top of page

Review sách: Đừng chết trên giảng đường

Tác giả sách: Hải Thắng.

Thể loại: Self-help, Kỹ năng sống.



Vậy là mình đã hoàn thành lần đọc lại thứ 3 với cuốn sách tuyệt vời này. Đây cũng chính là tựa sách đã đem tới cho mình định nghĩa:

“Một cuốn sách hay là một cuốn sách đem tới cho ta những giá trị quý giá, và sau mỗi lần đọc lại, những giá trị đó cũng đồng thời được nhân lên.”


Đây cũng chính là cuốn sách đã truyền cảm hứng cho mình lập nên trang blog Hello Tom Writing này đây, hehe.


Lần đọc lại này cũng giúp hình ảnh của tác giả Hải Thắng hiện lên rõ ràng nhất trong tâm trí mình. Thật tiếc là mình hoàn toàn không thể tìm được bất cứ thông tin nào về tác giả Hải Thắng trên internet, mình thực sự tò mò muốn được hiểu rõ hơn về con người của tác giả và hành trình sáng tác nên cuốn sách ý nghĩa này.


Nội dung

“Nếu như phần lớn thời gian của bạn không dùng để đọc sách, mà dùng để ăn, ngủ, yêu và chơi game, vậy thì không phải là bạn đang học đại học, mà là bạn đang ăn đại học, ngủ đại học, yêu đại học và chơi đại học!”

“Đừng chết trên giảng đường” được trình bày theo một bố cục nhất quán thông suốt từ đầu đến cuối. Nội dung của sách được chia nhỏ ra thành các đề mục, dưới mỗi đề mục đều là những câu quotes rất hay có liên quan tới tiêu đề của đề mục, bên dưới sẽ phần tác giả đào sâu vào phân tích các ý chính/phụ, ý lớn/nhỏ; và mỗi đề mục luôn kết thúc với một câu chuyện nho nhỏ có liên quan tới sự tiến bộ của các bạn trẻ.


Mình đặc biệt yêu thích lối trình bày nhất quán như thế này. Mình nghĩ đây không chỉ là yếu tố thể hiện tài năng viết lách của tác giả, mà nó cũng đồng thời thể hiện khả năng tính toán, tính cẩn thận và tỉ mỉ nơi người viết sách.


“Chỉ những người nhạy cảm với lỗi lầm của bản thân mới có thể đạt được những thành tích lớn hơn.”

Với mục tiêu muốn hỗ trợ vực dậy tinh thần học tập và phấn đấu nơi các bạn trẻ, tác giả Hải Thắng luôn thẳng thắn chỉ ra các lỗi lầm trong hành động và tư duy của lớp trẻ ngày nay. Tác giả sẽ không hề ngần ngại mà phê phán các thói xấu như thói lười biếng, ỷ lại, sống mòn, kiểu sinh hoạt vô tổ chức, lối tư duy thiếu lòng trắc ẩn, hay thậm chí là cả lòng ham vật chất, ham yêu đương.


Tuy nhiên, không bao giờ tác giả phê phán mà lại không đồng thời đưa ra những phương án, những gợi ý và đặc biệt là cả những lời khuyên để các bạn trẻ có thể tự nhận thức được bản thân, tự sửa đổi được lỗi lầm, tự phát triển lên một tầm cao mới, tự trở thành một phiên bản tốt hơn của chính mình.


“Trên cơ sở chấp nhận bản tính của bản thân, lựa chọn hành động đúng với khuôn phép đạo đức.”

Cũng chính vì những yếu tố kể trên, mình đã luôn hình dung tác giả Hải Thắng như là một nhà giáo rất nghiêm khắc, một hình mẫu giáo viên mà sẽ phải khiến đám học trò chúng ta nể sợ, nhưng cũng không thể không yêu quý, bởi lẽ tận sâu thẳm bên trong, chúng ta biết rằng hình mẫu ấy cũng yêu quý chúng ta rất nhiều.


Mình có cảm giác rằng tác giả Hải Thắng là một người đặt rất nhiều niềm tin vào sự phát triển và tiến bộ của giới trẻ trong tương lai. Biết đâu niềm tin yêu và hy vọng vào thế hệ kế cận đó lại chính là nguồn động lực để tác giả viết nên cuốn sách truyền cảm hứng này.


“Đời người giống như một ván cờ, chỉ cần một nước không cẩn thận, thì sẽ thua cả ván.”

Có thể nói đây là một cuốn sách khá dài, khoảng 320 trang, và nó cũng có rất nhiều chữ, với rất nhiều đề mục, bàn bạc và chia sẻ về rất nhiều khía cạnh khác nhau trong đời sống của các bạn trẻ.


Tuy nhiên, mình nghĩ thông điệp to lớn và xuyên suốt nhất mà cuốn sách này đã đem tới cho mình, thực ra lại vô cùng đơn giản và dễ hiểu:

“Đừng lãng phí cuộc đời của bạn.”


Thông điệp này được tác giả âm thầm đặt vào tâm trí mình, ngay từ cái lần đầu tiên mình đọc được tiêu đề của cuốn sách. Đọc qua từng đề mục, từng câu chuyện mà tác giả chia sẻ, các mảnh ghép dần dần cũng đan lại vào nhau, tạo nên một bức tranh ngập tràn năng lượng tích cực và những lời động viên để mình luôn không ngừng nỗ lực tiến về phía trước.


Cảm nghĩ

Lần đọc lại này khiến cho mình thực sự ngưỡng mộ tài năng viết lách của tác giả Hải Thắng. Tác giả luôn biết phải viết cái gì, đào sâu bao nhiêu là đủ, các thông tin liên quan là gì, có phải chú ý thêm điều gì hay không,... Kết hợp thêm với kinh nghiệm sống dày dặn, tác giả thường xuyên đưa ra những lời khuyên rất đời, rất chân thật. Mình có cảm giác rằng tác giả luôn cố tình tránh né đưa ra những lời khuyên quá “màu hồng”, quá xa rời thực tế, có lẽ do tác giả không muốn các bạn trẻ bị “ảo tưởng” thêm quá nhiều về cuộc đời này nữa, haha.


Tuy nhiên, cuốn sách này cũng có một nhược điểm mà mình khá là không ưa, đó là chữ trong sách được in quá nhỏ, khá là khó đọc.

Nhiều đoạn còn được in chữ nghiêng, nên đã khó đọc lại càng khó đọc hơn. Sách cũng để trống khoảng 3cm ở bên lề mỗi trang giấy mà không hiểu có lý do là gì? Nếu là để cho người đọc viết ghi chú thì chẳng phải là hơi bé hay sao?

Theo quan điểm của mình, khoảng trống ở mỗi trang đó có lẽ nên được chỉnh sửa lại để các con chữ được in thoải mái hơn, to và rõ ràng hơn. Như vậy chắc chắn sẽ giúp cải thiện trải nghiệm đọc sách của người đọc, nhất là với những người bị cận như mình.

Có lẽ nhà xuất bản nên cân nhắc điều chỉnh lại trong các lần tái bản tiếp theo.


Dẫu sao đi nữa, đây là một cuốn sách rất hay mà mình tin là bạn trẻ nào cũng nên đọc ít nhất một lần. Biết đâu, nó cũng sẽ giúp thay đổi cuộc đời của bạn như cách nó thay đổi cuộc đời của mình thì sao nhỉ?


Tiếp theo mình sẽ đọc cuốn sách “Content Marketing”, tác giả Mathew Sweezey.


Chấp bút: Tom.


5 lượt xem0 bình luận

Bài đăng gần đây

Xem tất cả
Bài đăng: Blog2 Post
bottom of page