Một thoáng ta rực rỡ ở nhân gian – Chiến tranh, gia đình, tình người và sự kết nối.
Đã cập nhật: 25 thg 7, 2022
Tác giả sách: Ocean Vuong
Thể loại: Tiểu thuyết
Số trang: 302
Đánh giá: Rất hay!

Mình đang ngồi viết dòng này ngay sau khi mình vừa mới đọc xong trang cuối cùng của cuốn sách Một thoáng ta rực rỡ ở nhân gian.
Dù biết rằng mình sẽ khó có thể chia sẻ ngay bài viết này đến với các bạn, nhưng mình vẫn muốn gửi vào những dòng này một phản ứng trực tiếp (live reaction) của mình sau khi vừa hoàn thành xong cuốn sách.
Mình muốn gửi vào đây một cái ôm thật nồng nhiệt, bởi vì đó chính xác là những gì mình đã làm với cuốn sách này sau khi vừa đọc xong, mình đã ôm lấy nó.
Một thoáng ta rực rỡ ở nhân gian, dẫu cho rất giàu cảm xúc, nhưng nó lại không khiến cho mình cảm thấy muốn khóc, như một người bạn của mình có chia sẻ là bạn ấy đã khóc vài lần khi đọc cuốn sách này.
Tính giàu cảm xúc của cuốn sách này, theo nhiều cách khác nhau, lại khiến cho mình phải cau mày mà suy nghĩ rất nhiều.
Mình đã nghĩ về chiến tranh. Mình đã nghĩ về gia đình. Mình đã nghĩ về tình người. Và nghĩ về cách tác giả Ocean Vuong kết nối tất cả những khía cạnh đó vào trong cuốn sách này.
Ocean Vuong, theo như giới thiệu ở bìa sách, là một nhà thơ đồng thời là một nhà văn. Tác giả sinh ra ở Sài Gòn và lớn lên ở Mỹ, trong một gia đình lao động, công nhân và thợ làm móng.
Hiện tác giả đang tham gia giảng dạy chương trình Thạc sĩ sáng tác văn chương tại Đại học Massachusetts tại Amherst.
Sau khi đã xem thêm khá nhiều video phỏng vấn, podcast, sự kiện có sự góp mặt của tác giả, đồng thời mình cũng đã đọc thêm các bài báo viết về tác giả và viết bởi tác giả.
Ocean Vuong đem tới cho mình ấn tượng rằng tác giả là một người có tâm hồn rất nhạy cảm, có ý chí lạc quan mạnh mẽ và sở hữu nhãn quan vô cùng tinh tường.
Có lẽ cũng do bản chất nghề nghiệp nên tác giả cũng sở hữu rất nhiều kiến thức chuyên sâu về lịch sử, đặc biệt là lịch sử văn học và từ ngữ.
Trong bài viết ngày hôm nay, mình sẽ chia sẻ với các bạn những cảm nghĩ và bài học mà mình rút ra được từ cuốn sách này.
Đương nhiên, mình không phải là nhà phê bình văn học và kiến thức văn chương của mình cũng hạn chế, vậy nên những gì mình chia sẻ sau đây sẽ đều chỉ mang tính cá nhân thôi bạn nhé.
Bài viết sẽ tiết lộ nhiều nội dung của sách nên hãy coi như đây là một cảnh báo SPOILER từ mình nha!
Đây là một cuốn sách dày 302 trang.
Theo cá nhân mình thì dày như vậy là chưa đủ, bởi vì mình vẫn còn muốn đọc thêm nữa, haha.
Suy nghĩ đầu tiên của mình sau khi đọc đến trang cuối cùng là: “Ôi, đã hết rồi ư?”
Dù mình đánh giá đây là một cuốn sách rất hay, nhưng cá nhân mình tin rằng nội dung của cuốn sách có lẽ sẽ không thể dành cho tất cả mọi lứa tuổi.
Do cuốn sách có chia sẻ về một số đề tài mà mình tin rằng nên hạn chế các bạn đọc quá nhỏ tuổi tiếp cận, ví dụ như quan hệ tình dục trong độ tuổi vị thành niên, phân biệt chủng tộc, bạo lực gia đình, và trong sách có cả những đoạn mô tả hành vi sử dụng chất kích thích nữa.
Vậy nên mình tin rằng cuốn sách sẽ phù hợp và đem lại nhiều giá trị nhất dành cho các bạn đọc trong độ tuổi 18+.
Một thoáng ta rực rỡ ở nhân gian là một cuốn tiểu thuyết tự truyện (autobiographical) được viết dưới dạng một lá thư bởi một người con trai, tên Chó Con, gửi cho người mẹ mù chữ của cậu.
Mình để ý thấy tác giả Ocean Vuong đặt người đọc vào trong một không khí văn chương khá “thô” (grim).
Tác giả thường xuyên nhắc tới 3 màu là xanh dương, tím và đỏ trong suốt chiều dài cuốn sách.
Trong phần lớn các trường hợp, chúng là 3 màu mà tác giả sử dụng để mô tả về bầu trời. Đôi khi mình cảm thấy như bầu trời là thứ duy nhất có màu bên trong thế giới của cuốn sách này. Mọi vật thể khác, từ con người, phố phường cho tới cây cỏ, dường như đều kém sống động hơn.
Còn trong một số trường hợp khác, màu xanh có thể là màu của một chiếc khăn mua bằng tất cả tiền ăn, màu tím có thể là màu của những vết bầm, và màu đỏ có thể là màu của máu hoặc những đám cháy.
Trong sách cũng có nhiều đoạn mở đầu bằng cảnh nhân vật Chó Con tỉnh dậy khỏi một giấc ngủ tại một nơi nào đó.
Giả thuyết cho chi tiết lặp lại này từ mình có lẽ là tác giả Ocean Vuong đang muốn nhấn mạnh vào yếu tố “tỉnh thức” của nhân vật Chó Con. Bởi lẽ mình cảm thấy cứ mỗi lần “tỉnh dậy” là Chó Con sẽ phải đương đầu với một hình ảnh đen tối nào đó của quá khứ hoặc sẽ học được một bài học nào đó từ chính những quá khứ đó.
Cuốn sách Một thoáng ta rực rỡ ở nhân gian mở đầu như sau:
Con viết thư này để đến gần thêm mẹ – dù mỗi chữ con đặt xuống đây là thêm một chữ rời xa mẹ hơn.
Do vốn đã biết nội dung của sách là một lá thư viết bởi một người con trai gửi cho bà mẹ mù chữ, vậy nên mình tin rằng câu văn mở đầu này làm nổi bật lên tính bất khả thi của bản thân cuốn sách này.
Trước khi đọc sách thì mình đã rất háo hức với những suy nghĩ kiểu:
“Oke. Nhân vật chính là một người con trai viết thư cho bà mẹ mù chữ. Hmmm, nghe có vẻ rất hứa hẹn đây!”
Nhưng ngay sau khi đọc được câu văn mở đầu trên thì những tư duy logic của mình lập tức quay trở lại và giáng mạnh vào đầu mình một luồng suy nghĩ thực tế rằng:
“Khoan đã?! Nếu như mẹ nhân vật chính là một người mù chữ thì bà ấy sẽ đọc thư của con trai như thế nào?”
Chỉ với một câu văn mở đầu thôi mà Ocean Vuong đã lập tức kéo mình về với thực tế để nhìn nhận lại tính bất khả của cuốn sách.
Trong một video đăng trên kênh Youtube của Penguin Random House, tác giả Ocean Vuong có chia sẻ rằng tác giả muốn sử dụng bản chất bất khả thi của cuốn sách như là một nỗ lực (attempt) để xem ngôn ngữ có thể thực hiện đúng bổn phận làm “cây cầu” kết nối giữa con người và con người hay không.
Tác giả biết rằng nó có thể thất bại, nhưng với tác giả, điều đó vẫn rất đáng để mừng vui (exhilarating).
Chương I
Theo mình, đây là chương sách tác giả chia sẻ rất nhiều về chuyện tuổi thơ của nhân vật chính Chó Con. Có lẽ cũng vì vậy mà chương sách này có chứa nhiều thông điệp về chiến tranh nhất so với các chương khác.
Chương sách này đóng vai trò như là cái back story rất lớn dành cho cả gia đình nhân vật chính, bao gồm bản thân Chó con, người mẹ tên Hồng (Rose), người bác gái tên Mai và người bà ngoại tên Lan.
Con không biết rằng chiến tranh vẫn còn bên trong mẹ, thậm chí không biết rằng đã từng có một cuộc chiến tranh, rằng nó một khi đã chui vào ai thì sẽ không bao giờ ra – mà chỉ lặp lại trong tiếng vọng, một âm thanh biến thành gương mặt con trai mẹ.
Đối với mình, đây có lẽ chính là một trong những câu văn ấn tượng nhất truyền tải thông điệp rõ ràng về chiến tranh trong cuốn sách.
Đây là cảnh Chó Con nhớ lại lúc tầm 5-6 tuổi, cậu có bày trò nhảy ra hù mẹ từ sau cánh cửa hành lang. Cậu la lên, “Bùm!”.
Trò đùa nghịch của cậu khiến cho mẹ phải thét lên trong hoảng sợ, “mặt cắt không còn hột máu, rúm ró, rồi mẹ bật khóc nức nở, tay ôm tựa mình vào cửa, hổn hển.”
Mình rất thích thông điệp của những câu từ “nó một khi đã chui vào ai thì sẽ không giờ ra”, bởi lẽ mình tin rằng đó chính xác là những gì mà chiến tranh gây nên cho con người.
Chiến tranh để lại cho chúng ta những vết thương cả trên thể xác và tinh thần. Chúng lấy đi máu thịt của ta cũng nhiều như khi chúng lấy đi tinh thần của ta.
Cũng từ đây về sau, người đọc bắt đầu được nghe kể về những hành vi bạo lực mà mẹ Hồng thực hiện với cậu con trai Chó Con.
Cái lúc bị mẹ đánh lần đầu tiên, hình như con bốn tuổi. Một bàn tay, một ánh chớp, một sự phán xử. Miệng con bỏng rát vì cú va chạm.
Rồi cái lúc mẹ văng cái điều khiển. Cẳng tay con hằn vết bầm tím mà con phải nói dối thầy cô. “Con chơi rượt đuổi bị té.”
Cái lúc mẹ lẳng hộp Lego trúng đầu con. Máu lấm tấm mặt sàn gỗ cứng.
Những đoạn văn mô tả các hành vi bạo lực này thường được viết rất ngắn, chóng vánh và bất ngờ, đan xen giữa những đoạn văn dài hơn kể về nhiều khoảnh khắc hai mẹ con tình cảm với nhau.
Mình tin rằng cách mà tác giả Ocean Vuong sử dụng để mô tả một mối quan hệ có yếu tố bạo hành (abuse relationship) là rất chân thật. Bởi lẽ theo như tìm hiểu của mình, có rất nhiều trường hợp mà người bạo hành kẹt trong một vòng lặp của sự xung đột tâm lý giữa tình cảm yêu thương và ham muốn bạo lực.
Các bạn có thể tìm hiểu thêm về chủ đề này qua video Ted Talk Why domestic violence victim don’t leave, được trình bày bởi diễn giả Leslie Morgan Steiner.
Một người bạn của mình cũng chỉ ra rằng có lẽ mẹ Hồng bị PTSD – một chứng bệnh rối loạn tâm lý thường được ghi nhận ở các nạn nhân chiến tranh.
Có lẽ do quá khứ đau thương bị ảnh hưởng bởi chiến tranh, kết hợp thêm với sự thật rằng bản thân mẹ Hồng cũng là nạn nhân của bạo lực gia đình, vậy nên nhân vật này mới thường lựa chọn các phương pháp “dạy con” cực đoan như là đánh đập, chửi bới hoặc phạt một cách tàn nhẫn.
Về sau, ở chương II, bà ngoại Lan cũng có một câu thoại như sau:
Má con thương con lắm đó Chó Con. Nhưng má con bệnh. Bệnh như bà vậy. Trong đầu nè.
Đây cũng là câu văn đã giúp mình tin rằng có lẽ bản thân nhân vật mẹ Hồng cũng đang mang một chứng bệnh tâm lý bất ổn định nào đó.
Mình chia sẻ những điều trên không phải là để bao biện thay cho hành vi bạo lực trẻ em của nhân vật mẹ Hồng.
Mình tin rằng dù bởi bất cứ lý do gì, đánh đập và hạnh hạ một đứa trẻ, nhất là khi đứa trẻ đó là con của chính mình, là sai trái hoàn toàn và sẽ không có lý lẽ nào có thể bao biện cho điều đó.
Qua việc chia sẻ những khoảnh khắc đớn đau trên trong tuổi thơ của Chó Con, tác giả Ocean Vuong đã để lại trong mình một ấn tượng rằng tác giả là một người rất thành thật (honest), rằng tác giả sẽ không bao giờ ngại ngùng trước những chủ đề khó viết.
Sự thành thật có phần hơi tàn nhẫn của tác giả ở khía cạnh bạo lực đã giúp mình rút ra được một trong những bài học đầu tiên từ cuốn sách này, đó là: Bạo lực sẽ tiếp tục sinh ra bạo lực, và nó chuyển từ người này sang người khác.
Cũng như mình đã chia sẻ ở trên, chương này không chỉ có bạo lực và chiến tranh, vẫn có những trường đoạn dài chia sẻ về kỷ niệm tuổi thơ vui vẻ giữa hai mẹ con nhân vật Chó Con.
Một trong những đoạn văn mà mình rất thích, đan xen cả tình cảm mẹ con và yếu tố bạo lực, đó là:
Rồi mẹ con mình sẽ đi bộ, chuyền phong kẹo qua lại cho nhau cho tới khi mấy ngón tay đen bóng lên ngọt lìm. “Vầy mới là sống chứ,” mẹ sẽ nói và mút tay, lớp sơn móng tay màu hồng nham nhở sau một tuần làm móng chân cho khách.
Cái lúc mẹ giơ nắm tay, la hét trong bãi đậu xe, mái tóc đỏ rực lên dưới nắng chiều. Hai cánh tay con giơ lên che đầu trong khi nắm tay mẹ nện xuống quanh con.
Những thứ bảy đó, mẹ con mình sẽ đi xuôi các hành lang thương xá cho tới khi từng cửa hàng một kéo cửa sắt đóng lại. Rồi mình sẽ ra trạm xe buýt cuối đường, hơi thở bồng bềnh trên đầu, lớp trang điểm khô đi trên mặt mẹ. Trong tay mình không cầm gì ngoài tay nhau.
Sau đó, một số chi tiết khác về chiến tranh vẫn liên tục xuất hiện và được cài cắm rải rác ở khắp nơi xuyên suốt cuốn sách.
Sau đây là một số đoạn văn truyền đạt thông điệp chiến tranh rất tinh tế mà mình yêu thích từ cuốn sách:
Cái lúc mình ở tiệm thịt heo người Hoa, mẹ chỉ con con heo quay treo trên móc. “Chỗ sườn y chang xương sườn người ta sau khi bị cháy.” Mẹ bật ra tiếng cười vắn, rồi ngừng, đoạn cau mày, lấy ra cuốn sổ tay và đếm lại tiền của mẹ con mình.
Khi nào một cuộc chiến kết thúc? Khi nào thì con có thể nói tên mẹ và đó chỉ có nghĩa là tên của mẹ chứ không phải những gì mẹ bỏ lại phía sau?
Đôi lúc, con tưởng tượng đàn bướm chạy trốn không phải mùa đông mà là những đám mây napalm trong tuổi thơ Việt Nam của mẹ.
Nhưng hai năm sau, cuộc sống ở Việt Nam – vẫn còn tan tác mười ba năm sau khi chiến tranh kết thúc – đã trở nên khó khăn tới nỗi cả nhà chúng ta sẽ chạy trốn khỏi chính mảnh đất mà ba từng đứng, mảnh đất mà, cách đó chừng mét, máu của mẹ đã chảy thành một vũng đỏ giữa hai chân, biến đất cứng bên dưới thành bùn tươi – và con thành sống trên đời.
Tiếng Việt con là tiếng Việt mẹ cho con, là tiếng Việt mà từ vựng và cú pháp chỉ đi đến lớp hai.
Hồi còn nhỏ, núp sau bụi chuối, mẹ nhìn ngôi trường nhỏ của mình đổ sụp sau một cuộc rải bom napalm của Mỹ. Ở tuổi lên năm, mẹ không hề đặt chân vào một lớp học nào nữa. Thế nên, tiếng mẹ đẻ của mình không thể che chở cho mình – vì cả nó cũng mồ côi.
Tuy nhiên, trường đoạn ấn tượng nhất của cuốn sách khắc họa về chiến tranh chắc chắn nằm ở câu chuyện quá khứ của nhân vật ngoại Lan.
Câu chuyện về ngoại Lan bắt đầu được kể từ trang 50 của cuốn sách, và cũng từ đây, mình phải làm quen với lối viết “nhảy qua nhảy lại” giữa nhiều bối cảnh, nhiều nhân vật và nhiều tuyến truyện khác nhau của tác giả Ocean Vuong.
Ví dụ như trong trường đoạn kể về câu chuyện quá khứ của ngoại Lan thì tác giả có đan vào đó câu chuyện về những người đàn ông ăn não khỉ.
Cá nhân mình không dám nói chắc về ý nghĩa ẩn đằng sau của món ăn kỳ lạ này. Giả thuyết của mình đó là tác giả đang muốn “phê phán” những người hay tin vào “myth” – những ý tưởng được nhiều người cho là đúng dựa trên những thông tin chưa được xác thực.
Theo tác giả viết trong sách thì “Đám đàn ông tin rằng món ăn này tránh cho họ bị yếu sinh lý, rằng con khỉ càng quẫy đạp, thì hiệu quả càng cao.”
Có lẽ tác giả muốn phê phán một khía cạnh tàn nhẫn của con người đó là đôi khi chúng ta vì những niềm tin mà gây nên khổ đau cho người khác hoặc giống loài khác.
Chi tiết về món ăn kỳ lạ trên đã gợi nên trong mình suy nghĩ rằng: “Chẳng phải bản chất của chiến tranh vẫn thường là như vậy hay sao? Chúng ta vì niềm tin nào đó mà đi đánh chiếm rồi gây nên tổn thương cho người khác.”
Quay trở lại với câu chuyện của ngoại Lan, mình tin rằng đây là câu chuyện rất điển hình về những số phận sinh ra trong thời chiến, nhưng với lối kể truyện “nhảy qua nhảy lại” của tác giả Ocean Vuong thì mình đã rất hồi hộp khi đọc đoạn này, bởi lẽ mình chỉ muốn nhanh chóng đọc qua đoạn về mấy người đàn ông ăn não khỉ để được đọc tiếp về câu chuyện của ngoại Lan.
Chúng ta được biết rằng Lan rất yêu cô con gái nhỏ. Lan mua cho con gái một cái khăn mới màu xanh “dù biết sẽ chẳng còn tiền để ăn”.
Rằng Lan thực ra là cái tên tự “đặt cho bản thân, sau một đời không có tên từ lúc sinh ra.” Vì mẹ Lan chỉ gọi là Bảy, sau sáu đứa con khác.
Chỉ sau khi bỏ trốn, ở tuổi mười bảy, khỏi cuộc hôn nhân sắp đặt với người chồng gấp ba tuổi mình, Lan mới đặt cho mình cái tên đó.
Ở tuổi hai mươi tám lúc này, chị đã sinh ra một đứa con gái đang quấn trong một mảnh trời trộm về từ một ngày trong vắt.
Trong những câu văn sau đó, chúng ta được thấy khát vọng của Lan về một thế giới không có chiến tranh, một thế giới mà Lan và con gái được sống trong bình yên:
Một thế giới không có lính hay trực thăng và người phụ nữ chỉ đang đi dạo trong buổi tối mùa xuân ấm áp, và chị dịu dàng nói với con gái mình, kể cho nó nghe câu chuyện về một cô gái chạy trốn khỏi tuổi trẻ không có khuôn mặt chỉ để đặt cho mình cái tên theo một loài hoa nở ra trông như bị xé toạc.
Mình tin rằng plot point lớn nhất ở trường đoạn này đó đoạn tiết lộ sự thật rằng Hồng – con gái của Lan – là một cô bé da trắng và tóc vàng.
Ở đoạn này, tác giả Ocean Vuong có viết những câu rất hay như sau:
Hoa lan và hoa hồng, bên nhau trên con đường trắng như hơi thở. Một người mẹ bồng một người con gái. Một bông hồng mọc ra từ một nhành lan.
Đây là hình ảnh đã khiến cho mình rất xúc động, và cá nhân mình cho rằng đây là hình ảnh ấn tượng nhất trong cả cuốn sách này.
Hình ảnh “một bông hồng mọc ra từ một nhành lan” dường như đã gói lại hết mọi thông điệp mà mình cảm nhận được từ cuốn sách này. Từ sự khắc nghiệt của chiến tranh, tình cảm sâu nặng của gia đình, và cho tới cả sự kết nối một cách bất khả thi. Tất cả đều có thể được hình dung qua hình ảnh “một bông hồng mọc ra từ một nhành lan”.
Ở chương này, cũng có một đoạn văn nữa mà mình rất thích.
Khi mới bắt đầu viết, con ghét mình lúc nào cũng không chắc chắn, về những hình ảnh, cụm từ, ý tưởng, thậm chí cây viết hay cuốn sổ con dùng. Mọi thứ con viết đều bắt đầu bằng có lẽ hay biết đâu và kết thúc với tôi nghĩ hay tôi cho là vậy. Nhưng sự ngờ vực của con nằm khắp nơi mẹ à. Ngay cả khi con biết một điều gì đó chắc như đinh đóng cột thì con vẫn lo là điều con biết sẽ tan đi, sẽ không còn thực mãi, bất chấp con đã viết nó ra.
Mình thích đoạn văn này bởi vì 2 lý do.
Thứ nhất, là mình đồng cảm với tác giả với vị trí là một cây viết. Khi mới bắt đầu viết, cảm giác “lúc nào cũng không chắc chắn” là một thứ mà mình vẫn thường xuyên trải qua trong quá trình viết lách mỗi ngày. Mình tin rằng đoạn văn này có thể nói thay cho tiếng lòng của rất nhiều các cây viết trẻ khác hiện nay.
Và thứ 2, mình nghĩ rằng ở một tầng ý nghĩa sâu hơn, có lẽ do có tuổi thơ quá thiếu thốn và khổ cực nên Chó Con mới hình thành tâm lý “lúc nào cũng không chắc chắn”. Cậu luôn giữ trong lòng nỗi lo sợ rằng những thứ tốt đẹp ở xung quanh cậu rồi sẽ bị tước đoạt khỏi cậu hoặc có lẽ cậu sẽ đánh mất nó.
Chương I kết thúc với một phân đoạn mà bản thân mình cảm thấy hơi khó hiểu.
Đó là đoạn mẹ Hồng lái xe cùng với ngoại Lan và Chó Con tới “giải cứu” bác Mai khỏi gã bạn trai hung bạo tên Carl của bác.
Đoạn này kết thúc với việc họ gọi cửa nhầm nơi và thông tin được tiết lộ rằng bác Mai đã chuyển đi khỏi ngôi nhà đó được 5 năm rồi.
Đây là đoạn văn được chính tác giả Ocean Vuong lựa chọn để đọc trực tiếp cho độc giả nghe trong một buổi gặp gỡ tại Strand Book Store, vậy nên mình tin rằng có lẽ nó mang một ý nghĩa nào đó mà mình hiện đang chưa nắm được.
Nhưng cũng có thể là do mình nghĩ quá lên thôi, haha. Có lẽ tác giả đơn giản lựa chọn đoạn này vì đây là một phân đoạn rất hay và kịch tính về mặt câu chữ.
Không biết các bạn đọc có giả thuyết nào về ý nghĩa của đoạn này không?
Chương II
Mình nghĩ chủ đề nổi bật nhất chạy xuyên suốt cả chương II chính là “lao động” và hành trình tìm ra “bản thân” (identity) của nhân vật Chó Con.
Đây cũng là chương tập trung vào những câu chuyện trong độ tuổi thiếu niên của Chó Con.
Ở chủ đề lao động, tác giả Ocean Vuong có viết đoạn văn sau:
Bởi vì con là con của mẹ, nên bao nhiêu điều về lao động con biết là bấy nhiêu điều về mất mát con hay. Và mọi điều con biết về cả hai thứ ấy con đều biết qua đôi bàn tay mẹ. Những đường nét một thời từng mềm mại ấy con chưa bao giờ được chạm vào, hai lòng bàn tay đã chai và phồng rộp từ lâu trước khi con ra đời, rồi bị hủy hoại thêm nữa sau ba thập kỷ làm việc trong những nhà máy và tiệm móng. Tay mẹ xấu xí lắm – và con ghét mọi thứ đã làm chúng thành ra như thế. Con ghét việc chúng là hậu quả và cái giá của một giấc mơ.
Đây cũng là một đoạn văn đã khiến cho mình cảm thấy rất xúc động.
Mình vẫn liên tục nghĩ về mẹ mình trong suốt cả quá trình đọc sách, nhưng đoạn văn này có lẽ là đoạn văn khiến mình nhớ mẹ nhiều nhất. Mẹ mình cũng là người đã vất vả nuôi mình lớn và trong quá trình trưởng thành mình cũng đã không ít lần chú ý thấy đôi bàn tay của mẹ ngày một “tả tơi” nhiều hơn.
Một đoạn văn nữa, cũng rất hay về chủ đề lao động trong cuốn sách này đó là:
Từ tiếng Anh được nói thường nhất ở tiệm móng là sorry – xin lỗi.
Trong tiệm móng, xin lỗi là công cụ dùng để nịnh nọt cho tới khi chính từ đó trở thành một thứ tiền tệ. Nó không còn chỉ mang nghĩa mong tha thứ, mà còn là nài nỉ, nhắc nhở: Tôi ở đây, ngay đây bên dưới ông/bà. Nó là khi ta hạ bản thân mình xuống để khách hàng thấy mình đúng, mình thượng đẳng và nhân từ. Trong tiệm móng, định nghĩa xin lỗi của ta bị biến đổi thành một từ hoàn toàn mới, một từ được tích thêm nghĩa và bị tái sử dụng vừa như một quyền năng vừa như một cách làm mất mặt mình. Lời xin lỗi đem lại tiền; lời xin lỗi, ngay cả khi ta không có lỗi, hay nhất là khi ta không có lỗi, xứng đáng với từng tiếng hạ mình mà miệng ta có thể thốt ra. Vì cái miệng phải ăn.”
Đây là đoạn văn được tác giả Ocean Vuong đọc trực tiếp trong buổi phỏng vấn thực hiện với Amanpour and Company.
Mình tin rằng đây là đoạn văn không chỉ nói lên tiếng lòng của những người lao động, mà còn cụ thể hơn, đó là tiếng lòng những người lao động nhập cư.
Bối cảnh của đoạn văn trên được kể khi Chó Con vừa xin được vào làm công việc tại trang trại trồng cây thuốc lá, nơi câu gặp rất nhiều những người lao động nhập cư khác, và có vẻ như họ đều đối xử tốt và khá nồng hậu với nhân vật chính của chúng ta.
Tác giả còn bổ xung thêm một câu văn như sau:
Xin lỗi, với những người này, là cuốn hộ chiếu để được ở lại.
Chủ đề nổi bật thứ hai, chính là hành trình tìm ra “bản thân” của nhân vật Chó Con.
Tại trang trại thuốc lá, Chó Con đã gặp gỡ Trevor, cháu nội của chủ trang trại. Họ trở thành bạn của nhau và rồi tình cảm nảy sinh giữa hai cậu chàng.
Có rất nhiều phân đoạn mình thích giữa hai nhân vật này, nhưng ở đây mình muốn tập trung vào chia sẻ về bài học mà mình rút ra được từ câu chuyện của Chó Con và Trevor.
Theo mình thì chuyện tình cảm giữa Chó Con và Trevor mang theo thông điệp về “hổ thẹn”, hay cụ thể là “shame”.
Theo cảm nghĩ của mình khi đọc sách, Trevor, dù rằng rất yêu thương Chó Con, nhưng có phần nào đấy trong cậu cảm thấy hổ thẹn vì bản thân đã có tình cảm với một người đồng giới.
Bên trong Trevor dường như ẩn chứa một số những xung đột tâm lý về mối quan hệ của cậu với Chó Con.
Có phân đoạn cậu từ chối quan hệ với Chó Con trong trạng thái rõ ràng là lo lắng và căng thẳng. Cậu nói:
“Mình chịu. Mình không… ý mình là…” Cậu nói với bức tường. “Không biết nữa. Mình không muốn cảm thấy như một đứa con gái. Như một con chó cái. Không được đâu. Xin lỗi nha, vụ này không hợp với mình…”
Rồi ở chương III, Chó Con và Trevor có một cuộc hội thoại mà trong đó Trevor có nói:
“Nhưng có đúng không?” Xích đu của cậu kêu kẽo kẹt. “Cậu nghĩ cậu thực sự gay, kiểu suốt đời luôn hả? Ý mình là,” xích đu ngừng lại, “mình nghĩ mình… sẽ bình thường sau vài năm nữa, cậu biết đó?”
Ít nhất thì câu văn trên cũng cho mình thấy là Trevor có suy nghĩ rằng tình cảm đồng giới giữa cậu và Chó Con là “không bình thường”, và có lẽ cậu nghĩ đây sẽ chỉ là một giai đoạn (a phase) thôi. Có lẽ cậu nghĩ rằng khi đã trưởng thành hơn rồi thì cậu sẽ nghĩ khác đi, và sẽ “bình thường” trở lại.
Trong khi đó, Chó Con lại hoàn toàn chấp nhận, tin tưởng và có mong muốn được cống hiến hết mình để xây dựng tình cảm giữa cậu và Trevor.
Chó Con không hề cảm thấy hổ thẹn về giới tính của cậu, mà ngược lại, mình tin rằng cậu tự hào về điều đó.
Điều này theo mình được thể hiện qua một số đoạn văn sau:
Mẹ có bao giờ cảm thấy màu sắc tràn vào mình khi miệng một người con trai tìm thấy mẹ không? Nếu cơ thể chẳng là gì ngoài nỗi khát khao có một cơ thể?
Con nhớ. Con nhớ hết vì làm sao ta có thể quên chút nào cái ngày ta lần đầu thấy mình đẹp?
Một yếu tố mà mình rất thích trong diễn biến tâm lý của nhân vật Chó Con xuyên suốt cuốn sách, đó là dù cho cậu tự hào về bản thân khi chấp nhận giới tính của mình, nhưng niềm tự hào và tình cảm lãng mạn cậu dành cho Trevor chắc chắn là không đủ để xóa sạch đi tất cả những nỗi bất an (insecurity) sinh ra từ tâm lý “lúc nào cũng không chắc chắn” đã bám chặt vào tâm trí cậu từ những ngày còn bé.
Sau đây là một đoạn văn mình rất thích mô tả diễn biến tâm lý như trên:
Con có được cái mình muốn – một chàng trai bơi về phía con. Có điều con không phải bờ, mẹ à. Con là mảnh gỗ lênh đênh đang tìm cách nhớ lại mình vỡ từ đâu mà đến được nơi đây.
Theo cá nhân mình, Chó Con và Trevor đại diện cho hai thái cực khác nhau của con người khi chúng ta đối mặt với sự hổ thẹn.
Chúng ta có thể chối bỏ, sợ hãi, lo lắng, căng thẳng vì nó, dẫu cho nó có là điều chúng ta muốn, dẫu cho nó có là bản chất của chúng ta đi chăng nữa – như Trevor.
Hay chúng ta có thể chấp nhận, tin tưởng và tự hào vì đó là những gì chúng ta muốn, và là những gì thuộc về bản chất của chúng ta – như Chó Con.
Mình không thể nói thay cho Trevor, hay Chó Con, hay bất cứ người nào, nên mình cũng không dám phán xét xem thái cực nào đúng, thái cực nào là sai.
Mình nghĩ có lẽ cũng chẳng có cái gì là đúng, hay là sai ở đây hết.
Đây là những lựa chọn được tiến hành dựa trên những cảm xúc, kinh nghiệm và kiến thức cá nhân của mỗi người. Mà lựa chọn thì sẽ thay đổi, tùy theo hoàn cảnh.
Chương III
Khác với 2 chương trước thì mình thấy chương III dường như không quá tập trung vào một chủ đề cụ thể nào.
Thay vào đó, mình nghĩ nó tập trung vào khắc họa những tình tiết “hậu quả” – hay “aftermath” – của các chương trước.
Chương này mở ra với thông tin về cái chết của Trevor.
Từ chương II, chúng ta đã được biết rằng Trevor là một con nghiện, và ở chương này, người đọc được biết rằng cậu đã qua đời vì sốc thuốc.
Tác giả Ocean Vuong có viết một đoạn khá dài ở chương II liệt kê ra những con phố nơi mà có những người bạn của Chó Con bị sốc thuốc mà chết. Mình tin rằng đây là một cái foreshadow cho kết cục không thể tránh khỏi của chính Trevor.
Một cái chết nữa cũng để lại ấn tượng sâu sắc đối với mình đó là cái chết của ngoại Lan.
Khác với cái chết của Trevor, tín hiệu về cái chết của ngoại Lan đến với người đọc một cách bất ngờ và đường đột hơn.
Mình tin rằng đó cũng chính là cảm xúc chân thật của mẹ con nhân vật Chó Con khi hay tin ngoại Lan bị ung thư, một sự bất ngờ đáng sợ.
Có 2 phân đoạn ở chương III này mà mình rất thích, và chúng đều có liên quan đến kỷ niệm của Chó Con với ngoại Lan.
Phân đoạn đầu tiên, là khi ngoại Lan mạo hiểm để Chó Con trèo qua hàng rào bên rìa đường cao tốc để hái hoa.
Ngay bên kia hàng rào, bên rìa đường cao tốc, là một vũng hoa tím dại, mỗi bông không lớn hơn đầu ngón tay cái là bao nhiêu, với một chấm nhỏ xíu màu trắng vàng nằm giữa.
Dù Chó Con thừa nhận là cậu “không bao giờ biết tên loài hoa đó”. Nhưng khi đọc sách, cá nhân mình đã hình dung ra loài hoa đó chính là hoa lưu ly, một loài hoa mà theo mình là có một cái tên tiếng Anh rất ấn tượng, hoa Forget-me-not.
Và cũng đúng như cái tên tiếng Anh ấn tượng của nó, loài hoa này thường đại diện cho một lời hứa rằng chúng ta sẽ luôn nhớ đến đối phương và sẽ luôn giữ lại những kỷ niệm đẹp về họ trong tâm trí chúng ta.
Mình hình dung ra loại hoa này cũng là vì mình có thể cảm nhận được rằng sự ra đi của ngoại Lan đã gần kề lắm rồi.
Và đúng là sự lo lắng của mình cũng không phải chờ lâu, ngay ở trang sách tiếp theo, ngoại Lan trút hơi thở cuối cùng.
Phân cảnh trước đó đã khiến mình rất xúc động. Mong muốn cuối cùng của ngoại Lan là được ăn một muỗng cơm Gò Công, cơm từ quê hương xứ sở của ngoại.
Khi bác Mai đem cơm nóng tới bên ngoại, bác nói:
“Cơm nè má”, bác nói, vẻ khắc kỷ, “cơm Gò Công nè má, mới gặt tuần rồi.”
Dù cho một phần trong mình tin rằng nó không phải là cơm Gò Công thật đâu, nhưng chín phần còn lại thì mình lại muốn tin. Mình muốn tin rằng đó là cơm Gò Công thật, rằng ít ra sau cả một đời khổ nhục, ngoại Lan đã ra đi với một sự mãn nguyện trong tâm hồn.
Ngoại Lan nhai rồi nuốt, và một vẻ gì đó giống như nhẹ nhõm lan khắp môi ngoại. “Ngon quá,” ngoại nói, sau miếng cơm duy nhất đó. “Ngọt quá. Gạo xứ mình – ngọt quá.”
Mình cũng đã rất vui cho ngoại Lan vì gia đình nhân vật Chó Con đã lựa chọn đưa ngoại về an nghỉ tại thị xã Gò Công, tỉnh Tiền Giang nước ta.
Mình tin rằng đây là một quyết định rất lớn và ý nghĩa đối với gia đình Chó Con, và cá nhân mình hoàn toàn ủng hộ quyết định này.
Chi tiết cuối cùng mà mình muốn chia sẻ với các bạn, đó là ý nghĩa nhan đề của cuốn sách.
Mình tin rằng ý nghĩa của cái tên “Một thoáng ta rực rỡ ở nhân gian” được tác giả Ocean Vuong lý giải một cách trực tiếp nhất qua câu văn:
Nếu đời sống một cá thể là quá ngắn ngủi, so với lịch sử hành tinh này, chỉ một cái chớp mắt, như người ta nói, vậy thì được rực rỡ, cho dù suốt từ ngày ta sinh ra đến ngày ta chết đi, là rực rỡ chỉ trong một thoáng.
Và ở một tầng ý nghĩa sâu hơn, cũng chính trong buổi phỏng vấn thực hiện với Amanpour and Company, tác giả Ocean Vuong có chia sẻ về ý nghĩa nhan đề của cuốn sách.
Sau đây, mình xin phép được dịch lại lời của tác giả như sau:
“Tôi liều lĩnh gọi cái nghèo, những cơ thể mang màu da đen, da nâu và da vàng là tuyệt đẹp (gorgeous). Đây là cơ hội để tôi lên tiếng. Câu văn đầu tiên của mọi cuốn sách chính là cái nhan đề. Và tôi muốn bắt đầu với cái đẹp. Vì đối với tôi, đó là sự thật. Những người đó đều xinh đẹp. Tôi muốn bắt đầu từ đó và cho thế giới thấy họ có thể đẹp đẽ tới nhường nào.”
Với cá nhân mình, từ “Beautiful” vẫn luôn mang một ý nghĩa sâu sắc hơn rất nhiều so với từ “Pretty”.
Với mình, “pretty” là một từ để khen ngợi vẻ đẹp bên ngoài. Khi mình có một kiểu tóc mới ưng ý, hay khi mình mặc lên một bộ trang phục khiến mình tự tin, mình đều cảm thấy “Pretty”.
Nhưng “Beautiful” thì ý nghĩa hơn, bởi lẽ đối với mình, “A beautiful person” thường là một người sở hữu những nét đẹp xuất phát từ bên trong, bất chấp cho vẻ ngoài của họ có ra sao.
Khi mình thấy những người dừng xe để giúp đỡ một người gặp tai nạn, mình nghĩ họ thật “beautiful”.
Khi mình thấy những cái ôm, những cái bắt tay mà các cầu thủ dành cho nhau trên sân bóng, mình nghĩ họ thật “beautiful”.
Hay khi mình thấy những người xa lạ thực hiện các hành động tốt đẹp cho nhau, đơn giản như mời nhau một cốc nước trong ngày nắng nóng hay gọi vào trú dưới mái hiên trong một ngày mưa gió, mình nghĩ rằng họ đều thật “beautiful”.
Vậy nên, đối với cá nhân mình, việc tác giả Ocean Vuong lựa chọn sử dụng từ “Gorgeous” – một từ thường được hiểu là “Very Beautiful” – để mô tả về những con người lao động gần gũi với cuộc sống của tác giả mang một ý nghĩa rất lớn lao.
Với mình, nó thể hiện niềm tin vào cái đẹp và ý chí lạc quan rất mạnh mẽ với cuộc sống chắc chắn vẫn còn ẩn chứa nhiều khó khăn thử thách của tác giả – cuộc sống của một người Châu Á tại Mỹ.
Có lẽ bạn cũng giống như mình, sau khi hoàn thành cuốn sách thì liền nảy ra trong đầu những câu hỏi như:
“Không biết đây có phải là chuyện thật không nhỉ?”
“Chó Con có phải chính là tác giả Ocean Vuong không?”
Tác giả Ocean Vuong cũng đã chia sẻ về câu hỏi này trong buổi phỏng vấn với Amanpour and Company.
Tuy nhiên, mình thấy câu trả lời của tác giả khá là mập mờ với chỉ một câu ngắn gọn:
“To an extent.”
Mình nghĩ có lẽ do yếu tố các cá nhân nên tác giả không muốn chia sẻ sâu hơn về câu hỏi này. Hoặc do tính chuyên nghiệp của một cây viết, bằng cách không trực tiếp trả lời câu hỏi trên, tác giả muốn để lại những khoảng không cho tâm trí của người đọc được tự do vẫy vùng trong thế giới mà tác giả đã viết ra.
Với cá nhân mình, dù cho câu chuyện có phải là thật hay không, thì ý nghĩa và bài học của nó vẫn là thật đối với mình.
Dù cho với giả định là câu chuyện trong sách là thật, thì mình tin rằng nó cũng sẽ không thể là thật 100%. Chắc chắn tác giả đã phải ít nhiều thay đổi nhân vật, thay đổi các cuộc hội thoại, thay đổi bối cảnh,... để sao cho những ký ức khi trường thành của tác giả có thể trở nên phù hợp với tuyến truyện của một cuốn sách văn học.
Tiếp theo, mình sẽ đọc cuốn sách Ngày xưa có một con bò, tác giả Camilo Cruz.
"Keep Moving Forward"
Chấp bút: Tom.