Những bài học làm cha mẹ mình rút ra từ cha mẹ mình – phần 2
Bài viết này được truyền cảm hứng từ cuốn sách Thị kiến, tác giả sách Stephen King.
Vui lòng KHÔNG SAO CHÉP bài viết và tranh minh họa của mình.

1. Về cơ bản, làm cha mẹ nghĩa là phải biết thế nào là yêu thương (love).
Tình yêu này nên được hiểu là: sự sẵn sàng (willingness) gác lại toàn bộ cuộc sống của bạn trong ít nhất mười lăm năm tới để được là một phần quan trọng trong những trải nghiệm phức tạp và tinh tế vô tận nơi cuộc sống của các con.
Hay nói theo một cách khác, thứ tình yêu này nên xuất phát từ một khái niệm thường là vô cùng xa lạ với phần lớn tất cả chúng ta: sự hy sinh (sacrifice).
2. Hãy biết mềm mỏng (soften) những khi bạn cần nói bất cứ điều gì. Hãy biết tiết chế (moderate) những khi bạn cáu giận. Hãy biết “pha loãng” (attenuate) những nỗi thất vọng trong bạn.
Hãy biết điều chỉnh bản thân.
“Làm cha mẹ”, ở cái nghĩa trần trụi nhất, là một “vai diễn” mà chúng ta cần phải luôn cố gắng, ít nhất, làm tròn vai.
Đừng quên rằng bạn đang có trong vòng tay một sinh linh bé nhỏ và mong manh tới nhường nào.
Các con sẽ luôn chú ý tới bạn và những gì mà bạn làm. Và quan trọng hơn cả, các con sẽ rất dễ tự trách cứ bản thân vì mọi lỗi lầm mà bạn mắc phải.
3. Đứa bé mà bạn sinh ra sẽ tồn tại trên quả đất này trong khoảng 90 năm tới, và cách bạn thực hiện nghĩa vụ làm cha mẹ trong 10 năm đầu tiên sẽ làm nên tất cả những gì là quan trọng nhất trong con người của đứa bé ấy.
Không một ai bắt bạn phải lãnh lấy trách nhiệm này hết.
Bạn đã tình nguyện nhận lấy nó, trên cơ sở mặc nhiên (implicit) rằng bạn có những kỹ năng cần thiết để đảm đương nghĩa vụ kể trên.
Mọi vinh quang của bạn trên hành trình này đều sẽ thuộc về các con, đừng trông chờ ai, ngoài chính các con, tuyên dương bạn vì điều đó; và mọi lỗi lầm của bạn, dẫu cho có thể được bỏ qua (ignore), đều sẽ không được tha thứ.
4. Phấn đấu để, đầu tiên và hơn cả, trở thành một bậc phụ huynh đáng tin cậy (reliable) và nhân từ (humane).
Đây sẽ là hai yếu tố cần thiết để bạn có thể thường xuyên cho phép các con được làm trung tâm của những sự chú ý mà chúng cần, mà không khiến bạn sớm phát rồ – và mình nghiêm túc đấy!
Cứ để bản thân bị cho là “tẻ nhạt” (boring) nếu cần thiết.
Dù sao cũng chẳng có ai ưa một bậc phụ huynh luôn hăm hở quá mức hết.
5. Đừng lôi “30 năm kinh nghiệm sống” của bạn ra để thị uy (intimidate) với con trẻ.
Đây là một kiểu cám dỗ vô cùng to lớn với tất cả người lớn chúng ta, bạn nên sớm nhận thức được về sự hiện diện của tất cả những cám dỗ ấy và tìm cách dập tắt chúng từng cái một.
Đương nhiên, các con sẽ rất cần tới sự dìu dắt (guidance) của bạn, nhưng đừng để cái ý nghĩ chỉ vì bạn lớn hơn con 20 tuổi, hoặc 25 tuổi, hoặc 30 tuổi (hoặc số nào thì cũng thế) khiến bạn tin rằng bạn là người có quyền được đánh giá thấp những vấn đề mà các con đang phải đối mặt trong cuộc sống riêng của chúng.
6. Đừng bao giờ thù hằn các con vì chúng có thể sẽ có một cuộc đời tốt đẹp hơn bạn.
Hãy để các con được thông minh hơn bạn, được thành công hơn bạn, và, quan trọng nhất, được hạnh phúc hơn tất cả những gì bạn đã từng có.
Ấy là một vinh quang, không bao giờ là một nỗi sỉ nhục.
7. Nếu có bất cứ điều gì mà thế hệ chúng ta, nhất định, cần phải làm tốt hơn thế hệ cha mẹ của ta thì đó là về chuyện giáo dục giới tính cho các con.
Bạn nên cảm thấy kiên định về giới tính của bản thân trước.
Chủ động tìm hiểu và có những góc nhìn cởi mở về sự đa dạng tính dục (sexual and gender diversity) là rất đáng được hoan nghênh.
Đừng kéo con trẻ vào trong nỗi cô đơn của bạn.
Cũng đừng xem các con như là bia đỡ đạn cho những nỗi thù ghét và e sợ vốn dĩ chỉ xuất phát từ sự thiếu hiểu biết của bạn mà ra.
8. Cố gắng hòa thuận với người bạn đời của bạn – và (thỉnh thoảng) khi bạn không còn có thể, thì hãy ghét họ thật lịch sự.
9. Hiểu rõ rằng ở con trẻ sẽ luôn có sự hiện diện của những hành vi xấu và hành vi xấu sẽ luôn là dấu hiệu cho thấy có gì đó bị thiếu sót; cố gắng tìm ra cái thiếu sót ấy là cái gì.
10. Thay vì đòi hỏi các con phải luôn “ngoan” (good) khi ở gần bạn, thì hãy khuyến khích để các con được “chân thật” (real) khi có bạn ở bên.
11. Đôi khi, làm cha mẹ cũng có nghĩa là bạn sẽ cần phải dám bị ghét.
Hãy sẵn sàng trở thành một “kẻ xấu” nếu đó là cái giá phải trả để hướng các con tới những gì mà chúng cần, thay vì luôn chỉ đơn giản là những gì mà chúng muốn.
12. Bất chấp cho mọi sự chuẩn bị và mọi điều đã làm, bạn – giống như mọi bậc làm cha mẹ khác – rồi cũng sẽ thất bại thảm hại trong nhiệm vụ trở thành “một phụ huynh lý tưởng” cho chính những đứa con của bạn.
Hãy chuẩn bị tinh thần cho sự thất bại đáng kể này – bởi nó sẽ như cây đàn piano bất thình lình rơi thẳng xuống, đè bẹp bạn ngay những khi ít phòng bị nhất.
13. Đến cuối cùng, có lẽ chỉ có một bài học là quan trọng nhất mà thôi, chứ chẳng phải là mười hai:
Hãy hết lòng mà yêu thương các con.
“Keep Moving Forward”
Chấp bút và minh họa: Tom.