top of page

Thế nào là trưởng thành về mặt cảm xúc?

Vui lòng KHÔNG SAO CHÉP bài viết và tranh minh họa của mình.


Trưởng thành về mặt cảm xúc (emotionally mature) là khi:


– Bạn nhận ra, đi kèm với một nỗi tức cười đầy tính an ủi, rằng đến cuối cùng, tất cả chúng ta, bao gồm cả chính bản thân bạn, đều là những kẻ ngốc (fool).


Sinh ra là con người, chúng ta gần như chẳng còn lựa chọn nào khác.

Chúng ta là những kẻ ngốc ở hiện tại, chúng ta đã từng là những kẻ ngốc ở quá khứ, và chúng ta sẽ mãi mãi là những kẻ ngốc trong tương lai.


– Bạn biết trút bỏ tính kiêu hãnh (pride).


Bạn nhận ra bản thân là một sinh vật dễ hiểu lầm mọi thứ đến nhường nào, và còn biết bao nhiêu điều nữa bạn chẳng thể hiểu nổi, hay chẳng hề hay biết – đặc biệt là sau khi bạn để cho những cái tự cao bị dính liền vào với bản lĩnh (competence) và sự sáng suốt (sanity).


– Bạn nhận thức được về mối liên hệ sâu sắc giữa cơ thể và tâm trí.


Cảm giác buồn đau và nỗi tuyệt vọng đang bóp nghẹt bạn ngay lúc này, rất có thể, không phải là hậu quả của một sự kiện bi thảm nào đâu, mà là do bạn đã bỏ qua bữa sáng nay, do đã lâu rồi bạn chưa tập thể dục, hoặc do gần đây bạn đã thức khuya quá thường xuyên.


– Bạn tôn trọng nghệ thuật ngoại giao và tầm quan trọng của các phép lịch sự.

Bạn hiểu rõ ràng, không phải chỉ riêng mình bạn, ai cũng đều dễ bị tổn thương cả.


– Bạn cắn răng chịu đựng việc phải học cách bình tĩnh sử dụng ngôn ngữ để cung cấp cho những người xung quanh chỉ dẫn (indication) về những gì đang diễn ra bên trong bạn.


Và bạn cũng sẽ không trách cứ những con người ấy vì đã không thể hiểu nổi những điều mà trước đây bạn chưa từng bỏ ra công sức để truyền đạt tới họ một cách rõ ràng.


– Bạn chấp nhận sự thật rằng bản thân bạn cũng thường xuyên không thể hiểu nổi cảm xúc và suy nghĩ của bản thân; do đó, bạn chịu khó dành thời gian để tự thấm vấn, cố gắng đào sâu vào chính mình để tìm hiểu về những mong muốn và ý định thực sự của “cái tôi” này – có thể là bằng một chuyến đi dạo dưới nắng ấm, hoặc đơn giản là nằm một lúc lâu trên giường, với giấy và bút sẵn sàng trong tay.


– Bạn chấp nhận sự thật rằng bạn không thể làm bạn với tất cả mọi người.


Cố gắng làm vừa lòng tất cả sẽ chỉ dẫn tới sự xúc phạm dành cho số đông;

Vì vậy, bạn sẽ thường xuyên thẳng thắn về những nỗi thất vọng bạn đem tới cho thế giới, để tránh cho những người bạn quen biết (acquaintance) phải trải qua niềm đau của những nỗi kỳ vọng quá đáng.


– Bạn cảm thấy vô tư hơn trước việc bị cho là “khác thường” (strange), là “kỳ lạ” (weird), hay thậm chí, là “ngu ngốc”, hoặc “dị hợm”.


Không có từ ngữ nào trong số trên có thể khiến bạn sợ hãi được nữa.

Tiếng nói của dư luận cũng ít quan trọng hơn, bởi vì, như đã trình bày ở ý trên, bạn hiểu rằng làm vừa lòng tất cả mọi người là bất khả thi.


Đây, biết đâu được đấy, chính là kiếp sống duy nhất mà mỗi người trong chúng ta được ban cho – vậy nên, hãy cứ làm kẻ lập dị ở những nơi chúng ta cần phải thế.


– Bạn lấy cảm giác nhàm chán (boredom) của bản thân làm kim chỉ nam.


Mọi người có thể cứ ca tụng rằng đây là một cuốn sách tuyệt vời và kia là một tuyệt tác điện ảnh, nếu họ muốn.

Bạn có thể vứt cuốn sách ấy sang bên hoặc bỏ ra khỏi rạp, nếu bạn muốn.


Chúng ta có thể sống cả đời mà không cần lúc nào cũng phải cảm thấy thích thú (enjoy) với những gì mà mọi người xung quanh ta đều lấy làm thích thú.


– Bạn chấp nhận rằng hầu hết những gì tạo nên con người bạn ở hiện tại đều được định hình bởi những sự kiện “tương đối” nhỏ nhặt diễn ra trước khi bạn lên mười.


Chúng ta, thực ra, cũng không khác xa những chú vịt con là bao – chúng ta chịu ảnh hưởng tuyệt đối bởi những gì được in dấu (imprinted) vào tâm trí chúng ta ngay từ cái khoảnh khắc ta hít vào hơi thở đầu tiên nơi cõi trần gian này.

Bạn tìm tới với sự chữa lành.


– Bạn dần nhận thấy những “khuôn mẫu” (pattern) nơi bản thân.


Bạn nhận ra rằng, có lẽ, bạn không cần phải tiếp tục cố gắng tìm cách gây ấn tượng với những nhân vật quyền lực lớn tuổi hơn nữa, mà thay vào đó, bạn tìm tới những người thực sự có khả năng hiểu rõ giá trị của bạn.


Bạn nhận ra rằng, có lẽ, bạn không cần phải tiếp tục phải lòng cùng một người, hoặc một kiểu người, sẽ chỉ luôn biết tới giả tạo và lợi dụng tình cảm của bạn, thay vào đó, bạn thử bắt đầu lại tất cả bằng cách tự yêu thương bản thân, thay cho cả phần của một người bạn đời mà bạn đã luôn mang đi trao gửi ở nhầm chỗ.


Nhận thức được những “khuôn mẫu” tiêu cực tương tự như trên chính là bước đầu tiên để phá vỡ chúng.

Từ đây, bạn sẽ thu được về cho bản thân một tấm bản đồ (dẫu cho thường là vô cùng rối rắm và khó nhìn) về những chứng rối loạn thần kinh đã luôn ám ảnh bạn.


– Sẽ có thêm một chút trì hoãn giữa khi “cảm thấy một điều gì đó” và khi “hành động dựa trên những gì vừa cảm nhận được”.

Đôi khi, bạn thậm chí còn có thể chỉ theo dõi (observe) những cảm xúc ấy và, đến cuối cùng, quyết định không làm gì hết.


– Bạn chịu lắng nghe.


Bạn không còn cái thói ưa cắt ngang và tìm cách “góp ý” ngay khi người ta bắt đầu chia sẻ câu chuyện của họ.

Bạn, thay vào đó, nồng nhiệt nhìn vào mắt họ và nói: “Có mình đang lắng nghe bạn đây…”


– Không còn nữa việc đánh giá người khác chỉ bằng một trong hai chữ “tốt” hoặc “xấu”.


Bạn ý thức được rằng không một ai là không phải vùng vẫy (struggle) để giữ cho bản thân họ được tiếp tục trôi nổi trong bể khổ của cuộc đời này.


Chúng ta, bạn biết rõ, đều là những hỗn hợp của sự tốt bụng và ích kỷ.

Vì vậy mà trong bạn cũng không còn nữa cái cảm giác thôi thúc (impulse) muốn ném đá những kẻ tội lỗi, hoặc những người lầm đường lạc lối.


– Bạn thực hiện các biện pháp để giữ thái độ bi quan (pessimistic) vừa phải về cái cách mọi thứ rồi sẽ diễn ra.


Bạn tự nhắc nhở bản thân, tốt nhất là mỗi ngày một vài lần, rằng mọi mối quan hệ đều bị xé nát (riven) bởi những nỗi đau, rằng tất cả dự án kinh doanh đều điên rồ, và rằng gia đình nào cũng đều khiến cho những người trong cuộc muốn phát điên.


Bạn không hề bị ngược đãi, đây đơn giản là bản chất phổ quát mà mọi thứ sẽ diễn ra – mọi người đều chỉ là đang thận trọng để không nói về nó đó thôi.

Hay nói theo một cách khác, trong ngữ cảnh này, bạn có thể là một nạn nhân (victim), nhưng chắc chắn bạn không phải là một mục tiêu (target).


Có ít hy vọng hơn – do đó – bạn có ít giận dữ hơn, và cũng ít đau đớn hơn.


Đương nhiên, một vài sự cố hoặc tai họa sẽ phải diễn ra.

Đương nhiên, bạn sẽ phạm phải một số sai lầm khủng khiếp.

Đương nhiên, sẽ có những kẻ phản bội, và những kẻ khác thì đối xử tệ bạc với bạn.

Tất cả đều hoàn toàn bình thường, bởi lẽ đương nhiên nó phải thế.


– Bạn có một thước đo chính xác về những khó khăn mà bạn đã đặt lên vai mọi người xung quanh, đặc biệt là những người mà bạn yêu thương nhất.


Bạn lấy làm lạ khi một hoặc hai người trên đời này dám – đôi khi – sẵn sàng chịu đựng bạn.


– Bạn nhận ra rằng chẳng có hướng dẫn sử dụng nào dành cho cuộc sống hết.


Không một ai thực sự nắm giữ câu trả lời cho câu hỏi “Sống như thế nào?” đâu.

Tất cả mọi người đều đang “bịa” ra câu trả lời trong cuộc sống của chính họ đó thôi.


Không một ai có thể được cho là “bình thường”, và cũng không một ai hiểu nhiều hơn một mẩu nhỏ (fraction) của bất cứ thứ gì.

Hiểu biết này giúp bạn bớt rụt rè hơn khi bạn cuối cùng cũng dám sống cuộc đời của chính bạn.


– Bạn nhận ra rằng hầu hết các trải nghiệm đều là những sự pha trộn giữa hy vọng (hope) và thất vọng (disappointment).


Ngay cả trong những khoảnh khắc tươi đẹp nhất, cảm giác hối tiếc và những nỗi buồn đau vu vơ (melancholy) sẽ không bao giờ rời xa bạn.

Chẳng có gì là thuần khiết được như những gì mà ta ao ước; phần lớn đều là đắng cay ngọt bùi, buồn vui lẫn lộn.


– Bạn hoan hỉ trước những năm tháng đã trôi qua.

Già đi – bạn nghĩ – quả đúng là sự việc kỳ lạ nhất có thể xảy ra với một cô bé hoặc một cậu bé.


– Bạn đã sống đủ lâu, trải qua đủ số mùa hè và mùa đông trên đời này, để tự tin mà kết luận rằng: Chuyện gì rồi cũng sẽ qua.


Cái mà ở hiện tại đang trông như một ngọn núi sẽ – theo năm tháng – bị bào mòn thành hòn sỏi con con.

Những gì ở hiện tại đang là một trong những tổn thất lớn nhất của chúng ta sẽ – theo năm tháng – chẳng còn mấy ý nghĩa nữa.


Khi có ai đó nói rằng “Bạn sẽ vượt qua được thôi” thì họ đang nói đúng đấy.

Bạn sẽ vượt qua được thôi.


– Bạn học được cách tỏ lòng biết ơn (grateful) với những điều nhỏ nhặt:

Một buổi tối yên tĩnh;

Một cơn mưa làm gián đoạn cái nóng mùa hè;

Một bát cơm nóng cho bữa tối;

Một chậu hoa hướng dương bên bệ cửa sổ;

Một làn gió mang theo mùi mơ phơi khô;

Một hai lời tử tế trao đổi với một người qua đường lạ mặt.


Bạn trở nên cảnh giác hơn với những “kế hoạch vĩ đại” và những “ý tưởng đổi đời”.

Bạn đã sớm biết chấp nhận những đức hạnh của một cuộc đời chẳng cần phải quá nổi bật (unremarkable).


– Bạn coi một ngày tốt lành là khi không có sự kiện đáng kể nào diễn ra.


Bạn tôn vinh trạng thái bình thản, êm đềm và yên tĩnh;

“Nhàm chán” không còn là một từ thô tục trong từ điển của bạn nữa.


– Bạn không còn lo sợ bị bỏ lỡ một cuộc vui đang diễn ra ở nơi nào đó.

Bạn, thay vì vậy, lên giường đi ngủ sớm.


– Bạn ít cảm thấy bị xúc phạm hơn bởi sự thiếu chín chắn nơi những người khác.

Một kẻ nhỏ nhen vừa tuyên bố rằng hắn căm ghét bạn và khiêu khích bạn bằng một tràng chửi rủa – bạn không chỉ hiểu cho hắn, bạn còn thấy thông cảm cho hắn.


– Bạn chấp nhận sự hiện diện cố hữu của đứa trẻ bên trong nội tâm.

Bạn sẽ, một lần nữa, thật chậm rãi, học cách để trở nên giống như một đứa trẻ, để cười và để khóc, vì có quá nhiều điều là buồn đau, và cũng có quá nhiều điều là tốt đẹp (beautiful).


– Bạn không thể làm cho cuộc sống trở nên hoàn hảo (flawless).


Bạn biết rõ chúng ta là sinh vật sở hữu thứ tài năng để hình dung (visualizing) ra sự hoàn hảo, chứ không phải là để đạt được sự hoàn hảo ấy.


***

Sự trưởng thành về mặt cảm xúc là trạng thái mà rất ít người trong số chúng ta từng đạt được – và khi đã đạt được, ta cũng hiếm khi nào duy trì nó được lâu hơn một vài khoảnh khắc.


Phía trên đây là một số điều có thể sẽ đóng góp to lớn vào hành trình tìm tới trạng thái luôn dang dở và khó nắm bắt, đến mức độ đau đớn, của sự trưởng thành đích thực.


“Keep Moving Forward”

Chấp bút và minh họa: Tom.

0 lượt xem0 bình luận

Bài đăng gần đây

Xem tất cả
Bài đăng: Blog2 Post
bottom of page