top of page

Người lớn đang nợ trẻ em những điều gì?

Bài viết này được truyền cảm hứng từ cuốn sách Khu vườn bí mật, tác giả sách Frances Hodgson Burnett.


Nuôi dạy một đứa trẻ khỏe mạnh nên người là cả một hành trình đầy thử thách và chắc chắn là không có một công thức nào có thể áp dụng được cho mọi em nhỏ ngoài kia.


Mỗi đứa trẻ đều khác biệt, và mỗi cặp cha mẹ cũng vậy, cũng tương tự như việc mỗi gia đình đều có những hoàn cảnh và nhu cầu riêng.

Nhưng nhìn chung, sự phát triển tích cực của trẻ sẽ được lợi nhất từ những gia đình luôn nỗ lực hết sức để cung cấp cho các con sự chăm sóc, quan tâm, và tình yêu thương vô điều kiện trong khuôn khổ của một sự kỷ luật nhất định nào đó.


Gần đây, mình nhận ra một sự thật rằng khi người lớn chúng ta suy nghĩ về mối quan hệ ta dành cho con cái của mình, chúng ta thường có xu hướng cho rằng “Các con đang nợ mình”.


Tuy rằng mình không thể khẳng định hay phủ định về tình đúng đắn của lối nghĩ trên, nhưng cũng đã từ lâu lắm rồi, mình luôn có cảm giác rằng chúng ta – những người lớn, những bậc làm cha mẹ – cũng đang nợ con cái chúng ta rất nhiều điều.


Mãi đến ngày hôm nay, nhờ có cuốn sách nhỏ vô cùng đáng yêu mang tên Khu vườn bí mật của tác giả Frances Hodgson Burnett mà mình cuối cùng cũng có thể chuyển hóa những cảm xúc và suy tư này thành câu chữ.


Mình xin khẳng định rằng bài viết này không hề được viết ra với mong muốn phủ định những sự hy sinh của các bậc làm cha mẹ và tình cảm gia đình mà các em nhỏ nhận được mỗi ngày, và mình cũng hoàn toàn không có ý muốn ám chỉ ác ý rằng “Trẻ con chỉ là những cục nợ”.


Có chăng, trong bài viết này mình sẽ nêu lên một số bài học làm cha mẹ mà mình rút ra được từ những hành vi tích cực, và cả nhiều hành vi tiêu cực, của những người lớn xuất hiện trong cuốn sách Khu vườn bí mật.


Mình tin rằng những thông điệp về chủ đề nuôi dạy con cái của tác giả Frances Hodgson Burnett đều là vô cùng ý nghĩa và tốt đẹp, nhưng cũng đồng thời lại rất dễ bị bỏ qua đối với những người lớn trong thời đại bận rộn như chúng ta.


1. Dành cho các con thật nhiều tình cảm

Nó cứ tự hỏi tại sao nó chẳng phải là con của ai cả, thậm chí ngay cả lúc cha mẹ nó còn sống. Dường như đứa trẻ nào cũng thuộc về cha mẹ chúng, chỉ có mình nó chưa bao giờ thực sự là đứa con gái bé bỏng của ai đó.

Cô bé Mary Lennox từ khi sinh ra đã không được cha mẹ nó quan tâm và yêu thương.

Cha nó thì “lúc nào cũng bận rộn lại thường đau yếu”, còn mẹ nó thì “chỉ quan tâm đến các buổi tiệc tùng” và “chẳng hề muốn có một đứa con gái nhỏ”.


Mary lớn lên xung quanh những người chăm sóc chỉ luôn biết hầu hạ và phục tùng con bé – chả trách sao nó trở thành một đứa trẻ lẫm chẫm luôn ốm yếu, quấy quả, xấu xí và luôn bị xa lánh.


Bất chấp cho những hành động quá quắt và thái độ hư đốn của Mary trong những chương sách đầu tiên, mình tin rằng người đọc chúng ta nên dành cho bé gái này thật nhiều sự thương cảm, thay vì sự ghét bỏ.

Mình thực sự cảm thấy tiếc thương cho số phận của Mary khi đọc đoạn câu văn được trích dẫn ở trên vì sự thật trớ trêu rằng dù cho gia đình này vẫn sống chung dưới một mái nhà, nhưng cha mẹ của đứa bé gái ấy đã bỏ rơi nó từ trước cả khi nó trở thành trẻ mồ côi rồi.


Mình thấy tác giả Frances Hodgson Burnett có lẽ muốn dùng những điểm xấu ở tính nết của cô bé Mary để phê phán cái thói vô trách nhiệm và lạnh nhạt của cha mẹ cô bé, đặc biệt là người mẹ.

Vì dù cho bà dành nhiều thời gian hơn để miêu tả về Mary, nhưng đến cuối cùng, bà vẫn không quên gợi nhắc cho chúng ta nhớ về lý do thực sự khiến cho cô bé trở thành một con người xấu tính đến nhường này.


Mình tin rằng điều cơ bản nhất, và cũng là tốt đẹp nhất, mà người lớn có thể làm cho trẻ em đó là thể hiện thật nhiều tình yêu thương với các em.


Người lớn chúng ta ai cũng đều có thể trở nên bận rộn, và trong cuộc sống hối hả như thời đại ngày nay, chúng ta càng dễ dàng quên mất tầm quan trọng của việc dành thời gian mỗi ngày để cho các con thấy là chúng ta yêu thương chúng đến nhường nào.


Sự yêu thương có thể được thể hiện qua những hành động nhỏ thôi.

Ví dụ như hỏi thăm con về một ngày ở trường, rủ con cùng chơi thể thao, hoặc dành một ngày cuối tuần để vẽ vời cũng con chẳng hạn.


Đọc thêm: Hạnh phúc giản dị quan trọng như thế nào?


Một trong những khía cạnh vừa đáng thương mà cũng vừa đáng quý nữa của cô bé Mary Lennox, đó là sau tất cả, Mary vẫn muốn được nhận sự quan tâm và tình yêu của mẹ.

Cô bé dường như vẫn ngưỡng mộ mẹ, dù cho nó thực sự không biết gì về con người mẹ nên nó bèn ngưỡng mộ cái vẻ ngoài xinh đẹp của bà, và thậm chí còn cảm thấy “vui mừng khi có người nói một ngày nào đó trông nó cũng được như bà.”


Mary Lennox ở cuối truyện dường như cũng không còn chút dấu hiệu nào của một con bé xấu cả tính nết lẫn diện mạo nữa.

Hành trình phát triển nhân vật của cô bé này đã để lại trong mình một ấn tượng sâu sắc về sự biến đổi to lớn mà một chút tình yêu thương có thể mang lại cho một đứa trẻ nhỏ.


2. Chỉ dẫn và ủng hộ các con

Con bé cần khỏe khoắn hơn trước khi bắt tay vào học tập. Hãy dọn cho con bé những món ăn nhẹ nhàng có lợi cho sức khỏe. Cứ mặc nó được chạy thỏa thích trong vườn. Đừng trông nom gò bó con bé quá mức. Mary cần tự do, không khí trong lành và chạy nhảy nô đùa đây đó.

Sau khi không may trở thành trẻ mồ côi và được người bác Archibald Craven nhận nuôi, Mary Lennox bắt đầu nảy sinh tình cảm với thiên nhiên và đặc biệt yêu thích công việc làm vườn tại nơi ở mới.

Martha Sowerby – một chị hầu gái, đồng thời là nhân vật người lớn có ảnh hưởng tích cực nhất với Mary – đã lựa chọn ủng hộ và chỉ dẫn cô bé Mary trên hành trình tìm hiểu về sở thích mới này.


Ở Martha toát lên phong thái của một người chị gái đáng tin cậy, kiên nhẫn và cũng đầy tình cảm.

Dù chỉ là hầu gái, nhưng chị không hề cố gắng ngậm bồ hòn làm ngọt và sẵn sàng trở nên nghiêm khắc với Mary vào những lúc cần thiết. Chị khuyến khích Mary xây dựng những thói quen sống lành mạnh hơn. Chị cũng vô cùng kiên nhẫn và chân thành trong việc giao tiếp với cô bé.


Dù cho chị và gia đình cũng chẳng dư dả gì, Martha thậm chí còn sẵn sàng bỏ tiền túi của bản thân ra để mua tặng Mary một sợi dây nhảy để cô bé tập thể dục mỗi ngày.


Theo mình, Martha hội tụ đủ mọi yếu tố cần thiết để bước đầu giúp cho cô bé ngỗ ngược Mary phải biết mở lòng hơn với mọi người xung quanh.

Chị có lẽ cũng là một hình mẫu lý tưởng để Mary noi gương theo về mặt nhân cách, và sau một khoảng thời gian tiếp xúc thì cô bé quả là cũng rất quý mến chị.


Dù tác giả Frances Hodgson Burnett không thực sự dành quá nhiều thời gian cho nhân vật này, nhưng mình vẫn có được cái ấn tượng mạnh mẽ rằng Martha là một nhân tố rất quan trọng, có lẽ là quan trọng nhất, trong hành trình cải thiện nhân cách và hành vi của Mary.


Nếu không nhờ có mọi sự ủng hộ và chỉ dẫn từ người chị gái “không hẹn mà gặp, không rắp mà nên” này, có lẽ Mary cũng sẽ mãi chỉ là một con bé hư đốn.

Thậm chí Mary có thể sẽ không thèm bước chân xuống vườn chứ đừng nói là trở nên thích thú với cây cỏ.


Những nhân vật “chỉ đơn giản là tốt bụng” như Martha lại thường là kiểu nhân vật mình thích nhất trong các loại hình nghệ thuật, đặc biệt là khi họ đóng vai trò là một hình mẫu phụ huynh hoặc mentor.


Bản chất của mọi điểm tốt nơi Martha cũng là kết quả của một gia đình hạnh phúc, với một người mẹ tâm lý hết mức luôn sẵn sàng ủng hộ và chỉ dẫn những đứa trẻ xung quanh bà làm điều hay lẽ phải.

Martha, noi gương theo người mẹ của chị, rõ ràng là kiểu người không thể nhắm mắt làm ngơ trước một đứa trẻ đang cần được giúp đỡ, và đó là điều tuyệt vời nhất ở nhân vật đơn giản mà vẫn đầy tính truyền cảm hứng này.


Bằng những bản năng tự nhiên nhất, mình tin rằng cha mẹ nào cũng đều muốn con cái họ thành công trong cuộc sống.

Đây có lẽ cũng thường là lý do khiến cho người lớn có thể tìm cách thúc ép, tạo áp lực, mua chuộc (bribe), đòi hỏi (demand), hay thậm chí là đe dọa con trẻ để khiến chúng phải học chơi một nhạc cụ, xuất sắc trong một môn thể thao, hoặc đạt mọi điểm 10 trên đời.


Lắm khi, sự chỉ dẫn và ủng hộ của chúng ta dành cho các con chỉ dừng lại ở những gì mà chúng ta muốn con phải đạt được, thay vì mở rộng ra để chạm tới những gì các con muốn đạt được.


Dù cho tác giả Frances Hodgson Burnett không chủ động gợi nhắc đến những chủ đề mình vừa nêu ra ở trên, nhưng khi thấy cái cách Martha ủng hộ và đồng hành cùng Mary, mình không khỏi tự hỏi bản thân rằng: Có bao nhiêu người lớn ngoài kia thực sự có thể kiên nhẫn đến thế này với nhu cầu khám phá bản thân của một đứa trẻ?


3. Biết khi nào con cần độc lập

Cô không thể cứ trẻ con mãi như thế được. Tự làm lấy một chút việc sẽ tốt cho cô đấy. Mẹ tôi luôn bảo bà không tài nào hiểu nổi tại sao trẻ con các nhà quyền quý lại không thành người tử tế được, khi mà cái gì cũng phải bảo mẫu, nào giặt giũ, nào mặc quần áo, nào đưa đi dạo, như thể đó là những chú chó con vậy!

Với những lời trên, một trong những bài học đầu tiên Martha chia sẻ với Mary khi hai người mới gặp nhau đó là bài học về sự độc lập.

Đương nhiên, với một đứa trẻ nhỏ tuổi như Mary, thì sự độc lập ở đây nói đến những phần việc hằng ngày mà một đứa trẻ lứa tuổi của cô đã có thể tự làm được, và nên tự làm được cho bản thân, ví dụ như là tự mặc quần áo hay tự ăn uống.


Đối với những bậc làm cha mẹ, có một thực tế vừa ngọt ngào mà cũng vừa cay đắng rằng chúng ta đang nuôi dạy một đứa trẻ để hướng tới một tương lai nơi mà nó sẽ không còn cần tới chúng ta nữa.


Vậy nên, mình tin rằng một trong những nhiệm vụ hàng đầu của người lớn đó là khuyến khích con trẻ tự làm những việc của nó một cách độc lập.

Chúng ta nên dạy con tự tư duy, tự đánh giá và giải quyết những vấn đề trong tầm tay của con, cũng như là giúp con nhận ra và tự tin hơn vào những điểm mạnh mà nó có.


Mặc dù với hiểu biết trên, nhiều người lớn vẫn thường có xu hướng làm thay cho con cả những việc mà trẻ có thể dễ dàng tự làm.

Trong những nỗ lực để các con không bao giờ phải chịu đau hoặc buồn bã, ta dễ nảy sinh mong muốn được lao tới và làm thay con, thay vì để trẻ được học hỏi từ chính những sai lầm của chúng.


Nếu ý này có thể kết hợp với mong muốn được chỉ dẫn và ủng hộ các con một cách tích cực, mình tin rằng chúng ta sẽ luôn có thể tạo điều kiện cho các con thực hành tinh thần tự làm những việc trong tầm tay của con một cách độc lập, đồng thời giúp con cảm thấy tự tin hơn vì nếu trong trường hợp con gặp phải rắc rối, chúng ta sẽ luôn là hậu phương sẵn sàng chỉ dẫn và giúp đỡ con.


4. Nhớ rằng các con luôn quan sát ta

Kể từ khi tớ nhớ được mọi chuyện, tớ đã thấy người ta nói rằng tớ sẽ không sống được. Thoạt đầu, họ nghĩ tớ còn quá nhỏ để có thể hiểu được, còn bây giờ thì họ nghĩ tớ không nghe thấy gì cả. Nhưng tớ biết hết.

Colin Craven, con trai của Archibald Craven, cũng không may mắn hơn Mary Lennox là bao.

Cậu cũng phải chịu cái hoàn cảnh gần như không nhận được chút tình yêu thương nào của cha mẹ từ khi còn rất nhỏ.


Một trong những điều tồi tệ nhất xảy ra với Colin đó là tất cả mọi người lớn ở xung quanh cậu đều vô tình, hay cố ý, nhồi nhét vào đầu đứa bé này những cái ý tưởng rằng “nó sẽ không thể sống mà lớn lên được”, rằng “nó sắp chết”, rằng “nó bị bệnh”, rằng nó “dị dạng”, “tật nguyền”, “gù lưng”,...


Chả trách sao mà Colin lớn lên với rất nhiều nỗi bất an và sợ hãi không tên mà cậu dành cho bản thân, cũng như là cho tất cả mọi thứ xa lạ ở xung quanh cậu.

Cậu bé tội nghiệp này đã thực sự tin rằng cậu sắp chết, rằng cậu bị bệnh nặng, rằng cậu dị dạng và tật nguyền; tất cả là bởi vì những người lớn, những người mà cậu quan sát và lắng nghe hằng ngày, đều tin như vậy.


Có vẻ như người lớn chúng ta thường xuyên quên mất rằng con trẻ luôn quan sát và học tập theo tấm gương của ta.

Chúng ta vì thế mà để con nhìn thấy ta to tiếng, nói dối, gièm pha, lười biếng, hút thuốc, uống rượu bia,... cùng với rất nhiều hành vi tiêu cực khác.


Dẫu cho mình hiểu rằng không ai là hoàn hảo hết, và rằng ai cũng có hoàn cảnh của riêng họ.

Nhưng mình tin rằng với sự nhận thức rằng “các con đang quan sát và học tập từ mình” luôn giữ vững ở trong nội tâm, người lớn chúng ta chắc chắn cũng sẽ có thể kiềm chế và cải thiện được bản thân, đồng thời tạo điều kiện cho các con có được một tấm gương mẫu mực để noi theo, và tự hào.


5. Biết nhận lỗi cho những sai lầm của ta

“Có lẽ ta đã hoàn toàn sai lầm trong suốt mười năm qua,” – ông tự nhủ. – “Mười năm là cả một quãng thời gian dài. Giờ đây, có thể đã quá muộn để làm lại, hoàn toàn đã muộn. Ta đã nghĩ những gì cơ chứ.”

Archibald Craven, dù được tác giả Frances Hodgson Burnett lót cho một câu chuyện quá khứ khá mùi mẫn, nhưng mình vẫn cảm thấy không thể thông cảm được cho nhân vật này.


Với rất nhiều nhân lực và vật lực mà ông vốn có, Archibald đã có thể lựa chọn để ở bên cạnh, yêu thương và dạy dỗ Colin nên người thay cho cả phần của người vợ không may mà qua đời từ sớm của ông.

Nhưng không, ông ta đã lựa chọn bỏ rơi đứa con trai, mối kết nối duy nhất mà ông ta còn có được với người vợ thân thương quá cố, để thu mình lại trong cái vỏ bọc mang tên “nỗi đau”.


Dù cho mình không ưa nhân vật này cho lắm, nhưng mình cũng không thể phủ định thông điệp tích cực mà tác giả Frances Hodgson Burnett muốn truyền tải qua câu chuyện của Archibald Craven.


Mình tin rằng bài học lớn nhất mà ta có thể rút ra được từ Archibald đó là không bao giờ là quá muộn để một con người hối cải, đặc biệt là sau khi ta đã có thể nhận ra lỗi lầm của bản thân trong mọi chuyện.


“Biết nhận lỗi cho những sai lầm của con” có lẽ là một trong những bài học đầu đời cơ bản nhất mà mọi bậc làm cha mẹ đều muốn con cái mình phải khắc cốt ghi tâm.

Việc tác giả Frances Hodgson Burnett lựa chọn một nhân vật người lớn để truyền tài bài học cơ bản này, thay vì là một nhân vật trẻ con, theo mình, bà có ý muốn nói rằng bài học này có lẽ nên được các bậc làm cha mẹ tự áp dụng cho bản thân nhiều hơn, trước khi họ có mong muốn truyền dạy lại cho những đứa nhỏ.

Người lớn chúng ta đều nên biết rằng ai cũng sẽ mắc sai lầm, không lúc này thì lúc khác, chúng ta cũng nên rút kinh nghiệm từ việc mắc sai lầm và chỉ cho con thấy những cách thức đúng đắn để tự chịu trách nhiệm về hành động của chúng.


6. Dạy con làm người tốt

Dạo mẹ còn đi học, thầy giáo dạy môn địa lý bảo trái đất này có hình giống quả cam, và trước khi lên mười thì mẹ đã phát hiện ra rằng cả quả cam này không phải là không thuộc về ai. Không một ai có quyền được sở hữu hơn cái phần của mình và cũng có những lúc dường như không có đủ các phần để chia khắp lượt.

Khác biệt với hai đứa trẻ lớn lên trong phú quý và những bàn tay người phục vụ – như Mary hay Colin – cậu bé Dickon Sowerby rõ ràng là nổi bật hơn hẳn với lòng tốt, đức tính cao thượng, tấm lòng hào hiệp, cơ thể khỏe mạnh và một trái tim luôn rộng mở để đồng cảm với người khác.


Dickon tốt bụng tới nỗi Mary cứ ngỡ cậu là một thiên thần, hoặc là “một nhân vật tưởng tượng” của cô.

Tuy rằng mình tin rằng những đứa trẻ như Dickon thực sự là có thật ngoài kia, nhưng mình cũng cho rằng cách bà Sowerby (mẹ của Dickon ở trong truyện) nuôi dạy cậu sẽ thật khó để áp dụng được cho trẻ em trong thời đại ngày nay.


Dù vậy, chúng ta vẫn có thể rút ra được một số bài học quý giá từ lối dạy con của bà mẹ đầy đức hạnh này.

Ví dụ như bà luôn lựa chọn giúp con bà xây dựng tính kỷ luật (discipline) thay vì dùng hình phạt (punishment) để khiến các con phải nghe lời bà.


Cả Mary và Colin khi mới được giới thiệu với độc giả thì đều là những đứa trẻ thiếu tính kỷ luật trong đời sống của chúng.

Những đứa trẻ như vậy thường có xu hướng là được chiều quá nên sinh hư. Chúng trở nên vô ơn, ích kỷ và vì vậy nên sẽ gặp khó khăn khi xây dựng các mối quan hệ lành mạnh với người khác.


Bà Sowerby cũng thích được dành thời gian để kết nối với các con.

Cả Martha và Dickon đều thường xuyên trích dẫn lời dạy của mẹ để chia sẻ lại với Mary.

Điều này không chỉ cho thấy những đứa trẻ nhà Sowerby đều tôn trọng và yêu thương mẹ chúng; mình tin rằng đây cũng là dấu hiệu cho thấy bà Sowerby luôn dành thời gian trò chuyện với các con (talking with them), có nghĩa là bà lắng nghe và chia sẻ, chứ không chỉ đơn giản là nói cho các con phải nghe (talking to them).


Đến cuối cùng, mình tin rằng câu chuyện về gia đình nhà Sowerby không phải là một hình tượng “hoàn hảo” mà tác giả Frances Hodgson Burnett dựng nên với ý định nói với độc giả rằng “Đây là cách mà một đứa trẻ ngoan và một bà mẹ tốt nên ứng xử với nhau”.


Hơn cả một ví dụ, từ gia đình nhà Sowerby, chúng ta có thể nhận ra những hành động của người lớn có tầm quan trọng đến thế nào với hành trình trẻ học hỏi để trở thành một người tốt.


Những bài học làm người tốt có thể đến với trẻ trong muôn hình vạn trạng, nhưng nếu chúng ta, những bậc làm cha mẹ, không chủ động dạy trẻ trở thành người tốt, các con sẽ ít có khả năng trở nên hạnh phúc và mãn nguyện với những gì mà các con đang có trong đời sống hằng ngày.


***

Những đặc điểm của một người cha tốt, hay một người mẹ tốt, không phải là những hằng số không đổi.

Điều có thể là tốt với người này không nhất thiết khiến nó cũng là tốt đối với người khác.


Với bản chất là một cuốn sách thiếu nhi, Khu vườn bí mật của tác giả Frances Hodgson Burnett chắc chắn cũng đã “nhắm mắt một cách có chủ tâm” trước nhiều thực tế xã hội.


Các nhân vật trong sách dù cho có phần hơi một chiều, nhưng mình tin rằng điều đó cũng không hề gì khi sự giản đơn trong nhân cách của các nhân vật và lối kể chuyện thẳng thắn chính là hai trong số những yếu tố lớn nhất giúp cho cuốn sách này có thể chạm được đến trái tim của nhiều em nhỏ, đồng thời vẫn truyền tải được tới người lớn chúng ta những bài học giá trị về việc nuôi dạy trẻ em.


Khu vườn bí mật là một cuốn sách mà mình sẽ khuyên tất cả các bạn nên đọc thử, và nếu có thể, đừng quên chia sẻ cuốn sách này đến với một em nhỏ nào đó nhé.


“Keep Moving Forward”

Chấp bút và minh họa: Tom.

0 lượt xem0 bình luận

Bài đăng gần đây

Xem tất cả
Bài đăng: Blog2 Post
bottom of page