top of page

Rèn luyện tư duy phản biện - 9 lỗi ngụy biện logic cần biết.

Đã cập nhật: 21 thg 3

Tác giả sách: Albert Rutherford

Thể loại: Sách kỹ năng

Số trang: 203

Đánh giá: Không hay


Mình cảm thấy khá là thất vọng với cuốn sách này bởi lẽ nó là một ví dụ điển hình nhắc cho mình nhớ về việc dịch tên sách linh tinh gây ảnh hưởng xấu tới trải nghiệm đọc sách của người đọc tới mức nào.


Mình đã tìm hiểu và phát hiện ra rằng tên gốc bằng tiếng Anh của cuốn sách này là: Neuroscience and Critical thinking.

Cái tên này có thể được dịch thô sang tiếng Việt thành: Thần kinh học và Tư duy phản biện.

Tên gốc của cuốn sách cho thấy đây là một cuốn sách nêu lên mối quan hệ giữa bộ môn Thần kinh học và phương pháp Tư duy phản biện, cũng chính xác là những gì mà các bạn sẽ nhận được khi đọc xong cuốn sách này.


Trong khi đó, cái tên “Rèn luyện tư duy phản biện” của bản dịch sách tiếng Việt rõ ràng đang gợi lên trong tâm trí người đọc về những phương pháp để rèn luyện được tư duy phản biện và áp dụng được vào đời sống, trong khi thực tế nội dung sách thì lại không phải vậy.

Sự thật là mình đã cảm thấy khá là bực mình khi nhận ra rằng mình sẽ không có được những lời khuyên để rèn luyện được kỹ năng mình mong muốn. Và bực mình với cả cái tiêu đề sách nữa, bởi lẽ theo một cách hiểu nào đó, nó đã khiến cho mình có cảm giác như mình đã “bị lừa” khi mua cuốn sách này.


Tuy nhiên, bực mình và thất vọng với tiêu đề bản dịch tiếng Việt như vậy thôi nhưng nội dung của sách cũng có những bài học mới mẻ đối với cá nhân mình.

Theo mình, phần đặc sắc nhất trong nội dung của cuốn sách này chính là những chia sẻ của tác giả Albert Rutherford về 9 loại ngụy biện logic, cũng sẽ là những gì mà mình chuẩn bị chia sẻ lại với các bạn trong bài viết dưới đây.


Nội dung

Đây là một cuốn sách khá mỏng và ít chữ theo quan điểm của mình. Nội dung chính của sách có khoảng 200 trang, bao gồm 6 chương nhỏ.

Nội dung về các loại ngụy biện logic được tác giả Albert Rutherford chia sẻ ở chương 4 của cuốn sách.


Trong cuốn sách này, tác giả cũng có chia sẻ với người đọc chúng ta về cách hiểu khái niệm của “ngụy biện” trong quá trình tổng hợp 9 loại ngụy biện logic, và đó là:

Ngụy biện là cơ chế tự vệ của não khi não muốn cảm thấy những kết luận của mình là đúng và hợp lệ.

1. Ngụy biện “người có thẩm quyền luôn đúng”

Theo tác giả Albert Rutherford, những ngụy biện “người có thẩm quyền luôn đúng” là những câu như “ bởi vì tôi nói thế”, bởi vì tôi là người đứng đầu, nên tôi luôn đúng.

Tác giả cũng có chia sẻ trong sách rằng:

Ngụy biện “người có thẩm quyền luôn đúng” là một ngụy biện rất dễ mắc phải bởi nhu cầu tiến hóa của chúng ta là đi theo một người lãnh đạo.

Loại ngụy biện này áp dụng cho những người có vẻ đóng tin chỉ vì học có những đặc điểm được coi là tích cực. Điều tệ nhất của ngụy biện này là nó thường được tìm thấy trong những giáo phái, nơi mọi người thường tin tưởng những người đứng đầu lôi cuốn.

Con người trong quá trình tiến hóa đã muốn được tồn tại trong một nhóm xã hội gắn kết, nơi họ có thể đi theo người dẫn đầu. Sự tôn trọng này giúp giữ cho cộng đồng liên kết, nhưng không thể suy nghĩ lý trí.


2. Ngụy biện nhân quả

Trong mục này, tác giả có mô tả về ngụy biện nhân quả như sau:

Đặc trưng của ngụy biện nhân quả là nhân và quả được gộp lại với nhau – sự nguy hiểm này bắt đầu với một kết quả có thể kiểm chứng và nguyên nhân dẫn tới sự kiện đó sẽ được giả định.

Nó thường xuất hiện với những luận điểm như, “Kết luận này là không đúng, bởi vì tôi không thích điều mà nó ám chỉ,” hay “Kết luận này là đúng, bởi vì nó ủng hộ quan điểm tôi thích”.


3. Ngụy biện Post hoc

Trong sách, tác giả Albert Rutherford có chia sẻ rằng “Post hoc ergo propter hoc” có nghĩa là “sau điều đó, vì điều đó” trong tiếng Latin, và lỗi ngụy biện này có ý nghĩa đúng như tên của nó.

Chỉ bởi vì X xảy ra sau Y, không có nghĩa Y gây ra X.

Lỗi ngụy biện này đặc biệt có hữu ích khi mọi người không biết rõ về sự phức tạp của xác suất thống kê.

Ví dụ, một nhà xã hội học có thể kết luận rằng tỉ lệ tội phạm ở một thành phố giảm khi những hình vẽ graffiti được dọn dẹp, và cho rằng việc dọn dẹp những hình vẽ graffiti là cái dẫn tới kết quả. Tuy nhiên, nó có thể do những yếu tố khác như thời tiết, cuộc đột kích của mộ băng đảng, hoặc một thứ gì khác.


“Post hoc ergo propter hoc” cũng khá hấp dẫn bởi vì là con người, bản năng của chúng ta là tìm ra ý nghĩa cho những sự kiện chúng ta nhìn thấy.

Mọi người thường nhầm lẫn giữa mối quan hệ tương quan với mối quan hệ nhân quả. Để tìm ra mối quan hệ nhân quả, tất cả những yếu tố gây nhiễu phải được loại bỏ – môi trường, xã hội, hoàn cảnh – và một thí nghiệm phải được tiến hành cẩn thận.


4. Ngụy biện phi thể thức (Ad hoc)

Ở đây, tác giả có viết:

Lỗi ngụy biện này xảy ra khi mọi người thêm lý lẽ sai vào những học thuyết của họ để giải thích bản chất của bằng chứng họ tìm được. Lý lẽ này không tự nó sai; mà cái sai nằm ở cách áp dụng nó.

Ngụy biện phi thể thức giúp mọi người công thức hóa những học thuyết, nhưng nó không thể được dùng như một tiền đề. Có hàng tá thứ không chính xác sẽ trở nên đúng nếu một tiền đề là thật, nhưng tạo ra những tiền đề như thế sẽ là thiếu logic.


5. Ngụy biện tấn công cá nhân (Ad hominem)

Trong mục này, tác giả Albert Rutherford chia sẻ rằng:

Ngụy biện tấn công cá nhân xảy ra ở trong những cuộc tranh luận hướng trực tiếp đến những người có luận điểm đối lập, thay vì những yếu tố chính của cuộc tranh luận.

Cá nhân mình tin rằng đây cũng chính là lỗi ngụy biện phổ biến nhất mà chúng ta hay gặp hằng ngày.


Theo tác giả, đây là đồng minh với lỗi luận điểm từ người có quyền mà mình vừa tóm tắt ở phía trên, bởi vì nó chối bỏ những luận điểm dựa trên những điểm xấu của người đưa ra nó hơn là chấp nhận chúng dựa trên những điểm tốt của người tranh luận.


Mọi người cũng thường đối đáp với những người hay hoài nghi bằng những ngụy biện công kích cá nhân, nói rằng họ bảo thủ hoặc không có đầu óc cởi mở.

Tuy nhiên, điều này không bao gồm việc chấp nhận những luận điểm tốt, và bỏ qua việc những người hoài nghi có thể có một quá trình lý luận đúng đắn.


Ngụy biện công kích cá nhân cũng xảy ra khi mọi người từ chối những luận điểm dựa trên sở ghét của họ hay ấn tượng về ai đó.

Mọi người mắc lỗi và đều có những khuyết điểm cá nhân, nhưng điều này không có nghĩa là bằng chứng của họ không đúng.


6. Ngụy biện bất khả tri

Theo tác giả Albert Rutherford:

Ngụy biện bất khả tri là hoạt động tạo ra những bằng chứng cho một kết luận dựa trên sự thiếu kiến thức.

Theo mình, đây chính là nguồn gốc tạo nên các tin đồn.

Ví dụ, những người theo thuyết âm mưu về người ngoài hành tinh sẽ thường khẳng định là người ngoài hành tinh đã tạo ra những vòng tròn trên ruộng vì họ không biết đó có phải do con người làm hay không.

Lời giải thích này lấp đầy lỗ hổng trong kiến thức của họ; tuy nhiên, nó không phải là bằng chứng thực sự


Mọi người thường tìm kiếm những thứ có vẻ không phù hợp với thời gian xảy ra sự kiện và sau đó lấp đầy những lỗ hổng với những học thuyết của riêng họ.

Có rất ít hoặc không có bằng chứng nào cho những học thuyết của họ, và đó là lý do tại sao những học thuyết này lại được tạo ra ngay từ đầu.

Sự thiếu bằng chứng chính là yếu tố làm cho một luận điểm bị mắc phải lỗi ngụy biện này.


7. Ngụy biện “nhị nguyên luận” (False dichotomy)

Trong sách, tác giả có giải thích rằng suy luận nhị nguyên luận là ý tưởng chỉ có hai lựa chọn cho một câu trả lời trong khi thực chất có thể có nhiều lựa chọn hơn.

Ngụy biện “nhị nguyên luận” rất nguy hiểm vì nó có thể làm giảm số câu trả lời cho một câu hỏi xuống thành hai câu trả lời tách biệt.

Nhị nguyên luận rất cám dỗ vì chúng phù hợp với mong muốn tìm ra sự rõ ràng và đơn giản trong thế giới quan của con người.

Do đó, để nhớ được và không bao giờ giới hạn khả năng trả lời xuống còn hai lựa chọn là điều vô cùng quan trọng. Thói quen này có thể loại bỏ rất nhiều ý tưởng hay ho.


8. Đổi mục tiêu

Theo như tác giả Albert Rutherford chia sẻ trong sách:

Lỗi ngụy biện này xảy ra khi các luận cứ để tạo ra một luận điểm bị thay đổi sau khi kết luận được đưa ra mà chẳng vì lý do gì.

Những người coi việc bàn luận giống như một cuộc thi thường sẽ dùng chiến thuật này để cố “chiến thắng” hoặc ít ra là không bị “thua”.

“Những mục tiêu” có thể được thay đổi khác đến nỗi cuối cùng sẽ không đi đúng trọng tâm của cuộc tranh luận.


May mắn là lỗi ngụy biện này rất dễ để phát hiện.

Mặc dù tìm thêm bằng chứng là tốt, nhưng việc “đổi mục tiêu” lại nằm trong một danh mục khác và mục tiêu của việc “đổi mục tiêu” là làm mất uy tín của đối thủ đến mức họ không thể đáp ứng được tiêu chuẩn của những yêu cầu sau đó.

Cách tốt nhất để đối phó với chiến lược này là hãy mặc kệ và để những bằng chứng tự giải thích. Lỗi sai này thường là dấu hiệu của sự tuyệt vọng.


9. Ngụy biện rơm

Theo tác giả, lỗi ngụy biện cuối cùng này là một lỗi được sử dụng phổ biến trên mạng:

Ngụy biện rơm là chiến thuật khi một người sẽ phản ứng với một trong luận điểm của đối thủ mà họ đã được thay đổi theo ý mình.

Ý tưởng của họ là phiên bản mới này sẽ dễ để đánh bại hơn, như một con bù nhìn rơm khi đối mặt với một người lính thực thụ.

Đây là một chiến lược khác mà mọi người dùng khi họ tranh luận để chiến thắng, thay vì để học hỏi.


Lỗi ngụy biện người rơm có thể rất hay được sử dụng trong những tình huống cảm xúc lấn át.

Tuy nhiên, việc nhận ra rằng tranh luận là để tìm ra giải pháp, không phải để thắng là rất quan trọng. Nếu bạn thấy mình tranh luận với người khác sử dụng những thứ họ chưa bao giờ nói là họ tin, bạn đang hướng tới chiến thuật người rơm, và có lẽ bạn nên cân nhắc lại luận điểm của mình.


Để kết luận về chương sách tổng hợp 9 lỗi ngụy biện logic, tác giả Albert Rutherford có chia sẻ một quan điểm mà cá nhân mình rất thích, đó là:

Mục tiêu của một cuộc tranh luận nên làm tìm ra những lỗi ngụy biện hoặc những tiền đề sai, chứ không phải là tiêu diệt bên kia.

Cảm nhận

Thực ra thì phần lớn những cảm nhận ấn tượng nhất đối với mình sau khi đọc xong cuốn sách này cũng đã được mình chia sẻ với các bạn ở ngay đoạn mở đầu bài viết luôn rồi.

Để tóm tắt lại thì có lẽ mình sẽ dùng từ "thất vọng" đối với cuốn sách này, và đặc biệt là đối với cái tiêu đề tiếng Việt của nó.


Mình tin rằng bản thân tác giả và cuốn sách không hề có lỗi. Lỗi nằm ở người dịch thuật đã để một cái tên sai lệch hoàn toàn đối với nội dung của sách. Giờ mình bắt đầu thắc mắc không biết người dịch cái tiêu đề sách này có thực sự đọc và hiểu được cuốn sách này hay chưa.


Theo như phần giới thiệu ở bìa sách thì tác giả Albert Rutherford là một nhà quản lý IT đã về hưu, nhưng vì muốn giữ bản thân bận rộn, ông đã quyết định theo đuổi ước mơ ấp ủ từ lâu của mình – trở thành một nhà văn.

Mình nghĩ với tiền đề làm trong ngành công nghệ thông tin thì mình cũng không ngạc nhiên khi mà tác giả sử dụng rất nhiều những sự kiện có thật để làm ví dụ minh họa xuyên suốt nội dung của sách. Lối viết của ông tuy là không quá sâu sắc, một vài đoạn mình cho rằng là hơi khó hiểu, nhưng mọi thông tin trong sách đều được tác giả sắp xếp và trình bày vô cùng hệ thống và logic.


Ở giữa mỗi chương sách, tác giả cũng chuẩn bị vài câu hỏi nhỏ để người đọc tự trả lời và tổng hợp lại kiến thức ở chương sách mà chúng ta vừa đọc. Mình nghĩ đây cũng nên được tính là một điểm cộng thú vị trong quá trình trải nghiệm cuốn sách này đối với mình.


Mình xin nhấn mạnh lại một lần nữa, đây là một cuốn sách nói về mối liên hệ giữa bộ môn Thần kinh học và phương pháp Tư duy phản biện.

Không phải là một cuốn sách về rèn luyện tư duy phản biện như tiêu đề tiếng Việt đã nêu lên các bạn nhé.


Nếu như bạn có hứng thú tìm hiểu về cách bộ não của chúng ta vận hành để đưa ra các quyết định và lập luận logic thì các bạn có thể tham khảo cuốn sách này.

Nhưng nếu như bạn cũng giống như mình, đang tìm kiếm một cuốn sách giúp phát triển kỹ năng tư duy phản biện thì mình nghĩ đây không phải là cuốn sách dành cho chúng ta rồi.


Tiếp theo, mình sẽ đọc cuốn sách Tư duy sâu, tác giả Diệp Tu.


“Keep Moving Forward”

Chấp bút: Tom.


***

Nếu bạn đọc yêu thích blog của Tom và cảm thấy blog mang lại lợi ích tích cực cho cuộc sống của mình, hãy ủng hộ cho Tom Writing để blog có thể tồn tại và phát triển mạnh mẽ và bền vững hơn bạn nhé.


Bạn chỉ cần nhấn vào nút “Buy me a coffee” dưới đây để ủng hộ cho Tom Writing một "tách cà phê":

Buy me a coffee


Mỗi "tách cà phê" chỉ có giá $5 (khoảng 117 ngàn đồng) nhưng mang lại lợi ích không hề nhỏ cho việc duy trì blog và truyền động lực sáng tạo cho Tom đó ạ :')


48 lượt xem0 bình luận

Bài đăng gần đây

Xem tất cả
Bài đăng: Blog2 Post
bottom of page