top of page

Nghệ thuật “đánh cắp” ý tưởng - 8 bài học về sáng tạo mình rút ra từ cuốn sách này.

Tác giả sách: Austin Kleon.

Số trang: 150.

Thể loại: Sách kỹ năng.

Đánh giá: Rất hay.



Ý định ban đầu của mình là sẽ gộp 3 cuốn sách nhỏ của tác giả Austin Kleon vào chung 1 bài review luôn, nhưng vì mỗi cuốn sách trong bộ 3 này đều quá đặc biệt và thú vị, vậy nên mình sẽ chia chúng ra thành 3 bài viết ngắn để chia sẻ lại với các bạn.


Cuốn sách đầu tiên mà mình đọc trong bộ 3 là cuốn Nghệ thuật “đánh cắp” ý tưởng. Cái tên của cuốn sách này gần như là thu hút mình ngay lập tức với từ “đánh cắp” được tác giả nhấn mạnh ở tiêu đề.

Với những kỹ năng “đánh cắp” điệu nghệ được tác giả Austin Kleon chia sẻ trong cuốn sách nhỏ này, mình đã có thể có thêm nhiều góc nhìn mới về phương pháp phát triển sự sáng tạo bên trong bản thân mình.


Nội dung.

Đây là một cuốn sách khá nhỏ và mỏng, chỉ với khoảng 150 trang. Bạn hoàn toàn có thể đọc hết nó trong một buổi tối rảnh rỗi.

Tiêu đề phụ của cuốn sách là “10 bí mật không ai nói với bạn về sáng tạo”, vậy nên nội dung của sách cũng sẽ được chia thành 10 chương, mỗi chương lại bao gồm nhiều đầu mục nhỏ.


Sau đây, mình sẽ chia sẻ với các bạn 8 bài học thú vị nhất mà mình đã rút ra được từ cuốn sách này.


1. Không có gì là nguyên gốc cả

Mình tin rằng đây chính là cái ý tưởng ban đầu để tác giả Austin Kleon viết nên cuốn sách này. Tại đây, tác giả có viết:

Chẳng có gì xuất phát từ hư vô.

Và bởi lẽ chẳng có gì là nguyên gốc cả, vậy nên mọi ý tưởng mới chỉ là một hỗn hợp hay một bản phối lại của một hay nhiều ý tưởng trước đó mà thôi. Đây là khái niệm được tác giả gọi là “Phả hệ của những ý tưởng”.


Để tạo nên được phả hệ ý tưởng của riêng mình, chúng ta nên bắt đầu luyện tập thói quen sưu tầm có chọn lọc những ý tưởng chất lượng và theo dõi những con người mà chúng ta thực sự cho là có khả năng truyền cảm hứng cho công việc của mình.

Ta càng thu thập được nhiều ý tưởng hay, ta càng có nhiều sự lựa chọn cho những ý tưởng sẽ ảnh hưởng tới chúng ta.


2. Đừng đợi đến khi biết mình là ai mới bắt đầu

Mình rất thích một câu văn mà tác giả Austin Kleon viết trong mục này, đó là:

Bạn đã sẵn sàng rồi. Bắt tay vào sáng tạo thôi.

Đây cũng là câu nói mà mình thường dùng để tự động viên bản thân mỗi khi sợ hay ngại phải bắt đầu một phần việc nào đó.


Cũng chính trong chương sách này, mình đã học được bài học rằng: chính trong quá trình sáng tạo và làm việc, chúng ta sẽ tìm ra được mình là ai.

Tác giả khuyên chúng ta hãy bắt đầu bắt chước, bởi lẽ không một ai sinh ra đã có phong cách hay tiếng nói riêng cả. Hãy học hỏi và bắt chước phong cách, và cả lối suy nghĩ đằng sau những phong cách mà bạn mong muốn được trở thành nữa.

Ở phần này, tác giả cũng nhấn mạnh về sự khác biệt giữa “đánh cắp tích cực” và “đánh cắp tiêu cực”.


Điều chúng ta, những người đang học làm sáng tạo, nên làm đó là đánh cắp tích cực, đó là khi mà chúng ta có thể tôn vinh, nghiên cứu, tham khảo từ nhiều nguồn, giữ nguồn, biến đổi và phối lại các ý tưởng cần thiết.


3. Viết cuốn sách bạn muốn đọc

Ý lớn nhất được tác giả chia sẻ trong đầu mục này có lẽ chính là:

Đừng viết những gì bạn biết, mà hãy viết những gì mà bạn thích.

Là một cây viết, mình hoàn toàn ủng hộ quan điểm này của tác giả Austin Kleon. Viết là một công việc tiêu tốn khá nhiều thời gian, công sức và trí tuệ, vậy nên nếu như bạn không tìm ra được niềm vui thích trong khi viết lách, có thể các bạn sẽ bắt đầu cảm thấy đây là một công việc quá nhàm chán.


Lời khuyên “Hãy viết cuốn sách mà bạn muốn đọc” cúng rất có ý nghĩa với mình bởi lẽ cây viết nào mà chẳng muốn có được một cuốn sách đứng tên mình, một thành phẩm mà chúng mình có thể sờ nắn được và cảm nhận được.


4. Làm việc thủ công

Đây là một lời khuyên vô cùng thú vị mà mình đã quyết định phải làm theo ngay sau khi mình đọc được nó trong cuốn sách này.

Trong mục này, tác giả chia sẻ rằng:

Máy tính đã cướp đi của chúng ta cái cảm giác rằng ta đang thực sự tạo nên thứ gì đó.

Rằng những thành quả chỉ đến từ trí óc thực ra không tốt chút nào. Hệ thần kinh của chúng ta không hề hoạt động một chiều - cơ thể cũng có thể chi phối não bộ nhiều như cách não bộ điều khiển được cơ thể vậy. Làm việc trên máy tính sẽ thuận lợi hơn cho việc chỉnh sửa những ý tưởng, nhưng lại không tốt cho việc tạo ra ý tưởng. Máy tính đánh thức những con người cầu toàn trong mỗi chúng ta - khiến chúng ta chỉnh sửa các ý tưởng kể cả trước khi nghĩ ra chúng.


Lời khuyên mà tác giả Austin Kleon dành cho các bạn đọc trong mục này là hãy bổ sung một góc làm việc thủ công, nơi mà bạn có thể trực tiếp dùng tay để thực hiện những ý tưởng của mình. Hãy để góc thủ công và góc kỹ thuật số được cách biệt với nhau.


Mình áp dụng lời khuyên này bằng cách sắm thêm sổ vẽ, giấy nhớ, bút màu. Hiện tại mình đang bắt đầu luyện tập thói quen viết tay các mindmap hoặc dàn ý cho các bài viết của mình, cũng như vẽ nháp trước cho các sản phẩm thiết kế. Mình nhận ra đây là một phần việc rất vui và thú vị, giống như một lần nữa được trở lại làm đứa trẻ con vậy đó.


5. Dành thời gian để bản thân buồn tẻ.

Đây cũng là ý chính đã được mình trích dẫn trong bài viết Sự buồn chán có xấu như bạn vẫn tưởng?, các bạn có thể bấm vào link để tham khảo thêm bài viết này nha.


Có một ý nữa cũng rất hay được tác giả Austin Kleon chia sẻ trong mục này, đó là:

Đừng gạt bỏ phần nào của con người bạn.

Nếu bạn có hai hay thậm chí ba đam mê mãnh liệt, đừng nghĩ rằng bạn phải chọn giữa chúng. Đừng gạt bỏ gì cả. Hãy giữ tất cả đam mê trong cuộc sống của bạn.


6. Làm ra những thứ chất lượng và chia sẻ nó với mọi người

Mình nhận ra rằng đây chính là điều mà mình vẫn đang làm hằng ngày, kể từ khi lập ra web blog Tom Writing này.


Ở ý này, tác giả có viết:

Nghĩ về những gì bạn có thể chia sẻ mà sẽ mang lại giá trị cho người khác.

Tác giả khuyên chúng ta nên tò mò về những thứ mà chẳng ai hiếu kỳ đến cả, và hãy chia sẻ sự tò mò đó đến với người khác. Tác giả cũng chia sẻ rằng mọi người đều yêu thích việc bạn cho đi những bí quyết của bạn, và mình thấy đây cũng là một điều rất đúng và nên làm.


7. Sống thân thiện

Ngoài thông điệp “kết thêm bạn, mặc kẻ thù” được nêu lên, trong phần này, tác giả Austin Kleon cũng chia sẻ một lối suy nghĩ mà mình cho là rất thú vị về chuyện kết bạn, đó là:

Bạn sẽ chỉ giỏi như những người mà bạn giao du với thôi.

Mình thấy nó thú vị, bởi lẽ mình cảm nhận được sự chính xác của nó, nhưng mình lại chưa thể thực sự xác thực nó bằng một trải nghiệm mà mình từng có trong cuộc đời.


Ở đây, vận dụng lối tư duy thú vị kể trên, tác giả khuyên chúng ta nên theo dõi những người giỏi nhất trên mạng - những người thông minh hơn, tài giỏi hơn chúng ta, những người đang thực sự làm nên những điều thú vị.


8. Sự sáng tạo là phép trừ

Đây cũng là một lối tư duy rất thú vị mà mình cho rằng những người làm sáng tạo cũng nên tham khảo và học hỏi. Tác giả Austin Kleon chia sẻ:

Những người có thể thăng tiến là những người biết phải bỏ qua việc gì, để có thể tập trung vào những việc quan trọng hơn.

Theo tác giả, cho rằng mình có thể làm được mọi thứ là một suy nghĩ đáng sợ. Hãy đặt cho bản thân những sự ràng buộc, trong công việc sáng tạo thì giới hạn nghĩa là bạn được tự do.

Và bởi những thứ được thể hiện tương phản với những thứ được lược bỏ đi, vậy nên khi biết lược bỏ những thứ đúng đắn, chúng ta cũng sẽ có thể bắt đầu thể hiện ra những giá trị đúng đắn trên sản phẩm sáng tạo của mình.


Cảm nhận.

Để mô tả về cuốn sách này, mình sẽ dùng 2 cụm từ là: Truyền cảm hứng Bổ ích.


Đây là một cuốn sách vô cùng dễ đọc, chữ được in to, rõ ràng, kết hợp với phần hình ảnh minh họa khá ngộ nghĩnh mà mình tin rằng cũng là do chính tác giả vẽ.

Tác giả Austin Kleon lựa chọn một lối viết rất cô đọng, ngắn gọn, gần gũi và thân thiện. Mình có cảm giác như chú tác giả này là kiểu người sẽ sẵn sàng ngồi lại để trình bày hết nội dung của cuốn sách này bằng miệng cho bạn nghe luôn nếu như bạn vô tình gặp chú ấy trên phố.

Mình có thể cảm nhận được năng lượng, nhiệt huyết và đam mê mà tác giả đã đặt vào cuốn sách này.


Nếu như bạn cũng đang có mong muốn tìm kiếm những lời khuyên bổ ích cho công việc làm sáng tạo của bản thân, thì mình khuyên bạn cũng hãy thử đọc cuốn sách này nhé.


“Keep Moving Forward.”

Chấp bút: Tom.


2 lượt xem0 bình luận

Bài đăng gần đây

Xem tất cả
Bài đăng: Blog2 Post
bottom of page