top of page

Peer Pressure - Áp lực đồng trang lứa.

Nghe thì trẻ con, nhưng lại là vấn đề rất người lớn.


Peer pressure là gì? Nó từ đâu mà ra? Liệu có cách nào để vượt qua được áp lực đồng trang lứa hay không?



Peer pressure, hay áp lực đồng trang lứa, là thứ áp lực phổ biến mà hầu hết các bạn trẻ đều đang phải mang theo trong lòng. Đã bao nhiêu lần bạn nghe những lời như "nhìn con nhà người ta kìa..." và cảm thấy bản thân thật hèn kém. Đã bao nhiêu lần bạn đọc những lời phê bình như "nếu không cố gắng hơn nữa thì em sẽ thất bại" cho dù bạn đã thực sự nỗ lực hết sức rồi. Khi "những gì tốt nhất của bạn" không đạt được đến kỳ vọng của những người xung quanh, rất có thể peer pressure sẽ tìm đến và ám ảnh bạn.


Peer pressure nguy hiểm ở chỗ gần như chẳng ai quan tâm đến nó vì ít ai nhận thực được sự ảnh hưởng của nó lên mỗi cá nhân. Nó có thể gây ra những hậu quả khôn lường tới sức khỏe và tinh thần, đặc biệt là với các bạn trẻ nếu như các bạn thiếu kinh nghiệm sống.


Peer Pressure là gì?

Peer pressure là một từ thuật ngữ chuyên ngành trong lĩnh vực giáo dục, tâm lý học. Được hiểu là áp lực đồng trang lứa.

Peer pressure xảy ra rất phổ biến với chúng ta trong hầu hết các giai đoạn của cuộc đời. Thông thường nó xảy ra khi cá nhân chịu ảnh hưởng của một hoặc nhiều người thuộc cùng một nhóm xã hội và phải thay đổi hành vi, thái độ, thậm chí là cả giá trị của họ để phù hợp với các chuẩn mực, khuôn khổ của nhóm.


Có thể các bạn đang phải chịu những áp lực vô hình từ gia đình, người thân, những người bạn cùng độ tuổi, cùng lớp, hay đồng nghiệp cùng công ty, cùng lĩnh vực,... Thanh thiếu niên có lẽ chính là những đối tượng thường được nhắc đến nhiều nhất khi đề cập tới áp lực đồng trang lứa. Bởi sự thiếu kinh nghiệm sống, cũng như những thay đổi về tâm sinh lý khiến các bạn trẻ dễ bị tác động hơn.


Nguyên nhân dẫn đến peer pressure là gì?

Một số nguyên nhân dẫn đến áp lực đồng trang lứa có thể kể đến như:

1. Tư duy và nhân cách chưa phát triển ổn định

Như đã nhấn mạnh trong những ý ở trên, ở những tầm tuổi mà tư duy và nhân cách vẫn còn chưa phát triển ổn định, con người ta dễ bị ảnh hưởng bởi peer pressure. Những người trẻ tuổi thường chưa xây dựng được giá trị của bản thân trong xã hội, ít hiểu biết về các mối quan hệ giữa người với người, cũng như chưa ý thức được hậu quả của những hành động mình gây ra. Thử nhớ lại mà xem, thứ thuốc bạn đang hút, là do bạn muốn được hút nó từ đầu hay là do bạn bị ảnh hưởng từ những người xung quanh nên mới phải đưa nó lên môi.


2. Khao khát được hòa nhập

Con người chúng ta vốn là một loài động vật có tập tính bầy đàn. Khi một cá nhân bị từ chối hoặc xa lánh bởi cộng đồng, tự chúng ta sẽ có xu hướng "viện cớ" để được tham gia và hòa nhập với số đông, vô hình chung tạo nên áp lực đồng trang lứa cho chính mình. Để được công nhận, đôi khi chúng ta đã phải tự điều chỉnh thái độ, hành vi hoặc cả niềm tin của mình để phù hợp với hệ giá trị và tư tưởng của nhóm mà mình tham gia.


3. Chủ nghĩa tập thể định kiến xã hội

Đây là những suy nghĩ, cảm xúc, hành vi được mong đợi và chấp nhận bởi các thành viên trong cùng một nhóm xã hội, bởi nó được coi là đúng đắn và phù hợp. Là con trai thì phải biết kiếm nhiều tiền, phải thành công từ sớm? Là con gái thì lúc nào cũng chỉ được lo chuyện bếp núc, dọn dẹp? Con trai thì không được mềm yếu, không được khóc? Con gái thì không được sử dụng bạo lực, không được chơi thể thao? Trên đây chỉ là một số ví dụ cho rất rất nhiều chuẩn mực và định kiến có thể đang hiện hữu trong cuộc sống của bạn. Chúng có đúng hay không, thì còn tùy vào cách bạn đối diện với peer pressure của chính mình.


4. Chủ nghĩa tập thể

Văn hóa của các nước châu Á như chúng ta thường rất coi trọng chủ nghĩa tập thể. Những con người sống và được nuôi dạy theo lối chủ nghĩa này thường hay có tư duy so sánh xã hội. Chủ nghĩa tập thể thường đề cao thứ bậc, vị trí, điểm số,... vô tình khiến người ta cũng đề cao tính "cạnh tranh" hơn là tinh thần "hợp tác". Cuộc đời bỗng nhiên trở thành những đường đua, ai về đích trước mới là người thắng cuộc. Liệu khi bạn ra sức học thật nhiều có phải là do bạn thích học những cái đó không, hay là do gia đình bạn muốn bạn được như những cô cậu "con nhà người ta".


5. Mạng xã hội

Mạng xã hội vẫn luôn được coi là "con dao hai lưỡi" trong cuộc sống thời hiện đại của chúng ta. Các loại social media có thể khuếch đại áp lực đồng trang lứa khi bạn nhìn thấy những người khác giỏi giang hơn, thành công hơn, có cuộc sống sung túc hơn,... Hãy biết cách sử dụng mạng xã hội một cách hợp lý, đúng lúc, đúng chỗ để tạo điều kiện cho bản thân được phát triển theo những hướng tích cực nhất.


Peer pressure có phải chỉ toàn tiêu cực?

"Gần mực thì đen, gần đèn thì rạng". Nhiều người có thể sử dụng chính peer pressure để làm đòn bẩy thúc đẩy bản thân trở nên tốt đẹp hơn. Nếu bạn luôn giữ trong mình một tinh thần vững vàng, một thái độ ham học hỏi, một trái tim kiên cường và nhiều thật nhiều những hình mẫu tốt đẹp xung quanh để bạn noi theo, thì áp lực cũng có thể trở thành động lực.

Nhiều nghiên cứu đánh giá peer pressure là dấu hiệu của thói ghen tị, tự ti và cả hèn kém. Nhưng nếu bạn biết nhìn mọi thứ theo hướng tích cực hơn, thì biết đâu bạn cũng có thể trở nên sáng lạn như những hình ảnh đã gây áp lực cho bạn trước đó.


Làm cách nào để hạn chế những ảnh hưởng tiêu cực của peer pressure?

1. Biết trân trọng chính mình

Hãy biết yêu quý và đánh giá bản thân mình đúng mực. Hãy tập trung vào những gì tốt đẹp ở bên trong thay vì để bị xao nhãng từ những gì bên ngoài. Hãy đào sâu tìm hiểu bản thân để biết mình thực sự muốn điều gì. Đầu tư vào chính mình nhiều hơn, theo đuổi những đam mê giúp cho cơ thể và tinh thần của bạn được thoải mái.


2. Biết giới hạn của chính mình

Tìm hiểu về chính mình cũng là quá trình đi tìm kiểm giới hạn của bản thân. Biết nhận thức và học cách truyền đạt đúng về giới hạn của bản thân cho người khác. Đừng quá dễ dãi để rồi trở thành mục tiêu cho người khác lợi dụng mình.


3. Biết rằng mình luôn có lựa chọn

Hãy luôn nhớ rằng bạn là người nắm quyền trong cuộc sống của chính bạn. Bạn được phép chọn người bạn chơi cùng, người bạn yêu, người bạn ngưỡng mộ. Bạn có quyền được theo đuổi đam mê và công việc bạn yêu thích. Bạn có quyền đặt niềm tin vào bản thân và những giá trị xã hội khác. Thật tiếc cho những bạn trẻ đã quên mất quyền hạn to lớn nhất của một đời người, quyền được lựa chọn. Nếu bạn đã lựa chọn được điều mình mong muốn, thì đừng để ai khác dễ dàng cản bạn lại.


4. Biết rằng người khác cũng có lựa chọn của riêng họ

Lựa chọn của bạn không cần phải dựa trên tiêu chuẩn của họ, và ngược lại, họ cũng không cần phải lựa chọn trên tiêu chuẩn của bạn. Mỗi con người đều đưa ra cả trăm lựa chọn mỗi ngày, nhờ đó mới tạo nên cuộc sống. Tôn trọng lựa chọn của người khác sẽ là bước đầu tiên để bạn khoan dung hơn với lựa chọn của chính mình.


Chấp bút: Tom.




15 lượt xem0 bình luận

Bài đăng gần đây

Xem tất cả
Bài đăng: Blog2 Post
bottom of page