Pomodoro – Phương pháp tăng cường tập trung, làm việc năng suất!
Đã cập nhật: 13 thg 9, 2022

Pomodoro chính là phương pháp làm việc hiệu quả mình yêu thích nhất.
Đây là phương pháp đã trực tiếp giúp mình hạn chế được thói xấu trì hoãn, tăng cường tập trung và nâng cao hiệu suất làm việc của mình.
Trong bài viết này, mình sẽ chia sẻ với các bạn cách mình ứng dụng phương pháp Pomodoro vào công việc hằng ngày.
1. Phương pháp Pomodoro là gì?
Từ pomodoro trong tiếng Ý mang nghĩa là quả cà chua.
Phương pháp này được một doanh nhân tên Francesco Cirillo phát minh ra vào khoảng đầu những năm 1990.
Nguyên lý hoạt động của phương pháp Pomodoro cũng rất đơn giản:
Thời gian để thực hiện bất cứ công việc nào, hoặc chuỗi việc nào, cũng có thể được chia ra thành các khúc thời gian ngắn, với mỗi khúc thời gian gọi là một Pomodoro. Xen giữa các khúc Pomodoro sẽ là các khoảng nghỉ.
Nguyên lý trên của phương pháp Pomodoro dựa trên thực tế rằng khả năng duy trì sự tập trung của chúng ta đều có giới hạn.
Với một người làm sáng tạo như mình, việc áp dụng phương pháp Pomodoro để chia nhỏ thời gian làm việc như trên sẽ giúp mình luôn tận dụng được những khoảng tập trung cao độ nhất của bản thân, trong khi vẫn đảm bảo não bộ của mình được nghỉ ngơi để nạp lại năng lượng sau đó, nhờ vậy mà mình duy trì được sự liền mạch cho óc sáng tạo của mình.
2. Sử dụng như thế nào?
Để sử dụng được phương pháp Pomodoro, công cụ duy nhất bạn cần sẽ là một chiếc đồng hồ bấm giờ.
Thế thôi, chẳng cần thêm gì nữa đâu.
Bạn có thể tận dụng những app đồng hồ có sẵn trong điện thoại thông minh của bạn, ngoài tính năng báo thức thì chúng cũng thường có đi kèm cả tính năng bấm giờ đó.
Và nếu như bạn cũng như mình – một người thường xuyên phải làm việc trên máy tính và luôn muốn tránh xa điện thoại – thì bạn có thể tìm tới những website dành riêng cho việc bấm giờ Pomodoro.
Trang web mà cá nhân mình sử dụng là: pomofocus.io
Phương pháp Pomodoro có 5 bước như sau:
Chọn một công việc bạn muốn hoàn thành.
Đặt thời gian cho một Pomodoro với 25 phút.
Tập trung tuyệt đối 100% để làm việc cho đến khi hết 25 phút!
Nghỉ ngắn trong 5 phút.
Sau 4 chu kỳ Pomodoro, hãy nghỉ lâu hơn với 20 phút.
Với 5 bước trên, bạn sẽ có khoảng 2 tiếng vừa làm việc hiệu quả mà cũng vừa nghỉ ngơi hợp lý.
Đúng là một mũi tên trúng 2 đích ha!
3. Những kinh nghiệm của mình
Sau đây là một số kinh nghiệm áp dụng Pomodoro mà mình muốn chia sẻ lại với bạn:
1. Hãy cứ thử nghiệm và điều chỉnh:
Chu kỳ 25 phút làm việc + 5 phút nghỉ ngắn + 20 phút nghỉ dài không phải là những con số cố định, mà chúng chỉ mang tính tham khảo.
Nếu như đây là lần đầu bạn áp dụng Pomodoro thì mình tin rằng những mốc thời gian trên sẽ là vạch xuất phát hợp lý để bạn làm quen.
Khi đã quen với Pomodoro rồi thì có lẽ bạn sẽ nhận ra rằng phần lớn chúng ta đều khó có thể chỉ tập trung trong vòng 25 phút, và cũng khó có thể nạp lại năng lượng tinh thần chỉ trong vòng có 5 phút.
Bởi lẽ khoảng tập trung của chúng ta mỗi người mỗi khác, mình khuyến khích bạn hãy thử nghiệm với các con số trên để tìm ra chu kỳ phù hợp nhất với bản thân bạn.
Cá nhân mình hiện tại đang sử dụng chu kỳ 50 phút làm việc + 10 phút nghỉ. Mình đã bỏ giai đoạn nghỉ dài đi bởi mình cảm thấy nó không còn phù hợp với khả năng tập trung của mình nữa.
Một người bạn kỹ tính của mình thậm chí đã đo đếm từng phút một và nhận ra chu kỳ phù hợp nhất với bạn ấy là 52 phút làm việc + 20 phút nghỉ.
2. Hãy tập trung cao độ:
Để phương pháp Pomodoro phát huy tối đa công hiệu, mình khuyến khích bạn:
Cách ly bản thân khỏi các thú vui gây sao nhãng như mạng xã hội, game, sách báo, truyện,... ít nhất là cho đến khi xong việc.
Chỉ tập trung vào một đầu việc cho một Pomodoro. Đừng cố gắng đa nhiệm.
Tốt nhất là hãy lên kế hoạch trước. Thu xếp công việc xem Pomodoro 1 bạn sẽ làm gì, Pomodoro 2 bạn sẽ làm gì,...
Xem thêm bài viết của mình: 8 tips nhỏ giúp tăng cường khả năng tập trung.
Ngoài ra, mình nghĩ rằng một trong những điểm yếu lớn nhất của phương pháp Pomodoro lại chính là cái đồng hồ mà ta dùng để bấm giờ, bởi lẽ bản thân nó cũng có thể là một sự sao nhãng.
Khi đang trong khoảng thời gian làm việc, mình khuyên bạn đừng nhìn cái đồng hồ làm gì.
Đừng bận tâm tới nó. Đừng kiểm tra xem còn bao nhiêu thời gian. Tốt nhất là hãy để nó ra xa hoặc ẩn nó vào một trình duyệt khác.
Quan điểm của mình là: Hãy cứ để tiếng chuông báo vang lên một cách bất ngờ!
Nếu như chuông đã vang mà bạn vẫn còn đang trong khoảng tập trung cao độ, thì mình cũng khuyến khích bạn hãy cứ tiếp tục làm việc và mặc kệ thời gian.
Đây cũng sẽ là một dấu hiệu giúp bạn nhận ra sự tiến bộ trong khả năng tập trung của bản thân, và có lẽ cũng đã đến lúc bạn nên điều chỉnh lại chu kỳ Pomodoro của bạn rồi đó.
3. Trong trường hợp bị làm phiền:
Do phương pháp Pomodoro đề cao sự tập trung cao độ, nên đôi khi những tình huống bị làm phiền trong khi làm việc có thể sẽ xảy ra và làm ảnh hưởng đến mạch tập trung của bạn.
Với những trường hợp bị phân tâm bởi các yếu tố bên ngoài bất ngờ, cá nhân mình có 2 phương án giải quyết như sau:
Trường hợp 1: Người đến gặp trực tiếp. Nếu đó là một người thân cần được mình giúp đỡ với lý do chính đáng, mình sẵn sàng dừng đồng hồ để đứng dậy giúp đỡ họ. Nếu đó là một người gõ cửa nhà mình vì những lý do không đâu, như giao hàng hoặc tiếp thị cái gì đó, thì mình sẽ ngó lơ và tiếp tục làm việc.
Trường hợp 2: Liên hệ với mình qua điện thoại. Trường hợp này thì mình sẽ 100% ngó lơ. Mình thậm chí còn không để điện thoại trong phòng làm việc và điện thoại cũng thường không bật kết nối wifi. Cả người thân và khách hàng đều biết nguyên tắc của mình là không bao giờ giải quyết việc gấp theo kiểu “gọi là phải làm ngay”.
Còn có một kiểu bị làm phiền nữa, đó là tự bạn làm phiền chính bạn.
Có thể là trong khi đang làm việc tập trung thì trong đầu bạn bỗng nảy ra một suy nghĩ nào đó, khiến cho mạch tập trung của bạn bị ngắt đoạn.
Ví dụ như đột nhiên bạn thắc mắc không biết sáng nay khi ra khỏi nhà bạn đã khóa cửa hay chưa nhỉ.
Đây là một kiểu “làm phiền” mà mình thường chào đón, bởi lẽ đã rất nhiều lần mình nảy ra các ý tưởng viết bài hoặc ý tưởng thiết kế thú vị nhờ sự “tự làm phiền” này.
Dù cho đó có là một ý tưởng sáng tạo, hay chỉ là một suy nghĩ vô thưởng vô phạt, mình đều sẽ ghi chú tất cả chúng lại vào một tập giấy note.
Mình sẽ xem lại chúng vào giờ nghỉ giải lao để cân nhắc giải quyết sau.
4. Nghỉ ngơi lành mạnh:
Mình khuyên bạn đừng nghỉ ngay tại chỗ mà bạn làm việc.
Ngồi lâu thực sự không hề tốt cho sức khỏe của bạn đâu. Hãy đứng dậy, duỗi tay duỗi chân, tranh thủ thực hiện vài bài tập nho nhỏ như là chống đẩy, đi bộ loanh quanh, ăn nhẹ hoặc thiền chẳng hạn (thiền đứng cũng là thiền nha).
Xem thêm bài viết của mình: Mối nguy tiềm ẩn của việc ngồi lâu.
Cũng đừng tranh thủ giờ nghỉ giữa các hiệp Pomodoro để lướt mạng.
Khi bạn còn nhìn màn hình thì bộ não của bạn thực sự không hề được nghỉ đâu, nó vẫn đang phải làm việc cật lực để bạn hiểu được những thông tin từ cái màn hình đó.
Ngoài ra, một khi đã vào mạng xã hội rồi thì nhiều khả năng là bạn không dứt ra được nữa đâu, vậy nên tốt nhất là không vào ngày từ đầu thì hơn.
Hãy thực sự nghỉ ngơi bằng những hoạt động giúp bạn nạp lại năng lượng.
Cá nhân mình thường tranh thủ giờ nghỉ 10 phút giữa các hiệp Pomodoro để đi dạo loanh quanh trong vườn nhà, chơi với mèo, tập thể dục hoặc thiền.
Đôi khi mình thậm chí còn ngủ một giấc ngắn nữa cơ, vậy nên các bạn hãy cứ tìm tới các hoạt động nghỉ ngơi lành mạnh của riêng các bạn nhé.
“Keep Moving Forward”
Chấp bút: Tom.