top of page

OCD - Hiểu thế nào cho đúng về chứng rối loạn ám ảnh cưỡng chế?

Đã cập nhật: 21 thg 3



Có một lối suy nghĩ rất phổ biến, rằng nếu như bạn là một người luôn thích sắp xếp mọi thứ một cách ngăn nắp và gọn gàng; rằng nếu như bạn thường hay lên lịch cho mọi công việc và sự kiện một cách hết sức tỉ mỉ; rằng nếu như bạn luôn thích cọ rửa bàn tay mình thật cẩn thận, thì có phải bạn là một người mang chứng OCD?


Trong thực tế, chứng OCD, viết tắt cho Obsessive-compulsive disorder (rối loạn ám ảnh cưỡng chế), là một chứng bệnh tâm lý có thể trở nên nguy hiểm với người bệnh và thường bị hiểu nhầm bởi phần lớn con người chúng ta.

Vậy nên, ngày hôm nay các bạn hãy cùng mình đi tìm kiếm câu trả lời đích thực cho một số quan niệm xoay quanh chứng OCD nhé.


Lặp đi lặp lại một hành vi nào đó thì đồng nghĩa với chứng OCD?

Từ cái tên “Rối loạn ám ảnh cưỡng chế”, chúng ta có thể hiểu rằng chứng bệnh này bao gồm 2 phần, phần Ám ảnh và phần Cưỡng chế.


Những suy nghĩ, hình ảnh, sự cám dỗ thường xuyên hiện hữu bên trong tâm trí của người bệnh, được hiểu là phần Ám ảnh.

Và những hành vi mà người bệnh thường thực hiện để giải tỏa những sự thôi thúc mà phần “Ám ảnh” gây nên, được hiểu là phần Cưỡng chế.


Một số hành động thường được mọi người đánh đồng với chứng OCD, bao gồm có: rửa tay vô độ, liên tục xem đồng hồ, liên tục sắp xếp mọi cuốn sách trên giá theo một thứ tự hoàn hảo nào đó,... thường chỉ là những dấu hiệu của khuynh hướng ưa sự hoàn hảo, ngăn nắp, sạch sẽ mà thôi.

Đây cũng đồng thời là những khuynh hướng mà gần như tất cả chúng ta đều đã ít hoặc nhiều từng trải qua trong đời.


Phần lớn các số liệu thống kế về chứng OCD đều đã khá là cũ, và các khảo sát về chứng bệnh này thường chỉ được thực hiện ở Mỹ. Nhưng có vẻ như các nhà nghiên cứu đều đồng tình rằng chứng bệnh này thực ra là rất hiếm gặp, ít nhất là “hiếm hơn” so với những gì mà chúng ta đang nghĩ về OCD.


Tuy nhiên, không phải vì thế mà chứng bệnh này trở nên bớt nguy hiểm hơn đâu các bạn ạ.


Những người thực sự mang chứng OCD thường không thể, hoặc rất ít khi có thể, kiểm soát được những suy nghĩ thôi thúc và hành động cưỡng chế ở bản thân.

Những tình trạng trên thường lặp đi lặp lại, tiêu tốn rất nhiều thời gian sinh hoạt của người bệnh, gây ảnh hưởng trực tiếp tới công việc, quá trình học tập và cả các mối quan hệ xã hội.

Theo thời gian, chứng bệnh này có thể dẫn tới nhiều tình trạng suy giảm sức khỏe tinh thần như kiệt sức, phiền muộn, căng thẳng và đôi khi là cả chứng trầm cảm.


Triệu chứng nổi bật nhất của OCD là rửa tay vô độ?

Đúng là hành động rửa tay vô độ thường được đem ra làm ví dụ cho các triệu chứng của OCD. Tuy nhiên, trong thực tế thì nỗi ám ảnh và sự cưỡng chế cũng có thể hiện hữu dưới rất nhiều hình hài khác nữa.


Nỗi ám ảnh ở người mang chứng OCD có thể là nỗi sợ bị nhiễm bệnh, nhiễm khuẩn; lo lắng vì những suy nghĩ rằng mình có thể hãm hại người khác; bị cuốn hút bởi các họa tiết, con số, những khái niệm có quy luật, hay thậm chí còn có thể là ở cả khía cạnh tình dục, giới tính.


Những sự cưỡng chế cũng có thể mở rộng từ hành động lau chùi quá độ, cho tới hành vi kiểm tra mọi thứ liên tục. Hay từ việc chỉ thích bước đi theo các đường thẳng được vẽ trên mặt đường, cho tới một hình ảnh điển hình khác, chính là hành vi sắp xếp mọi thứ theo 1 thứ tự ngăn nắp hoàn hảo nào đó.


Những người mang chứng OCD thường không tự nhận thức được về những hành động kỳ lạ của họ?

Trong thực tế, phần lớn những người mang chứng OCD đều có nhận thức rất rõ về các nỗi ám ảnh và những hành động cưỡng chế của họ.


Đây cũng chính xác là phần mình cho rằng là nghiệt ngã nhất đối với những người bệnh đang chịu ảnh hưởng từ chứng OCD.

Thử tưởng tượng mà xem, nếu như bạn hoàn toàn hiểu rằng hành động của mình là bất hợp lý, nhưng bạn vẫn không thể tự ngừng bản thân lại được và cũng không thể tìm cách né tránh nó được.


Những người mang chứng OCD thường mô tả rằng họ cảm thấy như muốn phát điên lên mỗi khi phải trải qua cảm giác lo âu, vì những suy nghĩ liên quan tới nỗi ám ảnh phi lý của họ. Đồng thời, họ cũng cảm thấy vô cùng khó khăn mỗi khi phải cố gắng kiểm soát các hành vi cưỡng chế xảy ra sau đó.


***

Biết rằng chính bộ não của bạn đang đánh lừa bạn, nhưng lại không thể kháng cự lại và kiểm soát được bản thân, có thể khiến cho cuộc sống của nhiều bệnh nhân OCD trở nên vô cùng khó khăn.

Do hiện tại các nhà nghiên cứu vẫn chưa thể nắm được nguyên nhân trực tiếp gây nên chứng OCD, vậy nên chúng ta cũng vẫn chưa thể tìm ra được những phương pháp điều trị đặc hiệu cho chứng bệnh này.


Một số hướng điều trị có thể sẽ được các y bác sĩ chuyên ngành sử dụng bao gồm có:

  • Liệu pháp nhận thức - hành vi, bao gồm tiếp xúc với các tác nhân kích hoạt và học cách kiểm soát phản ứng.

  • Thuốc chống lo âu và/hoặc thuốc chống trầm cảm để giúp giảm bớt các triệu chứng trầm cảm và lo âu.

  • Điều trị nội trú chuyên khoa bên cạnh trị liệu và chỉ định thuốc cho những trường hợp mắc OCD nặng.


Như trong bài viết này mình cũng đã có đề cập, OCD là một chứng bệnh rất hay bị hiểu nhầm bởi mọi người ngày nay. Nhiều bạn trẻ chỉ vì có những hành vi cẩn thận hay ưa sạch sẽ hơn mọi người một chút thôi là cũng có thể bị đánh đồng với chứng OCD luôn rồi.

Vậy nên, nếu các bạn chưa được các y bác sĩ có chuyên môn chẩn đoán với chứng bệnh này, mình khuyên các bạn không nên tự ý mua thuốc sử dụng mà chưa có hướng dẫn cụ thể các bạn nhé.


Sẽ còn cần thêm rất nhiều nỗ lực nghiên cứu để chúng ta có thể tìm được những cái nhìn chính xác và trực quan hơn về chứng bệnh lạ lùng này. Mình hy vọng rằng các nghiên cứu trong tương lai gần sẽ sớm khám phá thêm được nhiều góc khuất của bộ não con người, qua đó hỗ trợ nâng cao hiểu biết của chúng ta về chứng OCD.


Chấp bút: Tom.


***

Nếu bạn đọc yêu thích blog của Tom và cảm thấy blog mang lại lợi ích tích cực cho cuộc sống của mình, hãy ủng hộ cho Tom Writing để blog có thể tồn tại và phát triển mạnh mẽ và bền vững hơn bạn nhé.


Bạn chỉ cần nhấn vào nút “Buy me a coffee” dưới đây để ủng hộ cho Tom Writing một "tách cà phê":

Buy me a coffee


Mỗi "tách cà phê" chỉ có giá $5 (khoảng 117 ngàn đồng) nhưng mang lại lợi ích không hề nhỏ cho việc duy trì blog và truyền động lực sáng tạo cho Tom đó ạ :')


27 lượt xem0 bình luận
Bài đăng: Blog2 Post
bottom of page