top of page

Nói chia tay thế nào cho bớt đau?

Đã cập nhật: 4 thg 2

Bài viết này được truyền cảm hứng từ truyện ngắn “Kino” trong cuốn sách Những người đàn ông không có đàn bà, tác giả sách Haruki Murakami.


Có lẽ tất cả những người đã từng trải qua một cuộc chia tay – dấu chấm hết cho một cuộc tình – sẽ có thể giúp mình khẳng định một sự thật sau đây.


Rằng, yếu tố quyết định tính mãnh liệt và mức độ đau đớn của những vết thương lòng trong ta – hậu quả khó mà tránh khỏi sau sự đổ vỡ của một mối quan hệ tình cảm – sẽ không chỉ phụ thuộc vào một sự thật duy nhất rằng ta đã bị bỏ lại trong cuộc tình này; mà nó cũng đồng thời phụ thuộc, một cách dứt khoát, vào cách chúng ta đã bị bỏ lại như thế nào.


Sự thật này ám chỉ rằng có những cách thức chia tay có thể khiến nỗi đau sẵn có bị khuếch đại lên nhiều lần, mà thường là theo những hướng không cần thiết.


Và, có những cách thức chia tay có thể, dù ít hay nhiều, giúp cho nỗi đau mất đi tình yêu trở nên dễ chịu hơn (bearable), đồng thời dễ vượt qua hơn; đấy là nếu như ta đã có may mắn được yêu một người bạn đời thấu hiểu thế nào là: Chia tay một cách chín chắn (mature).


Hiếm có cặp đôi nào thực sự nghĩ đến khía cạnh này của tình yêu khi họ mới lọt vào màu xanh trong mắt nhau, rằng: Chẳng có cuộc tình nào mãi mãi duy trì được màu hồng đẹp đẽ của những ngày mới yêu.


Nghĩ kỹ bạn sẽ thấy, đây là một thực tế có phần khá éo le.

Các cặp đôi yêu nhau với điều kiện là để hiểu rõ hơn về nhau, nhưng tình yêu cũng thường bớt hồng hơn sau khi các cặp đôi đã hiểu rõ hơn về nhau.


Đương nhiên, “bớt hồng hơn” không phải lúc nào cũng là “những bước lùi” trong tình yêu, như nhiều người vẫn lầm tưởng.


Một số cặp đôi sẽ học được cách chấp nhận thực tế ấy, vươn lên, và "đổi màu".

Họ sẽ cùng nhau hướng tới những gam màu mới lạ khác của tình yêu, dù chưa rõ sẽ là màu gì, nhưng hy vọng rằng sẽ là ổn định hơn, thoải mái hơn, và thân thiết hơn.


Một số cặp đôi khác, như bạn có lẽ cũng đã từng trải qua và thấu hiểu, họ quyết định chấm dứt mối quan hệ, rồi chia tay.


Một mối quan hệ tình cảm, nếu xét từ góc độ này, nghe giống như một trò đặt cược đầy rủi ro.


Và có lẽ như bạn cũng đã biết, có rất nhiều lý do khác nhau có thể dẫn đến quyết định chia tay trong chuyện tình yêu.


Đó có thể là do hai bạn đã không còn hợp nhau.

Bạn có lẽ đã nhận ra rằng, ít nhất là xét trên những khía cạnh có ý nghĩa nhất với bạn – ví dụ như sở thích, lý tưởng, giá trị quan hoặc tình cảm – nửa kia của bạn hóa ra lại không hợp với bạn như lúc ban đầu, hoặc như bạn đã vẫn kỳ vọng.


Đó có thể là do hai bạn đơn giản là không còn thích, hoặc chưa bao giờ thích, được ở bên nhau.

Bạn và người ấy, có lẽ, cãi cọ quá thường xuyên.

Hai bạn có thể đã luôn bị vắt kiệt bởi những cuộc tranh luận thường kết thúc trong buồn tủi hay giận dữ, và hiếm khi nào giúp xây dựng mối quan hệ của hai bạn theo hướng tích cực hơn.


Hay đó có thể là do bạn đã thay đổi về mặt cảm xúc, hoặc bạn đã nghĩ khác đi về mối quan hệ này.

Hai bạn có lẽ đang khao khát những thứ khác nhau, những thứ mà cả hai bạn đều khó lòng có thể giúp nhau được thỏa mãn.


Điều đó cũng bao gồm khả năng có thể bạn đã có tình cảm với một người khác, có thể bạn đã hết yêu người ấy rồi, hoặc có thể bạn phát hiện ra rằng bản thân vẫn chưa sẵn sàng cho mối quan hệ này tiếp tục tiến tới vị trí mà người kia hằng mong muốn, giả sử như kết hôn chẳng hạn.


Dẫu cho lý do chia tay của bạn có thể có là gì, mình mong bạn sẽ hiểu một sự thật rằng hầu như ai cũng sẽ trải qua một (vài) lần chia tay trong đời, và với một mối quan hệ tình cảm nghiêm túc, thì thường sẽ chẳng có cách chia tay nào dễ dàng hơn cách chia tay nào cả.


Với mỗi cuộc chia tay, mỗi cuộc tình, mỗi nửa đặc biệt, ta đều sẽ gặp những kiểu khó khăn khác nhau, đồng thời, chịu những kiểu tổn thương khác nhau.


Nếu bạn đang nghĩ đến việc chia tay với một ai đó, bạn có thể sẽ cảm thấy rất nhiều hoài nghi và do dự trong lòng.

Sau tất cả, hai bạn cũng đã tới với nhau vì một điều gì đó có ý nghĩa, làm sao mà “dứt áo ra đi” dễ dàng thế được.


Nếu bạn cần gợi ý để giải đáp câu hỏi “Chia tay, hay không chia tay?”, bạn hãy đọc thêm bài viết trước của mình: “Mắc kẹt trong một mối quan hệ” là thứ cảm giác như thế nào?


Ngay cả khi bạn đã cảm thấy chắc chắn về quyết định của bản thân, hãy hiểu rằng người mà bạn sắp chia tay sẽ có thể vì những lời bạn nói mà cảm thấy bị tổn thương, thất vọng, buồn phiền, hoặc bị chối bỏ (rejected).


Mình sẽ viết bài viết này với giả định rằng bạn đang mong muốn có một cuộc chia tay tế nhị (sensitive), bớt đau đớn cho cả hai bên, đồng thời thể hiện sự tôn trọng với những phần tình cảm mà cả hai bạn đã từng dành cho nhau.


Đầu tiên, mình khuyên bạn hãy chuẩn bị đúng tinh thần (mindset).


Như mình vừa chia sẻ ở trên, có nhiều khả năng đây sẽ không phải là một cuộc trò chuyện dễ dàng.

Đặc biệt là khi bạn cảm thấy nửa kia của bạn có lẽ vẫn còn đang muốn tiếp tục duy trì mối quan hệ tình cảm này với bạn, trong khi phía bạn thì đã sẵn sàng để rời đi.


Có rất nhiều người sẽ bất giác tìm cách né tránh cái nhiệm vụ phải bắt đầu cuộc trò chuyện không mấy dễ chịu (unpleasant) này.

Và cũng có nhiều người thì lại thích nói “toạc móng heo” ra luôn với hy vọng sẽ có thể kết thúc trong nhanh gọn.


Nhưng cả hai cách tiếp cận này đều thường không phải là cách tốt nhất.

Né tránh thường sẽ chỉ kéo dài tình hình, vì vậy mà có thể sẽ làm nửa kia của bạn bị tổn thương nhiều hơn.

Và ngược lại, bạn có thể sẽ nói ra những điều khiến bạn phải hối hận nếu bạn vội vã lao vào một cuộc hội thoại nhạy cảm đến vậy mà không suy nghĩ thấu đáo từ trước.


Mình tin rằng cái tinh thần ta nên có khi chuẩn bị nói lời chia tay nó nằm ở giữa hai thái cực trên.

Đó là: Hãy suy nghĩ thấu đáo về mọi thứ xoay quanh mối quan hệ hiện tại để bản thân bạn có thể thấu hiểu và cảm thấy tự tin về lý do bạn muốn chia tay.

Rồi sau đó hãy hành động.


***

Và cũng như mình đã chia sẻ ở trên, trong một mối quan hệ tình cảm nghiêm túc, dù cho có lẽ không có cách chia tay nào dễ dàng hơn cách chia tay nào, nhưng có những điều chắc chắn bạn có thể làm sau đây sẽ khiến cho hậu quả của một cuộc chia tay trở nên tồi tệ hơn, cho cả bản thân bạn, và cho người mà bạn vừa bỏ lại phía sau.


1. LẦN LỮA

Theo mình, tất cả những quyết định xoay quanh một mối quan hệ tình cảm đều nên được đưa ra với nhận thức rõ ràng rằng thời gian sống của mỗi người đều là vàng, là bạc.


Ở đây mình không có ý muốn truyền bá một quan niệm cao siêu nào đó về sự sống và cái chết để khiến bạn phải cảm thấy ngả lòng đâu.

Trong câu trên, mình đang muốn nói đến xu hướng đang ngày một trân trọng giá trị của thời gian trong xã hội thời hiện đại chúng ta.


Lần lữa (lingering) khi chia tay, bởi vậy mới nói, sẽ chỉ làm mất thời gian của hai bạn mà thôi.


Đương nhiên, cảm giác muốn nấn ná ở lại bên người đó, có lẽ thêm một buổi hẹn hò nữa thôi, hoặc thêm một ngày cuối tuần nữa thôi, đôi khi cũng hấp dẫn lắm chứ.

Nhưng một khi quyết định cuối cùng đã được đưa ra, một người yêu can đảm sẽ không dao động vì những ham muốn bị đặt nhầm chỗ.


Đây là lúc mà bạn có lẽ sẽ phải dũng cảm gạt chuyến du lịch đã được đặt vé sẵn dành cho hai người sang bên, và cũng không nên ngần ngại chuyện ngày sinh nhật của người ấy có lẽ đang tới gần.


Nếu bạn đã biết chắc rằng bạn phải ra đi, vậy thì bạn cũng không nên vì những kế hoạch yêu đương hãy còn dang dở, hoặc chưa kịp thực hiện, mà cảm thấy bản thân phải có trách nhiệm phải ở lại.


Khi trong ta đã không còn tình yêu, dường như, một kỳ nghỉ hay một bữa tối trong nhà hàng, dù có thế nào cũng sẽ cầm chắc một cái kết buồn nhiều hơn vui.

Khi trong ta đã không còn tình cảm với mối quan hệ này, mình tin rằng cách tốt nhất để thể hiện sự tử tế đó là không làm mất thêm chút thời gian quý báu nào của những người trong cuộc nữa.


2. ĐỔ LỖI THỪA THÃI

Một người yêu khôn ngoan sẽ biết rằng họ không nên cáo buộc kẻ bị bỏ ở lại trong cuộc tình kia với nhiều tội hơn so với những gì mà người ấy đã phạm phải trong thực tế.


Đổ lỗi trong giờ phút chia tay thường là một thứ phản xạ rất mãnh liệt.

Ta rất dễ “thuận mồm” mà trách cứ người kia, một cách sai lầm, rằng có lẽ tại họ mà sự nghiệp của ta đi sai hướng, có lẽ tại họ mà ta thường xuyên bị mất ngủ, có lẽ tại họ mà ta xích mích với gia đình mình.


Sự khôn ngoan thường nên đi kèm với sự sáng suốt, và đây có lẽ nên là một trong những khoảnh khắc bạn cần tới nhiều sự sáng suốt nhất trong cuộc tình này.


Hãy công bằng với những “tội lỗi” của kẻ sắp bị bỏ lại ấy, không chỉ bởi vì bạn cũng sẽ muốn được đối xử tương tự trong một hoàn cảnh tương tự, mà còn bởi vì bạn có lẽ cũng không hề “trong sạch” trong mắt của người kia đâu.


Chia tay, trong trường hợp này, không nên “bị lợi dụng”, dù là vô tình hay cố ý, như một dịp để vạch trần mọi lỗi lầm, mọi nhược điểm và mọi điều bạn không ưa ở người yêu của bạn.


Dù bạn có thể cũng đã liệt kê hết những điều trên ra rồi, nhưng hãy hiểu rằng đó là một danh sách của những vấn đề thuộc về một người không còn liên quan gì tới bạn nữa, ít nhất là ngay sau khi bạn đã nói chia tay.


Cách sáng suốt nhất, đương nhiên, là chỉ giới hạn cuộc trò chuyện trong khuôn khổ của những vấn đề cụ thể đã dẫn đến việc chia tay mà thôi.


3. QUÁ TỬ TẾ

Một trong những kiểu chia tay có thể để lại nhiều hậu quả tồi tệ nhất, theo quan điểm của mình, đó là khi chúng ta quá tử tế (too nice) để rồi dẫn đến tình trạng “chia tay không dứt khoát”.


Đương nhiên, ở đây mình không có ý muốn nói là bạn không nên cư xử tử tế khi chia tay.

Vì mục tiêu của bài viết là “chia tay thế nào cho bớt đau”, nên sự tử tế sẽ là một yếu tố cần thiết trong phần lớn các trường hợp mà bài viết này chạm tới.


Song song với sự thật rằng chúng ta, tùy thuộc vào hoàn cảnh mà hoàn toàn có thể, trao cho người kia một vài lời động viên chân thành, một cái bắt tay thấu cảm, hay một cái ôm từ biệt; thì ta cũng đồng thời nên biết giữ khoảng cách với họ trong khoảnh khắc từ biệt ấy, ta nên biết thể hiện sự kiên định với quyết định ra đi của bản thân, hay thậm chí, nếu cần thiết, cũng cần phải tỏ ra lạnh nhạt một cách đúng mực với họ.


Trong thực tế, chia tay thường hiếm khi là một dịp phù hợp cho những lời lẽ đường mật hay cử chỉ mang tính chất xoa dịu.


Có lẽ sẽ là tốt nhất, nếu nửa kia của bạn chỉ được tiếp nhận những thông tin cơ bản nhất từ bạn về mong muốn kết thúc mối quan hệ này, rồi sau đó bạn để cho họ có được sự riêng tư cần thiết, nơi họ sẽ dần học được cách vượt qua nỗi đau và hy vọng rằng, họ sẽ sớm tìm được những niềm hạnh phúc mới.


Tử tế hay dịu dàng khi nói chia tay cũng là điều tốt, chắc chắn đấy.

Nhưng mình tin rằng chúng đều cần phải được đặt đúng chỗ và thể hiện đúng lúc.


Sự tử tế khi bị đặt nhầm chỗ, hoặc thừa thãi, sẽ chỉ khiến cho người “sắp trở thành bồ cũ” kia bị bối rối hơn mà thôi.

Sự dịu dàng (tenderness) khi được thể hiện không đúng lúc thì lại dễ khiến đối phương nghĩ rằng họ sẽ còn cơ hội để “nối lại tình xưa” vào một ngày nào đó.


Có một làn ranh giới khá mờ ảo nhưng lại vô cùng quan trọng, nơi mà số phần trăm của sự tử tế cần được bạn cân đo đong đếm cẩn thận trước khi đem ra làm một con bài để sử dụng trong ngày chia tay.


Đứng từ phương diện trên mà nói, chia tay là khi bạn xây nên một bức tường mang tên “bình thường hóa mối quan hệ” với ai đó, rồi tuyên bố rõ ràng và dứt khoát cho họ hiểu được rằng, nếu họ thực sự tôn trọng và quý mến bạn, thì họ đừng bao giờ nên cố gắng vượt qua bức tường ấy.


4. LẢNG TRÁNH

Không thể phủ nhận sự thật rằng ngoài kia có những người thường có xu hướng lảng tránh và tìm cách đùn đẩy trách nhiệm phải nói lời chia tay cho người bạn đời của họ.


Có lẽ họ là những người không thể chịu nổi việc phải tiết lộ một “cái tin xấu đến mức ấy”.

Có lẽ có lý do nào đó khiến họ cảm thấy sợ hãi hoặc phải dè chừng trước ý định muốn kết thúc mối quan hệ hiện tại.

Hoặc có lẽ họ chỉ đơn giản là một người chia tay xấu tính.


Thay vì trực tiếp mời chúng ta ngồi xuống để bày tỏ quan điểm, những “người ưa lảng tránh và đùn đẩy” này sẽ tiếp cận vấn đề theo những cách vòng vo hơn, và thường cũng là tiêu cực hơn.


Họ có thể sẽ bắt đầu nhậu nhẹt nhiều hơn, hút thuốc nhiều hơn, hoặc về nhà muộn hơn.

Họ có thể sẽ bắt đầu thường xuyên than phiền, thường xuyên lạnh nhạt, hay dễ dàng nổi nóng.

Họ có thể sẽ bắt đầu bỏ lỡ những ngày kỷ niệm, lờ đi những mời gọi ân ái, hay ngoài tình.


Dù lý do cho sự lảng tránh của họ có là gì, thì họ cũng đang hy vọng rằng – thông qua những hành vi bất thường và tiêu cực ấy – họ sẽ chạm được tới mức “tức nước vỡ bờ” của chúng ta.


Hay nói theo một cách khác, họ đang hy vọng rằng bản thân họ sẽ là người bị đá, thay vì phải là kẻ đi đá người khác.


Đối với một mối quan hệ nghiêm túc mà nói, mình tin rằng đây là một cách thức chia tay quá là bất công đối với nửa kia trong mối quan hệ của chúng ta.

Sẽ là không quá lời nếu cho rằng đây có thể chính là cách tàn nhẫn nhất để chia tay với một người mà ta biết rằng đã yêu thương ta rất nhiều.


***

Ở một chiều hướng tích cực hơn, có rất nhiều điều bạn có thể thực hiện để giúp cho hồi kết của một mối quan hệ tình cảm cảm thấy bớt đau đớn hơn những gì mà nó vốn là.


1. DỨT KHOÁT

Một người tình tốt bụng sẽ không chần chừ khi thực hiện cuộc chia tay của họ.


Một khi bạn đã tự tin vào quyết định của bản thân, bạn nên sớm lựa chọn thời điểm để chia sẻ quyết định ấy với nửa kia trong mối quan hệ của bạn.


Bạn nên sẵn sàng để rời đi càng sớm càng tốt.

Bạn không nên để lại trong lòng người kia bất cứ lời bóng gió nào về một cơ hội tái hòa hợp (reconciliation) trong tương lai.

Cũng đừng nên gợi ý rằng bạn sẽ cân nhắc lại nếu họ chịu thay đổi ở một vài khía cạnh nào đó, đạt được một thành tích nào đó, hay dám làm một điều gì đó vì bạn.


Mình cũng muốn khuyên bạn nên dùng sự thẳng thắn và kiên định để chặn đứng mọi ý định “kháng cự” có thể tới từ đối phương trong giờ phút bạn nói lời chia tay.


Nghe thật lạnh lùng và bạc bẽo, mình biết chứ.

Chắc chắn người bị bỏ lại ấy sẽ rất đau đớn, nhưng nỗi đau ấy có thể cũng sẽ không nhẹ tay với bạn đâu, nếu bạn không thể dứt điểm được cuộc tình này sau một vết cắt thật ngọt.


Bạn hãy hiểu rằng có những kiểu lòng tốt chỉ có thể được thể hiện thông qua những hành động lạnh lùng một cách chín chắn.


Trong những tình huống rõ ràng là khó khăn, như một cuộc chia tay chẳng hạn, mình mong bạn sẽ có lòng tốt để tha cho con người phải ở lại kia cái cực hình dai dẳng của những niềm hy vọng hão huyền.


2. LÝ DO CHÍNH ĐÁNG

Đương nhiên, thật khó để có thể gọi là một cuộc chia tay tử tế nếu ta không cố gắng giải thích cho nửa kia của mình hiểu được, một cách thuyết phục, tại sao mối quan hệ này lại không thể tiến xa hơn được nữa.


Ví dụ như, bạn có thể chỉ ra rằng cả hai bạn, có lẽ, đều quá dễ nổi nóng và có bản tính thù dai; vì vậy mà hai bạn luôn gặp nhiều khó khăn mỗi khi cần xoa dịu và làm lành với nhau sau mỗi cuộc xung đột.


Hay, bạn có thể chỉ ra rằng hai bạn có những quan điểm rất khác nhau về chuyện tiền bạc và cách chi tiêu; do đó mà những mối bất hòa nghiêm trọng về lối sống cứ liên tục nổi lên trong chuyện tình cảm của hai người.


Nói thật thì nghĩ ra lý do để chia tay cũng thường dễ thôi.

Bản thân bạn là người ở trong cuộc nên mình tin rằng bạn cũng là người nắm được rõ nhất những vấn đề của mối quan hệ hiện tại đã khiến bạn phải quyết định ra đi.


Cái khó hơn ở đây là trình bày những lý do ấy thế nào để hậu quả của cuộc chia tay này được “ít thảm khốc” nhất có thể.


Bởi lẽ, thường thì không phải ai cũng nhận thức được rõ ràng về những vấn đề ở bản thân họ, hoặc mối quan hệ của họ, vậy nên họ cũng khó lòng chấp nhận những điều ấy như là lý do để cuộc tình của họ phải chịu cảnh tan đàn xẻ nghé.


Hãy giúp cho người ấy hiểu được rằng những “luận điểm chia tay” như trên, thực ra, không phải là những lời phàn nàn về họ, mà đấy chỉ là những nhận xét của bạn về lý do tại sao hai người lại không hợp nhau trong một mối quan hệ tình cảm.


Hãy trung thực, nhưng đừng tàn nhẫn.

Bạn không cần phải chửi họ là “đồ tồi” hoặc “ngu ngốc”, mà chỉ cần cho họ thấy là hai bạn, với tư cách là một cặp đôi, sẽ không bao giờ có thể khỏa lấp được những khoảng trống trong nhau.


3. TRUNG THỰC VỀ BẢN THÂN

Một người yêu tinh tế, trong giờ chia tay, cũng nên chủ động bộc bạch và thừa nhận về những điểm còn chưa tốt, hoặc chưa tử tế ở bản thân họ.


Hãy nhớ rằng bạn cũng là một phần quan trọng trong mối quan hệ này.

Ngoài những khoảnh khắc hạnh phúc bên nhau, bạn có lẽ cũng đã góp phần tạo nên rất nhiều vấn đề, hay thậm chí là cả khổ đau, trong đời sống của người đã lựa chọn để yêu thương bạn ấy.


Bạn có lẽ sẽ thừa nhận rằng bạn đã quá mải mê với công việc.

Bạn có thể thừa nhận rằng bạn vốn có cái tính hách dịch và thường ưa kiểm soát người khác.

Hoặc, bạn có thể thử cởi mở về thói trăng hoa nơi bản chất con người bạn.


Một lời xin lỗi chân thành có lẽ cũng sẽ là cần thiết, nhưng điều quan trọng là bạn nên giúp cho người bạn tình ấy hiểu rằng bạn thừa nhận, và thấu hiểu, rằng sự thật là cuộc sống với bạn đã gây nên khó khăn cho họ ở một số khía cạnh quan trọng nhất trong cuộc tình này; và cũng chính vì thế mà bạn sẽ không thể giúp họ cảm thấy được yêu thương vào những lúc, những nơi, mà họ thực sự cần được yêu thương nhất.


Với một lời chia tay, điều ta có thể lấy đi từ họ, dẫu cho có đau đớn, nhưng cũng chỉ là một cuộc tình.

Đổi lại, cả bạn và người yêu ấy sẽ có cơ hội để hướng về những viễn cảnh mới hạnh phúc hơn, và hy vọng là cũng ít vấn đề phải đối mặt hơn.


4. DÁM BỊ GHÉT

Bất chấp cho mọi nỗ lực bạn có thể dành ra để chuẩn bị, lời chia tay mà bạn sắp nói ra sẽ, chắc chắn, dẫn tới việc bạn bị ghét.


Sự ghét này có thể sẽ chỉ là tạm thời, mà cũng có thể sẽ là mãi mãi.

Cũng có trường hợp người yêu cũ của bạn sẽ không (thực sự) ghét bạn, nhưng những người khác liên quan đến họ có thể sẽ ghét bạn.


Dù có là gì đi nữa, mình mong bạn sẽ sớm tìm được can đảm để đối mặt với sự thật này.


Chuyện bạn có thể sẽ bị một hoặc vài người ghét bỏ sau khi mối quan hệ này kết thúc, nếu bạn nghĩ kỹ sẽ thấy, có một phần không nhỏ là nằm ngoài tầm kiểm soát của bạn.


Nhưng mình tin rằng chúng ta đều có thể lựa chọn để bản thân không phải chịu đựng nỗi đau dày vò tới từ cái khao khát đa sầu đa cảm (sentimental) mang tên “vẫn muốn được yêu bởi những người ta đã không còn yêu nữa”.


***

Thông qua bài viết này, mình muốn thử giúp bạn gỡ rối cho hai nỗi đau thường rất dễ bị nhầm lẫn, đồng thời cũng dễ bị trộn lẫn vào nhau.


Thứ nhất, đó là nỗi âu sầu (sorrow) vì mất đi tình cảm của một người mà chúng ta yêu thương.

Và thứ hai, đó là sự tổn thương xuất phát từ những hành động và lời nói của một người tình khi chia tay.


Dù dài hay ngắn, buồn hay vui, hay hay dở, mình tin rằng mối quan hệ tình cảm nào cũng đều có ý nghĩa và giá trị của riêng chúng.


Tình yêu thường giúp chúng ta học hỏi thêm được nhiều điều về bản thân, về người khác, và cả về những gì mà ta thực sự mong mỏi ở một mối quan hệ nữa.


Các mối quan hệ tình cảm cũng thường là cơ hội để chúng ta học cách nỗ lực để quan tâm tới người khác, đồng thời trải nghiệm cảm giác được một ai đó nỗ lực để quan tâm đến chúng ta.


Khi thử nhìn dưới một lăng kính tích cực hơn, bạn sẽ thấy chia tay cũng chính là một cơ hội để học hỏi – dù cho nó khó có thể coi là một bài học dễ dàng, như tất cả những bài học cuộc sống khác.


Chia tay có thể chính là một trong những khoảnh khắc mà bạn sẽ cần nhiều sức lực nhất để tôn trọng cảm xúc của một người khác.

Một mối quan hệ kết thúc cũng là khi ta nhận ra tầm quan trọng của những kỹ năng liên quan đến đức tính trung thực và lòng tốt cần thiết khi đối diện với những cuộc trò chuyện xoay quanh những chủ đề khó nói.


Phải, chúng ta có thể sẽ không bao giờ thoát khỏi nỗi thống khổ của những cuộc tình tan vỡ.

Nhưng chúng ta, luôn luôn, có thể làm hết sức để giữ cho những nỗi đau ấy không bị vượt quá mức độ “có thể vượt qua”.


“Keep Moving Forward”

Chấp bút và minh họa: Tom.

2 lượt xem0 bình luận

Bài đăng gần đây

Xem tất cả
Bài đăng: Blog2 Post
bottom of page