Mối nguy tiềm ẩn của việc ngồi lâu.

Ngay lúc này đây, có lẽ bạn đang đọc bài viết này trong tư thế ngồi.
Trước tiên, mình muốn khẳng định rằng chuyện bạn dành ra vài phút để đọc bài viết này trong tư thế ngồi là hoàn toàn bình thường và không hề gây nên nguy hại gì đâu nha.
Nhưng nếu như bạn ngồi quá lâu, cơ thể của bạn sẽ bắt đầu “lo lắng” đấy nhé. Cứ thêm mỗi giây bạn ngồi đó, cơ thể sẽ lại phải dành ra thêm 1 giây trong một tư thế mà thực ra nó không hề ưa thích chút nào đâu.
Không thể nào? Tư thế ngồi chẳng phải là một tư thế rất thoải mái hay sao? Cơ thể phải thấy thích thú vì được ngồi mới đúng chứ?
Không hẳn đâu các bạn ạ.
Đúng là để bản thân được thư giãn với tư thế ngồi trong một khoảng thời gian ngắn có thể hỗ trợ cơ thể giải tỏa các cơn stress, hoặc giúp lấy lại sức lực sau khi bạn vừa vận động mạnh.
Tuy nhiên, cuộc sống hiện đại ngày nay đang khiến chúng ta phải ngồi nhiều và lâu hơn bao giờ hết, kết hợp thêm với thói lười vận động, lười thể dục/thể thao hiện nay nữa, trong khi về mặt cấu tạo mà nói, cơ thể của chúng ta không hề thích hợp với lối sống ít vận động như hiện tại.
Trong thực tế, cơ thể người được tiến hóa và cấu tạo để thích ứng với đời sống vận động và di chuyển mới đúng.
Bên trong cấu trúc xương của chúng ta là hơn 360 khớp nối và khoảng 700 cơ xương (còn được gọi là cơ bắp tự nguyện), hỗ trợ tạo nên những cử động mượt mà và thoải mái. Cấu tạo cơ thể đặc biệt cũng cho phép chúng ta có thể đứng thẳng trên hai chân, mà không lo sợ bị lực hấp dẫn “đè bẹp”.
Các mạch máu phụ thuộc rất nhiều vào cử động cơ thể để có thể giữ cho quá trình tuần hoàn máu được ổn định. Các tế bào thần kinh cũng được hưởng lợi từ sự cử động. Da của chúng ta có tính đàn hồi cao, cũng là một đặc điểm bổ trợ cho sự vận động.
Thế thì đã sao? Nếu như cơ thể thích vận động nhưng mình cứ thích ngồi đấy? Không thích vận động đấy?
Hãy để mình giải thích từ cái cốt lõi trước nha.
Ngồi quá lâu sẽ gây ảnh hưởng tiêu cực tới cấu trúc cột sống. Có lẽ nhiều bạn cũng đã biết rồi, thậm chí còn đang phải trải qua rồi cũng nên.
Cột sống của chúng ta là một cấu trúc dài và thẳng, nó được cấu tạo từ các đốt xương và có các đĩa đệm nằm đan xen với chúng. Nhiều khớp xương, cơ bắp và dây chằng được kết hợp với nhau để giữ cho cột sống luôn nằm ở đúng vị trí quan trọng của nọ.
Một trong các tư thế ngồi phổ biến nhất hiện nay chính là tư thế “cong lưng và gù vai gáy”, đây là tư thế khiến cho những đoạn cột sống của bạn phải chịu những áp lực không đồng đều với nhau.
Theo thời gian, tình trạng trên có thể gây nên ảnh hưởng xấu tới các đĩa đệm cột sống, khiến cho một số khớp và dây chằng bị quá tải, đồng thời khiến cho các lớp cơ bắp xung quanh luôn trong trạng thái bị căng cứng.
Tư thế ngồi “gù lưng” này cũng khiến dung tích lá phổi bị giảm đi, do việc cong lưng khiến cho phổi không còn đủ không giản để nở rộng, trực tiếp dẫn đến tình trạng cơ thể bị thiếu hụt dưỡng khí oxy.
Bao bọc xung quanh bộ khung xương của cơ thể người chính là các cơ bắp, dây thần kinh, động mạch và tĩnh mạch. Cùng nhau, chúng tạo thành các mô mềm.
Tư thế ngồi thường gây nên các áp lực khiến cho những phần mô mềm này bị chèn ép hoặc bị nén chặt lại.
Đặc biệt là ở khu vực xung quanh đầu gối ấy nhé, bên dưới các khớp gối là những hệ thống dây thần kinh và mạch máu rất nhạy cảm và dễ bị tổn thương. Việc các bạn ngồi quá lâu sẽ khiến cho các dây thần kinh và mạch máu kể trên có thể bị tắc nghẽn, hoặc tệ nhất là có thể bị “đứt” luôn ấy.
Các bạn có bao giờ bị tê chân hoặc sưng chân sau khi ngồi lâu chưa? Nếu đã từng trải qua thì mình khuyên các bạn hãy chú ý tới thời gian vận động của bản thân nhiều hơn chút nữa các bạn nhé.
Việc ngồi lâu cũng khiến cho enzyme lipoprotein lipase hoạt động chậm chạp hơn. Đây chính là một enzyme đặc biệt giúp cơ thể bạn phân giải chất béo bên trong mạch máu. Vậy nên khi bạn ngồi quá lâu, bạn cũng đang đồng thời phân giải chất béo chậm hơn khi so với lúc bạn đang vận động đấy nhé.
Tất cả những hệ quả trên liệu có gây nên ảnh hưởng gì tới não bộ hay không?
Trong phần lớn các trường hợp, chúng ta đều muốn ngồi xuống để làm việc, ngồi xuống để học bài, ngồi xuống để sử dụng bộ não.
Nhưng cũng thật trớ trêu, ngồi quá lâu lại có thể chính là kẻ thù khiến cho bộ não của bạn không thể làm việc được hết công suất vốn có của nó.
Như những ý ở trên mình vừa trình bày, ngồi lâu khiến cho quá trình tuần hoàn máu và hấp thụ oxy vào cơ thể diễn ra không được trọn vẹn.
Bộ não của bạn lại là cỗ máy siêu việt cần tới cả 2 thứ nhiên liệu đó để có thể vận hành bình thường. Vậy nên, việc ngồi quá lâu một chỗ sẽ ít nhiều ảnh hưởng tới hiệu suất làm việc và xử lý thông tin của não bộ, cũng như khiến khả năng tập trung của bạn có thể bị giảm sút đáng kể đấy.
Ngồi lâu thì cũng chỉ gây nên những cơn đau mỏi thôi đúng không? Không gây nên bệnh lý gì đâu đúng không?
Thật tiếc là không phải như vậy.
Việc ngồi quá lâu một chỗ có thể không chỉ gây nên những ảnh hưởng tiêu cực tới sức khỏe trong ngày một ngày hai.
Nhiều nghiên cứu trong những năm gần đây đã cho thấy mối liên hệ giữa việc ngồi quá lâu với nhiều chứng bệnh ung thư và bệnh tim mạch. Ngồi lâu cũng có thể đẩy cao nguy cơ mắc phải các chứng bệnh nguy hiểm khác như bệnh tiểu đường, bệnh gan và thận.
Trong một báo cáo được công bố vào năm 2012, các nhà nghiên cứu đã thông kế được rằng tình trạng lười vận động gây nên khoảng 9% số ca tử vong sớm trên toàn cầu mỗi năm.
Trời?! Sao chỉ là một tư thế tường chừng như là vô hại, mà nó lại có thể ảnh hưởng nhiều tới sức khỏe như vậy ư?
Đúng rồi đấy các bạn ạ. Nhưng may mắn thay, các bạn có thể bắt đầu thay đổi thói quen sinh hoạt ngay từ bây giờ để bảo vệ sức khỏe được tốt hơn.
Vào những lúc bạn bắt buộc phải ngồi xuống, hãy luôn chú ý để giữ cho lưng và cổ được thẳng và không bị nghiêng trái hay nghiêng phải.
Và vào những lúc bạn không còn thực sự cần phải ngồi nữa, hãy đứng dậy và vận động đi. Các bạn cũng có thể đặt đồng hồ để tự nhắc mình phải đứng dậy nghỉ ngơi sau mỗi 30 phút làm việc.
Bài viết ngày hôm nay của mình cũng tới đây là hết rồi. Sao các bạn vẫn còn ngồi đó nữa?
Hãy đứng dậy vươn vai, duỗi tay, duỗi chân chút đi nào. Sẽ còn tuyệt vời hơn nếu như từ hôm nay bạn tự thưởng cho bản thân khoảng 20-30 phút tập thể dục/thể thao mỗi ngày đó.
Mình tin cơ thể bạn sẽ biết ơn bạn lắm lắm.
“Keep moving forward”
Chấp bút: Tom.