Thị Kiến – Cuộc chiến giữa thiện và ác bên trong mỗi con người.
Tác giả sách: Stephen King
Thể loại: Tiểu thuyết kinh dị, tâm lý, giả tưởng
Số trang: 588
Đánh giá: Rất hay!

Thị Kiến (The Shining), một trong những đầu sách nổi tiếng nhất của tác giả Stephen King, vừa cho mình một trải nghiệm đọc rất tuyệt vời trong dịp nghỉ lễ vừa qua, và mình đã thể hiện điều đó bằng một đánh giá 5 sao trên Goodread.
Đây cũng là lần đầu tiên mình đọc một tác phẩm của Mr. King - ông hoàng truyện kinh dị.
Mình đã ngấu nghiến hết cuốn sách gần 600 trang này trong vòng có 3 ngày.
Xin phép cho mình được khoe chút xíu vì sự thật là mình đang cảm thấy khá tự hào vì điều ấy, hehe.
Chả là trước khi bắt đầu cuốn sách này thì mình bị dính phải một đợt “chán đọc” (reading slump) khá là dai dẳng, kéo dài suốt gần 2 tháng vừa qua, và Thị Kiến, thật thú vị và thật bất ngờ, đã giúp mình phá vỡ được lời nguyền “chán đọc” đáng ghét ấy.
Đối với dân mê đọc thì còn gì duy nhất có thể đem lại nhiều sướng vui hơn việc đọc được một cuốn sách hay chính là đọc được một cuốn sách hay rồi nhờ đó mà phá vỡ được lời nguyền “chán đọc” ha.
Thị Kiến có một cốt truyện, nhìn chung, khá là dễ hiểu thôi.
Nếu bạn, cũng như mình, đã từng xem bản phim chuyển thể của đạo diễn Stanley Kubrick rồi thì mình tin là bạn cũng đã nắm được cốt truyện chính của cuốn sách này.
Câu chuyện trong Thị Kiến kể về gia đình Torrance.
Jack Torrance được bên quản lý của khách sạn Overlook thuê để đảm đương nhiệm vụ trông nom cho cái khách sạn tại vùng núi tuyết hẻo lánh ấy.
Jack, cùng với vợ anh là Wendy và con trai của họ là Danny, đã chuyển tới ở tại khách sạn Overlook trong khoảng thời gian này, và gia đình họ sớm bị cô lập với thế giới bên ngoài dưới sức mạnh áp đảo của mùa đông khắc nghiệt trên miền núi.
Dần dần, cuốn sách tiết lộ những sự thật kinh hoàng, cả về khách sạn Overlook, lần bên trong nội tâm của các nhân vật, đặc biệt là Jack.
Các sự kiện siêu nhiên rùng rợn đánh vào tâm lý cứ nối tiếp nhau mà diễn ra, đẩy nỗi sợ hãi của các nhân vật lên cao trào và trao cho người đọc cái cảm giác thiếu an toàn, được cảm nhận thông qua các nhân vật, cho tới tận những trang cuối cùng của cuốn sách.
Cảm nhận
Thị Kiến, theo mình đánh giá, là một cuốn sách rất dễ đọc, hay thậm chí có thể nói là “dễ vào”.
Chắc bạn cũng đã biết cái cảm giác phải đọc đi đọc lại nhiều lần một đoạn văn để cố hình dung cho ra tác giả đang viết về cái gì rồi ha, đối với văn trong Thị Kiến, mình ít khi bị vướng phải sự cố trên.
Vậy nên, bạn đừng để vẻ ngoài đồ sộ của cuốn sách này làm nản chí nha.
Tác giả Stephen King sử dụng lối viết văn khá là “thẳng thắn” trong cuốn sách này, ông giúp mình không cần phải tiêu tốn quá nhiều chất xám vào những câu hỏi như “Cái này có ý nghĩa là gì?” hoặc “Có ý nghĩa sâu sắc nào đang ẩn đằng sau chi tiết này hay không?”.
Mình tin rằng đây là một điểm cộng rất lớn, nhất là khi cuốn sách này hướng tới việc phản ánh về những chủ đề rất thật, và đồng thời, rất đáng được chúng ta nhìn nhận bằng những góc nhìn thẳng thắn nhất, điển hình như là nạn bạo hành gia đình, nạn bạo hành trẻ em, và cả thói lạm dụng đồ uống có cồn, cũng như là các chất kích thích khác.
Mình rất thích việc văn của cuốn sách này phần lớn toàn là những đoạn độc thoại nội tâm, với thỉnh thoảng có những dòng văn nhỏ, như là những “ý nghĩ” lốm đốm bất ngờ nổi lên, làm gián đoạn mạch suy nghĩ chính của các nhân vật.
Lối trình bày này, theo mình, không chỉ là để làm nổi bật lên những yếu tố kinh dị tâm lý (psychological horror) của cuốn sách, mà nó còn, hay hơn cả, (gián tiếp?) cho mình cái cảm giác như đang được trải nghiệm năng lực thị kiến ấn tượng của cậu bé Danny.
Nhắc tới Danny, trong suốt cả quá trình đọc sách, mình thường xuyên cảm thấy bản thân có một mối quan tâm đặc biệt dành cho sự an toàn của cậu bé.
Mình tin rằng mối quan tâm này xuất phát chủ yếu từ sự thật rằng cậu bé 6 tuổi này, cùng với mẹ của cậu, đang phải trải qua một trong những tình huống mà bản thân mình từ nhỏ đã biết rất rõ là vô cùng kinh hoàng: bị mắc kẹt trong một không gian kín với một vị phụ huynh say xỉn, bạo lực, dễ bị kích động và không thể bị kiểm soát.
Những chi tiết đáng sợ nhất trong Thị Kiến, bởi vậy, theo mình, không phải là những bóng ma tàn ác ẩn nấp bên trong khách sạn Overlook, mà chính là những trận chiến liên miên giữa cái thiện và cái ác diễn ra bên trong tâm trí nhân vật Jack Torrance.
Thói nghiện rượu, bản tính nóng nảy, thiếu khả năng tự chủ, xu hướng bạo lực,... đây mới là những bóng ma có thật và có khả năng thực sự hãm hại người khác – Thị Kiến, theo mình, đã làm rất tốt trong việc nêu bật lên thông điệp này.
Ví lý do trên nên cá nhân mình tin rằng kể cả khi chúng ta có loại bỏ hết những yếu tố siêu nhiên ra khỏi cuốn sách này, kể cả khi Jack không bị ảnh hưởng bởi những bóng ma trong Overlook, thì khả năng cao nhân vật này cũng sẽ vẫn hãm hại gia đình gã trong một cơn giận dữ nhất thời nào đó.
Cái nét chân thực, cũng như là đáng sợ, của nhân vật Jack, giống những bậc phụ huynh có thói bạo hành ngoài đời thực, đó là dù cho tâm lý của gã rất bất ổn, nhưng rõ ràng là gã không hề điên rồ.
Mình tin rằng Jack thực sự có yêu thương Wendy và Danny, gã có cảm thấy hối hận và hãi hùng vì những đớn đau mà gã đã gây ra, chỉ là gã quá dễ bị nuốt chửng bởi cảm xúc bốc đồng và gã không biết phải làm sao để thoát ra; cái tôi to lớn, cơn thèm rượu và tình trạng thất nghiệp sẽ chỉ như là những can dầu đổ vào lửa khiến cho gã càng dễ bốc hỏa và dễ trút giận lên đầu vợ con hơn mà thôi.
Vì câu chuyện xoay quanh các nhân vật trong một gia đình nên, đương nhiên, những thông điệp về gia đình và về chủ đề làm cha mẹ cũng thường xuyên được tác giả gợi lên trong cuốn sách này.
Qua hai nhân vật Wendy và Jack, mình thấy Mr. King đã khắc họa khá là chân thật những kiểu tổn thương mà một bậc làm cha mẹ có thể đã, vô tình hoặc cố ý, trút lên con cái họ; và cả cái sự thật rằng những đứa trẻ sẽ mãi mãi phải mang theo những tổn thương thuở còn ngây thơ ấy mà bước vào đời, vào tuổi đi học, đi làm, trưởng thành, và đến khi được làm cha mẹ, chúng cũng sẽ lại gây nên chính những kiểu tổn thương tương tự cho người khác, và cho cả đứa trẻ mà chúng sinh ra.
Cái cách hai nhân vật này phản ứng trước những tổn thương do bị cha mẹ bạo hành cũng là rất chân thật, theo quan điểm của mình.
Trong khi Jack lớn lên và trở thành một phiên bản giống hệt bậc phụ huynh đã ám ảnh gia đình gã hồi còn bé; thì ở chiều ngược lại, Wendy, sau khi nhận thức được rõ ràng rằng bản thân đã bị phụ huynh bắt nạt nặng nề, thì cô cố gắng để có thể trở thành một vị phụ huynh tốt hơn, để đứa trẻ cô sinh ra không phải chịu sự khủng bố mà cô đã phải chịu, để kết thúc cái chuỗi đau đớn kéo dài cả hàng thiên nhiên kỷ do cha mẹ gây nên cho con cái.
Những nét rùng rợn của Thị Kiến, theo mình, không thực sự tới từ những con ma, mà nó tới từ nỗi tuyệt vọng của cái cảm giác bị mắc kẹt, bị săn đuổi, kết hợp với cái cảm giác ghê rợn khi bạn nhận ra rằng có gì đó kỳ quái đang rình rập bạn, chờ đợi thời cơ tấn công khi bạn ít đề phòng nhất.
Điểm trừ đáng chú ý nhất ở Thị Kiến đó là thỉnh thoảng tác giả có viết hơi dài dòng về một số chi tiết, mà theo mình, là không thực sự quan trọng với mạch truyện và cũng không có ý nghĩa rõ ràng với tình huống mà chi tiết ấy được đề cập tới.
Tổng kết
Mình tin rằng Thị Kiến một cuốn sách có tính giải trí rất cao.
Nó cân bằng tốt giữa những yếu tố siêu nhiên và thực tế.
Nó khắc họa chân thực những vấn đề có thật trong đời sống, đặc biệt là trong một gia đình, nhưng đồng thời cũng không quên rằng bản chất nó là một câu chuyện kinh dị.
Nó có những thông điệp ý nghĩa muốn được gửi gắm tới bạn nhưng sẽ không hề cố gắng để nhồi sọ bạn bằng những triết lý cao siêu.
Mình thực sự rất thích những điều trên ở cuốn sách này và mình hy vọng rằng bạn cũng sẽ có những trải nghiệm tích cực tương tự với Thị Kiến.
Nhưng nếu trong trường hợp bạn đang muốn tìm đọc một truyện ma thì mình tin rằng Thị Kiến chắc chắn không nên là lựa chọn của bạn.
Bởi vì những con ma trong cuốn sách này không hề đáng sợ theo ý nghĩa truyền thống của những con ma mà bạn thường nghĩ tới.
“Keep Moving Forward”
Chấp bút: Tom.