top of page

Tại sao tình yêu tuổi học trò lại nhiều khó khăn thế?

Vui lòng KHÔNG SAO CHÉP bài viết và tranh minh họa của mình.


Bởi vì:

– Làm sao có thể nói ra thành lời câu “mình thích cậu” trong khi chúng ta vẫn còn đang vật lộn trong vũng lầy tồi tệ nhất của những ý nghĩ tự ghê tởm và tự khinh bỉ bản thân.


Chúng ta vẫn còn chưa học được cách tự tha thứ và chấp nhận những gì thuộc về ngoại hình và con người chúng ta, vậy nên chắc chắn cũng sẽ rất khó để ta có thể tha thứ và chấp nhận một người khác vì đã yêu chúng ta; hay để nói chính xác hơn, đã yêu phiên bản của cái “tôi” mà chúng ta hãy còn đang coi thường.


– Làm sao chúng ta có thể tỉnh táo (sane) mà nghĩ đến chuyện yêu đương trong khi còn có chuyện bài vở phải lo nghĩ, những bảng điểm cần được lấp đầy, các lớp học thêm phải có mặt, môn thể thao ưa thích còn đang bị xếp xó, và số giờ ngủ thì ngày một ít hơn.


Học là một công việc toàn thời gian, và cũng là một trong những việc khó nhất trên đời.

Thanh thiếu niên ngày nay, thực ra, đang sống một cuộc đời bận rộn hơn bao giờ hết.


Với việc học xếp chồng lên gia đình và bạn bè, về mặt thực tế mà nói, thật khó để nhét thêm được vào đâu đó một mối quan hệ lãng mạn nơi mà chúng ta có thể được thỏa mãn về mặt tình cảm.


– Làm sao chúng ta có thể diễn đạt cho một người bạn đồng trang lứa – hay bất cứ ai khác – hiểu được “bản thân” chúng ta, trong khi chúng ta rõ ràng là vẫn còn thiếu cả vốn từ vựng, kinh nghiệm, và sự tự thấu hiểu (self-knowledge) cần thiết mà ta nên dành cho chính bản thân mình.


Lúc này đây, chúng ta vẫn còn chưa biết ta đang thực sự mong muốn điều gì ở bản thân, ở người khác, và ở thứ tình yêu mà chúng ta sẽ chia sẻ với họ.


– Làm sao chúng ta có thể vừa cho phép bản thân được trở nên dịu dàng (tender), được hồn nhiên mà bộc lộ cảm xúc, được mở lòng với yêu thương và cả với những tổn thương tiềm tàng (vulnerable); trong khi vừa phải cố gắng quên đi cái thực tế rằng chỉ mới vài năm trước thôi, chúng ta vẫn còn là trẻ sơ sinh.


Cái nét “ích kỷ” của chúng ta thường xuất phát từ sự thực rằng ta vẫn còn quen được là bên tiếp sẽ nhận sự dịu dàng trước, được yêu thương trước, được tha thứ trước, được bao bọc trước, được tin tưởng trước, được động viên trước; và ở chiều ngược lại, ta cũng chưa quen với cái ý tưởng sẽ phải thực hiện tất cả những điều trên, nhân danh tình yêu, cho bất cứ ai.


Hay nói theo một cách khác, khái niệm mà chúng ta vẫn còn xa lạ không phải là tình yêu, mà là sự nhân nhượng (compromise).


– Làm sao chúng ta có thể trở thành những người yêu tử tế và chu đáo khi ta vẫn còn đang chìm đắm trong sự xấu hổ trước những điều đáng sợ mà bản năng tình dục buộc chúng ta phải nghĩ đến và mong muốn.


– Làm sao chúng ta có thể là chính mình trong khi chúng ta vẫn còn chưa hiểu ra rằng không ai là bình thường (normal) hết.

Làm sao chúng ta có thể trở nên thân mật với bất cứ ai nếu như chúng ta không thể cho phép bản thân trở nên “kỳ lạ” (strange).


Áp lực đồng trang lứa (peer pressure) là vấn đề mà thanh thiếu niên phải đối mặt ở mức độ cao hơn nhiều so với bất kỳ nhóm tuổi nào khác.


Chúng ta có thể đã cảm thấy bị áp lực phải có người yêu, ngay cả khi ta không hề thực sự hứng thú, chỉ vì tất cả bạn bè của ta đều đã có người yêu.

Chúng ta có thể đã bị áp lực phải đưa mối tình tuổi học trò này tiến tới những mức độ mà ta biết là ta chưa hề sẵn sàng.


Sẽ luôn có những ham muốn (desire) vô cùng mãnh liệt để được hòa nhập (fit in) và là một phần của những người bạn đồng trang lứa với chúng ta, điều này thường khiến cho ta dễ dàng ngó lơ, và vì vậy, sẽ vượt qua những làn ranh giới mà khi không ta chẳng bao giờ muốn vượt qua.


– Làm sao chúng ta có thể tin – trong trường hợp không hề có bất cứ bằng chứng nổi bật nào chỉ ra điều ngược lại – rằng những con người với vẻ ngoài giản dị kia (có thể bao gồm cả chính chúng ta) cuối cùng cũng sẽ có thể tìm được, và hạnh phúc trong, tình yêu.


Chúng ta, bằng những bản năng tự nhiên nhất, sẽ luôn bị che mắt bởi sự so sánh ta áp đặt lên bản thân và người khác.

Bản năng thích so sánh này, hoặc là sẽ khiến cho chúng ta mù quáng trong sự ưu việt (superior), hoặc là sẽ khiến cho ta bị bủa vây trong cảm giác hèn kém (inferior), hoặc là sẽ khiến cho ta hiểu nhầm rằng trên đời này, giữa con người với nhau, có những cái gọi là “ưu việt hơn” và “hèn kém hơn”.


Sẽ cần tới rất nhiều sự trưởng thành (chứ không phải tuổi tác) để mỗi cá nhân trong chúng ta thực sự tin rằng tất cả mọi người đều xứng đáng có được tình yêu và hạnh phúc.


Và sẽ cần rất nhiều sự dũng cảm để chúng ta chấp nhận cái quyền được trao đi thứ tình yêu mà chúng ta muốn được trao, và nhận lại thứ tình yêu mà chúng ta xứng đáng được nhận.


– Làm sao chúng ta có thể không cảm thấy tội lỗi khi ta muốn kết thúc một mối quan hệ, nhưng thay vì thực sự chấm dứt mọi thứ bằng một vết cắt thật ngọt, ta đã lựa chọn để cư xử với sự tàn bạo (brutal) và lạnh lùng đến khác thường, hy vọng rằng đến cuối cùng, họ sẽ phải tự tìm cách để “sa thải” chúng ta ra khỏi mối quan hệ này.


– Làm sao chúng ta có thể ngăn cho những giọt nước mắt này ngừng rơi khi ta vừa phải kết thúc một mối quan hệ với cái người mà ta đã tin rằng sẽ, nhất định, dành trọn phần đời còn lại để yêu thương chúng ta và được ta yêu thương; rằng ta không thể mường tượng được một ngày nào đó cái tên của chàng trai ấy, hoặc cô gái ấy, sẽ phai mờ đi trong tâm trí chúng ta – cái người mà ngay lúc này đây, ta thà chết chứ không hề muốn phải chia ly.


Tình yêu, đặc biệt là khi ta còn trẻ, là một thứ tình cảm mãnh liệt đến choáng ngợp.

Hầu hết tất cả chúng ta đều gặp khó khăn trong việc phải bỏ lại phía sau một mối tình tuổi trẻ và tiếp tục tiến bước.

Một số vẫn bị ám ảnh bởi người kia trong nhiều năm, cho tới tận khi nghĩa vụ tại trường học kết thúc và đôi ta không còn có thể tình cờ gặp được nhau nữa.


Chúng ta nên hiểu rằng đây là những kiểu phản ứng hoàn toàn bình thường.

Nó vẫn xảy ra, ngay cả với người trưởng thành.


Chẳng có dấu hiệu bất ổn nào đâu, có chăng, ta sẽ rút ra được một bài học rằng: Yêu đương cũng đau đớn lắm chứ chẳng đùa.


– Làm sao chúng ta, những cá nhân hãy còn non nớt trên đường đời, có thể thành công trong cái lĩnh vực mang tên “tình yêu” này, trong khi tất cả mọi người, dù cho đã trưởng thành tới đâu, cũng mới chỉ đang chập chững hiểu ra được một hai điều căn bản nhất.


Khi thấy những thanh thiếu niên vụng về bước những bước đầu tiên đến với tình yêu, chúng ta, thực ra, nợ họ rất nhiều lòng trắc ẩn và sự cảm thông trước những khó khăn mà ta đã biết thừa rằng rồi họ sẽ phải trải qua, và sẽ phải chịu tổn thương vì.


“Keep Moving Forward”

Chấp bút và minh họa: Tom


2 lượt xem0 bình luận

Bài đăng gần đây

Xem tất cả
Bài đăng: Blog2 Post
bottom of page