn mà cho cả những ai có duyên tiếp xúc với thành quả bạn tạo ra.
Đã là người sáng tạo thì phải sáng tạo.
Nếu bạn tạo ra những điều mới mỗi ngày thì bạn đã là một người sáng tạo.
Không phải một cá thể đang bế tắc, không phải một kẻ bất tài, mà là một con người sáng tạo.
Thay vì chỉ ngồi vẽ lên những kế hoạch, hãy biến chúng thành sự thật.
Hãy sáng tạo như cách chúng ta tạo ra bản sắc của chính mình.
Các nhà văn khẳng định tên tuổi qua những tác phẩm.
Các vận động viên điền kinh chứng tỏ bản thân qua những bước chạy.
Hãy thể hiện bạn là ai qua chính những gì bạn làm.
Lòng tin và sự tự tin là hai khái niệm hoàn toàn khác nhau.
Tự tin là một cảm giác tưởng tượng rằng ta có thể làm chủ được kết quả.
Mọi vận động viên chuyên nghiệp đều có sự tự tin. Ở mỗi trận đấu, mỗi mùa giải đều có những cá nhân đầy tự tin nhưng không giành chiến thắng.
Lòng tin thì khác.
Lòng tin là sự cam kết đối với quá trình rèn luyện, là quyết định dẫn lối và hiện thực hóa những thay đổi, cho dù có những khó khăn trên con đường đang đi. Bởi bạn biết cam kết với tốt hơn là né tránh.
Chúng ta tạo dựng lòng tin qua thời gian.
Mối liên kết qua lại sẽ tạo ra kỳ vọng, và những kỳ vọng đó khi được lặp lại và củng cố sẽ trở thành lòng tin.
Khi ta có thói quen rèn luyện, thực hành, ta sẽ bắt đầu tin vào nó.
Không phải vì nó luôn đem đến kết quả như mong đợi, mà đơn giản vì đó là lựa chọn tốt nhất của chúng ta.
Việc tin tưởng giúp bạn học được sự nhẫn nại, bởi một khi tin vào bản thân, bạn có thể tiếp tục kiên trì thực hành, điều mà hầu hết mọi người khó mà giữ được.
Và tất cả chúng ta đều có thể thực hành.
Thế giới này luôn tìm cách kìm hãm chúng ta, nhưng thực chất nó không thể làm thế nếu như chúng ta không cho phép.
Thế giới đang thừa những ồn ào không đáng có nhưng lại thiếu đi những mối quan hệ ý nghĩa hay sự tiên phong tích cực.
Đóng góp của bạn – điều mà bạn muốn làm, điều bạn sinh ra để làm – đó mới là những gì chúng ta đang chờ đợi, những gì chúng ta đang cần.
Mỗi người đều có một tiếng nói riêng bên trong họ, và mỗi tiếng nói đều khác biệt.
Trải nghiệm, ước mơ và nỗi sợ của mỗi người đều là độc nhất vô nhị, và khi ta chia sẻ những điều đó, suy nghĩ của ta về cuộc sống sẽ được cắt nghĩa, định hình.
Tất nhiên bạn được quyền cất lên chính tiếng nói của mình. Bởi những tiếng nói khác đều đã có chủ cả rồi.
Hãy luôn tâm niệm ràng ý tưởng là vô tận.
Hãy tin rằng sự sáng tạo có tính lan truyền – khi chúng ta đang trao đổi, những thành quả vốn đã tốt nhất còn có thể xuất sắc hơn nữa.
Sự đa dạng được đẩy lên cao. Không còn sự cạn kiệt trong sáng tạo nữa. Một nền văn hóa sống động sẽ tạo ra nhiều điều hơn cả những gì nó lấy đi.
Người ta không biết những thứ bạn biết, không tin những điều bạn tin và không muốn cái bạn muốn.
Điều đó chẳng sao cả.
Bạn không thể mở lòng và hào phóng với tất cả mọi người. Bởi mỗi người mỗi khác.
Ta phải thật sự nói ra được câu “ĐIỀU NÀY KHÔNG DÀNH CHO BẠN”.
Những sáng tạo của bạn là để phục vụ một người nào đó, để thay đổi một ai đó, để khiến cho một điều gì đó tốt đẹp hơn.
Tuy nhiên, vì sự nổi tiếng, vì muốn tiếp cận đám đông, chúng ta thường phải hy sinh chính sự thay đổi mà mình khao khát muốn tạo ra.
Hãy thay đổi một người.
Sẽ chẳng ích gì nếu ta chỉ sáng tạo ra những thứ dành cho riêng mình, trừ khi bạn đủ may mắn đến mức điều bạn muốn cũng chính là điều khán giả của bạn muốn.
Một phần của việc sáng tạo chính là rời khỏi sự an toàn trong câu chuyện hoàn hảo của chính ta và chủ đích bước vào câu chuyện của người khác.
Bạn phải bước đến chỗ họ, bởi những người bạn hướng tới nhiều khả năng sẽ không quá bận tâm để hiểu bạn đâu.
Một ý tưởng đang ấp ủ mà bạn lại thoái chí sẽ khiến nó bị mất đi.
Sẽ rất ích kỷ nếu rút lui trong khi đó chính là cơ hội giúp bạn mang đến một điều gì đó cho người khác.
Xưa nay, cách để khuyến khích mọi người đóng góp và cống hiến là không bắt họ cống hiến. Là cứ chực chờ một dấu hiệu của thiên tài. Là cứ nhắm tới thứ được gọi là “cảm hứng” thoắt ẩn thoắt hiện. Là khuyến khích mọi người ngồi im một chỗ và để người khác lên tiếng.
Ta không chia sẻ tác phẩm của mình vì ta là dân sáng tạo. Ta sáng tạo vì ta đã chia sẻ những tác phẩm của mình.
5. Học cách yêu quá trình

Đam mê của ta đơn giản là những điều ta tin mình sẽ làm được.
Câu nói “Làm những gì bạn thích” chỉ dành cho những kẻ nghiệp dư.
“THÍCH NHỮNG GÌ BẠN LÀM”
mới là châm ngôn dành cho dân chuyên nghiệp.
Chúng ta đang sống trong một nền văn hóa quá chú trọng tới kết quả.
Chính nỗi ám ảnh với thành quá đã nhấn chìm sự thật rằng nó phải đến từ một quá trình. Những quá trình được lặp đi lặp lại cần mẫn theo thời gian sẽ tạo nên những kết quả mỹ mãn hơn những quá trình chỉ toàn sự biếng nhác.
Thực hành sáng tạo đòi hỏi sự bền bỉ.
Nó cần một cam kết cho cả quá trình chứ không chỉ là chăm chăm nhắm đến những gạch đầu dòng tiếp theo trong danh sách.
Chúng ta làm việc là có lý do cả, nhưng nếu ta phân chia công việc của mình và chỉ biết chú ý và kết quả trước mắt, việc sáng tạo sẽ thất bại.
Tính cách thúc đẩy hành động, hành động tạo nên thói quen, thói quen là một phần của rèn luyện, và rèn luyện chính là cách tốt nhất để chạm tới điều bạn mong muốn.
Lựa chọn duy nhất của chúng ta là bắt đầu. Và nơi duy nhất để bắt đầu chính là nơi ta đang đứng.
Đơn giản là cứ bắt đầu thôi! Nhưng hãy bắt đầu.
Những mục tiêu hiệu quả không dựa trên kết quả cuối cùng: Chúng là sự cam kết đối với quá trình.
Sự cam kết đó hoàn toàn nằm trong tầm kiểm soát của bạn, ngay cả khi kết quả cuối cùng không như vậy.
Trong sách, tác giả Seth Godin có chia sẻ câu chuyện mang tên: Bài học câu cá bằng mồi nhân tạo.
Trong một buổi đi câu với bạn bè, tác giả Seth Godin đã hỏi xin người hướng dẫn cho sử dụng loại mồi câu không gắn với lưỡi câu.
Sau khi tặng cho ông một ánh mắt kỳ lạ, người hướng dẫn trao cho tác giả một chiếc mồi câu đúng ý, không có lưỡi câu.
“Vài giờ tiếp theo thật tuyệt vời”, tác giả chia sẻ, “đặc biệt là bởi vì tôi biết chắc mình sẽ chẳng câu được con cá nào.”
Trong khi những người bạn khác đang phải lao tâm khổ tứ để cố gắng câu được cá, tác giả Seth Godin lại tránh khỏi cái kết quả dĩ nhiên ấy.
Ông dành thời gian và tâm sức để tập trung vào nhịp độ, vào tư thế, vào ứng dụng kỳ diệu của vật lý trong cú quang dây.
Ông đã học được cách để yêu quá trình, thay vì kết quả.
Việc bắt được cá – cũng như là danh tiếng hay tiền bạc – chỉ là một phần của sự luyện tập.
Hãy làm cho đúng đã, và sự bền bỉ của bạn sẽ là cánh cửa kết nối thành quả của bạn với thị trường.
Thực hành cần sự liên tục.
Ở mỗi người làm sáng tạo thành công, sự nghiệp của họ tuy chỉ là một phần của cả quá trình thực hiện, một nét trên cây cầu nhỏ, nhưng cũng đủ khiến không ít người phải dao động.
Nếu phải lấy kết quả làm thước đo duy nhất cho thấy giá trị của bạn, thay vì quá trình luyện tập mà bạn đã bỏ nhiều nỗ lực, thì chuyện đi đường tắt và làm sao cho chóng xong cũng hợp lý thôi.
Một khi ta quá vướng bận với phản ứng của người khác dành cho những gì ta làm, ta sẽ chỉ lo đến kết quả thay vì tập trung vào việc của mình.
Bám víu là một lựa chọn.
Bám víu vào kết quả. Bám víu vào những lời của một ai đó về điều kế tiếp ta sẽ làm. Bám víu vào suy nghĩ về chỗ đứng của bản thân trong xã hội.
Chúng ta đang rơi tự do. Luôn luôn rơi tự do.
Những vướng bận ấy buộc ta phải tìm một chỗ để bám víu vào. Ta tìm một nơi để trốn tránh trong một thế giới chẳng mấy khi vỗ về ta.
Nhưng tất nhiên, tin xấu là chẳng có nơi nào để thực sự dựa vào cả. Ta luôn luôn rơi tự do.
Còn tin tốt là không có gì để ta bám vào hết.
Chỗ đứng vững vàng nhất ta có thể tìm thấy chính là nhận thức rằng không hề có chỗ đứng nào hết.
Cho dù không bám tựa vào đâu hết ta cũng không mất đi chỗ đứng. Mà chính điều đó ngược lại cho ta một chỗ đứng mình cần.
Hãy học cách tin tưởng quá trình.
Tin tưởng bản thân không như kiểu tự tin huyền hoặc chính mình.
Tin tưởng bản thân hầu như chẳng có liên quan gì đến kết quả.
Thay vì vậy, ta có thể học cách tin tưởng quá trình. Đây chính là cốt lõi trong sự thực hành.
Ta có thể xây dựng quan điểm, học cách quan sát rõ hơn rồi sau đó đưa tác phẩm của mình ra công chúng (và tiếp tục lặp lại, lặp lại nữa).
Ta không làm vậy để chiến thắng, mà là để cống hiến. Ta làm vậy vì những lý do tốt nhất. Bởi đó là một hành động hào phóng, không hề vị kỷ.
Chính sự thực hành là một phần thưởng.
Việc tin tưởng vào bản thân đến từ khát khao muốn tạo ra sự khác biệt, muốn làm điều gì đó thực sự có ý nghĩa.
Bất cứ ai từng học cách bước đi, cách nói năng hay cách đi xe đạp đều đạt được những kỹ năng này mà không hề có sự đảm bảo cho thành công.
Nỗ lực là thứ duy nhất nằm trong tầm kiểm soát của chúng ta. Kết quả thì không.
6. Làm sao để biết ta đang tiến bộ hay không?
Tác giả Seth Godin gợi ý ta sử dụng 2 “thước đo” sau:
Số sản phẩm “bỏ đi/chưa đạt” của bạn.
Số sản phẩm bạn chia sẻ trong một đơn vị thời gian cố định nào đó. Ví dụ như số bài blog chia sẻ trong một năm.
Chồng giấy nháp bỏ đi cao đến mức nào?
Trong sách, tác giả Seth Godin có chia sẻ câu chuyện về Drew Dernavich. Anh là người có nhiều truyện tranh được đăng trên tạp chí The New Yorker nhất từ trước tới giờ.
Quả là một công việc trong mơ!
Thoải mái ngồi nhà với bộ đồ ngủ, bật chế độ hài hước trong vài phút, vẽ nguệch ngoạc vài nét rồi cứ thể thu tiền về.
Nó không chỉ trông rất vui vẻ, mà còn dành riêng cho người có khiếu thực sự, một thiên tài, một ai đó được sinh ra cho công việc này.
Quan niệm đó chính là lý do vì sao internet dậy sóng khi Drew đăng tấm ảnh chụp bàn làm việc của mình.

Drew không phải là một thiên tài.
Anh chỉ tốn nhiều giấy nháp hơn chúng ta mà thôi.
Bạn phải bị từ chối bao nhiêu bức tranh trước khi bỏ cuộc?
Trái lại, bạn phải vẽ bao nhiêu bức tranh không được mặn mà lắm trước khi tìm ra cách biến chúng thành hài hước?
Bạn không đạt được mục tiêu của mình. Chưa thôi.
Bạn không thuần thục các kỹ năng như bản thân mong muốn. Chỉ chưa thôi.
Bạn không đủ can đảm để sáng tạo. Chỉ là chưa mà thôi.
Đây không hẳn đã là những tin xấu. Mọi thứ vốn đã như vậy từ khi bạn còn nhỏ rồi.
Khi bạn muốn (hoặc cần) điều gì đó, tuy bạn không thể đạt được ngay, nhưng rồi nó sẽ đến thôi.
Những nỗ lực kiên trì, bền bỉ theo thời gian sẽ mang lại thành quả.
Mọi con đường dẫn đến thành công đều sẽ bắt đầu từ những điều bạn chưa biết, những việc bạn chưa làm.
Cách duy nhất để đi tìm cái mới là sẵn sàng (hay thậm chí hăm hở) phạm sai lầm để có thể tìm ra con đường.
Thực hành là luôn tìm cách tạo ra thay đổi, nhưng quá trình lại đòi hỏi sự nguyên bản. Việc thực hành có tính nhất quán, nhưng là nhất quán về ý định, không phải trong thực thi.
Mỗi người sáng tạo từng bước khi thực hành đều gặp một chuỗi dài những thất bại gần như vô tận.
Chúng ta sai, rồi sửa sai, rồi làm lại lần nữa.
Bạn sẽ có thêm ý tưởng TỒI thay vì ý tưởng tốt.
Đây chính là câu chuyện về mọi sáng tạo của nhân loại. Là câu chuyện về mọi ý tưởng tốt, mọi dự án mới, mọi bài hát, mọi tiểu thuyết.
Rằng từng có một ý tưởng tồi. Và sau đó có một ý tưởng tốt hơn.
Nếu bạn muốn phàn nàn rằng mình không có ý tưởng nào tốt, trước tiên hãy cho tôi xem mọi ý tưởng tồi của bạn đã.
Kết thân với những ý tưởng tồi là cách tốt để tiến về phía trước.
Chúng không phải là kẻ thù của bạn, mà là những bước cần thiết trên con đường hướng tới cái tốt hơn.
Hãy lật lại ý nghĩa của từ “CHO”.
Làm việc cho công chúng đồng nghĩa với việc chúng ta có cơ hội để không còn phải vướng bận liệu họ sẽ đón nhận tác phẩm của mình như thế nào.
Chuyện đó là tùy thuộc vào họ.
Nhiệm vụ của ta là hãy cứ phóng khoáng lên, hãy rộng lòng hết mức có thể với tác phẩm của mình.
Một lần nữa, hãy luôn nhớ rằng:
Ta không chia sẻ tác phẩm của mình vì ta là dân sáng tạo. Ta sáng tạo vì ta đã chia sẻ những tác phẩm của mình.
“ĐÂY, TÔI ĐÃ LÀM RA CÁI NÀY ĐẤY.”
Trong đó:
“ĐÂY” – ý tưởng này là một món quà, một sự kết nối từ người này sang người khác.
“TÔI” – ở đây là tôi, là bạn, là chúng ta. Đây là công trình của một cá nhân. Khán giá có thể vẽ nên liên kết giữa bạn và thứ bạn mang lại.
“LÀM RA” – bởi nó cần sự nỗ lực, tính độc đáo và những kỹ năng.
“CÁI NÀY” – không phải là một khái niệm chung chung. Đó là một khái niệm có giới hạn và cụ thể. Nó từng không tồn tại, nhưng giờ thì nó tồn tại. “Cái này” khác biệt, chứ không đại trà.
Câu nói này mang đầy sự phóng khoáng và có chủ đích, sự mạo hiểm và gần gũi.
Ta càng nói điều này nhiều hơn, càng nghĩ về nó và càng cố gắng truyền tải nó hơn, ta sẽ sáng tạo ra càng nhiều nghệ thuật, nhiều sự kết nối hơn.
VÀ VIỆC TẠO RA THAY ĐỔI SẼ TRỞ THÀNH CÁI NGHỀ CỦA TA.
Một món quà thường là đại diện cho sự hào phóng, nhưng hào phóng không có nghĩa là miễn phí.
Sự hào phóng không đòi hỏi ta phải tránh những va chạm bằng cách miễn phí tất cả.
Sự hào phóng là lòng can đảm ta có, là niềm đam mê và sự đồng cảm của ta tới những người mà ta hướng tới.
Thường thì sự tính phí cho thành quả mới tạo ra sự hào phóng, bởi những điều chúng ta làm là để đem lại thay đổi, chứ không phải là khiến bản thân trở nên vô hình và miễn phí trong mắt mọi người.
Tác giả Seth Godin cũng khuyên chúng ta, những người làm sáng tạo, hãy coi việc chia sẻ các sản phẩm như là một lời hứa, một lời khẳng định, hay một nguyên tắc trong công việc, thay vì chỉ coi nó như là một lựa chọn.
Thực hành đòi hỏi sự khẳng định khi không hề có sự đảm bảo nào.
Lời khẳng định hào phóng bao hàm việc khiến cho mọi thứ trở nên tốt đẹp hơn.
Hãy nói những câu như: “Tôi nhận thấy tình trạng này và tôi đề nghị một số giải pháp để cải thiện tình trạng ấy.”
Chúng ta thích giữ lời hứa.
Nếu không có thói quen giữa lời hứa, ta sẽ khó có thể trở thành một người thành công và hạnh phúc.
Nhưng đôi khi ta phải đưa ra lời hứa bằng bất cứ giá nào.
Ta chia sẻ đều đặn…
Không phải vì mọi thứ đã hoàn hảo, mà vì ta đã hứa như vậy.
7. Kỹ năng + Gu thẩm mỹ
Ta càng chia sẻ nhiều sản phẩm “tốt” tới công chúng, ta càng có nhiều sản phẩm “bỏ đi/chưa đạt”.
Và càng có nhiều sản phẩm “bỏ đi/chưa đạt”, ta lại càng tạo ra được nhiều sản phẩm “tốt” để chia sẻ tới công chúng.
Vòng lặp qua lại giữa chồng sản phẩm “YES” và chồng sản phẩm “NO” của bạn chính là nơi ta phát triển kỹ năng và gu thẩm mỹ cá nhân.
Người làm sáng tạo sẽ có thái độ tốt hơn nếu họ nghĩ ra cách để tin tưởng quá trình và tin tưởng bản thân để làm việc với quá trình đó.
Tất nhiên, thái độ cũng là kỹ năng và đó là tin tốt cho tất cả chúng ta vì kỹ năng là thứ chúng ta sẽ học được nếu có đủ tâm huyết.
Ta sẽ thành công khi dồn toàn lực cho chỉ một hoặc hai kỹ năng mà thôi.
Nếu làm được điều này mà không trở thành một kẻ kiêu căng hay phải hy sinh sức khỏe của mình thì chúng ta sẽ có cơ hội để thực sự cống hiến.
Thế nên, thách thức thực sự là làm sao có được một siêu năng lực.
Một thứ năng lực vượt trội so với toàn bộ phần còn lại của con người bạn.
Theo thời gian, nếu bạn có thêm một vài siêu năng lực nữa thì cũng tốt.
Nhưng trước hết, mỗi người phải chọn lựa đã. Chọn lựa kỹ năng mà chúng ta sẽ đem công khai với thế giới.
Ngay cả khi để làm thế, cái giá phải trả là phớt lờ một số việc mà bạn từng quen làm, nhưng suy cho cùng, lại đều là những thứ chỉ khiến bạn phân tâm.
Hãy thử bắt đầu với một thứ trước.
Trở thành “người giỏi nhất thế giới.”
Điều đó không có nghĩa là bạn phải đứng nhất về mọi phương diện, hay có nghĩa thế giới là chính Trái Đất này.
Trở thành người giỏi nhất thế giới có nghĩa là khi ai đó có những lựa chọn và thông tin, họ sẽ chọn bạn.
Bởi vì phiên bản “người giỏi nhất” của bạn đáp ứng những gì họ tìm kiếm, và vì bạn nằm trong nhóm lựa chọn họ cân nhắc (thế giới của họ).
Sự khác biệt nhỏ nhoi về những kỹ năng có thể đong đếm là không quan trọng, dù là ở đây và ngay thời gian này.
Suy cho cùng thì mục tiêu là trở thành người giỏi nhất trong việc là chính mình.
Hãy đi tìm độ khó mong muốn.
Độ khó mong muốn là yếu tố thực sự cần thiết để ta cải thiện kỹ năng và đưa mình lên một trình độ khác.
Độ khó mong muốn chính là sự khó khăn khi ta làm những việc khó.
Đó là chuẩn bị cho bản thân sẵn sàng đương đầu với những điều khó khăn, vì ta biết sau khi vật lộn với chúng, ta sẽ bước lên một trình độ mới.
Việc học hỏi gần như bao giờ cũng đi kèm với cảm giác thua kém.
Khó khăn là có thật, và nó rất đáng để mong đợi nếu mục tiêu của ta là tiến về phía trước.
Cam kết chính là chấp nhận những khoảng thời gian dài liên tục nếm trải cảm giác thua kém và đôi lúc là nỗi thất vọng.
Cam kết là tìm kiếm độ khó mong muốn trên hành trình tới nơi dòng chảy ấy phát huy hiệu quả có ích cho những thay đổi mà ta muốn tạo ra.
Gu thẩm mỹ tốt đến từ đâu?
Gu thẩm mỹ tốt là khả năng hiểu khán giả hoặc khách hàng của bạn sẽ muốn gì trước cả khi họ hiểu bản thân mình muốn gì.
Gu thẩm mỹ tốt đến từ kiến thức chuyên môn, kết hợp với trực giác và kinh nghiệm để biết nên xoay sở với những kỳ vọng như thế nào.
Điều chỉnh nhiều lần, quan sát thị trường, học hỏi từ đó. Đó chinh là công thức hình thành nên gu thẩm mỹ tốt.
8. Có lòng tin vào sự thực hành
Thực hành luôn là một lựa chọn cho chúng ta – đó không phải là một phương án thay thế tức thì, cũng không phải một công thức với kết quả được đảm bảo, mà là sự luyện tập.
Đó là một phương thức tiếp cận kiên trì, tuần tự mà ta theo đuổi vì sự hữu ích của chính nó thay vì những phần thưởng đổi lại.
Quá trình thực hành sáng tạo luôn vắng bóng những vị “sếp” đứng mũi chịu sào.
Bởi vậy, con đường này đòi hỏi ta phải tin tưởng vào bản thân, và quan trọng hơn, tin tưởng vào bản ngã của chính mình.
Cốt lõi của thực hành sáng tạo là sự tin tưởng.
Đó là cả một chặng đường khó khăn để tin vào bản ngã của chính mình, tin vào cái tôi bên trong, tin vào phần “người” độc đáo mà mỗi chúng ta đều có.
Sự độc đáo không bị sao chép hay lặp lại. Mà là cái chất được tái hiện.
Gần như mỗi khung hình đều thể hiện được dấu ấn (và đặc trưng) của người sáng tạo ra nó.
Sáng tạo không lặp lại mà bắt nhịp với nhau.
Vai trò của bạn rất quan trọng.
“Tác phẩm” của bạn rất quan trọng.
Chắc rằng bạn ít nhất đã từng một lần lên tiếng, từng đóng góp điều gì đó có ý nghĩa.
Và bây giờ chúng tôi cần bạn lặp lại điều đó. Nhiều hơn nữa.
Ta, và mọi thứ luôn có thể trở nên “tốt hơn”.
Nhưng nếu chúng ta tiếp tục tìm sự ổn định, tiếp tục trốn tránh, tiếp tục hối hả chạy mãi trên một con đường từ đó tới nay thì không, sẽ chẳng có gì “tốt hơn” cả.
Chúng ta có nhiều việc để làm hơn thế.
Chúng ta cần sự đóng góp của bạn.
Nhưng điều đó không thể xảy ra và sẽ không xảy ra nếu chúng ta không tìm ra cách để tin tưởng bản thân đủ để sáng tạo.
Cảm nhận
Một trong những khía cạnh mà mình thích nhất ở phong cách viết văn của tác giả Seth Godin, đó là sự súc tích.
219 mẩu truyện tác giả chia sẻ trong cuốn sách này đều rất ngắn, nhưng những thông điệp mà tác giả muốn truyền tải thì lại vẫn rất rõ ràng.
Bản thân các mẩu truyện cũng thường có tính xâu chuỗi với nhau, để cùng nhau truyền tải một thông điệp to lớn và ý nghĩa hơn.
Mình cho rằng đây là một phong cách viết rất đáng để học hỏi từ tác giả Seth Godin.
Điểm trừ lớn nhất khiến mình cảm thấy kém thoải mái khi đọc cuốn sách này đó là font size của phần nội dung chính được in quá nhỏ.
Cuốn sách này thường xuyên khiến mình cảm thấy mỏi mắt và vô thức đưa sách về gần mắt hơn vì chữ của nó bé quá.
Mình cũng không thể đọc nó vào buổi tối trước giờ đi ngủ với ánh đèn bàn, cũng do chữ được in quá bé và trong điều kiện thiếu ánh sáng, mình sẽ cảm thấy chóng đau mỏi mắt hơn.
Trong sách, mình cũng phát hiện ra 2 lỗi chính tả nho nhỏ.
Đến cuối cùng, đây vẫn là một cuốn sách có tính truyền cảm hứng rất lớn và cũng rất đẹp mắt.
Nó chứa nhiều bài học và tư tưởng mà mình tin rằng rất phù hợp với những bạn trẻ mới bước chân vào làm nghề sáng tạo.
Vậy nên, nếu như bạn cũng vừa mới bắt đầu hành trình làm sáng tạo của riêng bạn, thì mình tin rằng cuốn sách này sẽ có thể đem tới cho bạn nhiều nguồn cảm hứng lý thú lắm đấy.
Tiếp theo, mình sẽ đọc cuốn sách Em muốn học thiết kế nhưng mẹ không cho! Các tác giả: Leo Dinh, Lê Thanh Nga, Trần Khánh An.
“Keep Moving Forward”
Chấp bút: Tom.
***
Nếu bạn đọc yêu thích blog của Tom và cảm thấy blog mang lại lợi ích tích cực cho cuộc sống của mình, hãy ủng hộ cho Tom Writing để blog có thể tồn tại và phát triển mạnh mẽ và bền vững hơn bạn nhé.
Bạn chỉ cần nhấn vào nút “Buy me a coffee” dưới đây để ủng hộ cho Tom Writing một "tách cà phê":
Mỗi "tách cà phê" chỉ có giá $5 (khoảng 117 ngàn đồng) nhưng mang lại lợi ích không hề nhỏ cho việc duy trì blog và truyền động lực sáng tạo cho Tom đó ạ :')