top of page

Review sách: 90-20-30. 90 bài học vỡ lòng về ý tưởng và câu chữ.

Đã cập nhật: 12 thg 4, 2022

Tác giả sách: Huỳnh Vĩnh Sơn.

Thể loại: Sách kỹ năng. Sách self-help.



Thời gian vừa qua, do bị dính phải lời nguyền “burnout” nên mình cũng đồng thời rơi vào trạng thái “reading slump”, hay có thể hiểu là trạng thái chán đọc.

Do mình không viết được gì nên mình cũng không có hứng thú muốn đọc, và ngược lại, do mình không đọc được gì nên mình cũng không có hứng thú để viết. Và thế là cái vòng luẩn quẩn của “burnout” nó cứ đeo bám mình trong suốt 2 ngày liền, cho tới khi mình cầm cuốn sách này lên.


Cuốn sách “90 bài học vỡ lòng về ý tưởng và câu chữ” đã giúp mình thoát khỏi trạng thái chán đọc và trực tiếp hỗ trợ mình lấy lại động lực để tiếp tục viết lách.

Xin gửi lời cảm ơn tới một bạn nữ tốt bụng đã giới thiệu và cho mình mượn đọc cuốn sách “cứu tinh” này.


Cá nhân mình thường hay lựa chọn sách dựa trên 2 tiêu chí.

Thứ nhất là tiêu chí “học thuật”, chính là những cuốn sách non-fiction, sách kỹ năng, sách self-help. Thứ hai là tiêu chí “giải trí”, là những cuốn sách fiction, mình thường lựa chọn các loại truyện ngắn để đọc trong dòng sách này.


“90 bài học vỡ lòng về ý tưởng và câu chữ” tuyệt vời làm sao, nó chính là một sự kết hợp hoàn hảo của 2 tiêu chí “học thuật” và “giải trí”. Lâu lắm rồi mới có một tựa sách khiến cho mình phải cười rất to, thậm chí là cười sặc sụa như là tựa sách này.


Tác giả Huỳnh Vĩnh Sơn chắc chắn đã thành công nhất trong việc truyền tải nội dung của một cuốn sách đến với mình, theo những cách thức tự nhiên và thú vị nhất so với tất cả các tác giả khác mà mình từng đọc.


Nội dung

Đây là một cuốn sách khá là dày, có khoảng 400 trang.


Điểm hay ho trước tiên ở cuốn sách này là nó được viết như là một truyện ngắn, mặc dù thực ra nó là một cuốn sách kỹ năng.

Nếu các bạn nghĩ rằng chuyện viết sách kỹ năng dưới hình thức kể các câu chuyện thì cũng không có gì là mới, thì đúng là vậy, nó không mới, nhưng tác giả Huỳnh Vĩnh Sơn đã khéo léo lồng ghép được 90 bài học mà anh muốn chia sẻ với người đọc bên trong các câu chuyện vô cùng gần gũi và chân thật, những câu chuyện mà những người đọc như mình có thể cảm thông và thấu hiểu.


“Bớt giải quyết mâu thuẫn bằng email, em viết vậy chứ người ta đọc với cảm xúc khác. Bước qua nói chuyện đi em!”

90 bài học vỡ lòng cũng gắn liền với 90 ngày cô bạn trẻ “20” trải qua kì thực tập đầu tiên dưới cương vị là một copywriter tại creative agency “No Eye Deer” (lol).


90% nội dung sách được trình bày dưới dạng các cuộc hội thoại, thường xoay quanh 2 nhân vật chính của cuốn sách, cô bạn thực tập copywriter “20” và anh chàng senior copywriter “30”.


Theo mình, việc lựa chọn để viết sách dưới dạng các đoạn hội thoại đã giúp cho tác giả có thể truyền đạt 90 bài học một cách rất tự nhiên đến với người đọc. Người đọc chúng ta thường sẽ được vào vai cô bạn trẻ “20”, lắng nghe những lời khuyên và dạy bảo từ anh chàng “30”, người đã có 10 năm kinh nghiệm viết lách và làm sáng tạo.

Đọc sách theo hướng như vậy, mình cảm thấy chữ nó “vào” hơn, các bài học cũng nhờ vậy mà trở nên ấn tượng hơn đối với mình.


Viết sách dưới dạng hội thoại cũng đồng thời gợi lên cái không khí đích thực ở một creative agency.

Đây là nơi mà trao đổi thông tin giữa các thành viên với nhau là vô cùng cần thiết, phải luôn được diễn ra và phải thật chính xác; những người làm sáng tạo vì vậy cũng phải luôn luôn trao đổi, luôn luôn chuyện trò, luôn luôn thảo luận.


Nếu cứ im ỉm đi, giấu dốt, không chịu chia sẻ gì, thì khó lòng mà làm việc được với các agency đó nha.


“Chuyển thông tin thành thông điệp là bản chất của ý tưởng truyền thông đó.”

Hầu hết 90 bài học mà cuốn sách này chia sẻ đều là những lỗi lầm hoặc sai sót rất nhỏ trong quá trình làm sáng tạo, nhưng cũng chính vì nó nhỏ nên những bạn trẻ mới vào làm thường sẽ ít khi để ý, và chính vì ít khi để ý nên nó cũng thường sẽ có nguy cơ trở thành những lỗi “chí mạng” gây ảnh hưởng tới tiến độ công việc của cả một tập thể.


Mình có cảm giác rằng tác giả Huỳnh Vĩnh Sơn viết ra cuốn sách này với mong muốn gửi riêng tới mỗi bạn trẻ mới vào nghề một người senior có tâm.

Cuốn sách này sẽ như một người đàn anh luôn sẵn sàng chỉ bảo cho bạn, vạch ra lỗi lầm của bạn, khen ngợi bạn những lúc cần thiết và cũng sẽ không quên la mắng những lúc bạn khiến cho ảnh phải “tăng xông”.


“Mình đang sống trong một xã hội vốn không có thói quen trả tiền cho sáng tạo.”

Đây cũng đồng thời là cuốn sách vô cùng thực tế.

Tác giả không hề ngần ngại chỉ ra những khó khăn và đôi khi là cả những mặt bạc bẽo nhất của đời người làm sáng tạo. Đặc biệt là ở 2 chương cuối của cuốn sách, khi 90 ngày thực tập của cô bạn “20” đã gần hết, anh chàng “30” cũng chia sẻ rất nhiều dòng tâm sự về chuyện công việc và những lo lắng cho thế hệ truyền thông trẻ trong tương lai.


"Người làm sáng tạo nhìn ra điểm giống nhau giữa những thứ rất khác nhau."

Khi mình chia sẻ với bạn mình rằng 2 chương cuối sách là phần mình thích nhất ở cuốn sách này.

Bạn ấy trả lời mình: “Sao lại vậy? Bộ cậu không thấy mấy phần đó nặng nề mà tiêu cực quá hả? Mình thì thấy vậy đấy. Đọc 2 phần cuối đó khiến mình cảm thấy buồn buồn và cũng hơi tủi thân khi chọn cái nghề này.”


Đúng là cũng có đôi lúc mình thấy buồn và tủi thân, mình tin rằng ai rồi cũng sẽ vậy. Nhưng khi đọc những dòng tâm sự của anh “30” gửi cho các bạn trẻ như bạn “20” trong cuốn sách, trong lòng mình lại dâng lên một sự xúc động, sau đó là động lực cũng dâng trào lên theo, và cuối cùng là có cái cảm giác tự hào, hơi cay cay nơi sống mũi.

Đột nhiên thấy vui vui vì mình đã chọn công việc làm sáng tạo.


Cảm nhận

“Từ ý đến chữ không dễ như mình nghĩ.”

Để miêu tả ngắn gọn về cuốn sách này, mình sẽ dùng 3 cụm từ là: Bổ ích, Dí dỏmTruyền cảm hứng.


Theo lời RIO Book Team:

“Đúc rút từ những kinh nghiệm chinh chiến trong ngành cùng sự hóm hỉnh qua câu chữ đặc trưng của tác giả, bức tranh agency truyền thông sáng tạo được vẽ nên rõ nét, chân thực nhưng cũng gần gũi và sinh động hơn bao giờ hết.”

Đây là một cuốn sách đã mang tới cho mình rất nhiều những thông điệp và bài học hữu ích, không chỉ xoay quanh chuyện nghề, mà phần nhiều là xoay quanh chuyện đời.

Ngoài phần nội dung được viết rất chất lượng thì cuốn sách này cũng thỉnh thoảng lựa chọn kể truyện bằng hình ảnh, thông qua những mẩu truyện tranh vừa hài hước, vừa mang nhiều tầng ý nghĩa.


Một điểm trừ khá to của cuốn sách này đối với mình chính là việc nó không có phần mục lục.

Nếu như có ngày mình cần phải tham khảo hoặc xem lại một đầu mục nào đó bên trong cuốn sách dày 400 trang này thì sao? Tác giả muốn người đọc phải mất thời gian lật qua từng trang một để tìm kiếm thông tin trong sách hay sao?

Cá nhân mình nghĩ rằng nếu đã có thể viết ra được một cuốn sách chất lượng đến nhường này, thì rất hy vọng rằng các tác giả cũng nên đầu tư thêm 2 trang giấy để làm phần mục lục.


Dù sao thì cũng không thể phủ định độ hay của cuốn sách này trong lòng mình. Mình chắc chắn sẽ còn đọc lại nó thêm nhiều lần nữa.


Đặc biệt recommend cuốn sách này cho tất cả các bạn trẻ đang hướng tới mục tiêu trở thành một copywriter, người làm nghề sáng tạo, hoặc người làm truyền thông - quảng cáo nhé.


Tiếp theo, mình sẽ quay về với lịch trình đọc sách mình đã chuẩn bị cho tháng Tư này, mình sẽ đọc cuốn sách Context marketing, viết bởi tác giả Mathew Sweezey.


“Keep Moving Forward”

Chấp bút: Tom.


4 lượt xem0 bình luận

Bài đăng gần đây

Xem tất cả
Bài đăng: Blog2 Post
bottom of page