top of page

Tình yêu đơn phương – Viết cho những người đang “trồng cây si” và “crush” của họ.

Đã cập nhật: 25 thg 2

Bài viết này được truyền cảm hứng từ truyện ngắn “Scheherazade” trong cuốn sách Những người đàn ông không có đàn bà, tác giả sách Haruki Murakami.


Bằng những bản năng tự nhiên nhất, khi chúng ta nghĩ về tình yêu – hoặc chuyện kết giao trong các mối quan hệ nói chung – chúng ta sẽ, đầu tiên và ngay lập tức, nghĩ về những kiểu tình yêu mang tính tương hỗ (mutual), những cuộc tình có thể đem lại giá trị, những mối quan hệ sẽ có tương lai, sẽ giúp hai con người trở thành một cặp đôi, rồi sẽ trở thành một gia đình, và có lẽ một ngày nào đó, sẽ được ban phước với những đứa trẻ xinh đẹp và tốt lành.


Nhưng, như bạn có lẽ cũng đã từng trải qua, thực tế là có một phần không nhỏ trong số những chuyện tình yêu của nhân loại đã và đang diễn ra trong một trạng trái khá là bâng quơ (aimless).

Đó là những cuộc tình với chỉ một người ở trong đó – thường được “tự biên tự diễn” trong một góc thầm kín nhất nơi tâm trí của chúng ta – bởi người còn lại, nửa kia của cuộc tình ấy, vẫn chưa hề được ta thông báo (inform) về sự tồn tại của “mối quan hệ” này, cũng như là về tầm quan trọng của họ trong trái tim chúng ta.


Đó là những câu chuyện tình rất thật, được chia sẻ giữa hàng triệu con người vào mọi thời điểm, nơi người ta lặng lẽ tự “chấp bút” cho những khoảnh khắc thân mật; trong khi đối tượng của mọi sự si mê (adoration) ấy, trong thực tế, lại hoàn toàn có thể vô cùng lãnh đạm và xa cách.


Nếu như đúng là, nhìn chung về mặt tổng thể, mọi cuộc tình đều bắt đầu với việc một bên nảy sinh tình cảm trước trong khi bên còn lại thì chẳng hề hay biết (unaware), thì có lẽ cũng là không quá lời khi cho rằng tất cả chúng ta đều, không ít thì nhiều, đã từng phải trải qua một giai đoạn gọi là yêu đơn phương (unrequited love).


Những cảm xúc ấy tìm đến chúng ta, thường là bất ngờ, như một tia sét.

Chúng thường cứ đơn giản là xảy ra, gần như có thể là ở bất cứ đâu.


Sau chỉ một cái liếc nhìn lén lút nơi sân trường.

Sau chỉ một nụ cười trao đổi với người đồng nghiệp.

Sau chỉ một cử chỉ tốt bụng của người hàng xóm.

Sau chỉ một vài lời chuyện trò vu vơ với một người qua đường.


Chúng xảy ra – trong quán bar, điểm chờ xe bus, quầy hoa quả ở siêu thị, bãi biển, hiệu sách, hầm gửi xe, thang máy, hàng bún chả, trên mạng xã hội – theo những cách tự nhiên nhất, như chúng đã luôn là như vậy, cái cảm giác mà mình và bạn có lẽ vẫn thường quen gọi là “crush” ấy.


Hoàn cảnh thì có thể khác nhau, nhưng cách vận hành của “crush” thì luôn chỉ có một.


Nó bắt đầu với sự thật rằng bạn có rất ít thông tin về crush – nói thẳng ra là gần như mù quáng (ignorance) – kết hợp với cái cảm giác rằng bạn đã hoàn toàn hiểu được họ, một cách sâu sắc; đồng thời họ mang theo một niềm hy vọng lớn lao trong bạn, rằng với một hoàn cảnh phù hợp, họ nhất định chính là hình mẫu “người trong mộng” mà bạn đang tìm kiếm và khát khao.


Những mối tình thầm lặng với crush thường giúp chúng ta khai phá tối đa khả năng phát hiện rồi tán dương những chi tiết nhỏ nhặt, và dĩ nhiên, là cả óc tưởng tượng đầy mộng mơ trong ta nữa.


Bạn có thể đã tự nhủ với bản thân rằng, “Người ấy quả là một thiên thần”, với không gì nhiều hơn là một cặp mắt đen đầy tự tin, những ngón tay khéo léo khi buộc dây giày, một cần cổ cao đến bất thường, một nụ cười hơi lệch về bên trái, hoặc cách người ấy tinh tế cắm chiếc ống hút vào nắp hộp sữa vị dâu.


Chỉ cần sau một khoảnh khắc chúng ta bắt được những chi tiết “đáng trầm trồ” ấy, hình ảnh của họ ở trong tâm trí chúng ta dường như đã trở nên hoàn thiện, và trên hết, là hoàn hảo.


Đó là hình ảnh của một người mà chúng ta sẽ có thể dễ dàng hình dung ra cả một đời cùng chia ngọt sẻ bùi; với thật nhiều tiếng cười, cùng những khoảnh khắc dịu dàng và đồng cảm sâu sắc.


Đó là một người mà chúng ta, có thể, sẽ muốn cùng đi nghỉ dưỡng tại Bồ Đào Nha, cùng có với nhau hai đứa con kháu khỉnh, và cùng đọc sách hằng đêm cho tới khi đôi mắt muốn thiếp đi trên bờ vai của nhau.


Chúng ta sẽ tin rằng, một cách chắc chắn, con người thánh thiện ấy sẽ hiểu và chấp nhận chúng ta; bao gồm cả những phần phức tạp hơn mà chúng ta vốn đã luôn giữ bí mật ở trong lòng.


Thế nhưng, sự thật là rất hiếm con người nào có thể được hoàn hảo như những người mà bạn gần như chẳng biết gì ấy.

Họ thường mang theo mọi hy vọng trong bạn, và hình ảnh của họ thì lại chẳng bị nỗi thất vọng nào che mờ hết.


Bởi vậy mới nói, thứ đang khiến chúng ta say mê (infatuated) cái “con người hoàn hảo” ấy, rất có thể, hoàn toàn không phải là những phẩm chất thực sự nơi con người họ, mà chính là sự thiếu hiểu biết của chúng ta về họ đã nuôi lớn một thứ “ảo ảnh” bên trong tâm trí chúng ta.


Crush – người mà chúng ta si mê trong khi biết quá ít về họ ấy – chúng ta lý tưởng hóa hình ảnh của họ, không phải bởi vì họ thực sự là một con người hoàn mỹ “mười phân vẹn mười”, mà bởi vì do chúng ta chưa biết đủ về họ đó thôi.


Đương nhiên, ở đây mình không có ý muốn nói rằng “crush” của bạn không thể nào lại là một đối tượng yêu đương hoàn hảo dành cho bạn trong thực tế.

Có lẽ, đúng là nụ cười hơi lệch về bên trái kia đang thuộc về một người tinh tế, thông minh và rất hóm hỉnh – giống như hình mẫu lý tưởng trong trái tim của bạn vậy.


Cái sai sót mà mình đang muốn chỉ ra ở đây, đó là rất lắm khi, chúng ta cứ đinh ninh rằng những điều trên – tinh tế, thông minh, hóm hỉnh – chính là tất cả những gì ta cần biết về con người họ.

Rằng sự thật về bản chất con người của “crush” chỉ có thế, và ta cho rằng họ nhất định chỉ có thể là tốt đẹp.


Bị che mắt bởi hào quang của “crush”, chúng ta rất dễ quên mất một số sự thật trọng yếu và là bất khả xâm phạm (inviolable) của bản chất con người:


Rằng, tất cả chúng ta đều đầy khuyết điểm và có những mặt khó để yêu thương.

Rằng, tất cả chúng ta đều có những vết thương lòng và sẽ cần phải được an ủi mỗi khi chúng rỉ máu.

Rằng, tất cả chúng ta đều cực kỳ khó để được thấu hiểu, cũng như cái cách ta khó lòng mà thấu hiểu được người khác vậy.


Chỉ từ một ánh mắt, một nụ cười, một vài cử chỉ tốt tính, hay một vài lời trao đổi xã giao, bạn sẽ không bao giờ biết được họ đang che giấu những kiểu khuyết điểm nào, những vết thương lòng nào, hay những sự thật khó chấp nhận nào về con người của họ.


Nếu bạn có bao giờ thực sự muốn được giải thoát khỏi một cuộc tình đơn phương, mình tin rằng với bước đầu tiên, bạn nên dám tin tưởng rằng người mà bạn đang thầm thương trộm nhớ ấy, chắc chắn ngoài những lúc họ có dịp để thể hiện những phẩm chất tốt đẹp và tuyệt vời, thì bên cạnh đó, trong những khoảng thời gian còn lại, họ cũng sẽ giống hệt như bạn vậy – một con người bình thường, với khuyết điểm và ưu điểm, với những khoảnh khắc bất an (insecurity) xen lẫn với tự tin, với cả sự vị tha (selfless) cũng như là ích kỷ (selfish),... và chắc chắn là họ cũng không hề hoàn mỹ.


Nếu bạn đã dám tin vào thực tế trên, thì kể cả sau khi thời gian bắt đầu tiết lộ những sự thật có phần đáng thất vọng ở “crush” – với giả định rằng bạn có cơ hội để gần gũi hơn với họ – thì bạn cũng sẽ có thể mừng vui (delight), có thể chấp nhận, có thể cảm thông, có thể tiếp tục yêu thương và trân trọng họ; thay vì phải chịu cảnh đau lòng do vỡ mộng.


Sau tất cả, mình muốn khẳng định rằng mình không hề có ý muốn đánh giá thấp tình cảm của những người đang yêu đơn phương.

Mình cũng không hề nghĩ rằng chúng ta nên từ bỏ việc nảy sinh tình cảm với một ai đó, dù cho ở bất cứ lứa tuổi nào.


Nhưng mình tin rằng chúng ta nên thôi cả tin vào những tín hiệu “đầy hứa hẹn” mà mọi người xung quanh liên tục phô ra mỗi ngày.

Phải thế thôi, bởi vì ai cũng đều có một hoặc hai bộ mặt tốt đẹp và lễ độ (civil) để trưng ra khi cần tiếp xúc với những người mà chúng ta cho là người lạ hoặc “không thân lắm” các bạn à.


Mình tin rằng chúng ta sẽ chỉ có thể chấm dứt một cuộc tình đơn phương, và bắt đầu một mối quan hệ thực sự có ý nghĩa hơn với “crush”, sau khi ta đã học được cách suy nghĩ thấu đáo hơn và có tính xây dựng hơn (constructively) về câu hỏi: “Cái người mà ta đang yêu mến ấy, họ thực sự là ai?”


Trước khi được biết đủ nhiều về họ, chúng ta nên sớm chấp nhận sự thật rằng “người trong mộng” của chúng ta không sớm thì muộn cũng sẽ phô bày sự bình thường trong họ.

Tất cả chúng ta đều vậy cả, và liệu sự bình thường ấy còn có thể tiếp tục duy trì như những nét đẹp trong mắt bạn hay không thì… chắc bạn phải hiểu rõ hơn về họ thì mới biết được.


Chuyện “crush” của chúng ta hóa ra lại có thể không hề tốt đẹp như chúng ta đã luôn kỳ vọng không nên bị coi như là một “tin xấu”, theo quan điểm của mình.


Có chăng, đó nên là một tin tốt lành.

Bởi nó có tiềm năng giải phóng chúng ta khỏi sự phiền muộn và lưỡng lự do một cái ảo ảnh sinh ra từ sự thiếu hiểu biết; đồng thời, giúp chúng ta có thể trở nên tự nhiên hơn và cư xử chân thật với bản thân hơn khi gần gũi với người mà ta cảm mến.


Kết hợp với vài phần may mắn, sẽ chẳng có ai phải chịu tổn thương hết, và Trái Đất sẽ vẫn quay.


Nhưng biết đâu được đấy, sau một thời gian tìm hiểu đủ cẩn thận, có lẽ thế giới này sẽ vì một cặp đôi mới yêu nào đó mà trở nên kỳ diệu hơn một chút, tốt lành hơn một chút, và hạnh phúc hơn một chút.


“Keep Moving Forward”

Chấp bút và minh họa: Tom.

0 lượt xem0 bình luận

Bài đăng gần đây

Xem tất cả
Bài đăng: Blog2 Post
bottom of page