top of page

Review sách: Context Marketing

Tác giả sách: Mathew Sweezey.

Thể loại: sách kỹ năng.



Mình chuẩn bị giới thiệu với các bạn cuốn sách tệ nhất mà mình từng đọc được trong suốt 2 năm qua.


Sự thật là mình mới chỉ đọc được ⅔ nội dung của cuốn sách này, và hôm nay thì mình đã phải chính thực bỏ cuộc với nó. Tin mình đi, mình cũng đã phải rất cố gắng để đọc hết được 2 trong tổng số 3 chương sách vô cùng khô khan của cuốn sách này rồi đấy.


Là một người viết, đồng thời là một người mê đọc, mình luôn muốn bày tỏ sự tôn trọng tới các tác giả bằng cách mua sách của họ tại các nhà sách uy tín và mình cũng thường tự cam kết sẽ phải đọc hết từ đầu tới cuối các cuốn sách mà mình đã mua.

Nhưng, trời ạ, cái cuốn sách này nó được viết quá tệ, khiến mình quyết định sẽ không tự làm khó bản thân thêm nữa và từ bỏ ở ngay đầu chương 3.


Theo như phần giới thiệu trong sách, tác giả Mathew Sweezey được coi là một trong những bộ óc hàng đầu dẫn dắt tương lai của ngành marketing. Ông là diễn giả có ảnh hưởng mạnh mẽ và được săn đón tại các hội nghị trên toàn cầu.


Qua quá trình đọc sách, cũng như có tìm hiểu thêm về tác giả qua hồ sơ trên LinkedIn, mình cũng cảm nhận được rằng tác giả Mathew Sweezey là một người rất tài giỏi, vốn kinh nghiệm mà ông tích lũy được qua quá trình công tác lâu năm trong ngành truyền thông đúng là vô cùng đáng nể phục.

Chỉ tiếc là có vẻ như ông không phải là một cây viết có thể truyền tải hết được tất cả những giá trị và ý tưởng sâu sắc đó tới với một người đọc như mình.


Điểm cộng

Một cuốn sách được viết bởi một người tài giỏi và giàu kinh nghiệm thì chắc chắn sẽ hàm chứa rất nhiều kiến thức uyên bác. Mình nhẫn nại đọc cho hết 2 chương đầu của cuốn sách này cũng là do mình vẫn thu nhặt được những kiến thức và lối suy nghĩ mới từ tác giả Mathew Sweezey.


Sách có kết cấu 3 chương, với các đề mục nhỏ hơn cũng được trình bày rất rõ ràng.


Ở chương sách đầu tiên, mang tên “Phương tiện truyền thông không giới hạn đã biến đổi doanh nghiệp của bạn mãi mãi như thế nào?”, tác giả Mathew tập trung vào phân tích sự thay đổi của truyền thông trong suốt hơn 4 thập kỷ vừa qua.


Tại chương này, tác giả nhấn mạnh hai ý chính.

Ý thứ nhất nói rằng:

Ngày nay, các cá nhân chính là các nhà sản xuất truyền thông lớn nhất thế giới, chứ không phải thương hiệu, doanh nghiệp hay phương tiện thông tin đại chúng.

Và ý thứ hai nói rằng:

Ngày nay, các nhà tiếp thị không thể chỉ phát đi các thông điệp tĩnh; thay vào đó, họ cần tạo mới và cung cấp các trải nghiệm năng động.

Tác giả cũng gây ấn tượng cho mình với một câu văn:

Người tiêu dùng không thích quảng cáo, và họ thấy quảng cáo thế là đủ lắm rồi.

Kết hợp những ý trên lại với nhau, ở chương 1 tác giả sau khi phân tích nhiều khía cạnh của các loại hình truyền thông và quảng cáo truyền thông, ông đi đến kết luận rằng chúng không còn đem lại nhiều hiệu quả cho doanh nghiệp nữa.

Vậy nên qua cuốn sách này, ông muốn giới thiệu một loại hình marketing mới, có thể khắc phục được nhiều yếu điểm của các loại hình marketing truyền thống.


Mình cũng đồng thời rất thích nội dung của chương 2 cuốn sách này. Chương này mang tên “Hiệu quả marketing qua cơ cấu bối cảnh”.

Tại chương này, tác giả Mathew giải thích về 5 tính chất bối cảnh để thúc đẩy trải nghiệm của khách hàng. 5 tính chất này bao gồm có:

  • Yếu tố “sẵn có”.

  • Yếu tố “được phép”.

  • Yếu tố “cá nhân”.

  • Tính “chân thực”

  • Yếu tố “tính mục đích”.


Mình tin rằng tác giả Mathew là một người rất thành thạo trong kỹ năng sử dụng số liệu và đồ thị. Tại chương này ông sử dụng rất nhiều các bảng thống kế và các con số được rút ra từ quá trình nghiên cứu hơn 11000 doanh nghiệp khác nhau.


Tác giả thường xuyên đào sâu phân tích các công ty/thương hiệu lớn như Tesla, Facebook, Wendy’s... Ông tập trung vào cách các công ty này áp dụng 5 tính chất bối cảnh như trên vào các chiến dịch truyền thông của họ ra sao, và chúng giúp gia tăng trải nghiệm của khách hàng lên cao tới nhường nào.

Do được viết dựa trên các số liệu và sự kiện có thật nên mình thấy đây là một chương sách rất đáng đọc và cũng hàm chứa rất nhiều thông tin bổ ích ở bên trong.


Điểm trừ

Mình không thể phủ nhận rằng nội dung của cuốn sách này rất có tiềm năng để trở thành một trong những cuốn sách thú vị nhất về đề tài marketing ngoài kia. Những thông tin mà tác giả Mathew chia sẻ và cung cấp cho người đọc đều rất giá trị, chúng cũng đồng thời là thành quả nghiên cứu vất vả suốt bao nhiêu năm của chính tác giả.


Tuy nhiên, thật tiếc là cuốn sách lại được viết quá tệ và khô khan.

Mọi luận điểm đều bị tác giả trình bày quá dài và lan man, ông cũng thường không đưa ra kết luận sau mỗi ý.

Cũng may là mình có thói quen sử dụng bút nhớ để highlight lại các ý chính, nếu không thì mình tin rằng bản thân mình cũng sẽ cần rất nhiều thời gian để hiểu được nội dung ở mỗi đoạn văn.


Khả năng viết lách hạn chế của tác giả cũng thể hiện ở việc đôi khi trong 1 đoạn văn ông trình bày nhiều ý kiến và luận điểm theo lối viết rất “xoắn não”, theo quan điểm của mình. Gần như câu văn nào mình cũng phải đọc lại 2 hoặc 3 lần thì mới hiểu được tác giả đang muốn viết về cái gì.


Có những đoạn được tác giả viết dài tới nỗi chiếm gần hết 2 trang giấy của sách. Ông cũng rất ít khi xuống dòng và cách đoạn, quá trình đọc cuốn sách này cũng vì thế mà càng trở nên mệt mỏi và khó chịu hơn đối với mình.


Dù luôn tự hào về bản thân với khả năng tập trung để đọc sách, nhưng cuốn sách này thực sự khiến cho mình không tài nào tập trung cho nổi, lý do là bởi mình cứ liên tục ngáp ngắn ngáp dài khi đọc nó.


Vì nội dung của cuốn sách hoàn toàn tập trung vào phương thức truyền thông dựa trên bối cảnh, nên nếu bạn đang muốn tìm hiểu thêm về các loại hình marketing truyền thống mà phần lớn các doanh nghiệp nước ta còn đang sử dụng thì đây chắc chắn cũng sẽ không phải là cuốn sách mà các bạn đang tìm kiếm.


Cảm nghĩ

Cá nhân mình phần nào có thể cảm nhận được khát khao chia sẻ kiến thức của tác giả Mathew Sweezey qua cuốn sách này. Đây là một cuốn sách thú vị, nhưng tiếc là nó được viết chưa hay.


Cuốn sách này hoàn toàn không đem lại cảm giác “đọc sách” cho mình. Theo cá nhân mình, nó giống một bản báo cáo rất dài và nhàm chán hơn là sách.


Mình sẽ không gợi ý cuốn sách này cho bất cứ bạn nào hết. Mình tin rằng có nhiều đầu sách khác về chủ đề marketing ngoài kia có thể cung cấp cho các bạn nhiều thông tin bổ ích hơn và truyền cho các bạn nhiều cảm hứng hơn trong quá trình học tập và làm việc.


Cá nhân mình nghĩ rằng mình cũng sẽ không bao giờ đọc lại nó nữa, nhưng có thể sẽ có lúc mình cần tham khảo 1 vài đầu mục bên trong cuốn sách này.


Tiếp theo, mình sẽ đọc cuốn sách Đọc nhiều nhớ được bao nhiêu?, tác giả Zion Kabasawa.


“Keep Moving Forward”

Chấp bút: Tom.


2 lượt xem0 bình luận

Bài đăng gần đây

Xem tất cả
Bài đăng: Blog2 Post
bottom of page