top of page

Make Time: Quản lý thời gian hiệu quả – 4 bước của phương pháp Dành thời gian.

Đã cập nhật: 21 thg 3

Tác giả: Jake Knapp và John Zeratsky

Số trang: 378

Thể loại: Sách kỹ năng, self-help.

Đánh giá: Hay!


Make Time là một cuốn sách dễ đọc hơn mình tưởng tượng rất nhiều.

Với cương vị là “Một trong những cuốn sách quản lý thời gian nổi tiếng nhất” thì mình đã nghĩ nó sẽ hàn lâm hơn, hoặc phức tạp hơn.


Nhưng không!

Hai tác giả Jake Knapp và John Zeratsky đã lựa chọn một lối viết văn rất thân thiện, thực tế và hài hước; kết hợp thêm với những hình ảnh minh họa ngộ nghĩnh; cuốn sách này đã cho mình một trải nghiệm đọc sách vừa thư giãn mà cũng vừa bổ ích vô cùng.

Make Time đã cho mình cả những cái gật gù tâm đắc và cả những tràng cười sảng khoái.


Giới thiệu một chút về hai tác giả.

Tác giả Jake Knapp đã có 10 năm kinh nghiệm làm việc tại Google và Google Ventures, nơi anh phát minh ra chu trình Sprint nổi tiếng, được áp dụng bởi các công ty như Slack, Uver, The New York Times, và Lego.

Trong bài viết này, mình sẽ gọi anh là Jake.


Tác giả John Zeratsky đã viết các bài báo cho Wall Street Journal, Time, Harvard Business Review, Wired, Fast Company,... Anh đã có 15 năm làm thiết kế viên tại những công ty công nghệ lớn như YouTube và Google Ventures.

Trong bài viết này, mình sẽ gọi anh là JZ.


Đúng như tiêu đề sách đã nêu ra, nội dung của cuốn sách Make Time xoay quanh những chia sẻ của hai tác giả về một phương pháp quản lý thời gian được gọi là Dành thời gian.


Sau khi rút ra được những bài học từ đời sống cá nhân và lịch làm việc bận rộn, hai tác giả đã viết nên cuốn sách nhỏ thú vị này với tinh thần:

Dành thời gian không có nghĩa là trở nên thật năng suất, nó không phải là hoàn thành được nhiều việc hơn, nhanh hơn hay thuê người khác làm việc thay bạn. Trái lại, đây là một kiểu khuôn khổ giúp bạn dành được nhiều thời gian trong ngày cho những việc bạn thực sự muốn làm, bất kể đó là việc gì.

Theo hai tác giả, cuốn sách này sẽ giúp bạn sống chậm lại và dành thời gian cho những việc thực sự quan trọng.

Kể cả khi bạn không hoàn toàn làm chủ được lịch trình của mình – và thực sự có ít người làm được điều đó – bạn vẫn có thể làm chủ ý muốn của mình.

Không phải tiết kiệm thời gian đâu nhé. Mà là dành thêm thời gian cho những điều quan trọng.


Phương pháp Dành thời gian được hai tác giả giới thiệu trong sách bao gồm có 4 bước:

  • Việc quan trọng nhất: Hãy bắt đầu một ngày bằng cách chọn một tiêu điểm

  • Tiêu điểm tập trung: Đánh bại cám dỗ để dành thời gian cho việc quan trọng nhất

  • Tiếp thêm năng lượng: Dùng cơ thể để nạp năng lượng cho não

  • Đối chiếu: Điều chỉnh và cải thiện hệ thống của bạn.


Trong bài viết này, mình cũng sẽ chia sẻ lại với các bạn những gì mà mình học được từ cuốn sách này và mô hình 4 bước kể trên.


Nội dung

Cuốn sách này có 378 trang, nhưng theo mình thì thực ra nó không hề quá dài, bản thân mình cũng đã hoàn thành nó chỉ sau có 4 ngày.


Ngoài nội dung chính xoay quanh 4 bước của phương pháp Dành thời gian, tác giả Jake và JZ còn chia sẻ với người đọc chúng ta 87 bí kíp quản lý thời gian nho nhỏ để chúng ta áp dụng.

Hai tác giả cũng không khuyến khích chúng ta áp dụng tất cả 87 bí kíp, mà hãy thử nghiệm để tìm ra những bí kíp phù hợp nhất với chúng ta mà thôi.


Mỗi bí kíp đều có những điều thú vị của riêng chúng, vậy nên chắc chắn mình sẽ không thể trình bày nội dung về 87 bí kíp trong khuôn khổ của bài viết này được.

Để tìm hiểu thêm về 87 bí kíp quản lý thời gian của tác giả Jake và JZ, các bạn hãy tìm đọc trực tiếp cuốn sách này nhé.


1. Thời gian đi đâu cả rồi?

Theo hai tác giả, trong thế kỷ 21, có hai thế lực hiệu ứng cực kỳ mạnh luôn đấu đá lẫn nhau.


Hiệu ứng thứ nhất có tên là Đoàn tàu bận rộn – chính là nền văn hóa làm việc bận rộn đến tối mắt tối mũi của chúng ta – những tin nhắn đến dồn dập, lịch làm việc kín đặc và một danh sách những việc phải làm không có hồi kết.


Hiệu ứng thứ hai có tên là Bể bơi vô cực – chính là những kênh giải trí bất tận và một loạt những ứng dụng công nghệ hiện đại.

Nếu bạn có thể F5 nó, thì đó chính là một Bể bơi vô cực. Nếu bạn có thể dùng nó hàng giờ, đó chính là một chiếc Bể bơi vô cực.


Cả hai hiệu ứng trên đều có sức ảnh hưởng rất lớn bởi chúng đã trở thành những giá trị mặc định trong cuộc sống của chúng ta.

Hai tác giả viết:

Trong khi Đoàn tàu bận rộn mặc định gắn với những công việc bất tận thì Bể bơi vô cực mặc định gắn với những thú tiêu khiển không hồi kết.

Nhận thức được những sự bận rộn và sao nhãng trên đang ngấu nghiến thời gian sống của con người hiện đại, hai tác giả đã lên ý tưởng để xây dựng một “hệ thống”.

Một “hệ thống” mà theo tác giả Jake chia sẻ, nó là: Một khuôn khổ đơn giản giúp bạn tránh được sự sao nhãng, giữ năng lượng và có thêm nhiều thời gian.

Và từ đó, phương pháp Dành thời gian đã ra đời.


Nguyên lý hoạt động của phương pháp này được thể hiện trong hình dưới đây:


2. Việc quan trọng nhất

Hai tác giả chia sẻ rằng:

Làm nhiều hơn không giúp bạn có nhiều thời gian cho việc quan trọng, nó chỉ khiến bạn bận tối mắt và cạn kiệt sức lực.

Hai tác giả khuyên chúng ta bắt đầu mỗi ngày bằng việc nghĩ xem ta muốn cài gì sẽ là tâm điểm.

Khi bạn nhìn lại một ngày, hoạt động nào, thành tích nào hay khoảnh khắc nào bạn muốn nhâm nhi thỏa mãn? Đó chính là việc quan trọng nhất của bạn.


Cũng cần phải nhớ rằng, việc quan trọng nhất không phải việc duy nhất bạn sẽ làm trong ngày.

Chọn ra một việc quan trọng nhất sẽ giúp bạn sử dụng thời gian một cách chủ động thay vì cứ để công nghệ, những thứ mặc định ở công ty hay người khác ảnh hưởng tới thời gian biểu của bạn.


Theo hai tác giả:

Tập trung vào những việc cần ưu tiên còn tốt hơn cho dù điều đó đồng nghĩa bạn không thể làm hết mọi thứ trong danh sách phải làm trong ngày.

Hãy sống có chủ đích và tập trung vào cách bạn sử dụng thời gian.

Bạn có thể lên kế hoạch cho thời gian của mình bằng cách chọn cái bạn tập trung tới. Việc quan trọng nhất mỗi ngày của bạn chính là cái đích của sự tập trung đó.


Để chọn ra việc quan trọng nhất mỗi ngày của bạn, hãy tự hỏi bản thân câu này:

Cái gì sẽ là điểm nhấn trong ngày của mình?


Trả lời được câu hỏi này không hề dễ dàng, vậy nên bạn có thể tham khảo 3 tiêu chí sau đây:

  • Việc gấp:

Việc gì bắt buộc phải làm ngày hôm nay?

Nếu bạn có một việc mà bạn vô cùng chắc chắn là phải hoàn thành ngày hôm nay, hãy biến nó thành việc quan trọng nhất.

Hãy tìm những dự định đang ở thời điểm nhạy cảm, cực quan trọng nhưng không quá lớn.


  • Sự thỏa mãn:

Cuối ngày, việc nào sẽ khiến bạn thỏa mãn nhất?

Hãy tìm những hoạt động không thực sự gấp gáp. Cân nhắc những dự định bạn đã muốn làm từ lâu nhưng không tìm ra phút nào để làm.

Hãy dùng việc quan trọng nhất để phá vỡ cái vòng luẩn quẩn “để ngày nào đó rồi làm” nhé.


  • Niềm vui:

Nhìn lại ngày hôm nay, việc gì khiến bạn cảm thấy vui nhất?

Phương pháp Dành thời gian tách bạn ra khỏi viễn cảnh hoang đường về những tháng ngày được lên lịch hoàn hảo, hướng bạn tới cuộc sống nhiều niềm vui hơn và ít phản ứng vô thức hơn.

Với người khác, có lẽ một số việc quan trọng vui vẻ của bạn trông như đang lãng phí thì giờ vậy. Nhưng thực ra chẳng có gì là lãng phí ở đây hết, bạn chỉ phí thời gian khi bạn không định dành thời gian cho nó.


Với 3 tiêu chí trên, bạn cũng có thể tin vào trực giác của mình đã chọn ra việc quan trọng phù hợp nhất.

Hãy tin vào trực giác để quyết định xem việc nào cần gấp, việc nào vui và việc nào mang lại sự thỏa mãn cho bạn ngày hôm nay.

Tất nhiên, nếu một việc gì đó rơi vào cả ba trường hợp, có lẽ bạn nên chọn luôn việc đó làm việc quan trọng nhất!


Cũng đừng sợ bạn sẽ làm hỏng việc.

Vì Dành thời gian là phương pháp áp dụng mỗi ngày, cho dù có chuyện gì đi chăng nữa, bạn vẫn luôn có thể sửa cách tiếp cận của mình và thử lại nó vào ngày mai.

Tác giả Jake chia sẻ:

Không bao giờ là quá muộn để chọn (hay thay đổi) việc quan trọng nhất.

Ở chương này, một số bí kíp mình cho là đáng tham khảo bao gồm có:

  • (#1) Viết việc đó ra

  • (#2) Đào sâu nó

  • (#6) Danh sách cấp bách

  • (#8) Lên lịch cho việc quan trọng nhất

  • (#12) Biết nói không

  • (#14) Trở thành người dậy sớm

  • (#16) Dừng ngay khi bạn xong việc


3. Tiêu điểm tập trung

Theo quan điểm của tác giả Jake và JZ:

Trong xã hội này, ý chí không thôi thì không đủ để bảo vệ sự tập trung của bạn.

Sau khi đã xác định được việc quan trọng nhất trong ngày của bạn rồi, thì điều tiếp theo bạn cần là sự tập trung để hoàn thành tốt việc quan trọng nhất đó.

Là những người nghiên cứu công nghệ, hai tác giả hiểu rất rõ sự sao nhãng của con người chúng ta thường đến từ chính những chiếc Bể bơi vô cực.


Là những người đã giúp phát triển nên những chiếc Bể bơi vô cực cho Google và YouTube, hai tác giả cũng biết chính xác lý do vì sao những chiếc Bể bơi vô cực lại cám dỗ đến thế.

Và lời khuyên của họ dành cho người đọc chúng ta là:

Đừng đợi công nghệ trả lại thời gian cho bạn.

Các công ty công nghệ sẽ kiếm ra tiền khi bạn dùng sản phẩm của họ.

Nếu ngày hôm nay, bạn không thể cưỡng lại những sản phẩm cám dỗ này, thì ngày mai bạn cũng đừng mong có thể thoát khỏi chúng.

Công nghệ càng tiến bộ, sức mạnh ấy lại càng hấp dẫn – đồng nghĩa với việc thời gian và sự tập trung của chúng ta cũng bị lấy mất.


Theo hai tác giả:

Cách tốt nhất để đánh bại sự sao nhãng là khiến bản thân ít phản ứng với nó hơn.

Khi bạn khó bị sao nhãng, thì không cần lo về ý chí của mình nữa.

Lúc này bạn có thể dùng năng lượng của mình vào những việc quan trọng thay vì phí hoài nó.


Khi bạn đã ở trong chế độ Tiêu điểm tập trung, không còn lấp lửng giữa sự sao nhãng và tập trung nữa, bạn không chỉ có thời gian cho việc quan trọng, mà còn có thể biến nó thành thời gian chất lượng cao.


Hai tác giả viết:

Giống như lãi suất kép vậy. Bạn càng tập trung lâu hơn vào việc của mình, bạn sẽ thấy càng gắn chặt với nó hơn và làm (hoặc chơi) hăng hơn.

Phần lớn lý do chúng ta dễ bị sao nhãng là vì ai mà chả thế.

Đó là nỗi sợ bị bỏ lỡ (Fear of missing out - FOMO) – và tất cả chúng ta đều bị vậy.

Hai tác giả khuyến khích chúng ta hãy nhìn nhận điều này khác đi: một cơ hội để trở nên khác biệt, nhưng theo cách tốt.

Nếu bạn thay đổi điều bạn ưu tiên, mọi người sẽ nhìn ra. Chính phản ứng của bạn sẽ thể hiện điều gì quan trọng với bạn.


Đây cũng là chương sách mình yêu thích nhất bởi lẽ nó đặc biệt có ý nghĩa với mình.

Chương này hai tác giả tập trung rất nhiều vào những lời khuyên giúp cải thiện tình trạng lạm dụng mạng xã hội và các thiết bị công nghệ.


Ở chương này, có một số bí kíp đáng tham khảo sau đây:

  • (#17) Thử dùng bí kíp chiếc điện thoại không gây nghiện

  • (#18) Đăng xuất

  • (#19) Từ chối nhận thông báo

  • (#20) Dọn dẹp màn hình điện thoại

  • (#23) Bỏ qua công đoạn check-in mỗi sáng

  • (#24) Chặn các điểm yếu Kryptonite

  • (#25) Phớt lờ những tin tức

  • (#26) Tránh xa những thứ tiêu khiển

  • (#30) Cẩn thận với những chiếc hố đen thời gian

  • (#31) Đổi những thành tựu giả lấy những thành tựu thật

  • (#35) Lên lịch để trả lời email

  • (#38) Từ từ hẵng trả lời

  • (#41) Hãy dành một kì nghỉ mà không cần lên mạng

  • (#47) Nếu bạn yêu một thứ gì đó, hãy để nó được tự do

  • (#49) Tự đặt thời hạn

  • (#50) Chia nhỏ việc quan trọng nhất

  • (#52) Đặt một bộ đếm ngược dễ nhìn

  • (#54) Bắt tay làm trên giấy

  • (#55) Lập danh sách các “câu hỏi ngẫu nhiên”


4. Tiếp thêm năng lượng

Hai tác giả chia sẻ rằng:

Chọn được Việc quan trọng nhất của mình và duy trì chế độ Tiêu điểm tập trung là mấu chốt của phương pháp Dành thời gian. Nhưng chất xúc tác bí mật lại là Tiếp thêm năng lượng.

Để có được năng lượng cần thiết đủ duy trì sự tập trung và khả năng vận hàng tốt của bộ não, bạn phải chăm sóc mình trước đã.

Nhưng ngày nay, nhiều người sẽ dễ dàng cho rằng bộ não là thứ duy nhất quan trọng.


Theo hai tác giả, quan niệm rằng não bộ và cơ thể là những thực thể riêng biệt, không liên quan đến nhau đã được hình thành từ khi ta còn nhỏ và nó vẫn thường xuyên được củng cố.

Khi chúng ta lớn lên, chúng ta luyện tập cho não bộ thông qua nhiều như Toán, Văn, Tiếng Anh,... và luyện tập cho cơ thể ở lớp thể dục.

Càng trưởng thành, bộ não của chúng ta càng có nhiều việc để làm hơn và tập thể dục không còn là một bộ môn bắt buộc nữa, vậy nên chúng ta bắt đầu thử mọi công cụ và bí kíp để giúp não bộ hoạt động hiệu quả hơn – và đặt cơ thể của mình sang một bên.


Hay như các hai tác giả mô ta trong sách rằng:

Hai thế giới riêng biệt. Não ở đây, nhưng có thể tít ở kia.

Sự mặc định của thế giới ngày nay cho rằng não là tài xế xe buýt, nhưng đó không hẳn là cách não hoạt động.

Khi bạn không chăm sóc cơ thể, bộ não của bạn cũng không làm được gì.


Hai tác giả, Jake và JZ, đã tìm ra được nhiều điều để học hỏi – cả về cơ thể và bộ não – từ tổ tiên thời tiền sử của chúng ta.

Hai tác giả viết:

Chúng ta là hậu duệ của những người cổ đại, nhưng loài người chúng ta chưa phát triển nhanh như thế giới xung quanh chúng ta.

Vào thời điểm mà thế giới hiện đại dần trở nên điên rồ, sẽ rất hữu ích để nhớ rằng Người hiện đại đã tiến hóa để săn bắt hái lượm chứ không phải ngồi trước màn hình và dùng bút cảm ứng.


Vậy làm thế nào để có thể nạp nhiên liệu cho bộ não và cơ thể nguyên thủy của chúng ta để làm được công việc thời hiện đại?

Bởi vì cuộc sống ngày nay không đồng bộ với cơ thể săn bắt hái lượm của chúng ta, thế nên có một cơ hội rất lớn để cải thiện.


Theo hai tác giả, phương pháp sản sinh năng suất cao nhất (chỉ cần sự thay đổi nhỏ nhất cũng tạo ra lợi nhuận lớn nhất) tuân theo các nguyên tắc sau:

  • Hãy cứ vận động:

Cơ thể và bộ não của chúng ta hoạt động tốt nhất khi chúng ta đang chuyển động.

Chỉ cần 20 đến 30 phút cũng có thể làm cho bộ não hoạt động tốt hơn, giảm căng thẳng, cải thiện tâm trạng và giúp bạn dễ ngủ hơn, từ đó cung cấp nhiều năng lượng hơn cho ngày hôm sau.


  • Hãy ăn đồ ăn lành mạnh:

Ăn thức ăn thật. Rau, trái cây, các loại hạt và động vật.

Ngày nay, chúng ta sống ngập trong thức ăn chế biến sẵn hoặc đóng hộp, hãy biết hạn chế chúng.


  • Tối ưu hóa cafein:

Khi đề cập đến bộ não và cơ thể của bạn, thì cafein là thứ rất quan trọng, bởi vì đó là một thứ dễ cải thiện năng lượng của bạn.


  • Thoát khỏi mạng lưới xã hội:

Sự yên ắng là điều bình thường, và con người tiến hóa để không chỉ chịu được sự im lặng mà còn biết cách sử dụng nó cho tư duy tập trung vào công việc.

Tiếng ồn liên tục của ngày hôm nay và những sự cám dỗ chính là một thảm họa cho năng lượng và sự tập trung của bạn.


  • Cá nhân hóa mọi việc:

Ngày nay, chúng ta tương tác chủ yếu là qua màn hình, nhưng bạn có thể thay thế cách tương tác đó bằng cách tìm những người có thể nạp năng lượng cho bạn và gặp gỡ nhau trực tiếp.

Đó là một cách rất quý giá để làm tâm trạng tốt lên.


  • Ngủ trong hang:

Chất lượng giấc ngủ quan trọng hơn số lượng, nhưng để có được giấc ngủ ngon thì quá khó, vì thế giới tràn ngập sự cám dỗ – từ những chiếc màn hình đến thời gian biểu và cafein.


Mình nghĩ đây có lẽ chính là chương sách thú vị nhất của cuốn sách này.

Mình thấy chủ đề sức khỏe là chủ đề mà rất rất nhiều những cuốn sách self-help/productivity khác thường không đả động tới.


Những cuốn sách khác thường chỉ tập trung vào “Làm! Làm! Làm! Làm!”, trong khi ở cuốn sách này, hai tác giả dành nguyên cả một chương dài để chia sẻ những bí kíp làm sao để dành thời gian cho một cuộc sống khỏe mạnh hơn.

Nhờ có chương sách này mà mình đã có thêm rất nhiều hiểu biết về cà phê và cách uống nó sao cho hiệu quả.


Một số bí kíp đáng tham khảo ở chương này gồm có:

  • (#61) Tập luyện mỗi ngày

  • (#62) Đi dạo ngoài trời

  • (#64) Tập một bài tập siêu ngắn

  • (#65) Ăn như một người săn bắt – hái lượm

  • (#67) Để bụng thật đói

  • (#70) Tỉnh táo trước khi nạp cafein

  • (#72) Chợp mắt một chút

  • (#75) Hãy ghi nhớ lần nạp cafein gần nhất

  • (#76) Tránh ăn đường

  • (#77) Gần gũi với thiên nhiên

  • (#78) Đưa cơ thể vào trạng thái thiền

  • (#80) Nghỉ ngơi thật sự

  • (#82) Khi ăn đừng nhìn màn hình

  • (#84) Hoàng hôn nhân tạo

  • (#86) Đừng tự làm mình mệt mỏi

  • (#87) Đeo mặt nạ dưỡng khí cho bản thân trước


5. Đối chiều

Ở chương này, hai tác giả chia sẻ:

Chẳng cần một cái lịch trống đâu – chỉ cần 60 đến 90 phút chú ý vào một thứ gì đó đặc biệt mà thôi. Mục tiêu ở đây là dành thời gian cho những điều quan trọng, tìm lại sự cân bằng và tận hưởng ngày hôm nay nhiều hơn một chút.

Đây là bước mà bạn áp dụng với mục đích ghi chép lại để theo dõi kết quả của bạn, và hãy trung thực đấy nhé.


Bước này thực ra chỉ mất vài phút.

Mỗi ngày bạn hãy đối chiếu lại xem liệu bạn đã dành được thời gian cho Việc quan trọng nhất chưa và mức độ tập trung của bạn cho nó.

Bạn hãy chú ý xem bạn đã có bao nhiêu năng lượng.

Rồi xem lại bí kíp bạn đã sử dụng, ghi lại một số quan sát về cái nào có tác dụng, cái nào không, và lập kế hoạch cho ngày mai sẽ dùng bí kíp nào.

Cuối cùng, hãy nghĩ về khoảnh khắc bạn trân trọng ngày hôm nay.


Bước này tất nhiên được thiết kế để giúp bạn theo dõi mình áp dụng phương pháp Dành thời gian ra sao. Nhưng nó cũng được thiết kế để giúp bạn tìm hiểu về chính mình.

Bạn sẽ nhận thấy rằng các tác giả có đưa kèm cả một câu hỏi về lòng biết ơn (trân trọng).


Theo hai tác giả:

Thay đổi giá trị mặc định của mỗi người không phải lúc nào cũng dễ dàng, vì vậy rất hữu ích khi nhìn lại một ngày qua lăng kính biết ơn.

Rồi sẽ tới lúc bạn sẽ thấy rằng cho dù nhiều thứ không đi theo cách bạn muốn, nhưng nỗ lực tạo ra thời gian của bạn sẽ được đền đáp bằng một khoảnh khắc mà bạn trân trọng.

Khi điều đó xảy ra, cảm giác biết ơn trở thành sự khích lệ mạnh mẽ để bạn tiếp tục các bước vào ngày mai.


Cảm nhận

Để mô tả về cuốn sách này thì mình sẽ sử dụng hai cụm từ là bổ íchvui nhộn.


Thực ra đây là lần đầu tiên mình đọc một cuốn sách được viết bởi nhiều hơn một tác giả.

Mình có thể cảm thấy tác giả Jake và tác giả JZ là một đôi bạn rất thân thiết, họ rất ăn ý với nhau và cũng rất hiểu nhau.

Dù cho họ không phải lúc nào cũng đồng điệu – ví dụ như đôi khi họ chia sẻ những bí kíp hoàn toàn trái ngược với nhau – nhưng đến cuối cùng, họ hiểu rằng chúng ta đều đang sống những cuộc đời khác nhau và đều tìm ra được tiếng nói chung trong cuốn sách này.


Cuốn sách này cũng đã nêu lên nhiều dẫn chứng ủng hộ, hay thậm chí có thể nói là mở rộng, cho quan điểm của mình về khái niệm “làm việc năng suất”.

Trước đây, mình tin rằng “năng suất” hiểu cho đơn giản chính là sử dụng thời gian hợp lý.


Xem thêm bài viết: Bạn đã hiểu đúng về khái niệm “làm việc hiệu quả” chưa?


Tác giả Jake chia sẻ:

Làm việc năng suất không có nghĩa là tôi làm được những thứ quan trọng nhất của tôi, mà thực chất là làm những thứ quan trọng của người khác nhanh hơn.

Với chia sẻ này, mình học được rằng để tạo ra sự “năng suất” có ý nghĩa thì mình cũng nên chú ý tới mục đích sử dụng thời gian hợp lý của mình.


Đây là một cuốn sách mà mình sẽ khuyên tất cả các bạn nên đọc thử.

Nó rất dễ đọc. Nội dung vừa bổ ích, vừa dễ hiểu mà lại vừa thú vị. Nó đã cho mình rất nhiều bài học mới và cả ý tưởng mới.

Mỗi tội là bìa sách bản tiếng Việt lần này lại không được đẹp bằng bìa sách bản tiếng Anh, haha.


Các bạn cũng hãy đọc thử nó nhé!


Tiếp theo, mình sẽ đọc cuốn sách Tuần làm việc 4 giờ, tác giả Timothy Ferriss.

Tình cờ làm sao, tác giả Timothy Ferriss cũng chính là một trong những “thần tượng” của hai tác giả Jake và JZ.

Cuốn sách Tuần làm việc 4 giờ cũng đã được nhắc đến như là một trong những nguồn cảm hứng quan trọng để tạo nên cuốn sách Make Time này.


“Keep Moving Forward”

Chấp bút: Tom.


***

Nếu bạn đọc yêu thích blog của Tom và cảm thấy blog mang lại lợi ích tích cực cho cuộc sống của mình, hãy ủng hộ cho Tom Writing để blog có thể tồn tại và phát triển mạnh mẽ và bền vững hơn bạn nhé.


Bạn chỉ cần nhấn vào nút “Buy me a coffee” dưới đây để ủng hộ cho Tom Writing một "tách cà phê":

Buy me a coffee


Mỗi "tách cà phê" chỉ có giá $5 (khoảng 117 ngàn đồng) nhưng mang lại lợi ích không hề nhỏ cho việc duy trì blog và truyền động lực sáng tạo cho Tom đó ạ :')

325 lượt xem0 bình luận

Bài đăng gần đây

Xem tất cả
Bài đăng: Blog2 Post
bottom of page