top of page

Nghệ thuật từ chối - Khi nào ta nên nói "KHÔNG!"

Đã cập nhật: 26 thg 9, 2022



Từ khi ta còn nhỏ, từ “KHÔNG” đã luôn gắn liền với sự từ chối (rejection), hay thậm chí là cự tuyệt (denial).

  • “Con có thể ăn thêm kẹo được không?” – KHÔNG!

  • “Con có thể có món đồ chơi đó được không?” – KHÔNG!

  • “Con có thể không đi học ngày hôm nay được không?” – ĐƯƠNG NHIÊN LÀ KHÔNG!!!


“KHÔNG” dường như là từ mà mọi đứa trẻ đều không muốn phải nghe.

Trong tâm trí non nớt của chúng, đó là từ tượng trưng cho sự “hủy diệt” của niềm vui.

Mình đã luôn thắc mắc, phải chăng đó cũng là lý do khiến cho người lớn chúng ta sợ phải nói và nghe từ “KHÔNG” tới vậy?


Bạn đã bao giờ trải qua sự khó khăn của việc nói ra từ “KHÔNG” với ai đó hay với điều gì đó chưa?

Mình nhận ra rằng sự khó khăn này hầu như không hề giảm nhẹ đi ngay cả khi ta biết rằng nó đang khiến ta không vui (unhappy) hoặc gây ảnh hưởng tới sức khỏe thể chất và tâm lý của ta.


Một lý do khả dĩ nữa cho vấn đề này đó là do people pleaser – thói chiều lòng đón ý người khác tiêu cực.

Và như một kết quả tất yếu, bạn sẽ nhanh chóng cảm thấy kiệt sức vì luôn phải gò ép bản thân làm theo kỳ vọng của người khác, đồng thời không thể từ chối bất cứ điều gì.


Xem thêm bài viết: People Pleaser – Làm sao để ngừng chiều lòng người một cách tiêu cực?


Mình tin rằng khả năng nói “KHÔNG” cũng là một kỹ năng quan trọng không thua kém khả năng nói “CÓ” đối với người trẻ chúng ta trong thời đại ngày nay.


Trong bài viết ngày hôm nay, mình muốn chia sẻ với bạn những tình huống mà mình sẽ luôn cân nhắc nói “KHÔNG”.

Các bạn có thể coi bài viết này như là lời gợi ý để giúp bạn trả lời cho câu hỏi: Khi nào thì ta nên nói “KHÔNG”?


Đương nhiên, trong bất cứ tình huống hay hoàn cảnh nào, mình cũng khuyên bạn hãy nói “KHÔNG” với sự bình thản, lịch sự và tôn trọng dành cho đối phương.

Bạn cũng không nhất thiết cứ phải nói ra từ “không”; mà thông điệp của bạn nên hướng tới mục tiêu đặt một làn ranh giới giữa bạn và những việc mà bạn cho là “không hợp tình, hợp lý” hay “quá đáng”.


Bí quyết tối hậu của mình đó là: Hãy luôn chia sẻ sự thật một cách tử tế.


Và do mình tin rằng nói “KHÔNG” với bản thân cũng quan trọng không kém nói “KHÔNG” với người khác, nên bài viết này sẽ bao gồm 2 phần nội dung lớn như trên.

Mình hy vọng sau bài viết này, bạn sẽ có thể có một cái nhìn mới về từ “KHÔNG”. Rằng nó không nhất thiết phải luôn gắn liền với sự từ chối hay cự tuyệt, mà nó còn có thể là làn ranh giới giúp ta bảo vệ sức khỏe thể chất và tâm lý của chính mình.


Nói “KHÔNG” với người khác

1. Nói “KHÔNG” với những người toxic

Người toxic (toxic people), theo mình, là những người có những hành vi mang thêm nhiều tính tiêu cực (negativity), buồn đau, phiền lụy (upset) vào cuộc sống của bạn.

Mình tin rằng chúng ta luôn có toàn quyền được nói “KHÔNG” với bất cứ ai đang gây ra những sự căng thẳng và buồn phiền xung quanh ta.


Tính toxic (toxicity) tạo ra không gì hơn ngoài tính tiêu cực.

Mà tính tiêu cực thì thường lây lan rất nhanh chóng nếu như bạn không dám đối diện và thẳng thắn với những người toxic ấy trong cuộc sống của bạn.


Hãy dành nhiều thời gian hơn với những người đem lại sự tích cực – những người có khả năng tiếp thêm năng lượng và niềm vui cho bạn.

Theo trải nghiệm của cá nhân mình, với sự đồng hành của những người tích cực ở cạnh bên, việc nói “KHÔNG” với những kẻ toxic dường như trở nên dễ dàng hơn đó.


2. Nói “KHÔNG” với những người làm ta lãng phí thời gian

Đây là một trong những bài học mà mình rút ra được từ cuốn sách Tuần làm việc 4 giờ của tác giả Timothy Ferriss.

Trong sách, tác giả nêu lên ví dụ điển hình cho những người hay khiến ta lãng phí thời gian là người thường vòng vo khi trao đổi thông tin với ta.


Họ là những người thường mất thời gian của ta vào những chuyện như chào hỏi, mào đầu hoặc hỏi han; thay vì nhanh chóng đi thẳng tới vấn đề.

Cũng từ cuốn sách này mà mình đã học được rằng để nói “KHÔNG” với những người này thì ta không nên khuyến khích họ nói chuyện tào lào và đừng để họ làm vậy vào những lúc cần trao đổi thông tin nghiêm túc.


Thay vào đó, ta hãy khéo léo đưa họ thẳng vào vấn đề ngay thì sẽ có lợi hơn cho cả đôi bên.


3. Nói “KHÔNG” với những người khiến ta cảm thấy không an toàn

Đây là những người luôn khiến cho bạn cảm thấy sợ hãi và lo lắng.

Họ luôn khiến bạn cảm thấy như bạn không thể nói gì trái ý họ hay làm gì đó khiến họ phật lòng. Tệ hơn cả là nỗi sợ này cũng thường khiến bạn không dám cắt đứt mối quan hệ với họ.


Có lẽ cũng khỏi cần mình phải nói, chúng ta đều biết rằng ta không nên ở gần những con người luôn khiến ta phải sợ hãi cho chính bản thân ta.

Bạn có thể sẽ cảm thấy như không có cách nào khác ngoài nói “CÓ” với những người này, bởi lẽ bạn lo lắng về hậu quả nếu như bạn nói “KHÔNG”.


Mình tin rằng sự an toàn là trên hết.

Bạn có quyền được sống trong cảm giác an toàn và an tâm với những người mà bạn lựa chọn để đưa vào trong vòng tròn mối quan hệ của bạn.


4. Nói “KHÔNG” với những người không xem trọng cảm xúc và tình cảm của ta

Cá nhân mình tin rằng nếu một người đã không xem trọng cảm xúc và tình cảm của mình thì cũng đồng nghĩa với việc họ không xem trọng mình chút nào.

Theo mình, sự không xem trọng này có thể bao gồm những việc như chê cười bạn, xem nhẹ bạn, hay tệ hơn cả là lợi dụng bạn.


Bạn xứng đáng có được sự tự do để bộc lộ những giá trị bên trong của bạn, qua các hình thức như là từ ngữ, trí tưởng tượng, hay óc sáng tạo.

Nếu như bạn cảm thấy cảm xúc và tình cảm của bạn không hề quan trọng với đối phương, có lẽ đã đến lúc bạn nên cân nhắc lại về vị trí của họ trong lòng bạn.


5. Nói “KHÔNG” với những mối quan hệ không lành mạnh

Nối tiếp với ý trên, những mối quan hệ không lành mạnh (unhealthy relationship) cũng thường khiến bạn cảm thấy như cảm xúc và tình cảm của bạn không được đối phương xem trọng.


Một số dấu hiệu khác của một mối quan hệ không lành mạnh bao gồm có:

  • Bạo hành về mặt cảm xúc / thể chất / tình dục.

  • Giao tiếp kém.

  • Lợi dụng về mặt tài chính.

  • Không hạnh phúc.

  • Không có sự tin tưởng.

  • Kiểm soát.

  • Gaslighting.

  • Thiếu tôn trọng.

  • Ghen tuông.


Cá nhân mình tin rằng, nếu như bạn không thể tìm được hạnh phúc và thấu hiểu lẫn nhau từ một mối quan hệ nào đó, thì bạn cũng không cần phải có nghĩa vụ tiếp tục ở lại trong mối quan hệ đó làm chi.


Trong một mối quan hệ, giao tiếp là tối quan trọng để chúng ta có thể trở nên thấu hiểu và đồng điệu với nhau trong mọi điều.

Hãy luôn tự hỏi rằng bạn và đối phương đã có thể trao đổi lành mạnh và chân thành với nhau hay chưa trước khi bạn quyết định đồng tình hay phản đối họ.


Nói “KHÔNG” với bản thân

6. Nói “KHÔNG” với việc so sánh bản thân với người khác

Bạn có thường hay bị ám ảnh bởi những gì người khác đang làm, đã làm hoặc đang có hay không?

Nhà thơ Oscar Wilde từng viết:

Hãy là chính mình. Bởi những người khác đã là họ rồi.

Trong cuốn sách Lối sống tối giản của người Nhật, tác giả Sasaki Fumio có chia sẻ quan điểm rằng:

Con người luôn nghĩ rằng bãi cỏ của hàng xóm xanh hơn bãi cỏ nhà mình. Thực ra tự bản thân bãi cỏ chẳng bận tâm xem bãi cỏ nhà hàng xóm có màu xanh da trời hay màu xanh lá cây. Mà để ý ở đây chính là chủ của bãi cỏ.


Cũng từ cuốn sách trên mà mình đã bước đầu học được bài học rằng: Chúng ta không nên lãng phí thời gian vào việc so sánh những thứ vốn đã chẳng thể so sánh được.


Bản thân chúng ta, cũng như mỗi người mà ta gặp gỡ, đều là những cá nhân độc nhất và đặc biệt theo một cách nào đó.

Giữa chúng ta có những sự khác biệt thú vị.

Và mình tin rằng sự đa dạng trên chính là vẻ đẹp kỳ diệu nhất của cuộc sống.


Sau tất cả, mỗi người chúng ta đều có khuyết điểm, ưu điểm và năng lực riêng.

Vậy nên mình tin rằng chúng ta nên dành nhiều tâm huyết hơn cho sự hợp tác (collaboration) và tương trợ lẫn nhau, thay vì ganh đua (competition) và so sánh hơn thua.


7. Nói “KHÔNG” với những suy nghĩ tiêu cực

Đây là thứ mà cá nhân mình gặp rất nhiều khó khăn để đương đầu trong cuộc sống.

Mình là người thường có xu hướng suy nghĩ mọi thứ theo chiều hướng tiêu cực, hoặc suy nghĩ tiêu cực thường là những ý nghĩ đầu tiên hiện lên trong đầu mình khi mình tư duy về một vấn đề nào đó.


Mình tin rằng nhiều bạn trẻ khác cũng có thể đồng cảm với mình trong khía cạnh này.

Thật dễ để bị cuốn vào dòng xoáy của những suy nghĩ như: “Giá như…”, “Biết đâu…” hay “Có thể…”


Đây cũng là một hình thức biểu hiện của self-hatred, hay cụ thể là tính tự ghét bản thân.

Và mình đã phải mất rất lâu để học được rằng: tự ghét và tự trách móc bản thân thường sẽ chẳng thể giúp mình giải quyết được vấn đề trước mắt.

Mà ngược lại, làm thể chỉ tổ khiến mình tự che mắt bản thân khỏi những cơ hội tiềm năng khác mà thôi.


Xem thêm bài viết: Self-hatred hủy hoại con người như thế nào?


Mình tin rằng khi suy nghĩ về lỗi lầm và những khuyết điểm của bản thân, ta nên tìm cách để rút kinh nghiệm, chứ không nên luôn chỉ biết chỉ trích (critical) chính mình.


Đừng quên gợi nhắc bản thân nhớ về những khía cạnh mà bạn đã làm tốt, đồng thời tự hỏi xem còn điểm nào mà ta cần phải khắc phục.

Tái định hình góc nhìn và suy nghĩ của bạn về bản thân theo một chiều hướng tích cực hơn, chắc chắn cũng sẽ thay đổi góc nhìn và suy nghĩ của bạn về cuộc sống đấy.


Xem thêm bài viết: Phải làm sao khi suy nghĩ của bạn quá tàn nhẫn?


8. Nói “KHÔNG” với sự lãng phí thời gian

Ta thường tự làm lãng phí thời gian của bản thân còn nhiều hơn cả người khác làm lãng phí thời gian của ta nữa.

Đây cũng là một bài học nữa mà mình đã rút ra được từ cuốn sách Tuần làm việc 4 giờ của tác giả Timothy Ferriss.


Bạn có thường hay ngồi chờ đợi những thứ như “cơ hội” hay “cảm hứng” rồi mới bắt tay vào làm hay không?

Hay bạn có thường để bản thân bị xao nhãng quá mức bởi những đầu việc không đâu như là lướt mạng xã hội hay không?


Tác giả Timothy Ferriss có chia sẻ rằng:

Đối với những việc quan trọng nhất thì việc tính toán thời gian cho chúng là không hiệu quả. Những ngôi sao sẽ không bao giờ thẳng hàng và tất cả đèn giao thông không bao giờ chuyển sang màu xanh cùng một lúc. Trái đất này không chống lại bạn, nhưng nó cũng sẽ không thay đổi để mở đường cho bạn. Không bao giờ có tất cả các điều kiện hoàn hảo. Căn bệnh “Một ngày nào đó” sẽ giết chết cả bạn và giấc mơ của mình.

Chúng ta đều biết rằng ta không thể lấy lại thời gian bị lãng phí và chắc chắn là cũng không thể tái sử dụng chúng.

Hai tiếng đồng hồ dành cho sự chờ đợi vô ích và các hoạt động vui vẻ nhất thời cũng sẽ là hai tiếng đồng hồ của cuộc đời mà bạn không thể rút lại.


Cá nhân mình tin rằng chúng ta nên luôn tìm cách để tạo nên giá trị ý nghĩa từ những phần thời gian mà chúng ta sử dụng.

Giá trị đó không cần phải là những thứ lớn lao như là khởi nghiệp hay sáng tác ra một tác phẩm nghệ thuật nào đó.

Đó thậm chí không cần phải là những giá trị bạn dành cho người khác mà còn có thể là những giá trị bạn tự tạo ra cho bản thân bạn.


Bạn có thể tìm thấy những giá trị như vậy trong các hoạt động như tập thể dục, chơi thể thao, viết lách, đọc sách, thiền, nấu ăn,...


Thời gian là vàng bạc, và đó cũng là lý do khiến cho chúng ta thường cảm thấy như ta không có đủ thời gian.

Vậy nên đừng lãng phí nó bạn nhé.


Xem thêm bài viết: 5 lời khuyên giúp bạn quản lý thời gian hiệu quả hơn.


9. Nói “KHÔNG” với việc để người khác đưa ra quyết định thay cho bạn

Theo quan điểm của mình, tính phụ thuộc (codependency) chính là nguồn cơn thực sự gây nên thói people pleaser tiêu cực.

Nó là lý do khiến cho chúng ta thường tin tưởng một cách mù quáng vào ý kiến của người khác, để rồi quên mất rằng bản thân chúng ta cũng có những ý kiến riêng.


Dù cho bạn có làm công việc gì, bạn nói gì, ăn mặc thế nào, trông ra sao,... mọi người sẽ luôn có ý kiến về bạn.

Và trong rất nhiều trường hợp, họ có thể sẽ muốn bạn phải tuân thủ (conform) theo “lý tưởng” của họ.


Mình tin rằng việc tốt nhất chúng ta có thể làm cho bản thân là tìm cách phớt lờ những tiếng nói không có tính xây dựng; và có thể, vào những lúc cần thiết, ta nên thẳng thắn nói “KHÔNG” với những người này.

Ta nên cho họ biết rằng ta cũng có lý tưởng riêng, rằng đây là những gì mà ta tin tưởng bản thân sẽ làm được và thực sự yêu thích.


Hay như trong cuốn sách Meditations, hoàng đế La Mã Marcus Aurelius có viết:

Everything we hear is an opinion, not a fact. Everything we see is a perspective, not the truth.

10. Nói “KHÔNG” với sự cố định

“Sự cố định” mà mình đang muốn nói tới ở đây là tất cả những gì thoải mái và thân thuộc đang ngăn cản bạn phát triển và trở thành một phiên bản tốt hơn của bản thân.


Đây là một trong những khía cạnh thường hay được bàn luận khi nhắc tới hai khái niệm là “tư duy phát triển” (growth mindset) và “tư duy cố định” (fixed mindset).


Ý mình không phải muốn nói rằng “thoải mái” và “thân thuộc” là xấu.

Nhưng nếu bạn cảm thấy chúng hình thành nên một bức tường kiểu như “vòng an toàn” khiến bạn lười biếng, không còn muốn thử nghiệm hay học hỏi những điều mới nữa, hoặc tiếp cho bạn những lý do để không thay đổi vì bản thân thì có lẽ bạn nên xem xét lại đó nha.


Một ví dụ điển hình đó là việc bỏ những thói quen xấu như hút thuốc lá chẳng hạn.

Những điếu thuốc cho bạn cảm giác thoải mái và thân thuộc vậy nên nó thường cho bạn những lý do kiểu như “nghiện lâu rồi thì bỏ làm sao được” hay “mọi người ở cơ quan đều hút thuốc nên mình cũng nên hút thuốc” để bạn sớm đầu hàng trong ý định muốn bỏ thuốc.


Tương tự, còn có rất nhiều trường hợp khác mà sự cố định của “thoải mái” và “thân thuộc” có thể ngăn cản bạn phát triển bản thân.

Ví dụ như khi bạn mắc kẹt trong một mối quan hệ không lành mạnh, một công việc mà bạn chẳng lấy gì làm hứng thú, một quan điểm cổ hủ và độc hại; hay cả những thói quen xấu khác như thói trì hoãn, nghiện mạng xã hội, lạm dụng rượu bia, chất kích thích,...


Mình nhận ra rằng, nếu chúng ta để bản thân bám víu vào một vòng an toàn quá lâu thì ta sẽ thường có xu hướng tự thuyết phục mình rằng mọi thứ ở bên ngoài chiếc vòng đó đều quá khó, hoặc quá đáng sợ để ta thử nghiệm và chấp nhận.


Vậy nên, mình tin rằng điều quan trọng ở đây là chúng ta nên tìm cách phân biệt rõ ràng giữa những sự an toàn có lợi và những sự an toàn đang gây bất lợi cho sự phát triển của ta.



***

Như đã chia sẻ ở đầu bài viết, mình tin rằng nói “KHÔNG” là một kỹ năng quan trọng, vậy nên mình cũng sẽ khuyến khích bạn thường xuyên luyện tập kỹ năng này với những tình huống mà bạn cho rằng là “không hợp tình, hợp lý” hoặc “quá đáng” trong cuộc sống của bạn nhé.


Trong cuốn sách The Practice: Ta giấu sáng tạo ở đâu?, tác giả Seth Godin có chia sẻ rằng:

Để có thể nói “không” theo một cách kiên định và phóng khoáng, phải có điều gì đó khiến bản thân nói “có”.


Đến cuối cùng, nghệ thuật nói “KHÔNG” đối với mình không phải là để tạo ra cái cớ cho mình luôn chỉ biết nói “không”.

Nó không nên được sử dụng để mình trốn tránh trách nhiệm hay đổ trách nhiệm lên cho người khác.


Nghệ thuật nói “KHÔNG”, theo quan điểm của mình, là một kỹ năng quan trọng giúp mình luôn có thể cân nhắc cẩn thận trước khi đưa ra quyết định nên nói “không” hay nói “có” với bất kỳ ai.

Và quan trọng hơn cả, nghệ thuật nói “KHÔNG” chính là lý do giúp mình có thể luôn nói “CÓ” với sự thẳng thắn và mãn nguyện.


“Keep Moving Forward”

Chấp bút: Tom.

6 lượt xem0 bình luận

Bài đăng gần đây

Xem tất cả
Bài đăng: Blog2 Post
bottom of page