top of page

People pleaser – Làm sao để ngừng chiều lòng người một cách tiêu cực?

Đã cập nhật: 21 thg 3



Chúng ta đều muốn làm người tốt.

Và mình tin rằng chúng ta nên luôn là người tốt.


Tuy nhiên, bạn định nghĩa một “người tốt” là như thế nào?

Mình nghĩ nếu hỏi cả trăm người thì chúng ta sẽ thu được cả trăm định nghĩa khác nhau.


Nếu trong trường hợp bạn là một people pleaser – như mình – thì định nghĩa của bạn nhiều khả năng sẽ bao gồm một vài ý như sau:

  • Người tốt là người luôn đặt nhu cầu và nguyện vọng của người khác lên trước;

  • Đồng thời, người tốt cũng nên tránh làm người khác mất lòng hoặc gây nên xung đột.


Các bạn có quen ai như vậy không?

Bạn có phải là một người như vậy không?


Có lẽ cũng không cần mình phải giới thiệu nhiều nữa, người trẻ chúng ta thời nay dường như đều đã nắm rõ ý nghĩa của từ “people pleaser” là để mô tả những người như thế nào.


Một people pleaser có lẽ sẽ là một trong những người tốt nhất, ngoan nhất và được việc nhất mà bạn từng gặp trong đời.

Họ dường như không bao giờ nói “Không” và bạn luôn có thể trông cậy vào họ mỗi khi có việc muốn nhờ vả.

Nói thẳng ra, people pleaser luôn dành phần lớn thời gian của bản thân để làm ơn (pleasing) cho người khác.


Đừng từ chính phương diện của một people pleaser, mình cho rằng:

People pleaser là những người luôn cảm thấy như họ không có lựa chọn nào hơn việc phải gò ép bản thân làm theo kỳ vọng của người khác.


Với niềm tin rằng “mình đang làm người tốt”, họ che đậy đi những cảm xúc và suy nghĩ thật tâm của họ – những cảm xúc và suy nghĩ mà họ tin rằng nếu bộc lộ ra thì sẽ khiến cho đối phương “không thoải mái”.

Họ âm thầm để cho sự sợ hãi, căng thẳng và bực bội tích tụ hằng ngày trong tâm trí. Rồi họ cũng âm thầm chịu đựng chúng một mình.


Và nếu bạn cho phép mình được nói thật tâm, mình sẽ nói rằng: People pleaser là những kẻ nói dối thượng hạng.

Họ nói dối tài tới nỗi, họ thường xuyên tự che mắt chính bản thân.


Mình biết rằng câu nói thật tâm của mình có thể sẽ khiến cho nhiều người cảm thấy “không thoải mái”.

Nhưng mình mong bạn hãy hiểu rằng mình chia sẻ quan điểm trên vì mình hiểu rằng, khác với những kẻ nói dối khác, những people pleaser như mình thường không nói dối để giành được lợi thế; hay để bợ đỡ, nịnh hót.


Lý do các people pleaser nói dối nằm ở việc họ quá sợ hãi trước sự không hài lòng (displeasure) của những người xung quanh.

Đây là lý do ở một people pleaser luôn toát ra năng lượng của một người bạn tốt nhất, người con ngoan nhất và người nhân viên được việc nhất.


Nhưng nếu bạn chú tâm, bạn sẽ nhận ra ở “lòng tốt” của những người people pleaser này có vẻ gì đó giống như là “cam chịu” hơn là “tốt bụng”, “nhiệt tình” hoặc “cao thượng”.


Bạn có thể sẽ cảm thấy bối rối bởi sự mập mờ về nhu cầu và mục tiêu của những people pleaser. Rằng dường như những gì họ làm, nói và suy nghĩ có vẻ như không ăn khớp với nhau.

Và nếu như bạn nhạy cảm hơn, bạn có thể sẽ nhận ra rằng họ đang cần được giúp đỡ.


Nhưng mà khoan đã…?!

Làm một người có khả năng thường xuyên “chiều lòng”, hoặc “làm ơn” cho người khác nghe có vẻ rất tuyệt mà nhỉ?


Ở đây, mình không hề có ý muốn phủ định ý nghĩa tích cực của các hành động tốt đẹp và hỗ trợ lẫn nhau trong đời sống hằng ngày.

Thực ra, mình tin rằng có lẽ thế giới chúng ta đang cần nhiều hơn những hành động như vậy.


Tuy nhiên, khi tư duy này bị bóp méo bởi tính phụ thuộc (codependency), people pleasing rất dễ biến tướng trở thành những kiểu hành vi kém lành mạnh, thậm chí có thể là tiêu cực.


Mình tin rằng tất cả chúng ta đều có thể ít nhiều hình dung ra sự kém lành mạnh và tính tiêu cực của people pleasing.

Chúng ta đều biết rằng sống theo kỳ vọng của người khác là rất mệt mỏi.

Chúng ta đều hiểu rằng luôn phải chiều lòng người khác thì rất căng thẳng.

Và một phần nào đó trong ta cũng tin rằng, nếu ta làm họ thất vọng, ta cũng sẽ bị tổn thương, hoặc tổn hại; và rồi ta cũng sẽ tự tủi hổ về bản thân.


Mình tin rằng hiểu biết của chúng ta về tính tiêu cực của people pleasing không phải đến từ những bài blog như thế này, hoặc những video chia sẻ về chủ đề này.

Thực ra, nó đến từ kinh nghiệm và ký ức.

Bởi lẽ chúng ta đều đã, đang và sẽ là những people pleaser.


Bạn hãy thử nhớ lại mà xem, mình tin rằng mỗi người trong chúng ta đều đã từng hơn một lần đồng ý làm việc gì đó mà chúng ta chẳng mấy hứng thú, chẳng đồng tình hoặc chẳng sẵn sàng để làm, nhưng chúng ta vẫn đồng ý.

Đó có thể là chuyện ở nhà, hoạt động ở trường lớp hoặc công việc ở công sở.

Chúng ta đều có những ký ức về việc “dù muốn nói KHÔNG nhưng vẫn đành phải nói CÓ”.


Ngay cái khoảnh khắc mình nhận ra những vấn đề liên quan đến thói people pleasing ở bản thân, mình đã lập tức tự hỏi: Tại sao lại thế nhỉ?


Trong tập podcast mang tên People Pleaser: Làm sao thoát khỏi cảm giác luôn phải chiều lòng, đón ý người khác?, chị Chi Nguyễn (The Present Writer) có chia sẻ câu chuyện và những lời khuyên của chị ấy xoay quanh chủ đề này.

Từ những chia sẻ của chị, mình rút ra được bài học về lý do khả dĩ đầu tiên dẫn đến tâm lý people pleasing tồn tại bên trong chúng ta ngày nay: Đó là chúng ta được dạy phải như vậy.


Hãy cùng quay ngược đồng hồ, trở về cái thời ta vẫn còn đang “học ăn, học nói, học gói, học mở”.

Mình tin rằng nhiều bạn sẽ đồng cảm với câu chuyện của chị Chi Nguyễn hơn cả, nơi mà những người lớn xung quanh bạn thường xuyên răn dạy bạn rằng bạn sẽ phải luôn lắng nghe, phải vươn người ra, phải dang ra để đón lấy người khác trước khi người ta ho hắng, ý kiến.


Nhưng mình nghĩ có lẽ câu chuyện của một số bạn khác sẽ có những nét tương đồng với câu chuyện của mình.

Câu chuyện mà trong đó ta có những vị phụ huynh hoàn toàn không có khả năng (incapable) để chấp nhận và khoan dung trước những nét tính cách riêng của con trẻ – những nét tính cách mà dù cho có khác biệt, nhưng lại rất cần thiết để tạo nên một con người.


Có lẽ ta có một phụ huynh luôn nổi trận lôi đình mỗi khi ta bày tỏ một dấu hiệu nhỏ nhất của sự bất đồng ý kiến.

Hoặc một phụ huynh sẽ lập tức phán xét và coi nhẹ ta khi ta bộc lộ một vài nét riêng nào đó của bản thân.


Dù cho đó là trình bày một ý kiến cá nhân, hay nêu gợi ý tạo nên một thay đổi, hoặc đơn giản như là bộc bạch với họ về sự mệt mỏi và những nỗi lo trong cuộc sống của ta.

Mỗi khi ta bộc lộ bản thân ra ngoài “giới hạn” của cái khuôn khổ mà họ đặt ta vào đó từ ngày ta còn ẵm ngửa, họ sẽ đe dọa ta, hoặc tệ hơn cả, làm ta tổn thương.


Theo thời gian, sự “kháng cự” của những nét riêng trong ta chết dần.

Ta không còn cảm thấy có vấn đề gì với việc luôn phải sống theo kỳ vọng và làm theo quyết định của cha mẹ nữa.

Và cũng từ đây, tính phụ thuộc (codependency) trong ta được sinh ra.


Tính phụ thuộc, mình đang muốn nói tới ở đây, là một sự phụ thuộc thái quá về mặt tâm lý (psychological) hoặc tình cảm (emotional) vào một người thân yêu, hoặc người ta kính sợ.


Đến cuối cùng, cha mẹ ta vẫn là gia đình của ta. Chúng ta yêu họ bằng tất cả những gì mà trái tim nhỏ bé của ta ngày đó có thể làm được.

Dù vậy, những người ta yêu thương nhất đôi khi không cho ta lựa chọn nào khác ngoài việc phải giấu mình đi.

Để không còn phải sợ hãi, không còn phải chịu tổn thương và đặc biệt nhất, không để họ phải thất vọng, nổi giận hoặc buồn phiền – ta hình thành “cơ chế tự vệ” mang tên people pleasing.

Ta luôn nói “CÓ” dù thật tâm muốn nói “KHÔNG”.


Đứa trẻ trong ta chỉ còn cách đặt những gì ta muốn sang một bên – đó có thể bao gồm cả ước mơ, tình cảm, cơ hội – để dành cả đời liên tục chiều lòng và đoán ý những người mà cuộc sống và tình cảm của ta phụ thuộc vào.

Đến tuổi kết bạn, đó sẽ là bạn bè. Đến tuổi đi học, đó sẽ là thầy cô. Đến tuổi đi làm, đó sẽ là đồng nghiệp/cấp trên. Đến tuổi yêu đương, đó sẽ là bạn đời.


Mình biết rằng câu chuyện mình vừa chia sẻ ở đây nghe có vẻ khá nặng nề và có thể nó đang khiến cho nhiều bạn đọc cảm thấy “không thoải mái”.

Nhưng mình biết rằng đây là những câu chuyện thật và mình tin rằng nó đáng được chúng ta suy ngẫm.


Đương nhiên, cũng giống như chị Chi Nguyễn, mình hoàn toàn không hề có ý phủ định tầm quan trọng của tình cảm gia đình và những bài học cha mẹ đã răn dạy mình.

Mình chia sẻ câu chuyện trên chỉ với mục đích duy nhất là nâng cao nhận thức về tầm ảnh hưởng của phụ huynh lên hành vi và lối sống cả đời của con trẻ.


Cá nhân mình tin vào lời dạy của người xưa, rằng Nhân vô thập toàn.

Cha mẹ của chúng ta, cũng giống như chính chúng ta và cha mẹ của họ, không hề hoàn hảo.

Trong thực tế, có thể họ cũng có những nỗi niềm đã phải trải qua và chịu đựng trong quá khứ.


Nhưng mình tin rằng chúng ta có thể làm tốt hơn họ, với vị trí là một người con, và biết đâu được đấy, cả với với vị trí là một người cha, hoặc một người mẹ của tương lai thì sao nhỉ?

Chúng ta có thể bước ra khỏi cái bóng của họ, và trở thành những gì mà chúng ta xứng đáng phải trở thành.


Vấn đề mà mình muốn nêu lên trong bài viết này, không phải là cha mẹ chúng ta, mà chính là tính phụ thuộc.

Mình nhận ra một trong những tác hại to lớn nhất của tính phụ thuộc đó là nó thường cho ta những lý do rất hợp lý để không sống cuộc sống của mình.


Hay cụ thể hơn, tính phụ thuộc khiến ta thường lựa chọn sống trong trạng thái thụ động (passive state), và thường xuyên ngó lơ trách nhiệm của bản thân trong việc đưa ra những quyết định trong cuộc sống.

Ta trao trách nhiệm ra những quyết định ấy vào tay người khác, vì nói theo một cách nào đó, ta đã không còn tin vào chính mình từ lâu lắm rồi.


Mình muốn bạn thử nhớ lại về một dịp nào đó, khi bạn có mong muốn đưa ra một quyết định ý nghĩa cho chính bản thân bạn.

Đó có thể là thay đổi chuyên ngành ở trường, chuyển ra ở riêng, từ bỏ công việc bạn không hứng thú, đi du học, kết hôn hoặc buông bỏ một mối tình đã luôn khiến bạn phải đau khổ.


Giờ, bạn hãy thử nhớ về lý do: Tại sao bạn lại không làm điều đó?

Tại sao bạn lại không dám hành động vì quyết định đó?


Nếu như có bất kỳ một ai khác xuất hiện trong cái lý do của bạn, và rằng “nếu bạn không làm thì sẽ có lợi cho người đó hơn”, thì mình tin rằng đó cũng là dấu hiệu quả people pleasing.


Khi suy ngẫm đến khía cạnh này của vấn đề, mình nhận ra rằng dường như mọi thứ lại quay trở về với câu hỏi muôn thuở: “Mọi người sẽ nghĩ gì về mình nhỉ?”

Có vẻ như nỗi sợ chính là thứ mà tính phụ thuộc đang nuôi dưỡng.

Đó là nỗi sợ gây nên sự thất vọng. Nỗi sợ bị mất mặt. Nỗi sợ thất bại. Nỗi sợ làm sai. Nỗi sợ bị bỏ lỡ. Và cả một dạng nỗi sợ mà mình mới học được gần đây, nỗi sợ ta không có đủ.


Mình không có ý muốn nói rằng sợ những điều trên là sai trái.

Mình chỉ đang muốn chia sẻ rằng, chúng ta, những người people pleaser, đang sợ hãi.


Và mình tin rằng cũng hoàn toàn là dễ hiểu khi chúng ta thấy sợ.

Bởi lẽ như đã chia sẻ ở trên, ở đầu bên kia của nỗi sợ và của people pleasing, là những người mà ta thân yêu cơ mà.


Cũng chính vì lý do trên, nên để loại bỏ được thói people pleasing là không hề đơn giản.

Khi bạn làm những người bạn thân yêu thất vọng, bạn cũng sẽ phải đương đầu với rất nhiều sự nghi hoặc (doubt) đến từ cả phía mọi người, và từ trong chính bản thân bạn.


Nhưng đến cuối cùng, people pleasing không phải và cũng sẽ không bao giờ là dấu hiệu của cao thượng (nobel) hay lòng tốt (kindness).

Trong thực tế, bạn vẫn có thể nói “KHÔNG” mà không mất đi vẻ trượng nghĩa, và bạn vẫn có thể bất đồng ý kiến với người khác mà không ra vẻ như mình là người xấu bụng.


People pleasing là những lời nói dối ta trao cho mọi người và bản thân, để né tránh phần trách nhiệm phải đưa ra những quyết định khó khăn trong cuộc sống.

Chúng ta sợ hãi. Chúng ta phụ thuộc. Và mình tin rằng chúng ta nợ bản thân một từ “STOP!”.


Khoảng 2 năm về trước, mình nhận ra một sự thật rằng mình chưa từng tự đưa ra một quyết định ý nghĩa nào trong chính cuộc đời của mình.

Mình cũng đã sợ hãi. Mình cũng đã phụ thuộc. Mình cũng đã làm ngơ. Và là một đứa trẻ luôn được mô tả là “chậm chạp hơn so với các bạn”, mình cũng đã không có tự tin.

Vậy là mình cũng đã trao cái quyền ra mọi quyết định trong cuộc đời mình cho người khác.


Mình vẫn thường cảm thấy vô cùng biết ơn vì sự tự nhận thức trên đã đến với mình.

Viết lách chính là thứ đầu tiên trong đời mình cảm thấy là của mình. Rằng nó là do mình lựa chọn, và mình lựa chọn nó là bởi vì chính mình mà thôi.

Đó cũng là lần đầu tiên trong đời, mình đối mặt với một quyết định to lớn đến nhường vậy.

Một quyết định mà mọi sự thành bại đều được đặt lên vai của một mình mình.


Và điều đó là đáng sợ chứ.

Nếu mình nói rằng “Mình chẳng thấy sợ tí nào khi theo đuổi đam mê” thì đó sẽ là một lời nói dối và bài viết này cũng sẽ chẳng còn ý nghĩa gì nữa.


Vậy, chúng ta thực sự có giải pháp nào dành cho people pleasing không?


Giải pháp thì mình không dám nói chắc, bởi lẽ dù câu chuyện của chúng ta có thể có nhiều điểm chung, nhưng mình nhận ra rằng cái cách mỗi người chúng ta phát triển và bộc lộ thói people pleasing dường như lại rất khác nhau.


Dù vậy, trong quá trình học cách sống tự lập và có trách nhiệm hơn, mình cũng đã rút ra được một số kinh nghiệm chống people pleasing tiêu cực mà sau đây mình cũng sẽ chia sẻ lại với các bạn.


Lời khuyên 1

Chúng ta nên nhận thức được rằng phần lớn mọi người ta tiếp xúc hằng ngày ở thì hiện tại đều rất khác so với phụ huynh của chúng ta, hay bất cứ ai đã khiến cho ta phải hình thành “cơ chế tự vệ people pleasing” hồi còn nhỏ.


Những người như bạn học, giáo viên, đồng nghiệp, sếp, bạn đời,...

Không phải ai cũng sẽ lập tức nổi nóng khi ta bất đồng ý kiến với họ, hoặc bày tỏ sự thất vọng chỉ vì ta từ chối một điều gì đó.


Trong thực tế, mình thấy phần lớn con người chúng ta ngày nay đều có khả năng kiềm chế khá tốt trước mâu thuẫn (contradiction), ý kiến trái chiều hoặc bị từ chối.

Đương nhiên, bạn cũng cần bày tỏ những điều trên với sự tôn trọng và lịch sự nhé.


Mình học được rằng, mọi người xung quanh bạn sẽ không vì từ “KHÔNG” của bạn mà phát nổ trong cảm xúc tiêu cực đâu.

Và ở chiều ngược lại cũng đúng, không phải ai cũng sẽ tan chảy chỉ vì bạn nói “CÓ”.


Vậy nên, hãy sử dụng sự đồng ý và từ chối của bạn có trách nhiệm bạn nhé.


Lời khuyên 2

Chúng ta nên nhận thức được rằng, dù cho ta có ý tốt, nhưng ta có thể đang gây tổn hại cho mọi người khi ta không thành thật hoặc chân thành với họ.


Mình thấy điều này đặc biệt quan trọng trong chuyện tình cảm và cả các môi trường làm việc/học tập có hoạt động theo đội nhóm.

Mình tin rằng khả năng đặt câu hỏi đúng lúc và đưa ra yêu cầu hợp lý là hai khía cạnh rất cần thiết để phát triển một cuộc sống có trách nghiệm.


Trong học tập và làm việc, ta sẽ chẳng thể giúp đội nhóm của ta phát triển nếu như ta cứ che giấu đi những sự hoài nghi và giới hạn của bản thân.

Trong chuyện tình cảm, sự chân thành cũng là thiết yếu (vital). Ta đều không muốn phải dối trá hoặc làm bộ làm tịch trước người mà ta thương yêu đúng không nào?


Lời khuyên 3

Chúng ta nên không ngừng xây dựng sự tự tin và cả lòng can đảm (courage) để khéo léo truyền đạt những thông điệp “sự thật mất lòng” tới người khác.


Khi còn nhỏ, ta thường bị cấm nói ra những sự thật này, và thật ra, ngôn từ của ta ngày đó cũng thường không đủ để truyền đạt chúng một cách thuyết phục và hiệu quả.

Ta sẽ bị mắng là “hỗn” vì phê phán những thói xấu của người lớn như hút thuốc hay rượu chè.

Và cũng không thể quên được cái câu nói kinh điển mỗi khi ta phản bác lại một quan điểm mà ta không đồng tình, rằng ta “chỉ giỏi cãi!?”


Giờ đây, mình tin rằng chúng ta đều đã có đủ cả sự chín chắn và khả năng ngôn ngữ để chia sẻ nhiều hơn với mọi người.

Tuy nhiên, mình cũng không có ý cổ xúy cho thói “bới lông tìm vết” để luôn có thể tìm ra điểm xấu hoặc điểm yếu của người khác, rồi sau đó “nói toạc móng heo” đến nỗi khiến cho họ bị tổn thương.


Ý mình muốn chia sẻ ở đây là chúng ta hoàn toàn có thể nói “KHÔNG”, đồng thời cho đối phương thấy là ta đang có ý tốt.

Ta cũng hoàn toàn có thể cho người khác biết rằng họ đã sai, mà không khiến họ cảm thấy như bị xem thường hoặc bị chế nhạo.


Như mình đã chia sẻ ở trên, từ khóa quan trọng chính là “khéo léo” bạn nhé.


***


Nếu có bất cứ điều gì mà hành trình loại bỏ mặt xấu của thói people pleaser đã dạy cho mình, thì đó chính là những bài học mới về khái niệm “người tốt”.


Giờ đây, khi nhìn lại bản thân ở quá khứ, mình cảm thấy như mình từng là một người quá lo lắng về việc “làm sao để trở thành người tốt trong mắt mọi người”, đến nỗi mình dường như không còn quan tâm đến bản thân và mọi người xung quanh nữa.


Mình không thể nhớ nổi có bao giờ mình từng chia sẻ cho ai đó biết về cảm xúc và suy nghĩ thật của bản thân.

Chính vì thế nên mình cũng luôn cảm thấy như mình đang mắc kẹt giữa những cái mặt nạ khác nhau mà mình trưng ra với từng người khác nhau.


Từ nhỏ, mình vẫn thường được dạy rằng: Hãy đối xử với mọi người theo cách mà con muốn mọi người đối xử với con.

Mình tin rằng đây là một lời dạy mang ý nghĩa tích cực và mình cũng cho rằng nó không sai.

Tuy nhiên, có vẻ như bản thân mình cùng với nhiều bạn trẻ khác, đã và đang áp dụng lời dạy này có phần hơi sai lệch một chút.


Mình nhận ra rằng, mình có thói quen thường xuyên kỳ vọng mọi người sẽ tự động hiểu mình cảm thấy thế nào mà không cần mình phải nói ra; rằng họ sẽ tự biết mình muốn gì, hoặc cần gì, chỉ bởi vì mình đã đối xử tốt với họ.


Giờ đây, mình của hiện tại là người tin rằng, tử tế (niceness) không phải lúc nào cũng đồng nghĩa với lòng tốt (kindness).


Mình tin rằng lòng tốt là một thứ năng lượng tinh thần mạnh mẽ. Điều đó cũng có nghĩa là nó sẽ không bao gồm sự im lặng (quietness), sự phục tùng (submissiveness), hay sự tự đầu hàng (self-surrender).


Lòng tốt, đối với mình, là khả năng thẳng thắn nhìn vào vào nguồn cơn của các vấn đề rồi giải quyết chúng một cách chung thực (honestly) và công bằng (fairly), vì lợi ích của tất cả những người có liên quan, dù cho vấn đề ấy có gây nên khó khăn hay khó chịu (uncomfortable).


Về thói people pleasing ở bản thân, mình cuối cùng cũng đã nhận ra rằng nói đồng ý với tất cả mọi người không phải là dấu hiệu cho thấy mình quan tâm đến họ, mà thực ra mình chỉ đang quan tâm đến “những gì họ nghĩ về mình” mà thôi.


Ít nhất thì đó cũng là những bài học mình rút ra được từ hành trình tìm đường thoát ra khỏi thói people pleasing tiêu cực ở bản thân.

Đây cũng là hành trình mình đi tìm kiếm tiếng nói và lập trường riêng, để thoát khỏi tính phụ thuộc và trở nên có trách nhiệm với cuộc sống cá nhân.


Biết đâu trong hành trình của bạn, bạn sẽ tìm ra những giá trị khác và cả những bài học mang ý nghĩa khác.


“Keep Moving Forward”

Chấp bút: Tom.


***

Nếu bạn đọc yêu thích blog của Tom và cảm thấy blog mang lại lợi ích tích cực cho cuộc sống của mình, hãy ủng hộ cho Tom Writing để blog có thể tồn tại và phát triển mạnh mẽ và bền vững hơn bạn nhé.


Bạn chỉ cần nhấn vào nút “Buy me a coffee” dưới đây để ủng hộ cho Tom Writing một "tách cà phê":

Buy me a coffee


Mỗi "tách cà phê" chỉ có giá $5 (khoảng 117 ngàn đồng) nhưng mang lại lợi ích không hề nhỏ cho việc duy trì blog và truyền động lực sáng tạo cho Tom đó ạ :')

20 lượt xem0 bình luận

Bài đăng gần đây

Xem tất cả
Bài đăng: Blog2 Post
bottom of page