Sống can đảm với sự đơn giản.
Vui lòng KHÔNG SAO CHÉP bài viết và tranh minh họa của mình.
Bạn có thể sẽ cần tới rất nhiều thời gian, và cả lòng can đảm, để trở nên đơn giản (simple):
Đọc những cuốn sách đơn giản;
Mặc quần áo đơn giản;
Có những ngày đơn giản;
Và nói những điều đơn giản.
Bấy lâu nay, mọi lợi thế và sự hào nhoáng đều chỉ được đem ra để tung hô sự phức tạp (complexity).
Chúng ta thường bị lôi kéo về những gì là “hiếm có” và “khó để bắt chước”:
Chiêu đãi bạn bè bằng những bữa ăn công phu;
Theo đuổi các mối quan hệ phức tạp;
Có những nghề nghiệp khiến ta vướng vào những cam kết rắc rối;
Và ta lấp đầy những giờ giải trí bằng nhiều thú vui kỳ lạ (exotic).
Thế rồi, đến một ngày nào đó, bạn có thể sẽ cảm nhận được và khao khát muốn thử sức với những thách thức thực sự của cuộc sống:
Dám để bản thân bị – một số người – cho là kẻ ngốc;
Khắc phục một số niềm tin mà bạn đã luôn cho là “sự thật”;
Gạch bỏ bớt những đầu việc không đâu trên cuốn lịch;
Chỉ mặc những gì là thoải mái;
Mời người khác những món ăn cơ bản mà bạn vẫn thích khi chỉ có một mình;
Chỉ duy trì mối quan hệ với những người biết tới sự thẳng thắn (direct);
Để cho cuộc sống của bạn ít nhiều được tự do, ngoài một hoặc hai thú vui cơ bản – chăm sóc vườn tược, tắm nước nóng, dắt thú cưng đi dạo,...;
Để giới hạn việc đọc của bạn với những đầu sách mà bạn có thể hiểu;
Và để giao tiếp với số ít những người bạn yêu thương trên đời này mà không phải ức chế (inhibition) những cảm xúc chân thành mà bạn cần họ được biết – rằng họ là tất cả đối với bạn, và bạn sẽ nhớ họ da diết khi giờ khắc chia ly tất nhiên phải xảy đến.
Chúng ta đều lo lắng một cách quá đáng về việc bị cho là nhàm chán hoặc ngớ ngẩn nếu như ta thể hiện bản thân mà không được trau chuốt với “filter”, hoặc sống theo những khuynh hướng với ít sự “làm màu” (adorn) hơn của chính mình.
Chúng ta cố gắng dành phần lớn cuộc đời mình – nhưng không thành công – để trở thành một ai khác.
Với không ít người trong chúng ta, có thể chính ý nghĩ về cái chết (không nhất thiết phải là của bản thân chúng ta) sẽ khiến ta phải buông bỏ những ảo tưởng về bản thân.
Đây là lúc bạn sẽ nhận ra – dưới ảnh hưởng đầy tính khích lệ của nó – rằng không có lý do gì để tạo ra gánh nặng cho bản thân với những thói quen, ý tưởng, từ ngữ, con người, và nhiệm vụ không thuộc về bạn.
Rằng thật vô ích khi lãng phí thời gian sống quý báu trên đời này với những người không thể thoải mái mà yêu thương bạn, với những bộ cánh mà bạn thậm chí còn không biết phải giặt thế nào, với những cuốn sách mà bạn không thể hiểu, và với những ngày ồn ã nặng trĩu bởi cảm giác hoang mang cùng những thử thách vô nghĩa.
Chúng ta sẽ, đến cuối cùng, trút bỏ nỗi sợ hãi trước việc bị coi như là một kẻ khờ khạo hoặc một gã nhà quê (yokel).
Chúng ta sẽ thực sự trưởng thành, cuộc sống của ta sẽ tinh vi (sophisticated) theo những cách đúng mực.
Đấy là chỉ khi ta đã học được cách hiểu rõ giá trị của thứ nghệ thuật để trở nên thẳng thắn, dễ hiểu, trung thực về mặt cảm xúc, dễ đoán biết, không vội vã, và – trong những con mắt của số đông nhạy cảm và phóng đãng – đặc biệt tẻ nhạt (dull).
“Keep Moving Forward”
Chấp bút và minh họa: Tom.