top of page

Review sách: Tâm lý học về tiền

Tác giả sách: Morgan Housel.

Thể loại: Sách tài chính, sách kỹ năng, sách tâm lý.

Số trang: 382.

Đánh giá: Rất hay.



Tâm lý học về tiền có lẽ là cuốn sách về chủ đề tài chính, tiền bạc đầu tiên mà mình đọc một cách nghiêm túc. Một phần là do đây là cuốn sách được những người mình rất ngưỡng mộ giới thiệu, và chín phần là do đây là một cuốn sách hay thực sự.


Theo như mình tìm hiểu thì đây là cuốn sách đầu tay của tác giả Morgan Housel, và mình tin rằng ông đã làm rất rất tốt với cuốn sách này. Cá nhân ông cũng đã dành được rất nhiều giải thưởng liên quan tới viết lách trong chuyên ngành mà ông công tác.

Khi mình đang viết những dòng này thì mình cũng đã tìm được kênh blog mà tác giả Morgan Housel chia sẻ những bài viết của ông. Nếu bạn cũng đã đọc cuốn sách này và muốn được học hỏi thêm nhiều điều bổ ích về kinh tế/tài chính từ tác giả Morgan Housel thì các bạn có thể vào đường link ngay ở đây nha: https://www.collaborativefund.com/blog/authors/morgan/


“Sự thành công trong tài chính không phải là một lĩnh vực khoa học khó nhằn. Nó là một kỹ năng mềm, nơi mà cách bạn hành xử quan trọng hơn điều mà bạn biết. Tôi gọi kỹ năng mềm này là tâm lý học tiền tệ.”

Đúng như cái tên đã nêu lên, cuốn sách này nói về 2 chủ đề là “Tâm lý học” và “Tiền/Tài chính”.

Đây là hai chủ đề mà nếu nhìn qua thì có vẻ như không mấy liên quan tới nhau, nhưng qua cuốn sách này thì mình đã học được rằng hóa ra chúng lại có mối quan hệ vô cùng mật thiết, có thể nói nếu thiếu đi một bên thì bên kia sẽ không thể hoạt động bình thường được nữa.


Đây là cuốn sách đã giúp hình thành nên trong tâm trí mình nhiều ý tưởng mới, tư duy mới và góc nhìn mới về đề tài tài chính. Đồng thời, giúp mình có được một nhận thức đúng đắn về tầm quan trọng của khía cạnh tâm lý trong ngành kinh tế.


NỘI DUNG.

Đây là một cuốn sách có độ dài trung bình, với 382 trang.

Nội dung của sách được chia thành 20 chương, sau đây mình sẽ chia sẻ với các bạn 5 bài học ấn tượng nhất mà mình đã rút ra được từ cuốn sách này.


Bài học 1: Tôn trọng sức mạnh của may mắn và rủi ro.

“May mắn và rủi ro đề là thực tại rằng mọi kết quả trong cuộc đời đều được điều hướng bởi những thế lực nằm ngoài sự nỗ lực cá nhân.”

Ở bài học này, tác giả Morgan Housel chia sẻ rằng chúng ta thường xuyên đánh giá thấp, thậm chí không màng tới tầm quan trọng của yếu tố may mắn và yếu tố rủi ro trong tài chính.


Chúng ta noi theo hình ảnh của những con người vĩ đại và giàu có, tìm cách bước đi trên những con đường giống như họ và kỳ vọng rằng rồi sẽ có ngày chúng ta tới được cái đích hào nhoáng giống như họ. Chúng ta cứ đinh ninh rằng họ gây dựng được những sự thành công đó hoàn toàn dựa vào sự nỗ lực và tài trí, mà quên mất rằng câu chuyện của họ có lẽ cũng đã được ủng hộ bởi sự may mắn và phải đối diện với sự rủi ro rất nhiều.


Tác giả Morgan Housel có viết:

“Khi đánh giá người khác, kết nối sự thành công với may mắn khiến bạn trông có vẻ ghen tị và xấu tính,... Và khi đánh giá bản thân, việc kết nối sự thành công với may mắn có thể làm bạn quá mất tinh thần đến mức không chấp nhận được.”

Đây hoàn toàn là một phản ứng tâm lý bình thường, vậy nên mình tin rằng từ giờ mình sẽ có thể thử nhìn nhận sự thành công của những người xung quanh khác đi một chút.

Chuyện mình nhìn nhận khác đi, tức bổ sung thêm yếu tố may mắn và rủi ro vào trong sự ngưỡng mộ, sẽ không khiến mình yêu quý họ ít đi hay nhiều hơn. Đây đơn giản chỉ như một góc nhìn mới, với những khía cạnh mới để học hỏi từ họ mà thôi.


Tại ý này, tác giả sách cũng khuyên người đọc nên cẩn thận khi nghiên cứu chiến lược thành công của người khác. Tác giả viết:

“Nghiên cứu một người cụ thể có thể trở nên nguy hiểm bởi vì chúng ta thường chỉ nghiên cứu những ví dụ nổi trội. Kết quả càng nổi trội, bạn càng ít có khả năng áp dụng những bài học của nó vào cuộc sống của chính bạn.”

Mình nhận ra đây là một sự thật quá đúng và hiển nhiên, vậy mà có vẻ như ít ai thực sự nhận thức được nó, bởi lẽ chúng ta đều ít chú ý tới tầm quan trọng của sự may mắn và sự rủi ro.

Để tạo nên được một kết quả siêu việt, vượt trội so với lẽ thường, đương nhiên là kết quả đó cũng sẽ bị tác động bởi hai cực may mắn hoặc rủi ro rồi. Mà sự may mắn và rủi ro thì lại không thể được tái tạo bởi sức người, vậy nên kế hoạch thành công của những con người vĩ đại ấy cũng sẽ rất khó để chúng ta tái tạo lại được hoàn toàn 100% hiệu suất thành công.


“Không có gì là tốt hay xấu như vẻ bề ngoài của nó.”

Cùng nhờ có chương sách này mà mình nhận ra ý nghĩa thực sự của sự rủi ro, không chỉ đơn giản là trong tài chính, mà còn là trong cuộc đời.

Nếu như may mắn cho chúng ta cảm giác của sự thành công và vĩ đại (đôi khi chỉ là ảo giác), thì vai trò của rủi ro có ý nghĩa rằng chúng ta nên tha thứ cho bản thân và chừa chỗ cho sự thấu hiểu khi đánh giá thất bại.


Bài học 2: Kiểm soát cái tôi cũng là kiểm soát tài chính. Cần phải biết thế nào là đủ.

“Sự giàu có là thứ mà bạn không nhìn thấy.”

Qua bài học này, mình nhận ra rằng của cải được tạo ra bằng cách hạn chế những gì mình có thể mua trong ngày hôm nay, để có được nhiều lựa chọn hơn trong tương lai.

Là một người lựa chọn lối sống tối giản, mình rất thích bài học này từ cuốn sách. Mình nhận ra rằng nếu mình cứ tiếp tục mua sắm thì đến cuối cùng thứ mình có sẽ chỉ toàn là đồ vật chứ không phải là của cải. Mà càng sở hữu nhiều đồ, mình sẽ càng phải chia nhỏ sự quan tâm của mình dành cho chúng, nhà cửa cũng vì thế mà có thể trở nên bề bộn hơn, bận thỉu hơn.


Khi đã học được cách trở nên hài lòng với những gì mình đang có, mình cũng sẽ có thể bắt đầu tiết kiệm vì một tương lai tốt đẹp hơn cho bản thân, chứ không chỉ là cho mã ngoài của mình nữa.

Như tác giả Morgan Housel viết trong sách:

“Cuộc sống sẽ không có gì là vui vẻ nếu thiếu cảm giác đủ đầy. Hạnh phúc, như đã nói, chỉ là những kết quả khi không có sự kỳ vọng.”

Bài học 3: Tiết kiệm, và tiết kiệm. Hãy tiết kiệm không vì một lý do nào hết.

“Tiết kiệm là khoảng trống giữa cái tôi và nguồn thu nhập của bạn.”

Đây có lẽ chính là bài học mà mình yêu thích nhất ở cuốn sách này.


Thông thường, chúng ta hay lựa chọn tiết kiệm vì một mục tiêu nào đó. Đó có thể là vì một chiếc điện thoại mới, một chiếc máy tính mới, một chiếc xe hơi mới, một căn nhà mới, hay một chuyến du lịch sang trọng.

Đó đều là những điều tuyệt vời và hợp lý, không có gì là sai trái khi đặt mục tiêu cho việc tiết kiệm hết, bản thân tác giả sách cũng khẳng định như vậy.


Tuy nhiên, tác giả Morgan Housel cũng khuyên người đọc chúng ta nên bắt đầu tạo thói quen tiết kiệm không vì một lý do cụ thể nào hết.

Bởi lẽ, thứ nhất, tiết kiệm luôn là một thói quen tốt, dù cho bạn có đặt mục tiêu hay ban lý do cho nó hay không.

Thứ hai, cuộc đời của mỗi người chúng ta đều là một chuỗi những sự bất ngờ không ngừng nghỉ. Nếu bạn đã học được ý nghĩa của sự may mắn và rủi ro ở bài học 1, thì khi bạn có một khoản tiết kiệm không tên, bạn cũng sẽ có thể gia tăng khả năng chống chọi khi sự rủi ro tồi tệ ập tới, hoặc nắm bắt cơ hội vào những lúc may mắn mỉm cười với bạn.


Trong cuốn sách này, tác giả có viết:

“Tiết kiệm mà không có mục tiêu chi tiền trao cho bạn các lựa chọn và sự linh hoạt, khả năng chờ đợi và cơ hội để nắm lấy.”
“Mỗi khoản tiết kiệm đều giống như giành lấy một điểm trong tương lai lẽ ra đã thuộc sở hữu của một ai đó khác và trao nó lại cho chính bản thân bạn.”

Ở bài học này, mình cũng rút ra được tầm quan trọng của tính linh hoạt trong một thế giới mà sự kết nối mang tính toàn cầu hóa như ngày nay.

Theo như phân tích của tác giả Morgan Housel, chúng ta đang ở trong một thời đại mà sự cạnh tranh về mặt trí tuệ là quá khốc liệt, số lượng người được tiếp cận với học vấn bậc cao đang ngày một nhiều hơn, trong khi rất nhiều kỹ năng công nghệ trước đây thì giờ đã được tự động hóa hoàn toàn.


Nếu bạn cũng giống như mình, đang tự hỏi bản thân câu hỏi: “Làm sao để tôi trở nên nổi bật?” thì tác giả Morgan Housel có một câu trả lời cho chúng ta.

Theo ông, giờ đây lợi thế cạnh tranh đang nghiêng về phía các kỹ năng mềm - như giao tiếp, hợp tác, đồng cảm, và theo tác giả là quan trọng nhất, chính là tính linh hoạt.


Tác giả viết:

“Nếu bạn có sự linh hoạt, bạn có thể chờ đợi những cơ hội tốt, cả trong sự nghiệp và các khoản đầu tư của bạn.”

Bài học 4: Một kế hoạch tài chính thành công không nhất thiết phải sản sinh ra nhiều lợi nhuận, đôi khi sự thành công nằm ở cách nó đem lại khả năng kiểm soát thời gian, sự tự do, và sự hạnh phúc.

“Kiểm soát được việc bạn muốn làm, khi bạn muốn làm, với người mà bạn yêu mến, là biến số lối sống rộng lớn nhất khiến con người hạnh phúc.”

Với bài học này, tác giả Morgan Housel chia sẻ rằng chúng ta nên có những kế hoạch tài chính có thể giúp chúng ta ngủ ngon mỗi tối.

Tác giả không khuyên chúng ta chỉ nhắm tới những lợi nhuận cao nhất, nhưng tác giả cũng hiểu rằng mỗi người có một cách riêng để sử dụng đồng tiền của họ.


Tác giả khuyên người đọc chúng ta nên cẩn thận để sao cho mỗi khoản đầu tư, mỗi món đồ mua sắm, mỗi cổ phiếu mua vào/bán ra sẽ đều giúp cho ta được ngủ ngon mỗi tối. Rằng chúng ta nên cân nhắc thật kỹ để xem xem mọi hành động tài chính của được thực hiện có đang tước đoạt đi những cơ hội tương lai của chính bản thân chúng ta và những người thân yêu hay không.

Đương nhiên, mình cũng hiểu rằng vẫn có những người sẽ chỉ có thể ngủ ngon nếu như họ đạt được lợi nhuận cao nhất. Cá nhân mình nghiêng về phía ý kiến của tác giả Morgan Housel hơn, bởi lẽ mục tiêu tài chính của mình không phải là trở thành giàu nhất.


Bài học này cũng khẳng định một trong những khía cạnh quan trọng nhất của một kế hoạch tài chính tốt chính là đem lại sự kiểm soát thời gian.

Bản thân mình cũng là một người từng vùi mình trong lối sống mòn. Mình đã từng lãng phí rất nhiều thời gian vào những chuyện vô bổ, những thú vui vô ích và cả những hoạt động kém lành mạnh. Giờ đây, lối sống của mình hướng đến sự tích cực với mục tiêu tạo ra được nhiều hiệu suất nhất trong 24 giờ mỗi ngày. Mình của hiện tại rất sợ bị lãng phí thời gian.


Mình tự coi sự sợ hãi đó là một đặc điểm tốt, mình đã lãng phí vậy là đủ nhiều rồi, hiện giờ thời gian cũng chính là vàng bạc đối với mình, mình không thể để chúng trở nên uổng phí được nữa.

Mình nhận ra rằng, khi mình đã biết trân quý cả thời gian và tiền bạc, coi thời gian như tiền và tiền như thời gian, mình cũng đang dần mở ra thêm được nhiều lựa chọn trong cuộc đời.


Hay như tác giả Morgan Housel có viết:

“Kiểm soát thời gian là khoản cổ tức cao nhất mà tiền bạc mang lại.”

Bài học 5: Bớt khoe khoang.

“Không một ai thấy ấn tượng với những những món đồ thuộc sở hữu của bạn nhiều như bạn cả.”

Trong bài học này, tác giả Morgan Housel có giới thiệu một nghịch lý gọi là “Người đàn ông ngồi trong xe ô tô”.

Mình cũng đã có đăng bài chia sẻ về nghịch lý rất thú vị này rồi, các bạn có thể tham khảo tại bài viết này nhé: https://www.hellotomwriting.com/post/nghịch-lý-người-đàn-ông-ở-trong-xe-ô-tô


Nói một cách ngắn gọn, thì nghịch lý này dạy cho chúng ta biết rằng: mọi người thường muốn sở hữu tài sản để gửi đi thông điệp đến người khác rằng họ nên được yêu mến và ngưỡng mộ. Nhưng trên thực tế thì những người khác thường bỏ qua việc ngưỡng mộ bạn, không phải bởi vì họ không nghĩ sự giàu có đáng ngưỡng mộ, mà bởi vì họ sử dụng sự giàu có của bạn là thước đo cho khát khao được yêu mến và ngưỡng mộ của chính họ.


Qua bài học này, mình đã tìm ra được câu trả lời cho câu hỏi “Tại sao mình chỉ thích mua sắm mà lại không thích thời trang?”

Đơn giản là bởi vì thứ mình muốn không phải là những bộ quần áo đẹp, mà thực tâm, thứ mình khao khát chính là sự ngưỡng mộ và tôn trọng.


Mình cũng đã sớm nhận ra rằng nếu mình chỉ ăn diện đẹp thôi, khoác lên mình một cái vỏ lấp lánh, mà bên trong không có một giá trị gì, thì cũng chẳng ai mà ngưỡng mộ hay tôn trọng mình cho nổi. Nếu có, thì những sự tôn trọng và ngưỡng mộ đó sẽ không hề bền vững.

Giờ đây, khi mình dành nhiều nỗ lực hơn để nâng cao giá trị bên trong của bản thân, mình nhận ra rằng chúng ta có thể đạt được sự tôn trọng và ngưỡng mộ từ mọi người thông qua lòng tốt, cũng như tính trung thực, dễ dàng hơn nhiều so với những bộ quần áo đắt đỏ.


CẢM NHẬN

Để mô tả về cuốn sách này, mình sẽ dùng 2 cụm từ là: Bổ íchTruyền cảm hứng.


Tác giả Morgan Housel hấp dẫn mình trước tiên thông qua lối viết rất gần gũi, mình có cảm giác như ông đang kể truyện chứ không phải là nói về đề tài tài chính. Với phong cách viết rất cô đọng và lôi cuốn, tác giả đã thành công trong việc biến một chủ đề khô khan như tài chính/kinh tế trở nên thú vị và dễ hiểu với người đọc.


Tác giả cũng thường xuyên sử dụng các sự kiện, số liệu, bảng biểu và cả các câu chuyện tài chính về những con người có thật để làm dẫn chứng cho các luận điểm của ông. Đây là một điểm cộng giúp cho cuốn sách trở nên dễ hiểu, và dễ tin hơn.


Cá nhân mình cũng đã rút ra được 5 bài học lớn mà mình có thể áp dụng được vào kế hoạch tài chính hiện tại của bản thân, đó là còn chưa kể tới rất rất nhiều những lời khuyên thú vị khác nữa đã được mình đánh dấu bút dạ quang để đọc lại lúc cần, vậy nên về mặt nội dung, cuốn sách này có được điểm 10 tròn trĩnh từ mình.


Cuốn sách này đã giúp mình nhận ra tầm quan trọng của tâm lý con người và mối quan hệ chặt chẽ của nó với thế giới tài chính. Nói không ngoa, có lẽ không phải đồng tiền, mà chính là tâm lý, lối sống, mục tiêu, kế hoạch, ước mơ của chúng ta, những giá trị vô hình mà chúng ta có, mới chính là những nền tảng tạo nên thế giới tài chính như hiện nay


Điểm trừ duy nhất mà mình có thể nghĩ ra được lúc này đó là 3 lỗi chính tả mà mình phát hiện ra trong khi đọc sách.


CUỐN SÁCH NÀY LIỆU CÓ DÀNH CHO BẠN?

Nếu như bạn là một người đang tìm kiếm một cuốn sách có thể hỗ trợ bạn hiểu 1 cách tỉ mỉ về đề tài tài chính/kinh tế, thì mình tin rằng đây sẽ không phải là cuốn sách dành cho bạn. Bởi lẽ cuốn sách này đào sâu vào chủ đề tâm lý và mối quan hệ của tâm lý con người với tiền bạc nhiều hơn.


Nếu như bạn đang muốn có được một góc nhìn mới, một khía cạnh mới để khai thác hết tiềm năng tài chính của bạn thân, thì mình nghĩ rằng cuốn sách này sẽ rất hữu ích cho bạn đấy. Bạn hãy đọc thử nó nhé.


Tiếp theo, mình sẽ đọc cuốn truyện trinh thám Thung lũng bất hạnh, viết bởi tác giả Agatha Christie.


“Keep Moving Forward.”

Chấp bút: Tom.


7 lượt xem0 bình luận

Bài đăng gần đây

Xem tất cả
Bài đăng: Blog2 Post
bottom of page