top of page

Nhu cầu cần được thấu hiểu của những cảm xúc tiêu cực.

Bài viết này được truyền cảm hứng từ cuốn sách Nửa kia biệt tích, tác giả sách Brit Bennett.

Vui lòng KHÔNG SAO CHÉP bài viết và tranh minh họa của mình.


Có lẽ, một trong những nét đặc trưng nhất, mà cũng đồng thời là điểm rắc rối nhất của con người, đó là chúng ta luôn có nhiều xúc cảm (feeling) hơn là những gì ta đã có thể gọi tên bằng từ ngữ, và chúng cũng thường phức tạp hơn là những gì mà ta có thể nhận thức được bằng tư duy logic của bản thân.


Hiện tại, trong khi bạn, có lẽ, phải chật vật để vượt qua những thử thách của cuộc sống thường ngày, thì ở bên ngoài tầm kiểm soát của khả năng nhận thức thông thường, đang có những dòng cảm xúc âm thầm chảy qua từng tế bào trong bạn.


Đó có thể là giận dữ hoặc ganh ghét, là oán giận hoặc sợ hãi, là niềm khao khát hoặc nỗi tuyệt vọng – đây thường là những thứ cảm xúc luôn khiến chúng ta quá sốc hoặc quá buồn đau khi ta mới đón nhận chúng, hoặc quá trái ngược (contrary) với kỳ vọng để ta có thể thấu hiểu chúng một cách rõ ràng ngay tại thời điểm đó.


Bạn có thể, vì lý do trên, mà đã từng bày tỏ sự cảm ghét trong một tình huống mà đáng nhẽ ra bạn nên thể hiện sự yêu quý và tôn trọng.

Bạn có thể đã từng sợ hãi trước một tình huống mà những mối hiểm họa đều chỉ là do bạn tưởng tượng mà ra.

Hoặc bạn, có thể, cũng đã từng bấn loạn, hoặc chôn chân, trước một vấn đề mà vốn dĩ, trong một trạng thái bình tĩnh hơn, bạn sẽ có thể giải quyết được một cách dễ dàng.


Kết quả là, bằng những bản năng tự nhiên nhất, tâm trí chúng ta lựa chọn “đi đường vòng” qua những thứ cảm xúc khó chịu trên, bằng mọi giá né tránh “con voi trong căn phòng”, và bỏ qua việc ghi nhận (register) thực tại của chúng ta một cách chính xác và đáng tin cậy.


Hay nói theo một cách khác, có rất nhiều cảm xúc của chúng ta đã bị những phần nguyên thủy hơn của hệ thần kinh phớt lờ.

Lý do đơn giản là vì những cảm xúc này đã “đạp cửa” để xâm nhập vào tâm trí chúng ta với tốc độ và cường độ quá lớn, khiến ta không thể gỡ rối chúng trong khoảng thời gian quá hạn chế mà ta có thể dành cho việc tự thấu hiểu bản thân.


Mình tin rằng bất cứ bạn trẻ nào từng đi làm thêm trong những vị trí liên quan đến việc phục vụ khách hàng cũng sẽ có thể hiểu ý mình đang muốn nói ở đây.


Tâm trạng cả một ngày làm việc của bạn có thể dễ dàng bị phá hỏng bởi một (vài) vị khách hàng xấu tính.

Đây cũng thường là những công việc mà bạn không được phép bộc lộ ra sự “chống đối” và “thù địch”, mà ngược lại, còn phải luôn tươi cười và cho qua mọi chuyện.


Điều tương tự cũng có thể đã xảy ra với bạn dưới những hình thức khác và điều kiện khác.

Ví dụ như là với một cặp phụ huynh quá khó tính, với một vị sếp ưa nạt nộ, hay với một giáo viên quá giáo điều.


Dưới cái áp lực “phải luôn duy trì sự bình thản và tích cực bằng mọi giá”, chẳng trách sao mà rất nhiều người trong chúng ta đã hình thành nên thói quen che giấu và phớt lờ đi những cảm xúc tiêu cực – thường là vô cùng chính đáng – của bản thân trong cuộc sống hằng ngày, rồi coi nó như là một “cơ chế tự vệ” để tránh khỏi việc phải bị tổn thương bởi bản thân, và bởi người khác.


Nhưng dù có là vô tình hay cố ý, sai lầm của việc phớt lờ đi những cảm xúc tiêu cực nằm ở chỗ:

Cái mà chúng ta đang phớt lờ, với mong muốn được né tránh, không phải là việc “bị tổn thương”, mà chính là những tín hiệu của cơ thể cho thấy ta đã “bị thương”.


“Cú đánh” vốn dĩ đã được giáng xuống (inflict) rồi.

Bạn đã “trúng đòn” rồi.

Vết thương vốn dĩ, đã và đang, gây nên những nỗi đau ở trong bạn rồi.

Đã là quá muộn để né tránh những điều đó.


Việc bạn lờ đi những niềm đau, những cơn giận dữ, hay những nỗi sợ hãi của bản thân, về mặt bản chất, thực ra không khác gì việc bạn nhìn thấy máu đỏ chảy thành dòng ở ngón tay mà lại từ chối được dán băng cá nhân.


Trừ khi toàn bộ những luồng cảm xúc của chúng ta được chính bản thân ta thường xuyên xác định (identified), và “cảm nhận” (felt), rồi thấu hiểu một cách đầy đủ, thì chúng ta sẽ rất dễ có khả năng trở thành nạn nhân của một loạt những chứng rối loạn tâm lý, như: lo âu, hoang tưởng, trầm cảm và có thể là còn tệ hơn thế.


Tinh thần bất ổn, khi nhìn từ phương diện này, được sinh ra từ sự chất chồng (accumulation) của những cảm xúc bị chúng ta chối bỏ quyền “được cảm nhận”.


Vì những lý do trên, chúng ta nên tự tạo điều kiện cho bản thân để có thể thường xuyên – lý tưởng nhất là một lần mỗi ngày – dành thời gian cho nhiệm vụ “làm thân” với những cảm xúc thật của chính mình.


Bạn nên đều đặn tự hỏi bản thân một câu hỏi, dẫu nghe có vẻ đơn giản, nhưng lại vô cùng vĩ đại (grand) và sâu sắc, đó là:

“Hiện tại tôi đang cảm thấy những gì?”


Để rút ra được những câu trả lời có giá trị từ câu hỏi trên, bạn có lẽ nên tìm tới một nơi yên tĩnh – ví dụ như trên giường ngủ – với ánh sáng điều chỉnh ở mức vừa phải, và mình khuyến khích, nên có thêm cả một cây bút và một tập giấy.


Bạn nên nhắm mắt lại, và để cho bản chất cởi mở của câu hỏi trên được tự do tạo nên những tiếng vang trong tâm trí bạn.

Sau một vài khoảnh khắc để nó quét qua những vùng tối tăm nhất trong tâm trí, bạn có thể sẽ nhận lại được một vài gợi ý hữu ích về sự hiện diện của “một thứ gì đó” bên trong màn tối ấy.


Đó có thể là tiếng “sột soạt” của một nỗi lo âu, thứ mà có lẽ thông thường đã được ngụy trang rất khéo léo bằng những cái cười xòa.

Khi bạn tiếp cận nỗi lo ấy, hãy dành ra sự cẩn trọng tương đương với của một người trông nom vườn thú (zoo-keeper) khi họ cần phải tiếp cận một chú hổ đang hoảng loạn vì cái chân đau, để đồng thời, buộc bản thân phải đào sâu hơn vào câu hỏi:

“Tôi đang thực sự lo lắng về điều gì?”


Hay nói theo một cách khác, tiếp nối hình ảnh so sánh kể trên:

“Chú hổ của tôi đang bị thương ở đâu?”


Hoặc, đó cũng có thể là dấu vết của những tổn thương từ một quá khứ xa xăm nào đó – nơi mà bạn có thể đang nghe thấy những tiếng khóc, những tiếng chửi mắng, nhớ về những cái đụng chạm dơ bẩn, những trận đòn đau đớn – của một con người nhỏ bé, của chính bạn, nhưng là một phiên bản ngây thơ (innocence) hơn, đang rất cần tới sự giúp đỡ của bản thân bạn, vào ngay lúc này.


Đây là một quá trình sẽ đòi hỏi nhiều thời gian;

Để giải mã cái cách mà những khoảnh khắc của sự hung hăng, ác ý (meanness), bối rối hoặc buồn đau đã gây ảnh hưởng tới hành trình phát triển nên con người bạn đến tận ngày hôm nay;

Để dành cho sự tự phỏng vấn nội tâm (inner-inquiry) và cả một chút mơ mộng (reverie) nữa;


Vậy nên, mình hy vọng rằng bạn sẽ sẵn sàng tự kiên nhẫn với bản thân trên hành trình này.


Hãy hiểu rằng con người chúng ta không thay đổi một cách dĩ nhiên và đều đặn (steady) – như nước biến thành đá ở 0℃ – cứ gặp điều kiện ấy là sẽ lập tức biến đổi.

Mình tin rằng con người chúng ta thay đổi giống với cách một khu vườn phản ứng với sự thay đổi của thời tiết hơn – từng chút từng chút một, có cây chậm, có cây nhanh; đến khi nhìn lại thì ta sẽ bất ngờ, vì khu vườn mùa xuân đã biến đổi từ lúc nào, và mùa hè thì đã tới.


Bạn cũng nên áp dụng quá trình tương tự với cơ thể của bạn, nơi mà hiện cũng đang có rất nhiều những dòng cảm xúc câm lặng bị vùi sâu dưới vỏ bọc của hai chữ “trách nhiệm”.


Tương tự, bạn cũng có thể tự hỏi:

“Cơ thể tôi hiện đang cảm thấy thế nào?”


Một phiên bản khác (alternative), dù nghe hơi kỳ lạ, nhưng cũng vô cùng hữu ích, đó là:

“Nếu như ngay bây giờ, cơ thể tôi biết nói, thì nó sẽ muốn nói gì với tôi?”


“Nếu vai tôi biết nói, liệu nó sẽ nói gì với tôi?”

“Và ngực tôi, nó sẽ nói gì?”

“Và cánh tay của tôi? Bàn tay của tôi? Đôi chân của tôi? Bàn chân của tôi?”


Biết đâu được đấy, cơ thể của bạn sẽ có thể giúp bạn nhận ra được rằng bạn, có lẽ, đã thức khuya quá nhiều, đã vận động quá ít, đã lái xe quá bất cẩn, hoặc đã hút thuốc quá thường xuyên.


Biết đâu được đấy, cơ thể của bạn sẽ có thể giúp bạn nhận ra được rằng bạn, có lẽ, đang cần những bữa ăn cân bằng dinh dưỡng hơn, tư thế ngồi của bạn cần được sửa lại, hoặc bạn cần phải uống nước lọc thường xuyên hơn.


Biết đâu được đấy, cơ thể của bạn sẽ có thể giúp bạn nhận ra được rằng bạn, có lẽ, đang cần một cái ôm, cần được khóc thật to, hoặc cần được cuộn tròn lại như một em bé mà ngủ thiếp đi.


Sau 10 hoặc 20 phút lang thang trong chính những gì mà chúng ta gọi là “bản thân”, mình hy vọng rằng bạn cũng sẽ có có thể giảm bớt được sự lo lắng và phiền muộn (sorrow) xuất phát từ những cảm xúc chưa từng được bạn cảm nhận, hoặc chối bỏ, trước đây.


Cuối cùng thì, chúng ta cũng sẽ có thể thực sự buồn bã với những gì đã khiến ta u sầu (melancholy);

Thực sự tức giận với những gì đã khiến ta cáu kỉnh (irritable);

Thực sự thương xót (compassionate) với những gì đã khiến ta lo âu.


Cuối cùng thì, chúng ta cũng đã có thể “làm thân” được một chút với chính mình, và hy vọng rằng ta sẽ bắt đầu chân trọng bản thân nhiều hơn một chút.


Cuối cùng thì, trong cuộc sống chắc chắn là vẫn còn nhiều khó khăn và thử thách này, chúng ta sẽ có thể tìm được một vài khoảnh khắc nơi mà ta có thể thực sự cảm thấy thanh thản (peace of mind) và nhẹ nhõm cho bản thân.


“Keep Moving Forward”

Chấp bút và minh họa: Tom.

3 lượt xem0 bình luận

Bài đăng gần đây

Xem tất cả
Bài đăng: Blog2 Post
bottom of page