top of page

Review sách: Đọc nhiều nhớ được bao nhiêu?

Tác giả sách: Zion Kabasawa.

Thể loại: Sách kỹ năng.



Thỉnh thoảng vẫn có một số bạn bè hỏi mình: “Tom ơi, mày thích tác giả sách nào nhất?”.

Tiếc là từ trước tới nay mình chưa từng có được câu trả lời cụ thể cho câu hỏi này.


Đúng là mình cũng đã đọc không ít sách, tuy nhiên mình vẫn chưa cảm thấy đặc biệt yêu thích lối viết sách của bất cứ tác giả nào hết. Đó là cho đến khi mình đọc xong cuốn sách mình sẽ giới thiệu với các bạn trong bài viết ngày hôm nay.


Tác giả Zion Kabasawa có lẽ chính là cây viết mà mình đang tìm kiếm bấy lâu này để đưa vào vị trí “tác giả yêu thích nhất của mình”. Ông có một phong cách viết sách rất rõ ràng, sâu sắc, chuyên nghiệp và cũng đồng thời rất gần gũi, thân thiện với người đọc. Không chỉ vậy, ông cũng là một cây viết vẫn còn “đang viết”, đã có sẵn những sản phẩm viết ấn tượng được xuất bản và vẫn xuất bản sách mới đều đặn.


“Đọc nhiều nhớ được bao nhiêu?” là một cuốn sách thú vị và bổ ích.

Nó giúp mình nhận ra được những ưu điểm và nhược điểm của thói quen đọc sách mình đang có hằng ngày. Cuốn sách chia sẻ nhiều kỹ thuật để mình có thể kết hợp thêm với thói quen đọc, nhằm gia tăng hiệu quả đọc sách, cũng như khắc phục được những điểm yếu mình vẫn còn đang có.


Nội dung

Đây là một cuốn sách có độ dày vừa phải, với 239 trang.


CHƯƠNG 1:

Ở chương sách đầu tiên này, tác giả dành nhiều tâm huyết để chia sẻ những lợi ích mà người ta có thể thu được nhờ đọc sách, qua đó truyền cảm hứng đọc sách tới cho người đọc.

Bản thân là một người mê sách, vậy nên cũng đã không ít lần mình được trải nghiệm một số lợi ích nho nhỏ thu nhặt được nhờ quá trình đọc hằng ngày của mình.


Một số lợi ích mà theo mình là ấn tượng nhất được tác giả nêu lên ở chương này chính là:

  • Đọc sách giúp “thu mua thời gian”.

"Có thời gian sẽ có hạnh phúc."

Tại mục này, tác giả bác bỏ suy nghĩ cho rằng “đọc sách là phí thời gian” và khẳng định rằng “không có lý do nào vô lý như lý do tôi không có thời gian để đọc sách”.

Ở đây, tác giả cho mình thấy thời gian đọc sách cũng chính là thời gian được tiết kiệm, thời gian để học tập, thời gian để phát triển bản thân và cũng đồng thời chính là thời gian để tiến tới gần hơn với hạnh phúc.


  • Nguyên lý “vua đầu bếp”.

Nguyên lý này có thể được hiểu ngắn gọn là “Luôn trong tâm thế sẵn sàng”.

Nếu bạn đã dành thời gian để tiếp thu sẵn một lượng kiến thức từ trước nhờ đọc sách rồi, thì bạn cũng đồng thời có thể trở nên tự tin hơn trong công việc và học tập, bởi lẽ kiến thức của bạn đã sẵn sàng để đem ra sử dụng, khác với những người đến khi gặp phải vấn đề thì mới vội vã tìm kiếm tài liệu tham khảo.


  • Đọc sách giải tỏa căng thẳng và bất an.

Là một người mê đọc sách, mình hoàn toàn đồng tình với ý kiến này của tác giả.

Mình vốn dĩ là một người tìm tới thế giới trong trang sách để né tránh thực tại đầy căng thẳng và bất an. Giờ đây, sau khi đã học được rất nhiều thứ bổ ích và ý nghĩa từ những trang sách, mình đã có thể lấy lại sự tự tin ở bản thân, vượt qua được giai đoạn trầm cảm và giải quyết được rất nhiều vấn đề trong đời sống cá nhân nhờ có những bài học từ sách.


  • Đọc sách giúp “Tăng tốc quá trình phát triển bản thân”.

“Trừ khi ta thay đổi hành động đối với thế giới bên ngoài, nếu không, chỉ thay đổi bên trong thì thực trạng sẽ không thay đổi”.

Đây là một câu văn mà mình rất thích được tác giả viết trong mục này. Nó cũng đã nói lên nội dung chính mà tác giả muốn truyền tài, rằng bản thân bạn sẽ chỉ thực sự phát triển nếu như bạn có thể cùng lúc thay đổi cả những giá trị bên trong và hành động bên ngoài của bạn theo những chiều hướng tích cực hơn.

Nếu thiếu 1 trong 2, thì sự phát triển đó sẽ cứ mãi dậm chân tại chỗ.


  • Đọc sách là niềm vui.

Mình từ lâu cũng đã coi đọc sách như một niềm vui thú to lớn trong đời. Đôi khi mình còn nghĩ rằng đọc sách chính là điểm mạnh duy nhất mà mình thực sự có nữa kìa.

Ở đây, tác giả cũng nhấn mạnh rằng “Đọc mà không vui thì không có ích gì” “Chỉ khi ta đọc trong niềm vui thì nó mới đọng lại trong ký ức, những điều học được cũng nhiều và phát triển được bản thân.”


CHƯƠNG 2:

Đây là chương sách tác giả giới thiệu với người đọc 3 kỹ năng cơ bản thể đọc sách mà không quên.

Ba kỹ năng này bao gồm: (1) Ôn lại. (2) Đọc sách thời gian trống. (3) Đọc sâu.


Mình đã khá là bất ngờ khi nhận ra rằng mình vốn đã luôn áp dụng cả 3 kỹ năng này trong quá trình đọc sách hằng ngày mà không hề biết.


  • Ôn lại.

Hình thức ôn lại sách mà tác giả nhấn mạnh ở đây chính là viết các bài review, tóm tắt hoặc bình luận sách để chia sẻ lên các trang mạng xã hội, báo chí.

Sẽ còn tốt hơn nếu các bạn có thể chia sẻ nội dung của sách trực tiếp tới với người khác qua các cuộc trò chuyện hằng ngày.


Ngoài ra, tác giả cũng khuyến khích người đọc nên kết hợp thêm với bút dạ quang để đánh dấu những đoạn hay trong sách, thậm chí nên viết cả suy nghĩ của bản thân vào sách cũng được.

Điểm thú vị ở mục này là tác giả còn nêu lên mối liên hệ giữa cảm xúc khi đọc sách và khả năng ghi nhớ. Đây cũng là phần kiến thức sẽ được tác giả nhắc lại nhiều lần trong suốt chiều dài cuốn sách.


  • Đọc sách trong thời gian trống.

"Tùy vào cách bạn sử dụng thời gian này mà cuộc đời của bạn sẽ thay đổi."

Đúng như cái tên, tác giả khuyên chúng ta nên lựa chọn đọc sách vào tất cả những khoảng thời gian trống có thể.

Đây vừa là một hình thức quản lý thời gian, tiết kiệm thời gian mà cũng là một phương pháp nhớ lâu rất thú vị. Khi chúng ta tự đặt ra giới hạn thời gian cho bản thân trong quá trình đọc, bộ não sẽ tự có liên hệ với các cảm xúc căng thẳng do áp lực thời gian tạo thành mà chủ động ghi nhớ kiến thức lâu hơn.


  • Đọc sâu.

Ở ý này, tác giả khuyên chúng ta nên chọn “chất lượng” thay vì “số lượng” khi đọc sách.

Hãy biết nghiền ngẫm, suy nghĩ và tự đặt câu hỏi với những gì mà bạn đọc được. Bạn càng liên hệ những kiến thức đã đọc với nhiều cảm xúc, thì bộ não của bạn sẽ càng nhớ chúng lâu hơn.

Sau một thời gian đọc đủ nhiều rồi, thì tự bạn sẽ đọc nhanh hơn mà không cần phải luyện tập quá gắt gao đâu.


CHƯƠNG 3 VÀ 4:

Vì hai chương này có nội dung khá giống nhau, đều bàn kỹ hơn về những phương pháp đọc sao để không quên, nên mình sẽ gộp chúng vào trong một ý lớn này luôn.

Ở những chương này, tác giả một lần nữa nhấn mạnh về tầm quan trọng của “Ôn lại” và “Thời gian trống”. Một số kỹ thuật đọc sách không quên mới lạ và thú vị mà tác giả đã chia sẻ trong 2 chương này bao gồm có:


  • Thuật đọc sách 5 phút đầu - 5 phút cuối.

"Khi thực hiện một hoạt động nào đó, khả năng tập trung đặc biệt mạnh hơn vào thời điểm bắt đầu và thời điểm kết thúc."

Tác giả chia sẻ rằng giới hạn thời gian 15 phút cho mỗi phần sách bạn cần đọc chính là giới hạn sẽ giúp bạn thu được nhiều nhất từ cuốn sách và nhớ được lâu nhất.

Bởi lẽ khả năng tập trung của con người thực ra rất có giới hạn. Với 15 phút tập trung, bạn sẽ đạt được trạng thái tập trung cao với 5 phút đầu và 5 phút cuối, như vậy là bạn đã thu được 10 phút kiến thức vào đầu trong trạng thái tốt nhất rồi đó.


  • Thuật đọc sách trong cơn ngủ say.

Thực ra thuật này khuyên các bạn nên đọc sách trước giờ đi ngủ, bởi lẽ khi ngủ thì các ký ức sẽ được bộ não sắp xếp lại, nhờ vậy mà bạn sẽ nhớ được lâu hơn theo một cách tự nhiên nhất.


  • Thuật đọc sách tản mát.

Thuật này khuyên các bạn nên quyết định mục đích đọc và phương pháp đọc (nhanh hay kỹ) trước khi đọc bất cứ cuốn sách nào.

Những yếu tố này đều sẽ trở thành các mối liên hệ cảm xúc để thúc đẩy quá trình ghi nhớ của não bộ.

Các bạn hoàn toàn có thể lướt qua mục lục, đọc qua vài phần trong sách để biết cuốn sách đó nói về cái gì trước, rồi sau đó hãy quyết định 2 yếu tố quan trọng ở trên.


  • Thuật đọc sách dịch chuyển.

Thuật này nói rằng bạn hoàn toàn có thể mở ngay đầu mục mà bạn quan tâm nhất, yêu thích nhất của cuốn sách để đọc trước, chứ không nhất thiết phải đọc lần lượt từ đầu chí cuối.


  • Thuật đọc sách rèn sắt khi đang nóng.

Ở đây tác giả muốn khuyên các bạn đọc rằng nếu như bạn mua được một cuốn sách khiến cho các bạn háo hức hoặc hiếu kỳ thì hãy đọc ngay chứ đừng chờ đợi. Bởi lẽ đây đều là những cảm xúc tích cực sẽ được bộ não sử dụng như là tín hiệu để lưu giữ kiến thức nhanh và lâu hơn.


CHƯƠNG 5, 6, 7 VÀ 8:

"Nếu chỉ đọc nhiều sách thôi thì cuộc đời sẽ không thay đổi. Cuộc đời sẽ thay đổi tùy vào việc bạn đã đọc được bao nhiêu quyển sách mà bạn cho là hay."

Đây đều là những chương sách tác giả chia sẻ nhiều về phương pháp chọn sách, mua sách và cách tận dụng lợi thế của sách điện tử.

Chương 8 thì tác giả dành riêng để gợi cho cho các bạn đọc 31 đầu sách mà tác giả yêu thích nhất.


CẢM NHẬN

Để miêu tả ngắn gọn về cuốn sách này thì mình sẽ dùng 2 cụm từ là: Bổ íchTruyền cảm hứng.


Nội dung của cuốn sách này thực sự đem tới cho mình nhiều điều lý thú hơn hẳn so với thông điệp mà cái tiêu đề “Đọc nhiều nhớ được bao nhiêu?” muốn truyền tải.

Đương nhiên, mình vẫn học được những kỹ thuật mới giúp mình đọc và ghi nhớ hiệu quả hơn. Một cuốn sách thực hiện tốt những gì mà tiêu đề sách nêu ra đã là một điểm cộng lớn rồi.


Nội dung của sách được trình bày rất rành mạch và có hệ thống. Mục lục của cuốn sách này cũng đặc biệt chi tiết, mình sẽ luôn có thể dễ dàng tìm đọc lại một số ý nhỏ trong các đầu mục lớn vào những lúc cần.


Vì đây là một cuốn sách chia sẻ những kỹ năng giúp bạn đọc sách nhớ lâu, vậy nên bạn sẽ cần thời gian để làm quen và áp dụng được các kỹ năng trong cuốn sách này vào đời sống thực tế của bạn.

Nếu như bạn đang tìm kiếm một cuốn sách với những “mẹo” nhớ lâu để các bạn có thể áp dụng được ngay thì mình nghĩ rằng đây sẽ không phải là cuốn sách dành cho các bạn rồi.


Có một điểm nhỏ mà mình không đồng tình cho lắm với quan điểm của tác giả Zion Kabasawa.

Ở chương 1, tác giả có nêu ra những số liệu cho thấy rằng hiện nay người dân Nhật Bản đang ít đọc sách tới nhường nào, tại đây, tác giả cũng liên tục nhấn mạnh vào thành tích đọc được 300 cuốn sách mỗi năm của ông.

Mình biết tác giả đang có ý tốt muốn khích lệ mọi người nên đọc sách nhiều hơn, nhưng giọng văn ở đoạn đó khiến mình có cảm giác như tác giả đang muốn khoe mẽ và thể hiện.


Mình thì tin rằng các bạn hoàn toàn không cần phải đọc 300 cuốn sách/năm hay 10 cuốn sách/tháng như tác giả Kabasawa thì mới gọi là tốt.

Hãy để quảng thời gian đọc sách trở thành một thói quen lành mạnh mang đến cảm giác thư giãn và bổ ích cho tâm hồn bạn.

Đừng biến nó thành một cuộc đua xem ai đọc được nhiều hơn trong năm các bạn nhé. Mình tin rằng tâm lý đó sẽ không khiến các bạn ghi nhớ tốt hơn được đâu.


Nếu như các bạn yêu đọc sách và đã đang có thói quen đọc sách thường xuyên rồi, vậy thì mình tin rằng đây sẽ là một cuốn sách hữu ích dành cho bạn đó nha.


Và nếu như bạn là một người chưa có thói quen đọc sách điều độ, thì mình cũng khuyên bạn nên đọc thử cuốn sách này nha. Biết đâu nó cũng sẽ có thể truyền thêm cho bạn nhiều nguồn cảm hứng thú vị.


Tiếp theo, mình sẽ đọc cuốn sách Tâm lý học về tiền, tác giả Morgan Housel.


“Keep Moving Forward”

Chấp bút: Tom.


4 lượt xem0 bình luận

Bài đăng gần đây

Xem tất cả
Bài đăng: Blog2 Post
bottom of page