top of page

Review sách: Copywriter - 5 bước sản xuất content chuẩn SEO.

Đã cập nhật: 16 thg 3, 2022

Tác giả sách: Ryan Wakeman.




Mình đã đọc xong cuốn sách này được khoảng 2 hôm rồi, nhưng vì có nhiều nội dung bên trong tựa sách này cần phải được mình tìm hiểu và nghiên cứu sâu hơn nên giờ mình mới quyết định viết 1 bài review về những gì mình học được từ nó.


Tác giả Ryan Wakeman là một cái tên mới mẻ đối với mình. Theo như mình tìm hiểu thì chú Wakeman là một người làm công việc tư vấn và quản lý dự án, hồ sơ kinh nghiệm của chú ở trên trang LinkedIn cũng vô cùng ấn tượng.


Tuy rằng cá nhân mình cảm thấy không hợp với lối hành văn của chú tác giả cho lắm, nhưng cũng không thể phủ nhận rằng cuốn sách này chứa rất nhiều những lời khuyên hữu ích và những bài học đắt giá từ một người đã phải nếm trải thất bại nhiều lần trên con đường làm công việc truyền thông.


Nội dung.

Mặc dù mang tiêu đề là “5 bước sản xuất content chuẩn SEO”, nhưng nội dung của cuốn sách này nhấn mạnh và xoay quanh kỹ năng cốt yếu nhất của việc làm content, chính là kỹ năng lên kế hoạch.

Chú Wakeman có viết một câu mà mình rất thích trong phần này, đó là:

“Việc lùi lại một bước để cân nhắc và đánh giá sẽ luôn mang lại hiệu quả.”

Trong quá trình đọc sách, mình nhận ra là bản thân tác giả cũng không phải là một người có một bộ não siêu việt với rất rất nhiều những ý tưởng hay ho, độc đáo, hay kể cả là mới lạ.


Chú vẫn áp dụng và chia sẻ về những kinh nghiệm truyền thông mà ngày nay bạn có thể dễ dàng tìm được trên các bài viết online hoặc các video Youtube. Điểm nổi bật trong phong cách làm việc đã đưa chú Wakeman đến với thành công nằm ở kỹ năng lên kế hoạch cụ thể cho mọi hoạt động truyền thông và quảng cáo.


Từ cuốn sách này mình học được rằng lên kế hoạch rõ ràng chính là phương pháp để tác giả không bao giờ bí ý tưởng. Lên kế hoạch chính là thể hiện sự chủ động và sự chuyên nghiệp trong quá trình làm truyền thông. Lên kế hoạch chính là công cụ giúp tiết kiệm thời gian, tiết kiệm chi phí và cũng đồng thời là công cụ theo dõi hữu hiệu nếu như bạn làm việc cho nhiều bên quảng cáo khác nhau.


Một số yếu tố quan trọng được chú nhấn mạnh trong phần này chính là:

  1. Biết chúng ta đang quảng cáo cái gì?

  2. Chúng ta quảng cáo với thông điệp gì?

  3. Quảng cáo của chúng ta đang hướng tới các mục tiêu cụ thể nào?

  4. Cân nhắc các chiến dịch mất phí hay không?

  5. Và kết hợp nội dung tương lai với lịch trình hiện tại như thế nào?


Mình đặc biệt yêu thích những ghi chú của chú Wakeman ở mục 1 và 2.

Ở những mục này, chú chia sẻ rất nhiều về tần suất đăng tải sao cho hợp lý trên 3 nền tảng mạng xã hội lớn nhất hiện nay là Facebook, Instagram và Twitter. Ngoài ra, chú cũng nhấn mạnh một số thông điệp cụ thể mà những cây viết như mình có thể áp dụng khi viết bài cho những loại sản phẩm và dịch vụ khác nhau, còn có thêm cả ví dụ rất sinh động nữa.

Thực sự phải cảm ơn chú Wakeman vì đã tổng hợp mọi thứ rất cô đọng và dễ hiểu cho 2 mục quan trọng nhất đối với mình, hehe.


Cuốn sách này cũng mở ra cho mình những góc nhìn mới về phương thức hoạt động của các thuật toán trong các nền tảng mạng xã hội lớn. Đặc biệt là ở Instagram, nơi mà những hình ảnh của bạn dù chất lượng đến mấy nhưng dường như không phải lúc nào cũng đón nhận được nhiều sự chú ý của những người dùng khác.


Những thuật toán ở các nền tảng này thực sự đều là những chương trình vô cùng thông minh. Chú Wakeman cũng sẽ hướng dẫn người đọc những phương án để tận dụng tối đa những lợi thế mà các thuật toán này có thể mang lại cho người làm content.


Sẽ thật khó để một người thiếu kinh nghiệm và kiến thức chuyên môn như mình có thể giải thích ngắn gọn được chuyện “tại sao người này nhiều like hơn người kia” trong bài review này, vậy nên nếu bạn thấy tò mò về vấn đề này thì hãy xem thử cuốn sách này bạn nhé.


“Nếu ta không nhìn lại để xem liệu rằng ta thắng hay thua, tại sao chúng ta lại cần phải chơi trò chơi này hay tạo ra những nội dung này ngay từ đầu?”

Cuốn sách cũng thường xuyên nhắc nhở người đọc phải biết nhìn lại và đánh giá những kết quả ở phía sau.

Tác giả luôn nhấn mạnh rằng các thành viên trong 1 nhóm làm truyền thông luôn cần phân tích và chia sẻ những kết quả với nhau. Để từ đó chúng ta rút ra được những bài học phù hợp hơn cho doanh nghiệp của mình trong các chiến lược truyền thông tương lai.


Chú Wakeman đã viết riêng 2 đề mục với tiêu đề “Đừng đăng tải để rồi quên đi”“Tại sao cần phải phân tích?” để đưa ra những lời khuyên vô cùng ý nghĩa trong quá trình nhìn lại những thành quả truyền thông. Một số ví dụ mà mình rất thích như:

  • “Chìa khóa ở đây là phải đảm bảo thế giới mạng xã hội và thế giới thực kết hợp truyền thông lẫn nhau.”

  • “Hãy xây dựng mối liên kết với khách hàng trong đời thực và đem lại cơ hội để trò chuyện.”


Cảm nghĩ.

Ngoài yếu tố cá nhân mình có cảm giác không hợp với giọng văn của chú tác giả Wakeman cho lắm, cuốn sách này cũng mang nhiều vấn đề liên quan đến dịch thuật, làm ảnh hưởng tới quá trình trải nghiệm sách của mình.

Thỉnh thoảng ở giữa những đoạn phân tích chuyên sâu lại có thêm vào 1 vài câu văn kiểu như “Quả là khôn ngoan một cách đầy hấp dẫn” hay “Xin lỗi, được chưa?”.

Mình nghĩ đây là do tác giả cũng như người dịch muốn thêm vào một số câu đùa để giúp độc giả thoải mái hoặc thư giãn. Nhưng cá nhân mình thì lại thấy mấy câu ấy thực sự rất gượng gạo và chúng khiến mình khá là khó chịu khi đọc sách.


Lối dịch thuật và hành văn cũng có phần hơi khô khan và khó hiểu nên có nhiều đoạn mình phải đọc đi đọc lại nhiều lần, hoặc phải nhờ Google giúp đỡ mới có thể hiểu hết được.


Nội dung của cuốn sách mặc dù khá là toàn vẹn và bổ ích, nhưng vẫn có rất nhiều vấn đề mà mình ước gì tác giả đã viết sâu hơn, chia sẻ nhiều hơn và giải thích rõ ràng hơn.

Mình thực sự rất tò mò về khái niệm “phân tích nhân khẩu học” mà tác giả cứ nhắc đi nhắc lại xuyên suốt nhiều đề mục của cuốn sách. Nhưng tiếc là đến khi đọc đến những trang cuối cùng rồi mà mình vẫn chưa có được một lời giới thiệu hay giải đáp cụ thể nào. Đương nhiên là mình đã phải tìm tới Google để giúp mình giải đáp mọi thắc mắc.


Mình nghĩ rằng một cây viết không nên đưa ra những câu hỏi trong đầu người đọc mà bản thân anh ta không có ý định trả lời, hoặc là sẽ quên trả lời. Đây là một cuốn sách kỹ năng chứ đâu có phải là tiểu thuyết trinh thám, giật gân đâu.


Cuốn sách này cũng khiến cho mình nhận ra tầm quan trọng của việc kiểm tra năm phát hành sách lần đầu tiên là khi nào, trước khi quyết định mua nó.

Mặc dù hiện nay mình vẫn chưa tìm được thông tin chính xác về năm phát hành của tựa sách này từ website của các bên bán sách, nhưng theo như những gì tác giả chia sẻ bên trong cuốn sách thì mình nghĩ là cuốn sách này được viết ra vào năm 2018.

Đó đã là 4 năm về trước, khi mà chả mấy ai biết về TikTok, hay những khái niệm như “Reels Instagram”, “Youtube shorts”,... vẫn còn chưa được hình thành. Mình nghĩ rằng sự nổi lên của TikTok và các loại hình chia sẻ video ngắn trong những năm qua chắc chắn đã bổ sung thêm nhiều khía cạnh đáng lưu ý đối với những người làm truyền thông, và cuốn sách này tiếc là sẽ không bao gồm những thông tin đó.


Kết luận

Đây là một cuốn sách bổ ích, nhưng theo quan điểm của mình là chưa được hay.


Nếu như bạn đang tìm kiếm những kiến thức thực tế để áp dụng vào quá trình viết content chuẩn SEO cho công việc của bạn thì mình tin là cuốn sách này cũng sẽ có thể hỗ trợ bạn rất nhiều đó nha.

Nếu bạn là một cây viết mới thì mình nghĩ bạn nên tham khảo những lời khuyên của tác giả Wakeman về kỹ năng lên kế hoạch trong cuốn sách này. Bản thân mình cũng đã học được rất nhiều điều mới mẻ từ đây.


Bản thân cuốn sách giống như những lời nhắc nhở người đọc phải luôn biết suy tính cẩn thận, lên kế hoạch cụ thể cho mỗi công việc và phải biết phân tích các kết quả. Vậy nên, nếu bạn đang mong chờ 1 cuốn sách hừng hực khí thế, dắt bạn qua 5 bước để viết ra được các bài viết chuẩn SEO thì mình nghĩ rằng đây không phải là tựa sách mà bạn đang tìm kiếm rồi.


Mình tin là vẫn còn nhiều khía cạnh khác của cuốn sách này mà mình chưa thể áp dụng vào công việc và đời sống được ngay, vậy nên mình vẫn sẽ trân trọng nó để dành cho những lúc cần thiết.

Tiếp theo mình đang có kế hoạch sẽ đọc cuốn sách “4 bước xây dựng thương hiệu cá nhân” của tác giả Brittany Hennessy. Hẹn gặp lại các bạn với các bài viết tiếp theo nha.


Chấp bút: Tom.


1 lượt xem0 bình luận

Bài đăng gần đây

Xem tất cả
Bài đăng: Blog2 Post
bottom of page