“Thương”
Vui lòng KHÔNG SAO CHÉP bài viết và tranh minh họa của mình.

Ngày nay, trên bề mặt của Trái Đất này, thật dễ để hầu hết chúng ta tự cập nhật thông tin cho bản thân về rất nhiều vấn đề không mấy tốt đẹp đang xảy ra với thế giới.
Với sự phức tạp của xã hội loài người như hiện nay, thường sẽ là rất khó để bạn “chỉ mặt đặt tên” được hết tất cả những yếu tố đã góp gió để, hằng ngày, thổi bùng lên ngọn lửa của vô số những vấn đề nan giải trong đời sống của mỗi người chúng ta.
Nhưng đến một lúc nào đó, có thể là vào một trong những khoảnh khắc riêng tư và yên tĩnh nhất, bạn sẽ nhận ra, rằng điều mà nhân loại đang cần nhiều hơn vào lúc này, có lẽ, chính là một khái niệm được người Việt Nam ta biết tới rộng rãi qua chữ “thương”.
Mình tin rằng, sẽ là vô cùng hời hợt nếu như chúng ta chỉ gắn từ này với “yêu” (love), và ngay lúc này đây, khi đang thử tìm kiếm một hướng giải thích cụ thể cho ý nghĩa của nó, bạn có lẽ cũng đã bước đầu nhận thức được về mức độ sâu sắc của tính triết lý ẩn chứa đằng sau “thương”.
“Thương”, rõ ràng hơn cả “yêu”, còn mang nghĩa là lòng trắc ẩn (compassion), là nhân đạo (humanity); và một khi đã được gắn với “yêu”, nó đại diện cho những phần tình cảm mà chúng ta tập trung vào để thực hiện sự cảm thông (empathy) – một trong những thành phần quan trọng nhất để giúp cho tình yêu có thể hoạt động bình thường và tốt đẹp.
“Thương”, dựa vào cái cách nó vẫn thường được sử dụng, không phải là sự ngưỡng mộ hướng tới những gì là sang trọng, là hoàn hảo, là đỉnh cao (accomplished).
“Thương”, giống như tất cả những giá trị tốt đẹp khác, không phải là một thứ có thể bị cấm đoán, hoặc phải chờ sự cho phép của ai đó thì mới nên được bạn thực hiện.
“Thương”, đầu tiên và hơn cả, là thứ tình cảm mà chúng ta nên dành cho hàng hà sa số những người mà ta đã, đang và sẽ muốn ghét bỏ;
Những người mà, thường chỉ là trong chớp nhoáng, bản năng có thể sẽ bảo bạn rằng họ thật “xấu xí”, “kỳ quặc”, “yếu đuối”, “đáng thất vọng”, hoặc “lố bịch” (ridiculous);
Những người mà có thể đã phạm phải một số sai lầm nghiêm trọng, hoặc đã xúc phạm tới những quy chuẩn đạo đức của ta.
Học cách cảm thấy thương những con người như vậy, ấy là một thành tựu thực sự – cũng là đỉnh cao của tính nhân đạo trong thời đại chúng ta.
Đó là “thương”, khi thay vì vội vã gán cái mác “đáng khinh bỉ” (despicable) cho một người nào đó bạn thấy có vẻ lầm lạc (misguided) hoặc quá kiêu ngạo, thì bạn tự hỏi – bằng trí tưởng tượng và sự cảm thông – rằng: Vì đâu mà họ lại trở nên như vậy?
Đó cũng là “thương”, ở một trong những hình thái thuần khiết nhất của nó, khi bạn có thể cảm nhận được, luôn luôn, có sự hiện diện của một đứa trẻ bị mất phương hướng, đang hoảng loạn và dễ bị tổn thương (vulnerable) bên trong thân xác của một người lớn khi họ hoang mang (perplexing), giận dữ, chán nản hoặc sầu não.
Đó là “thương”, khi chúng ta có thể chấp nhận, rằng hầu hết những điều khó chịu mà người khác gây nên, thực ra, đều không bắt nguồn từ “cái ác” (evil) hay với ý định làm tổn thương, mà là từ những niềm đau khổ (distress) hoặc nỗi lo âu (anxiety) bị chôn vùi, bởi về mặt bản chất, chúng khó lòng để được giải thích, chưa từng được thấu hiểu, và không thể bị điều khiển (unmasterable).
Đó là “thương”, khi bạn mở rộng vòng tròn của sự tử tế (kindness) và nỗ lực để lòng trắc ẩn của bản thân có thể, vượt ra ngoài những “giới hạn” và “khuôn khổ”, tìm tới những người mà trước đây bạn có thể đã liệt vào đáy của danh sách “quá tầm thường” hoặc “không xứng đáng”.
Và đó cũng là “thương”, khi chúng ta cuối cùng cũng học được rằng, với bản chất là một sinh vật với không biết bao nhiêu là sai sót và khuyết điểm, thì điều mà ta thực sự khao khát ở người khác, và cả ở bản thân, hóa ra, lại là lòng kiên nhẫn (forbearance).
“Keep Moving Forward”
Chấp bút và minh họa: Tom.