top of page

Nghỉ ngơi mà không lười biếng?

Ngày cuối năm vừa rồi, Tom có đăng 1 dòng status trên page Facebook với nội dung là: "Thành tựu lớn nhất của năm 2021: Học được cách nghỉ ngơi mà không lười biếng". Vì mình thấy có nhiều bạn comment tò mò với cái "thành tựu" này của mình nên hôm nay mình viết 1 bài chia sẻ nó đến với mọi người.


Bạn đang nghỉ ngơi? Hay bạn đang lười biếng?

Với mình, "nghỉ ngơi" là khi con người ta tạm thời ngừng một hoạt động nào đó, mục đích thường là để lấy lại sức khỏe, lấy lại tinh thần. Nghỉ ngơi cũng bao gồm cả việc ngủ có giờ giấc và giải trí có kế hoạch.


"Lười biếng" thì là từ để chỉ trạng thái không thích, ngại làm việc, không chịu cố gắng. Nghỉ ngơi thường là cái cớ để đem ra để bao biện cho sự lười biếng. Lười biếng rất dễ hình thành nên thói quen, và nó là một thói quen xấu, nó cũng thường là nguyên nhân dẫn đến các xung đột trong cuộc sống và công việc của bạn. Đứng trước những cám dỗ của sự lười biếng, bạn cần phải biết lựa chọn khôn khéo để không trở thành một phiên bản thấp kém hơn của chính mình.


Liệu bạn có đang quá dễ dãi với bản thân?

Nguồn cơn lớn nhất của sự lười biếng có lẽ đến từ yếu tố chủ quan. Thái độ hời hợt với công việc và sự dễ dãi mà mình tự ban cho bản thân đã từng là cái gốc cho mọi sự lười biếng ở cá nhân mình. Mình đã từng kiếm rất nhiều lý do để có thể lười biếng như chờ có hứng, chờ tới đúng lúc, làm nốt việc này đã, chơi nốt cái này đã,... để trì hoãn công việc và để bản thân được "nghỉ ngơi" thêm. Đến cuối cùng, mình sẽ thường phải gánh chịu hậu quả vì mình đã đánh giá thấp mức độ phức tạp của phần công việc và đánh giá quá cao tiềm lực của bản thân.


Tư tưởng tự dễ dãi với chính mình cũng có thể có nguồn gốc từ việc được gia đình nuông chiều và bao bọc từ bé. Từ đó, những người được chăm bẵm quá kỹ lưỡng sẽ thường có mong muốn ỷ lại, ngại đối mặt với khó khăn thử thách.


Biết chấp nhận và ý thức được rằng cái gốc rễ của thói lười biếng đến từ chính bản thân mình có lẽ là bước đầu tiên đã giúp mình tìm ra các phương pháp nghỉ ngơi hợp lý, để không còn lười biếng nữa.


Ngược lại thì sao? Bạn có đang quá khắt khe với bản thân không?

Các bạn cũng nên biết rằng, căng thẳng và áp lực trong cuộc sống cũng có thể là nguyên nhân lớn dẫn đến thói quen lười nhác. Có thể bạn đang phải theo học một ngành nghề mà bạn không mấy hứng thú, hoặc có lẽ bạn đang làm những công việc vắt kiệt sức lực và tinh thần của bạn mỗi ngày,... Tất cả những thứ áp lực, căng thẳng như trên đều có thể khiến cho cơ thể và tâm trí bạn luôn trong trạng thái mệt mỏi, uể oải, dần dần sẽ có thể tạo nên cái sự lười, sự nản chí.


Ngày nay, "lười" cũng là cái mác người ta gán cho rất nhiều thứ một cách vô lý. Bạn lười vì bạn không dậy sớm mỗi ngày? Bạn lười vì bạn không đi học thêm? Bạn lười vì bạn chỉ thích ở trong nhà? Đương nhiên là cũng tùy vào hoàn cảnh mà những lời đánh giá trên có thể đúng hoặc sai. Việc nó đúng hay sai thì sẽ hoàn toàn phụ thuộc vào chính cách các bạn kiểm soát cuộc sống đời tư của mình nữa.


Đừng vì thế giới này mà khắt khe với bản thân, hãy vì chính mình mà biết cách làm điều đó cho đúng.


Nghỉ ngơi hợp lý. Nên và không nên.

Sau đây là một số hình thức nghỉ ngơi mà mình thường áp dụng hằng ngày. Các bạn có thể tham khảo và điều chỉnh sao cho phù hợp với lối sống, cũng như là nhịp sinh hoạt của các bạn nhé.

Tránh sử dụng mạng xã hội như một hình thức giải trí.

Đây là lời khuyên chân thành đến từ một kẻ đã từng bị nghiện mạng xã hội là mình. Đã bao giờ các bạn ngồi lướt các trang mạng xã hội một cách vô thức, tưởng như mới ngồi nghỉ được có 5-10p thôi nhưng thực ra đã hàng giờ trôi qua rồi hay chưa? Các loại mạng xã hội được thiết kế ra để làm điều đó, để thu hút sự tập trung của bạn vào chiếc màn hình. Thay vào đó, mình khuyên các bạn nên sử dụng mạng xã hội một cách khôn khéo hơn, đem chúng về với nhiệm vụ cao đẹp nguyên thủy của chúng là giúp kết nối con người với con người và hỗ trợ chúng ta học hỏi lẫn nhau một cách dễ dàng hơn.

Tập thói quen lên lịch trình hoạt động cho mỗi ngày. Học cách kiểm soát thời gian.

Có những đêm bị deadline dí, mình đã từng không ít lần than thở và ước gì một ngày có nhiều hơn 24 tiếng đồng hồ, để mình sẽ có thêm chút thời gian hoàn thành công việc, bù đắp cho những lúc lười biếng.


Sau khi đã tập được thói quen lên lịch cho những hoạt động quan trọng trong ngày, mình cũng đã có thể kiểm soát thời gian tốt hơn, hoàn thiện được công việc trong khoảng thời gian hợp lý hơn và có nhiều thời gian để nghỉ ngơi hơn. Hóa ra 24 tiếng trong một ngày là không hề ít nếu như các bạn biết cách tận dụng chúng. Cá nhân mình thích sử dụng sổ tay để viết lịch. Các bạn cũng hoàn toàn có thể bắt đầu luyện tập thói quen này ngay từ hôm nay với các app ghi chú có sẵn trong điện thoại thông minh của các bạn đó.


Áp dụng kỹ thuật Pomodoro.

  • Bạn đặt đồng hồ cho 25p và tập trung tối đa cho việc cần làm mà không bị gián đoạn.

  • Bạn nghỉ 5p, sau đó lại tiếp tục lặp lại quá trình này 4 lần.

  • Sau lần thứ 4, bạn có thể nghỉ 15-20p hoặc lâu hơn.

Đây có lẽ là một kỹ thuật làm việc kết hợp nghỉ ngơi không còn mấy xa lạ nữa rồi ha. Mặc dù một vài người bạn của mình feedback rằng kỹ thuật này không có nhiều tác dụng cho lắm. Nhưng vì mình thấy nó rất hiệu quả đối với mình nên mình vẫn muốn chia sẻ nó với các bạn.

Nghỉ ngơi bằng việc học. Thư giãn bằng các hoạt động thiết thực.

Nghe rất chi là vô lý các bạn nhỉ? Sao nghỉ mà lại còn phải học? Đã nghỉ mà lại còn hoạt động?


Với cá nhân mình, học hỏi là việc cần làm suốt đời, vậy nên mình cũng thường xuyên lựa chọn các hình thức giải trí mang tính bổ ích một chút cho những lúc nghỉ ngơi. Mình thường lựa chọn xem YouTube. Các kênh của Ted và PBS studio là những nơi mình thường tìm đến, vừa mang tính giáo dục cao mà lại vừa có tính giải trí. Đọc sách thường xuyên cũng là một thói quen tốt mà mình rèn luyện được trong những lúc nghỉ ngơi.


Ngoài ra, mình biết có rất nhiều người lựa chọn thư giãn bằng các loại hoạt động như chơi thể thao, tập thể dục, tập gym hay tập yoga. Mình tin đây cũng là những sự đầu tư chính đáng vào bản thân mà các bạn sẽ không bao giờ hối tiếc.

Nghỉ ngơi với đam mê và sở thích của bạn.

Mình thuộc nhóm người mà có loại sở thích không kiếm được ra tiền, nên sở thích với mình cũng chỉ mãi là sở thích. Vì mình mê thời trang nên cũng dành nhiều thì giờ để xem và đọc nhiều tài liệu về mảng này. Chắc các bạn cũng nhận ra là khi các bạn được làm những việc liên quan tới đam mê thì cũng thường là lúc các bạn trở nên "năng suất" nhất và thư giãn nhất đúng không nào.


Mình tin là thời gian các bạn dành cho đam mê và sở thích của các bạn thì sẽ không bao giờ là lãng phí đâu, hãy cứ tự tin theo đuổi chúng các bạn nhé.


Đừng quá sức.

Cố quá là quá cố. Làm việc ngày hôm nay nhưng cũng hãy biết nghĩ cho bản thân mình của ngày mai một chút. Ăn no 3 bữa, ngủ đủ 8 tiếng là những điều cơ bản mà cơ thể bạn cần để nó tiếp tục cống hiến cho chính bạn.


Với mình, ăn, tắm và ngủ chính là những lúc nghỉ ngơi có ý nghĩa nhất. Vì mình biết nhờ chúng mà mình của ngày mai sẽ lại có thể tiếp tục cố gắng nhiều hơn mình của ngày hôm nay.


Hãy thẳng thắn và quyết đoán với chính mình.

Đôi khi, các bạn lười là bởi vì các bạn không thực sự cảm thấy có hứng thú hoặc động lực để làm phần việc đó. Những lúc hiểu được như vậy, mình khuyên các bạn hãy thẳng thắn tự hỏi bản thân xem bạn đang thực sự mong muốn điều gì.


Hay những khi bạn cảm thấy rằng dù mình có cố gắng bao nhiêu, sau 1 thời gian chăm chỉ, cái lười nó vẫn trở lại đeo bám bạn. Thì mình khuyên bạn hãy biết quyết đoán đưa ra lựa chọn đúng đắn cho bản thân.


Hãy biết kỷ luật chính mình để mỗi khi nhìn lại, bạn sẽ chỉ cảm thấy tự hào vì bản thân chứ không phải những điều nuối tiếc.


Chấp bút: Tom.

5 lượt xem0 bình luận

Bài đăng gần đây

Xem tất cả
Bài đăng: Blog2 Post
bottom of page