top of page

Sự buồn chán có xấu như bạn tưởng?



Các bạn có ưa sự buồn chán không?

Mình nghĩ nhiều khả năng là các bạn sẽ trả lời là: Không.

Cũng đúng thôi. Người bình thường ai mà ưa sự buồn chán cho nổi.


Chúng ta ghét bị buồn chán. Chúng ta sợ cảm giác chán. Nó giống như là một đặc điểm mà tất cả chúng ta đều cùng chia sẻ vậy.

Đó là lý do mà mỗi khi cảm thấy buồn chán, chúng ta liền mở điện thoại lên, kết nối với thế giới, tiêu thụ những nội dung mà sẽ không đọng lại 1 chút nào trong tâm trí chúng ta sau vài phút đồng hồ. Và chúng ta cứ lặp đi lặp lại quá trình đó, trong mọi hoàn cảnh mà buồn chán có thể xảy ra, như là khi xếp hàng, khi tắc đường, khi đứng chờ thang máy,... hay phổ biến nhất có lẽ là khi ngồi toilet.


Hiện giờ có thể bạn đang nghĩ: “Khi buồn chán thì chúng ta tìm tới sự giải trí. Nghe quá là logic và hợp lý luôn mà nhỉ?”


Vậy nếu như ngay bây giờ mình hỏi bạn: Tại sao bạn lại ghét hoặc sợ bị buồn chán đến thế?

Liệu bạn có thể thử suy nghĩ thật kỹ và trả lời được hay không? Và nếu như bạn có trả lời được, vậy thì liệu câu trả lời đó sẽ như thế nào?


Mình rất tò mò muốn lắng nghe suy nghĩ của các bạn, bởi lẽ mình tin rằng sự buồn chán (boredom) là một thứ cảm xúc đã luôn bị con người hiện đại chúng ta đối xử bạc đãi.

Nó giống như là một người bạn tốt âm thầm và ân cần của chúng ta, nhưng lại luôn bị hiểu lầm và xa lánh. Và khi mình nói “chúng ta”, thì mình muốn nói đến cả chính bản thân mình, và có lẽ là bao gồm cả các bạn nữa.


Ngày hôm nay, mình muốn chia sẻ với các bạn một góc nhìn mới về anh bạn Buồn chán của mình, và biết đâu các bạn cũng sẽ có thể bắt đầu nhìn nhận người bạn này dưới một ánh sáng khác.


Trước tiên, mình muốn làm rõ một sự hiểu lầm mà chúng ta thường hay gán cho sự buồn chán.

Rằng buồn chán là khi chúng ta không có gì để làm.

Theo mình, “rảnh rỗi” mới là khi chúng ta không có gì để làm. Rảnh rỗi mới là một trong những động lực đầu tiên thôi thúc chúng ta mở mạng xã hội lên để lướt và lướt.

Đúng là rảnh rỗi mà không có gì làm thì cũng có thể dẫn tới trạng thái buồn chán. Nhưng chúng ta thường đâu có để cho bản thân kịp cảm thấy chán đâu. Cứ rảnh là chúng ta đã với tay lấy điện thoại rồi đó chứ.


Đương nhiên, mình chia sẻ ý này không phải là vì muốn phán xét rằng “rảnh rỗi là xấu” hay “bạn không nên rảnh rỗi”. Là một người thực hành quản lý thời gian mỗi ngày, mình cũng đặc biệt thích những lúc mình có thời gian rảnh rỗi như tất cả các bạn thôi.

Mình chia sẻ ý này ở đây là bởi vì mình muốn bước đầu cho các bạn thấy rằng: Có lẽ đúng là chúng ta đang hiểu lầm về sự buồn chán.


Vậy, chúng ta nên hiểu thế nào cho đúng về sự buồn chán đây?

Hiện tại mình vẫn đang sử dụng định nghĩa mà chú Derek Muller (kênh Veritasium) chia sẻ trong video Youtube mang tên “Why Boredom is Good For You”, và sau đây mình cũng sẽ chia sẻ lại với các bạn.


Theo chú Derek, buồn chán không phải là khi chúng ta không có gì để làm.

Buồn chán là khi không có bất kỳ tùy chọn nào có sẵn vào thời điểm đó gây hấp dẫn cho chúng ta hết.


Nghe có vẻ vẫn hơi khó hiểu ha. Cá nhân mình cho rằng buồn chán sẽ xảy ra khi chúng ta ở trong những hoàn cảnh sau đây:

  • Làm việc gì đó quá khó.

  • Làm việc gì đó không đủ khó.

  • Làm việc gì đó mà chúng ta không hứng thú.


Hoàn cảnh đầu tiên và cuối cùng có vẻ là dễ hình dung rồi ha.

Trong trường hợp bạn đang cảm thấy hoàn cảnh thứ 2 hơi khó hiểu thì mình muốn các bạn nhớ lại những lúc mà các bạn đã ngồi lướt mạng lâu đến nỗi khiến bạn bắt đầu cảm thấy chán cả việc lướt mạng luôn ấy. Nếu bạn cũng đã từng trải qua cái cảm giác trống rỗng và mệt mỏi của việc lướt mạng lâu đến phát chán, theo đúng nghĩa đen, thì mình tin rằng các bạn cũng sẽ hiểu ý mình muốn chia sẻ ở đây.


Giờ mình muốn lật lại câu hỏi “Tại sao bạn lại ghét hoặc sợ bị buồn chán đến thế?”

Tại sao sự buồn chán lại thường hay bị hiểu nhầm thế?

Đó có lẽ là bởi vì cái “cá tính” của anh bạn Buồn chán thường không hề đem lại cho chúng ta cảm giác dễ chịu.

Sự buồn chán mang theo đặc điểm liên quan tới sự thiếu tập trung, cảm giác bồn chồn, trì trệ và thậm chí là cả cảm giác biếng nhác.


Với tất cả các đặc tính kém thân thiện như trên thì làm sao mà sự buồn chán lại có thể trở thành một người bạn tốt của chúng ta được đây?

Do ngày nay chúng ta đang có quá nhiều công cụ và biện pháp để giúp né tránh anh chàng Buồn chán, vậy nên sao chúng ta không thử đặt ngược lại câu hỏi xem sao.

Chúng ta sẽ bỏ lỡ những điều gì, nếu như còn tiếp tục né tránh sự buồn chán?


Để mình chia sẻ với các bạn một số lợi ích thú vị của buồn chán mà mình đã bỏ lỡ trong nhiều năm vùi đầu vào chiếc điện thoại thông minh.


1. Sự sáng tạo

Mình lại có một câu hỏi nữa muốn các bạn dành ra đôi chút thời gian để suy nghĩ nè:

Lần cuối cùng các bạn nảy ra được một ý tưởng là khi nào?


Liệu các bạn có nhớ ra được không? Phải chăng đó là hôm nay? Hôm qua? Tuần trước? Tháng trước? Hay thậm chí là nhiều năm về trước?

Cũng có thể hiện tại các bạn đang nghi ngờ bản thân với suy nghĩ rằng: “Hình như mình chưa từng có nổi một ý tưởng nào trong đời thì phải?”


Các bạn có thể giữ lại câu trả lời cho câu hỏi này riêng cho bản thân. Và nếu các bạn cũng giống như mình, một người trẻ đang có mong muốn được cải thiện sự sáng tạo và/hay muốn theo đuổi một ngành nghề liên quan tới sáng tạo, thì mình muốn khuyên các bạn hãy bắt đầu dành thời gian để cho bản thân cảm thấy buồn chán.


Điều này thoạt nhiên nghe có vẻ giống như một nghịch lý. Vậy để mình thử gợi ý cho các bạn trả lời câu hỏi trên xem sao nhé.

Phải chăng lần cuối cùng các bạn nảy ra được một ý tưởng, một suy nghĩ cá nhân, một bài học cuộc đời, một nguồn cảm hứng (bất kể to-nhỏ, hay-dở) chính là khi các bạn đang lái xe, đang nấu ăn, đang tắm, đang đọc sách, đang đi dạo, đang ngồi thẫn thờ…


Nếu như các bạn thử gõ từ khóa “The benefits of boredom” các bạn sẽ tìm thấy được rất nhiều tài liệu, cả báo chí và nghiên cứu, chỉ ra mối liên hệ giữa sự buồn chán và sự sáng tạo.

Đây cũng là một trong những bài học thú vị nhất mà mình rút ra được từ cuốn sách Steal like an artist, viết bởi tác giả Austin Kleon. Trong cuốn sách này, tác giả có viết:

“Hãy dành thời gian để bản thân cảm thấy buồn tẻ. Những nhà sáng tạo cần thời gian dừng lại và không làm gì cả.”

Vậy là có vẻ như cả giới khoa học và giới nghệ sĩ làm sáng tạo đều đồng tình rằng sự buồn chán có một mối liên hệ mật thiết với sự sáng tạo.

Những nguồn này sẽ cho bạn biết rằng sự buồn chán thực ra là một thứ cảm xúc rất quan trọng. Rằng khi bạn trải nghiệm sự buồn chán, tâm trí bạn sẽ bắt đầu “đi lang thang” và bạn sẽ có thể bắt đầu nghĩ vẩn vơ (daydreaming).


Và bởi lẽ buồn chán là trạng thái nơi mà bạn không hề tập trung tâm trí vào bất cứ thứ gì cụ thể hết, não bộ sẽ phải tìm cách để “tự giải trí”. Đây cũng thường là lúc nó quyết định tập trung tư tưởng về những giá trị bên trong, những giá trị tinh thần, và một trong những số đó lại chính là những ý tưởng, chính là sự sáng tạo.


2. Sức khỏe tâm lý

Chúng ta đang sống trong kỷ nguyên của thông tin, có lẽ cũng vì vậy mà chúng ta thường xuyên có cảm giác bị quá tải với những thứ chúng ta nạp vào đầu mỗi ngày.


Đúng là rất bình thường nếu như các bạn cảm thấy buồn chán và tìm tới sự giải trí. Nhưng có bao giờ các bạn cảm thấy như sự giải trí mà chúng ta có ngày nay đang ngày một đi quá xa rồi hay không?

Rằng giải trí giờ không còn chỉ đơn thuần là giải trí nữa mà nó đã được gắn thêm với chữ “nền công nghiệp” hoặc “ngành công nghiệp” luôn rồi. Điều đó chẳng phải có ý muốn ám chỉ rằng sự giải trí giờ đã được sản xuất hàng loạt, được đóng gói, được bày biện, được mua bán và được tiêu thụ cũng dưới hình thức hàng loạt hay sao?


Mình tin rằng khía cạnh này của sự giải trí nên được chính các bạn tự trả lời sao cho phù hợp với cuộc sống của các bạn nhất.

Cá nhân mình tin rằng, khi chúng ta đã né tránh sự buồn chán quá lâu, thì chúng ta cũng sẽ đồng thời để bản thân rời vào trạng thái thiếu sự toại nguyện, không còn biết thế nào là đủ.


Cùng với đó, nếu như chúng ta chỉ biết nhìn màn hình vào mọi lúc rảnh rỗi, chúng ta cũng sẽ bỏ lỡ cơ hội để được trải nghiệm những cảm xúc, những nhận thức và cả những tình huống tương tác xã hội có ý nghĩa với chúng ta.

Mà có lẽ cũng chưa cần phải nói đến những ý nghĩa to tát quá đâu, hãy vui vì nó là những giá trị thật, do bạn tự tạo ra với những tương tác thật, chứ không phải là qua một cái màn hình.


3. Hiện tại và tương lai

Các bạn còn nhớ chuyện khi buồn chán thì bộ não sẽ bắt đầu tập trung tư tưởng vào những giá trị bên trong, những giá trị tinh thần chứ? Bởi vậy nên đây cũng thường là lúc các bạn sẽ bắt đầu nghĩ về bản thân và những người xung quanh các bạn.

Sự buồn chán có thể mang đến mong muốn được cải thiện. Bởi lẽ khi buồn chán thì chúng ta thường sẽ muốn cải thiện tình huống để trở nên đỡ buồn chán hơn. Mong muốn cải thiện này có thể sẽ trở thành nguồn cảm hứng để chúng ta nhìn nhận lại về bản thân ở hiện tại và nghĩ tới những kế hoạch phát triển cho chính mình ở tương lai. Hay thường xuyên hơn, nó kích thích cả khả năng suy nghĩ về người khác cùng những cách để bạn có thể giúp đỡ họ nữa.

Ở mặt còn lại, nếu như não bộ cũng chúng ta luôn phải bận rộn xử lý hết loại thông tin này tới kiểu thông tin khác, chúng ta cũng sẽ không bao giờ có cơ hội bước lùi lại để nhìn ngắm bức tranh toàn cảnh, để đặt ra một mục tiêu dài hạn cho bản thân và cân nhắc phương hướng đạt được mục tiêu đó.


***

Điều quan trọng thứ nhì mà mình đã rút ra được từ quá trình tìm hiểu anh bạn Buồn chán đó là: Buồn chán có thể không hề xấu như chúng ta vẫn tưởng.

Và điều quan trọng nhất chính là: Buồn chán có thể đồng thời là một cảnh báo và một tín hiệu từ tâm trí. Nó cảnh báo cho ta biết khi ta đang không làm những gì mà ta muốn làm, và ra tín hiệu để chúng ta có động lực thay đổi sang một mục tiêu đời sống cao đẹp hơn.


“Keep Moving Forward”

Chấp bút: Tom.


1 lượt xem0 bình luận

Bài đăng gần đây

Xem tất cả
Bài đăng: Blog2 Post
bottom of page