top of page

Tư duy sâu - 4 phương pháp tư duy sâu cơ bản.

Tác giả sách: Diệp Tu

Thể loại: Sách kỹ năng

Số trang: 295

Đánh giá: Rất hay!


Tư duy sâu là một cuốn sách sâu sắc hơn những gì mà mình kỳ vọng rất nhiều.

Lúc mới đọc tiêu đề và phần giới thiệu nội dung ở mặt sau của sách thì mình đã nghĩ rằng đây là một cuốn sách “self-help” giúp cho người đọc có thể hình thành “thói quen” tư duy sâu sắc và loại bỏ “thói xấu” tư duy nông cạn.


Về mặt nội dung tổng thể thì nó cũng đúng như những gì mình vừa mô tả ở trên, tuy nhiên, thay vì chỉ đưa ra những lời khuyên thì tác giả Diệp Tu giới thiệu đến với người đọc 8 phương pháp tư duy sâu rất cụ thể và chi tiết.

Đây đều là những phương pháp mà mình cho rằng là rất thú vị, hữu ích và nên được chia sẻ cho số đông các bạn trẻ biết tới.


Qua thông tin từ bìa sách thì tác giả Diệp Tu là một chuyên gia về các phương pháp tư duy, chuyên gia chiến lược học tập, tự thân truyền thông và là người sáng lập thương hiệu “Nhà chiến lược”.

Thông qua quá trình đọc sách, mình cũng có thể cảm nhận được rằng tác giả Diệp Tu là một nhà giáo dục rất có uy tín và cũng đồng thời là một chuyên gia với hiểu biết sâu rộng trong nhiều lĩnh vực trí thức đời sống khác nhau.


Do đây là một cuốn sách được tác giả Diệp Tu viết rất chi tiết và sâu sắc, vậy nên chắc chắn mình cũng sẽ không thể chia sẻ được hết 100% tất cả những khía cạnh thú vị của cả 8 phương pháp tư duy sâu.

Trong đó có 4 phương pháp tư duy sâu khá phức tạp được giới thiệu ở nửa sau của sách, đó là Tư duy sinh thái, Tư duy hệ thống, Tư duy xu thế chung và Tư duy binh pháp.


Vậy nên, mình sẽ tập trung chia sẻ với các bạn 4 phương pháp tư duy sâu cơ bản được tác giả giới thiệu ở nửa đầu của cuốn sách này.

Bài viết sẽ chia sẻ những khía cạnh chủ chốt như “Phương pháp đó là gì?”, “Tại sao nó hữu ích” và “Áp dụng nó như thế nào?”

Với 4 phương pháp còn lại thì các bạn hãy mua sách để có thể nghiên cứu kỹ hơn nhé, hehe.


Nội dung

Đây là một cuốn sách có độ dày vừa phải, nhưng do nó có rất nhiều chữ và nội dung thì được viết rất tỉ mỉ nên quá trình đọc cuốn sách này đối với mình cũng bị kéo dài hơn một chút.

Bởi lẽ mình thường xuyên phải dừng lại để suy ngẫm về những gì mà tác giả vừa chia sẻ.


Giờ đây, có lẽ câu hỏi đầu tiên mà các bạn đang có trong đầu chính là: Tư duy sâu là gì?

Và để hiểu được rõ ràng hơn ý nghĩa của tư duy sâu, trước tiên chúng ta hãy cùng thảo luận xem thế nào thì được gọi là tư duy nông?


Theo tác giả Diệp Tu, tư duy nông có 4 loại như sau:

  • Chuỗi logic hạn hẹp khiến chúng ta không thể nhận ra được chuỗi nhân quả phía sau.

  • Trong quá trình, bạn chỉ có thể bắt đầu từ nơi quen thuộc nhất, thiếu hụt tính linh hoạt trong quá trình chuyển đổi góc nhìn.

  • Không có khả năng xử lý một lượng thông tin lớn và phức tạp.

  • Chỉ quan tâm đến cái trước mắt, gần bên, ngắn hạn mà thiếu hụt cái nhìn vĩ mô, không có những kế hoạch dài hạn, không biết nắm toàn cục.


Tương ứng với những điều trên chúng ta có thể xem xét bốn phương diện để đột phá và cải thiện, đó gọi là tư duy sâu.

Nói cách khác, tư duy sâu chính là:

  • Có được chuỗi tư duy logic, khiến chúng ta có đủ nhận thức về chuỗi nhân quả phía sau.

  • Có thể đột phá giới hạn của bản thân, có cái nhìn linh hoạt khi đối diện với một vấn đề nào đó.

  • Có thể xử lý lượng thông tin tương đối lớn, khi tiếp nhận những thông tin hỗn loạn có thể giữ vững năng lực tư duy.

  • Có thể đứng trên góc độ vĩ mô để phân tích vấn đề, nhận biết những đặc điểm sinh thái, những xu hướng dài hạn của sự vật…


Trong sách, tác giả Diệp Tu có viết:

Năng lực tư duy là thứ tương đối trừu tượng, nó không rõ ràng giống như việc học tập kiến thức, rằng hôm nay bạn cần nắm được bao nhiêu công thức hay học thuộc được bao nhiêu bài văn.

Học kỹ năng tư duy sâu cần giống như trau dồi kiến thức, phải có nội dung rõ ràng, thao tác cụ thể, không thể chỉ dừng lại ở bất kỳ khái niệm căn bản nào.


1. Tư duy chuỗi logic

Trong chương này, tác giả Diệp Tu có chia sẻ rằng:

Chuỗi logic là kiểu tư duy cơ bản nhất, nó là gốc rễ của những loại tư duy khác.

Và chuỗi logic của bạn càng dài thì năng lực tư duy của bạn càng sâu sắc.


Phương pháp tư duy 5WHY:

Phương pháp tư duy 5WHY là thuật ngữ dùng để chỉ hành động liên tiếp truy hỏi “Tại sao?” cho đến khi tìm ra nguyên nhân then chốt của vấn đề.

Điều cần chú ý ở đây là, mặc dù nó được gọi là 5WHY nhưng chúng ta không nhất thiết phải hỏi 5 lần tại sao, mà phải căn cứ vào tình hình cụ thể để điều chỉnh cho phù hợp.

Hỏi ít quá, tư duy của bạn sẽ không đủ sâu sắc, hỏi nhiều quá vấn đề cuối cùng sẽ trở nên vô cùng vô tận, không có đáp án.


Nguyên tắc quyết định đó là: Không ngừng truy hỏi, cho đến khi vấn đề trở nên không còn ý nghĩa gì nữa mới thôi.

Trong quá trình liên tiếp truy hỏi, chúng ta nhất định phải đảm bảo câu hỏi đề ra có ý nghĩa với hoàn cảnh xung quanh, nếu không những câu hỏi sau cuối cùng sẽ lạc đề hoàn toàn.


Lúc đưa ra câu hỏi theo phương pháp tư duy 5WHY, chúng ta không được đặt tình cảm vào đó, phải đưa ra câu hỏi nghi vấn chứ không phải dùng thái độ thẩm vấn để hỏi, mục tiêu là tìm ra tin tức quan trọng chứ không phải là tìm đối tượng để đổ lỗi.


Để phương pháp 5WHY có thể diễn ra thuận lợi chúng ta không những cần chú ý khi đặt câu hỏi mà lúc trả lời cũng phải có các kỹ xảo tương ứng.

Trong đó nguyên tắc nòng cốt chính là: Hướng đến những đáp án mà chúng ta có thể kiểm soát được.


Khi có phương pháp 5WHY dẫn dắt, chúng ta sẽ từng bước tìm ra nguyên nhân sâu xa nhất của vấn đề, từ đó đưa ra được phương pháp xử lý hiệu quả. Tuy vất vả một lần những giải quyết dứt điểm vấn đề, tiết kiệm được vô số sức người sức của trong tương lai.


Phương pháp tư duy 5SO:

Phương pháp tư duy 5SO đề cập đến kết quả nảy sinh từ việc liên tục đặt câu hỏi đối với một hiện tượng, để tìm ra tác động sâu xa nó có thể tạo thành trong tương lai.

Tìm kiếm kết quả là bản năng của con người, nhưng cũng giống như truy tìm nguyên nhân, chuỗi tư duy logic bản năng quá ngắn thường khiến chúng ta chỉ có thể thấy những kết quả hết sức đơn giản mà thiếu hụt tầm nhìn xa về tác động sâu rộng của nó.


Suy luận có thể chia thành 2 loại sau:

  • Suy luận tuyệt đối: dùng để diễn tả những luận điểm không được phép sai.

  • Suy luận xác suất: chỉ ra rằng có khả năng sẽ thế này, nhưng cũng chưa chắc sẽ như thế.


Dưới đây là một định luật quan trọng mà bạn cần phải ghi nhớ, đó là Định luật dẫn truyền xác suất của chuỗi logic.

Khi có vô số suy luận xác suất trong một chuỗi logic dài, sự mất logic sẽ xảy ra, dẫn đến uy thế và độ chuẩn xác của suy luận sẽ giảm dần.


Phương pháp tư duy 5WHY chỉ cần tìm ra nguyên nhân thì có thể dừng lại, nhưng phương pháp tư duy 5SO lại chẳng thể tìm ra được “kết quả căn bản” tương ứng. Bạn chỉ có thể không ngừng suy luận.


Vậy suy luận của bạn phải dừng lại ở đâu? Tác giả Diệp Tu có đưa ra một đề nghị rằng:

Lúc tiến hành suy luận bằng phương pháp 5SO, bạn có thể dừng lại khi xác suất trở nên ngày càng thấp, thấp đến mức không có tác dụng chỉ đạo thực tế nữa, sau đó chờ thời gian tác động, để thời gian nuốt chửng các cấp phía trước của chuỗi, từ đó xác suất của các cấp phía sau sẽ tự động được nâng lên cao, rồi lại tiếp tục suy luận hướng về phía sau.


2. Tư duy hoán vị

Ở mục này, tác giả có chia sẻ định nghĩa về tư duy hoán vị như sau:

Tư duy hoán vị thường dùng để chỉ việc chúng ta đánh giá về cách nghĩ và cảm nhận của người khác, đồng thời dùng nó làm bàn đạp cho sự phát triển suy luận và hành động của bản thân.

Tức là, điểm cốt lõi của tư duy hoán vị nằm ở việc chúng ta xuất phát từ góc độ của người khác để nhìn nhận, suy xét.


Đánh giá vấn đề từ góc độ khác nhau sẽ có được kết quả không giống nhau.

Sử dụng càng nhiều góc độ tư duy thì bạn sẽ có thêm càng nhiều phương thức tư duy.

Nhưng rất tiếc, mọi người thường chỉ có thể dùng một góc độ để đánh giá vấn đề, đó chính là góc độ của bản thân.


Nếu bạn muốn dùng tư duy hoán vị để lý giải suy nghĩ của người khác bạn phải có chung nhận thức với người đó. Để có chung nhận thức, bạn phải có được những trải nghiệm tương tự họ, từ đó đúc rút ra một số điểm giúp cải thiện tư duy hoán vị của bản thân.


Hoán vị tư duy vốn rất khó, vì chúng ta không thể khắc phục được tâm lý tự cho mình là trung tâm, đã quen khăng khăng bảo vệ góc nhìn đơn nhất của bản thân.

Về cơ bản, nó không được tính là khuyết điểm, cũng không đáng bị phê phán, nhưng đối với tư duy hoán vị mà nói, nó lại gây ra ảnh hưởng rất lớn.


3. Tư duy trực quan

Trong sách, tác giả Diệp Tu nêu ra định nghĩa như sau:

Tư duy trực quan dùng để chỉ việc lưu trữ tất cả các loại thông có thể nhìn thấy được (bao gồm thông tin ban đầu của nhiệm vụ, thông tin tạm thời mà bạn suy luận ra, thông tin mà não bộ của bạn đã thu thập được) trên một mặt phẳng nào đó như giấy, bảng đen, màn hình máy vi tính… Thông tin được lưu trữ thường sẽ là một hỗn hợp của văn bản và hình vẽ.

Phương pháp tư duy trực quan có thể mang đến cho chúng ta hai lợi ích cơ bản sau:

  • “Bộ nhớ cache ngoài” lớn nhất, ổn định nhất. Trí nhớ ngắn hạn của não bộ không chỉ có lúc bị lãng quên mà còn rất dễ xảy ra sai sót.

  • Tư duy trực quan có thể mang đến cho chúng ta góc nhìn toàn diện và vĩ mô hơn.

Ma trận quản lý thời gian mang tên Chiến Lược Gia:



Hệ tư tưởng chủ đạo của ma trận quản lý thời gian Chiến Lược Gia chính là:

Càng quan trọng càng cần được thực hiện trước, càng dễ càng cần được thực hiện trước.

Theo tác giả Diệp Tu, nguyên tắc “dễ” có thể được chia nhỏ ra.

Cụ thể thì tác giả sử dụng hai khía cạnh để đánh giá mức độ dễ dàng, đó là: Hao tổn thời gian và độ khó kỹ thuật.

Thời gian càng ngắn càng dễ, kỹ thuật càng thấp càng dễ.


Với nguyên tắc “tầm quan trọng”, tác giả chia làm ba khía cạnh: mức độ thiệt hơn, phạm vi ảnh hưởng, sức lan tỏa.

Mức độ thiệt hơn đại diện cho lợi ích của việc này; phạm vi ảnh hưởng đại diện cho tầm ảnh hưởng của sự việc đến những người xung quanh; sức lan tỏa bao gồm mức độ cấp bách ở giai đoạn đầu của ma trận Eisenhower.

Rõ ràng nếu chuyện khẩn cấp mà không thực hiện thì tiếp theo rất có thể sẽ nảy sinh hàng loạt những hiệu ứng tiêu cực.


4. Tư duy quy trình

Theo như nội dung trong sách, chúng ta có thể hiểu định nghĩa về mô hình tối ưu hóa toàn bộ quy trình như sau:

Một sự việc phức tạp thường được tạo thành từ nhiều quy trình và nhiều bước cụ thể. Tiến hành tối ưu hóa từng quy trình hay từng bước để có được kết quả (gần) tốt nhất, đó gọi là tối ưu hóa toàn bộ quy trình.

Cũng theo tác giả, khái niệm trên đây nghe có vẻ rất bình thường, nhưng đặc điểm quan trọng của nó chính là sáng tạo ra kỳ tích từ những điều bình thường.


Tối ưu hóa từng quy trình là mô hình lãi kép, hay mô hình hàm mũ nên các chuỗi công việc càng dài thì độ phức tạp càng cao, sức mạnh của chuỗi càng lớn.

Nhưng việc gì cũng có tính hai mặt, có lợi nhuận ắt sẽ có rủi ro.

Đối với một quy trình phức tạp, nếu bạn làm tốt, bạn sẽ tối ưu hóa được nó, và thu lại lãi kép, nhưng nếu làm không tốt thì thứ đi kèm chính là lỗ kép. Lãi kép rất hấp dẫn, nhưng lỗ kép cũng rất đáng chán.


Nếu nói mô hình tối ưu hóa bàn về việc một người bình thường làm thế nào để trở nên vĩ đại vậy thì mô hình tổn hao lại cho chúng ta thấy cách người thông minh trở nên bình thường. Trong một quy trình phức tạp, chỉ một chút sơ suất hay lười biếng đều có thể tích tụ và gây ra những thiệt hại vô cùng to lớn.


Trong một quy trình, việc bạn làm thật tốt và làm chưa tốt thực sự có cách biệt rất lớn!

Và bí mật nằm ở hai chữ “toàn bộ” của mô hình tối ưu hóa toàn bộ quy trình. Nếu bạn bỏ lỡ một quy trình nào đó trong cả quá trình, bạn sẽ bỏ lỡ một phần hiệu suất, và từ đó làm giảm số mũ trong công thức tính lãi kép.


Và để kết thúc mục này, tác giả Diệp Tu có viết một câu văn mà mình rất thích, sau đây mình sẽ trích dẫn lại nguyên văn:

Không chỉ thiên tài mới có thể làm nên kỳ tích, kỳ tích còn tồn tại trong những việc nhỏ bé giản đơn nhưng được người bình thường hoàn thành một cách tốt nhất.

Cảm nhận:

Để mô tả về cuốn sách này thì mình sẽ dùng 2 cụm từ là: Bổ íchSâu sắc.


Như đã chia sẻ với các bạn ngay từ những câu đầu tiên, mình cảm thấy đây là một cuốn sách rất hay và đầy bất ngờ.

Tác giả Diệp Tu sử dụng một giọng văn rất chuyên nghiệp, nhưng không hề khô khan mà ngược lại còn rất tình cảm, cá nhân mình cảm thấy tác giả sở hữu một phong cách viết khá lôi cuốn và thuyết phục.

Mình cũng rất thích việc tác giả thường xuyên sử dụng các sự kiện, công ty, tổ chức, cá nhân có thật ngoài đời để làm ví dụ minh họa cho các phương pháp tư duy sâu. Tác giả cũng luôn biết khi nào nên dùng thêm hình ảnh minh họa một cách hợp lý cho nội dung của sách.


Hình minh họa của bìa sách cũng là một điểm cộng đối với mình. Theo như mình tìm hiểu thì nghệ sĩ vẽ bìa cho sách là Jajaa.

Hiện tại mình đang học khóa học vẽ tranh minh họa nên mình cũng rất thích được tham khảo những sản phẩm minh họa thông minh và sâu sắc như hình ảnh được sử dụng ở bìa của cuốn sách này.


Đây là một cuốn sách mà mình sẽ khuyên tất cả các bạn trẻ nên đọc thử.

Một người bạn của mình có đánh giá là cuốn sách này hơi nặng về tri thức quá nên đọc có thể sẽ cảm thấy buồn ngủ.

Cá nhân mình thì không trải qua cảm giác này khi đọc sách, đúng là mật độ chữ trong mỗi trang sách cũng khá là dày, nhưng mình vẫn tin rằng đây là một cuốn sách bổ ích rất đáng để các bạn tham khảo.


Tiếp theo, mình sẽ đọc cuốn sách “Bắt đầu với câu hỏi Tại Sao”, tác giả Simon Sinek.


“Keep Moving Forward”

Chấp bút: Tom.

7 lượt xem0 bình luận

Bài đăng gần đây

Xem tất cả
Bài đăng: Blog2 Post
bottom of page