Stress có ảnh hưởng xấu tới sức khỏe như thế nào?
Đã cập nhật: 25 thg 3, 2022

Mùa thi lại tới rồi, có bạn trẻ nào đang phải nhồi nhét ôn tập ngày đêm không nhỉ?
Hay có bạn nào đang cố gắng làm xong nhiều phần việc cùng một lúc để chạy cho kịp cái deadline cuối tuần này?
Stress, sự căng thẳng, là một cảm xúc mà tất cả chúng ta đều đã từng trải qua. Stress ghé thăm mỗi khi chúng mình đón nhận những thử thách hoặc bị áp đảo bởi thử thách.
Nhưng stress cũng không chỉ đơn giản là một loại cảm xúc. Stress cũng đồng thời là một cơ chế phản ứng của cơ thể sẽ xuất hiện trong một số điều kiện nhất định.
Nếu chỉ trong một thời gian ngắn, stress cũng có thể trở thành một lợi thế. Nó giúp chúng ta tập trung hơn, phản ứng nhanh nhạy hơn và đôi khi là cả sáng suốt hơn trong khi đưa ra quyết định nữa.
Nhưng nếu như cơ chế phản ứng này bị kích hoạt quá thường xuyên, quá lâu, hay ở nhiều trường hợp còn có thể nói là liên tục bị kích hoạt; thì các áp lực từ stress có thể gây nên nhiều biến đổi trong não bộ, đồng thời gây tổn thương cho rất nhiều các cơ quan nội tạng và tế bào ở khắp cơ thể các bạn đấy nhé.
Stress và hệ tuần hoàn.
Tuyến thượng thận chính là tuyến nội tiết sản xuất ra các hormone “gây” stress như cortisol, epinephrine/adrenaline và norepinephrine.
Khi những hormones kể trên được giải phóng vào trong hệ tuần hoàn, chúng sẽ rất nhanh chóng tìm được đường tới với các mạch máu và trái tim của bạn. Adrenaline là hormones có thể khiến cho tim bạn đập nhanh hơn và cũng đồng thời khiến cho huyết áp của bạn tăng lên theo. Theo thời gian, quá trình này có thể gây nên chứng cao huyết áp.
Xin các bạn trẻ đừng nghĩ rằng mình trẻ thì không có nguy cơ bị cao huyết áp hoặc các chứng bệnh hệ tuần hoàn khác.
Theo thống kê của Phân hội Tăng huyết áp Việt Nam, tỉ lệ tăng huyết áp hiện nay chiếm đến 25% ở người trưởng thành Việt Nam (cứ 10 người thì có 3 người bị tăng huyết áp) và đang có xu hướng tăng cao đến mức báo động đỏ.
Hormones cortisol cũng có khả năng tạo ra các lớp endothelium, là những lớp tế bào che phủ một phần của mặt trong các mạch máu. Các nhà khoa học hiện nay đã kết luận rằng đây chính là những bước đầu tiên dẫn đến chứng bệnh xơ vữa động mạch nguy hiểm.
Từng bước một, tất cả những sự phá hoại thể chất âm thầm kể trên có thể sẽ làm gia tăng khả năng bạn bị bị đột quỵ, hoặc gặp phải một cơn đau tim bất chợt đó nhé.
Stress và hệ tiêu hóa.
Khi não bộ cảm nhận được có stress, nó sẽ kích hoạt hệ thống thần kinh tự chủ. Thông qua mạng lưới thần kinh đặc biệt này, đại não sẽ “truyền” stress về cho hệ thần kinh phó giao cảm, cũng là hệ thần kinh đóng vai trò quan trọng trong các vấn đề liên quan đến đường ruột của chúng ta.
Dưới áp lực của stress, mối liên kết giữa đầu và bụng này có thể sẽ bị làm cho lạc nhịp, dẫn đến các hội chứng bệnh nguy hiểm như hội chứng ruột kích thích chẳng hạn. Chúng cũng đồng thời khiến cho hệ đường ruột của bạn trở nên nhạy cảm với acid nhiều hơn, dẫn tới khả năng cao bạn sẽ mắc phải chứng ợ nóng.
Thông qua hệ thống thần kinh đường ruột, stress cũng có thể gây ảnh hưởng đến chức năng hoặc tổ hợp của các loại vi khuẩn đường ruột, cũng là những vi sinh vật đóng vai trò vô cùng quan trọng trong quá trình tiêu hóa thức ăn và giữ cho cơ thể được khỏe mạnh.
Stress và chuyện vòng eo.
Tranh thủ khi vẫn còn đang bàn về chuyện bụng dạ, có bao giờ bạn từng thắc mắc liệu có phải là stress đang khiến cho vòng 2 của bạn trở nên “phì nhiêu” hơn không?
Thực tế câu trả lời là CÓ.
Hormones cortisol cũng có khả năng kích thích cảm giác thèm ăn. Nó thông báo cho cơ thể biết mỗi khi chúng ta cần phải nạp thêm năng lượng.
Nhưng tiếc là với sự đi lên của các sản phẩm đồ ăn nhanh, đồ ăn vặt, chúng ta cũng sẽ thường xuyên lựa chọn các món ăn với hàm lượng carbs quá cao để làm “đồ ăn giải khuây”.
Cortisol cao cũng thường khiến cho cơ thể bạn tích trữ những phần calo dư thừa trên dưới dạng mỡ bụng.
Loại mỡ này không chỉ đơn giản là khiến cho bạn khó kéo khóa quần hơn đâu. Chúng cũng đồng thời là những bộ phận liên tục sản sinh ra một hormones khác đồng thời là một chất đề kháng được gọi là cytokine.
Đây là quá trình có thể khiến cơ thể bạn gia tăng khả năng mắc phải các bệnh mãn tính như các bệnh lý về tim mạch hay chứng kháng insulin.
Stress và hệ miễn dịch.
Stress hormones cũng gây ảnh hưởng tới các tế bào miễn dịch theo nhiều cách khác nhau.
Trong tình trạng thông thường, cytokine có thể hỗ trợ cơ thể chống chọi lại với các yếu tố ngoại lai và đồng thời giúp chữa lành các vết thương.
Nhưng dưới áp lực của stress và đặc biệt là chứng căng thẳng mãn tính (chronic stress), các tế bào miễn dịch này có thể sẽ “tạo phản”, chúng trở nên nhạy cảm với mọi thứ xung quanh, khiến gia tăng khả năng cơ thể bị nhiễm bệnh và cũng giảm khả năng lành vết thương.
Stress và tuổi thọ.
Cá nhân mình thuộc nhóm người mong muốn được sống một cuộc đời thật dài, khỏe mạnh và ý nghĩa.
Nếu bạn cũng mong muốn những điều giống mình thì mình khuyên bạn nên học cách hạn chế để bản thân bị stress quá nhiều nhé.
Các nghiên cứu khoa học đã chỉ ra rằng stress có liên quan tới quá trình ngắn lại của các telomere. Telomere chính là những đầu mút tận cùng của các chromosome, chúng là liên quan trực tiếp tới tuổi thọ của mỗi tế bào, và của chính chúng ta.
Telomere hỗ trợ bảo vệ chromosome ở giai đoạn sao chép các DNA mỗi khi một tế bào phân chia. Các tế bào càng phân chia nhiều, thì telomere càng bị thu ngắn lại. Khi telomere đã trở nên quá ngắn, thì tế bào đó cũng sẽ không còn khả năng phân chia được nữa và nó sẽ chết đi.
Và còn chưa hết đâu, căng thẳng mãn tính vẫn rất nhiều thủ đoạn hiểm ác khác để gây nên các ảnh hưởng tiêu cực với sức khỏe thân thể của bạn.
Một số mà mình có thể kể ra bao gồm: nổi mụn, rụng tóc, rối loạn chức năng tình dục, đau đầu, căng cứng cơ bắp, khó tập trung, mệt mỏi và cả hay cáu gắt nữa.
Lời kết.
Vậy, các bạn suy nghĩ thế nào về vấn đề này?
Mình nghĩ rằng dù có là ai thì cuộc đời của mỗi chúng ta, đều không ít thì nhiều, cũng sẽ luôn phải đối đầu với những tình huống căng thẳng.
Điều quan trọng là sau khi đã tìm hiểu về stress rồi, thì mình mong rằng các bạn cũng sẽ nghĩ đến sức khỏe và cơ thể nhiều hơn mỗi khi phải đương đầu với stress.
Nếu các bạn có thể nhìn nhận những sự căng thẳng ấy như là thử thách mà bạn có thể vượt qua hoặc kiểm soát được, thì cũng hãy tránh để cho bản thân nghĩ rằng chúng là những mối hiểm họa không thể vượt qua bạn nhé.
Mình tin rằng thay đổi góc nhìn vấn đề đi một chút xíu, và bạn sẽ có thể làm việc hiệu quả hơn, cũng như là giữ cho bản thân khỏe mạnh hơn.
Chấp bút: Tom.