Niềm đau của những nỗi tủi hổ.
Bài viết này được truyền cảm hứng từ cuốn sách Nửa kia biệt tích, tác giả sách Brit Bennett.
Vui lòng KHÔNG SAO CHÉP bài viết và tranh minh họa của mình.

Một trong những triệu chứng rõ ràng nhất của một cuộc đời với tuổi thơ nhiều thương tổn (trauma) là ở trong đó có sự góp mặt của những nỗi tủi hổ (shame) bị kéo dài cho tới tận thì hiện tại.
Bởi lẽ từ “tủi hổ” – cũng như những từ đồng nghĩa với nó – vẫn thường được trao đổi qua lại trong văn nói hằng ngày với nhiều ngữ cảnh (context) và hình thức khá đa dạng;
Vậy nên, mình tin rằng sẽ là tốt nhất nếu như mình bắt đầu bài viết này bằng cách giải thích về những nỗi tủi hổ, hay tủi nhục, mà mình đang muốn viết về.
Khác với nỗi xấu hổ của những người đang chịu mặc cảm tội lỗi (guilty) vì một điều cụ thể mà họ đã làm, những “người tủi hổ” (the shamed) hằng ngày chịu dày vò từ nỗi đau của sự tủi nhục, đơn giản vì một lý do: họ đang là chính họ.
Tủi hổ – trong trường hợp của bài viết này – là sự ghê tởm (abhorrence) mà một con người tự dành cho những gì mà họ muốn, những gì mà họ làm, và những gì mà họ đang là.
Tủi hổ là cái dòng chữ “Tôi là một người tồi tệ” được một cá nhân tự khắc sâu lên chính bản thân họ.
Tủi hổ, như nhiều người từng trải qua có lẽ cũng đã biết, chính là một trong những hình thức tàn ác (heinous) nhất để tự dày vò bản thân.
Như mình đã chia sẻ ở đầu bài viết, căn nguyên của những nỗi tủi hổ, hầu như, luôn bắt nguồn từ thời thơ ấu.
Bạn đau đớn với những nỗi tủi hổ ở hiện tại, vì – ở một thời điểm nào đó trong quá khứ, có lẽ là khi bạn vẫn còn khá nhỏ tuổi – ai đó đã khiến bạn phải nếm mùi nhục nhã.
Có lẽ bạn đang tự hỏi:
“Có khó không để khiến một đứa trẻ phải cảm thấy tự xấu hổ về bản thân nó?”
Đáng buồn thay, trong thực tế, chẳng có gì là quá khó để đạt được mục tiêu trên
Tất cả những gì mà một người lớn hơn cần làm đó là thường xuyên đối xử với đứa trẻ ấy bằng sự khinh thường (contempt), coi rẻ (belittle) những nỗ lực nó đặt vào để làm tốt bất cứ điều gì, đè bẹp cái tôi (ego) non nớt của nó, mắng mỏ nó với cùng một kiểu thậm tệ vì bất cứ điều gì mà nó làm sai, khiến nó cảm thấy tồi tệ về cơ thể mà nó được sinh ra, bỏ bê (neglect) và phớt lờ nó, so sánh nó với một ai khác theo những cách không công bằng, ám chỉ rằng nó là xấu xí, là ngu ngốc, là không xứng đáng (unworthy); và điều cốt yếu (crucial), đó là không yêu thương và trân trọng (cherish) đứa trẻ ấy vào những lúc nó cần những điều ấy nhất.
Thực tế thậm chí còn phũ phàng hơn nhiều khi bạn nhận ra rằng một người lớn, đặc biệt là những người ở vị trí làm cha mẹ, luôn có thể dễ dàng che giấu những việc làm trên.
Thường ở đằng sau những cánh cửa, sẽ có rất ít người nhận ra, và người nhận ra ít nhất lại luôn là chính đứa trẻ – nạn nhân của sự miệt thị (shaming).
Miệt thị, quả đúng như nhiều sự vụ đáng tiếc đã chỉ ra, là con đường ngắn nhất để dẫn tới sự hủy hoại của cuộc đời một ai đó.
Một đứa trẻ nhỏ, với tất cả mọi sự ngây thơ trên đời này, sẽ không bao giờ có thể nghi ngờ vào ngay lúc ấy, rằng cha mẹ – những người mà có thể đã sinh ra nó ấy – lại có thể đang cư xử vô cùng tàn nhẫn và ác ý với nó.
Đứa trẻ ấy, bằng những bản năng tự nhiên nhất, sẽ chỉ có thể nghĩ là: “Cha mẹ đã đúng.”
Nó, có lẽ, sẽ nghĩ rằng với khả năng phán xét “sâu sắc” từ bộ óc “lỗi lạc” của người lớn ấy, cha mẹ đã đúng khi cho rằng nó là “ngu ngốc”, là “ghê tởm” và là “vô dụng”.
Nó, có lẽ, sẽ muốn được tiếp tục nghĩ tốt về những người đã chăm sóc nó, bất chấp cho sự thật rằng kiểu “quan tâm” duy nhất mà nó cảm thấy là thân thuộc chỉ bao gồm những cơn giận dữ và những nỗi buồn đau.
Làm sao mà một sinh vật với tâm trí hãy còn non nớt tới nhường vậy, với khả năng ngôn ngữ hãy còn bập bõm và có lẽ còn chưa thể phân biệt được thể nào là phải trái, có thể tự bảo vệ được bản thân trước những cú đòn roi vô hình của sự miệt thị.
Những đứa trẻ thuộc về một quá khứ đáng thương ấy, trừ khi nhận được sự giúp đỡ kịp thời, thường sẽ không bao giờ nghĩ rằng những người đã sinh ra nó, cho nó ăn và cho nó mặc, mà lại là những người có lỗi trong câu chuyện này.
Những đứa trẻ ấy, ngược lại, sẽ bảo vệ họ, vì một lý do vô cùng đơn giản và dễ hiểu:
Vì nó yêu họ, theo cái nghĩa trong sáng nhất mà từ “yêu” có thể được sử dụng; và nó sợ hãi trước cái ý nghĩ sẽ bị họ bỏ rơi, theo cái nghĩa đáng sợ nhất mà từ “bỏ rơi” có thể được sử dụng.
Bởi vậy, có lẽ một trong những khó khăn lớn nhất trên con đường chữa lành của những người tủi hổ đó là tự bản thân họ thường không nhận ra rằng họ đã, hoặc đang, là nạn nhân của sự miệt thị.
Với bản chất tự nhiên là làm cho bạn luôn muốn ra sức che giấu, những nỗi tủi hổ cũng đã đồng thời khiến bạn mất hết khả năng phát hiện ra dấu hiệu về sự tồn tại của chúng.
Hay nói theo một cách khác, những người tủi hổ thường không bao giờ nghĩ rằng họ đã bị người khác miệt thị.
Trong nhiều trường hợp, họ thậm chí còn không thể tin rằng người khác đã làm điều gì đó sai trái với họ.
Bị khuất phục trước những nỗi sợ hãi từ quá khứ, nạn nhân của tủi hổ sẽ là những người cuối cùng trên đời này có thể lựa chọn phương án “đổ lỗi” cho một ai khác ngoài chính họ.
Họ cũng sẽ là những người cuối cùng có thể nghĩ tới việc “than thở”, lên tiếng vì bản thân và cầu cứu.
Hơn thế nữa, cái tai ương (affliction) của những nỗi tủi hổ lan nhanh như một ngọn lửa trong khu rừng vào mùa hanh khô.
Là một người tủi hổ, bạn sẽ khó kết nối được với sự thật rằng có vô số cách mà hành vi và cảm xúc của bạn đã bị ảnh hưởng bởi người khác; và rằng tận sâu thẳm bên trong, bạn đang nuôi lớn một mối tự ghét (self-hatred) vô cùng bất công dành cho chính bản thân bạn.
Bất cứ khi nào có điều gì đó không hay xảy ra, người tủi hổ sẽ luôn bị áp đảo (overwhelm), một cách dứt khoát, trước cái cảm giác họ “nên” lãnh lấy trách nhiệm.
Sự tự dày vò, vì lý do trên, cũng sẽ chạy rông, với không một giới hạn hay đường biên giới nào, khi nó được giải phóng (unleash) bởi những rắc rối trong công việc, những khó khăn trong các mối quan hệ, hoặc những vấn đề trong gia đình.
Những người tủi hổ thường sẽ khó lòng bình tĩnh mà nghĩ:
“Ở đây đang có một chút trục trặc và tôi sẽ cố gắng giải quyết nó.”
Họ nghĩ:
“Tôi là kẻ vô vọng và tồi tệ nhất từng tồn tại trên đời này. Tất cả mọi thứ tôi làm đều là sai lầm. Lại một lần nữa, tôi làm hỏng mọi thứ. Lại một lần nữa, tôi có thêm một bằng chứng để vạch trần chân tướng của một kẻ vô dụng và lố bịch là tôi đây.”
Người tủi hổ, vì vậy, thuộc nhóm những người có nguy cơ tự vẫn cao nhất.
Xem thêm bài viết: Phải làm sao khi suy nghĩ của bạn quá tàn nhẫn?
Người tủi hổ là những người luôn khăng khăng đứng về phe “những người khác”, thay vì, ít nhiều, nghĩ về “phe” của bản thân.
Xét ở khía cạnh này của vấn đề, họ là những người không biết sử dụng lòng nhân từ (benevolence) của chính họ.
Người tủi hổ nghĩ rằng họ, khác với những người khác, không có quyền được sơ suất; rằng họ không được phép mắc một sai lầm nào.
Cái ý tưởng “đối xử tốt với bản thân”, đặc biệt là sau khi mắc lỗi, đối với họ mà nói, nghe thật đáng ghê tởm (repulsive).
Đối với người khác, họ có thể tốt bụng đến mức độ bất thường;
Đối với bản thân, họ khắc nghiệt (vicious) tới mức độ không tưởng.
Người tủi hổ là “vị sếp toxic” của chính bản thân họ, là kẻ thù số một của cái người mà họ hằng ngày vẫn nhìn thấy trong gương.
Tâm trí họ thường chất chứa những giọng nói đầy khắt khe (excruciating):
“Đấy, nhìn xem mày có được cái việc gì không? Tao biết là đồ ngu ngốc như mày chắc chắn rồi sẽ chỉ làm hỏng mọi thứ thôi mà…”
Ngày nay, bạn thậm chí còn có thể tố cáo một người với pháp luật nếu bạn bắt gặp họ sử dụng những từ ngữ tương tự như trên để công kích một ai khác.
Có lẽ, câu hỏi để bạn có thể bước đầu cảm thông với bản thân nhiều hơn chính là: “...vậy thì tại sao mình lại dùng những từ ngữ ấy để tự chỉ trích bản thân?”
Nhưng, có lẽ chúng ta cũng sẽ không thể gọi họ là những “người tủi hổ” nếu như tất cả những gì ta cần là một vài câu hỏi để khiến họ phải tự nghi ngờ cái niềm tin rằng họ thật “đáng ghét” (detestable).
Những người tủi hổ, một cách dễ hiểu, luôn nằm ở đáy của vòng xoáy tự ti (underconfidence).
Hoặc nếu có chăng, thì sự tự tin của họ cũng thường rất mong manh dễ vỡ.
Họ sẽ khó lòng tìm được tính thuyết phục trong một tình huống nơi mà có ai đó thể hiện sự thương mến và cảm thông dành cho họ.
Khi cần phải bày tỏ tình cảm với một ai khác mà họ quan tâm, có lẽ là vô cùng, họ cũng sẽ chẳng đào ra được nhiều động lực để hành động.
Với cỗ máy “tự phát xét” luôn luôn trong trạng thái dễ dàng bị kích hoạt, mọi nỗ lực của họ để, ví dụ, xây dựng một doanh nghiệp, viết một cuốn sách, hay củng cố cho một mối quan hệ, vì vậy, sẽ mãi mãi nằm sát nơi bờ vực sụp đổ.
Bất cứ trở ngại nào họ gặp phải, bất cứ điều gì không ổn, bất cứ sự kiện không may nào, cũng đều sẽ nhanh chóng trở thành nguyên liệu để cái máy trên tiếp tục hoạt động, để trở thành thức ăn nuôi lớn “tên sếp toxic” trong tâm trí vẫn đang hằng ngày đay nghiến họ với cái suy nghĩ về “một cuộc đời tồi tệ” mà họ “xứng đáng” phải chịu.
Và đến cuối cùng – như một lẽ dĩ nhiên – những người tủi hổ sẽ dần mất đi khả năng tự cảm thấy thương hại, hoặc, tự lấy làm tiếc (sorry) cho bản thân họ; bởi lẽ, đối với họ mà nói, làm như vậy sẽ tương đương với việc dành cho bản thân một mức độ, dù chỉ là nhỏ nhất, thứ mà họ tin là họ không xứng đáng được hưởng: sự tha thứ (forgiveness).
Một lần nữa, mình muốn được nhấn mạnh vào một trong những khó khăn lớn nhất trên con đường chữa lành của những người tủi hổ, đó là: họ không thể tự xác định, một cách chính xác, họ đang bị cái gì.
Người tủi hổ, nếu có cơ hội, sẽ lập tức thú nhận, với bản thân, và có lẽ cả với mọi người xung quanh, rằng:
“Tôi không xứng đáng có được sự thông cảm của bạn đâu. Tôi chỉ là một kẻ ngốc đang bịa chuyện để bào chữa cho sự tồi tệ của tôi mà thôi.”
Hoặc:
“Tất cả đều là lỗi của tôi. Tôi là một kẻ vô vọng. Tôi xứng đáng phải chịu sự tự trừng phạt này. Cứ để mặc tôi đi, chắc chắn như vậy sẽ có ích hơn cho tất cả mọi người.”
Kể từ ngày còn nhỏ, hoặc khi tâm trí hãy còn non nớt, nhiều người đã bị “huấn luyện” để tin vào những điều trên.
Rằng họ là kẻ ngốc, là kẻ vô vọng, là gánh nặng, là nỗi bất hạnh cho người khác.
Rằng “đổ lỗi” cho bất cứ ai khác ngoài bản thân họ, bất chấp cho hoàn cảnh hay lý do, là không thể chấp nhận được.
Rằng họ chỉ xứng đáng với khổ đau, và chỉ khổ đau mà thôi.
Sẽ phải cần tới một (vài) người thân thương – được trang bị với một tâm lý thật vững vàng và một trái tim thật nhiều cảm thông – để dần dần tiếp cận và thấu hiểu được niềm đau của nỗi tủi hổ nơi những sinh mệnh nhạy cảm (tender) và vô cùng đáng quý ấy.
Và, sẽ phải cần tới một tiếng nói thật dịu dàng để dõng dạc nói ra điều mà một nạn nhân của những nỗi tủi hổ, có lẽ, vẫn đang hằng khao khát được lắng nghe:
“Bạn không phải là một người xấu, hay một người tồi tệ đâu. Ngược lại, tôi thấy bạn là một người rất tốt. Điều duy nhất là xấu và tồi tệ trong câu chuyện bạn, đó là cái quá khứ đã khiến bạn không thể tự nhìn nhận bản thân dưới ánh hào quang tốt lành và trìu mến mà tôi đang nhìn bạn ngay lúc này.”
“Keep Moving Forward”
Chấp bút và minh họa: Tom.