“Mắc kẹt trong một mối quan hệ” là thứ cảm giác như thế nào?
Bài viết này được truyền cảm hứng từ truyện ngắn “Yesterday” trong cuốn sách Những người đàn ông không có đàn bà, tác giả sách Haruki Murakami.
Chia tay…?
Hay không chia tay…?
Bước tiếp cùng nhau…?
Hay đôi ta dừng lại…?
Đây là những câu hỏi điển hình xuất phát từ một vấn đề nan giải xoay quanh những mối quan hệ tình cảm, nơi mà càng nán lại lâu, ta càng cảm thấy như bản thân đang bị mắc kẹt.
Đây là những câu hỏi mà không phải lúc nào ta cũng có thể dễ dàng trả lời bằng câu: Hết yêu rồi thì cứ dừng lại; hay ngắt từng cánh hoa rồi để cho vận may quyết định hộ.
Ta dễ mắc kẹt trong một cuộc tình – nửa muốn ở lại, nửa muốn rời đi – đến mức hoàn toàn bị choáng ngợp và hãi hùng trước sự thật rằng bản thân sẽ phải lựa chọn một trong hai con đường.
Nó là thứ cảm xúc hỗn độn mà bạn có thể có sau khi đã dành một khoảng thời gian nhất định nào đó trong một mối quan hệ nghiêm túc, với một người bạn đời mà bạn đã lựa chọn, nhưng bạn nhận ra rằng bản thân vẫn chưa hạnh phúc.
Có lẽ do người bạn đời ấy đối xử với bạn không được tốt.
Hoặc có lẽ do mối quan hệ này đang xê dịch theo hướng không phù hợp với bạn.
Hoặc có lẽ là do bạn đã thay đổi và bạn muốn những thứ khác biệt hơn.
Thực tế kỳ lạ ở chỗ cho dù các mối quan hệ có thể trở nên buồn chán hoặc khó chịu tới mức nào, ta vẫn thường không rời bỏ chúng ngay lập tức.
Nhưng đôi khi mọi thứ lại không rõ ràng trắng đen như vậy.
Bạn có thể đang cảm thấy bối rối bởi người kia có lẽ cũng không phải là một người bạn đời tồi tệ.
Chắc chắn là họ không hoàn hảo, nhưng họ có thể yêu thương bạn cũng tốt không kém gì cách bạn yêu thương họ.
Chắc chắn là họ cũng không quá đặc biệt, hay nổi trội, nhưng họ đóng góp vào mối quan hệ này cũng nhiều không kém gì bạn.
Chắc chắn là họ cũng đã có những lúc khiến bạn không hài lòng, nhưng bạn biết rằng họ thực sự trân trọng cuộc tình này với bạn ở trong đó.
Bạn có lẽ sẽ tự nhủ với bản thân:
“Cuộc tình này, dù bình thường và không hoàn hảo, nhưng cũng không phải là không có tiềm năng cho hạnh phúc.”
Ta là ai mà có quyền đòi hỏi thêm cơ chứ?
Ngoài kia có thể có biết bao nhiêu người đang mong mỏi có được một cuộc tình như ta đang có.
Vậy thì tại sao ta vẫn cảm thấy trong lòng bứt rứt không yên?
Mắc kẹt trong một mối quan hệ là khi ta liên tục trải qua các giai đoạn phải tự thuyết phục bản thân rằng có lẽ cuộc sống tình cảm như hiện tại đã là đủ tốt lắm rồi, rằng “thật là ngu ngốc” hoặc “ích kỷ” khi muốn đòi hỏi thêm; đan xen với những giai đoạn của sự tự nhận thức, rằng nếu quyết định duy trì hiện tại, ta có lẽ sẽ không bao giờ đạt được những điều ta thực sự mong muốn, cuộc đời mà ta hằng ao ước cũng vì thế mà bốc hơi vào trong những giấc mơ phù phiếm.
Bị giằng xé giữa cảm giác tiếc nuối và nỗi khát khao, giữa hổ thẹn và sự can đảm, bạn có thể sẽ dễ yếu lòng trước sự an toàn của mối quan hệ hiện tại; và nếu quyết định chia tay, lo sợ về một tương lai vô định với không còn một cam kết nào cho hạnh phúc.
Mắc kẹt trong một mối quan hệ bởi vậy mà mang bản chất là mắc kẹt trong sự lưỡng lự, chứ không chỉ đơn giản là mắc kẹt trong một cuộc tình nào đó, với một người bạn đời cụ thể nào đó.
Sự thật là chúng ta cảm thấy mắc kẹt vì lưỡng lự, đồng thời lưỡng lự vì chúng ta cảm thấy mắc kẹt.
Liệu có phương án đúng nào cho những người đang cảm thấy kẹt cứng trong những câu hỏi họ phải đương đầu nơi mối quan hệ hiện tại hay không?
Trước tiên, mình tin rằng chúng ta đều nên bắt đầu xác định vấn đề từ bản thân.
Rất thường xuyên, khi có sự cố xảy ra trong chuyện tình cảm, ta dễ ngay lập tức nhảy tới kết luận rằng vấn đề luôn nằm ở phía đầu bên kia của mối quan hệ, nơi có người bạn đời của ta, cùng với mọi khuyết điểm và lỗi lầm của họ.
Và cũng rất thường xuyên, nguyên nhân khiến bạn cảm thấy mắc kẹt trong một mối quan hệ không thực sự xuất phát từ sự bất mãn bạn dành cho nửa kia, mà là do cảm giác bế tắc bắt nguồn từ những khía cạnh khác trong đời sống cá nhân của bạn.
Đó có thể là do một khoản vay mà bạn trả mãi không hết.
Hay do một cuộc chiến tranh lạnh trong gia đình mà mãi chưa thể hòa giải.
Hoặc do một dự án công việc mãi chẳng có dấu hiệu tiến triển.
Ở bước này, bạn hãy thử tự suy ngẫm về bản thân (self-reflect), tìm hiểu xem có rắc rối cá nhân nào khác, ngoài chuyện tình yêu, có thể chính là nguồn cơn cho cảm giác bế tắc trong cuộc sống của bạn hay không.
Dạo gần đây bạn cảm thấy thế nào?
Có sự kiện nào nổi bật diễn ra trong đời sống của bạn không?
Có sự biến đổi nào diễn ra nơi bạn sau sự kiện ấy hay không?
Lần cuối cùng bản cảm thấy thỏa mãn, hay tận hưởng một trải nghiệm nào đó là khi nào?
Trả lời những câu hỏi thế này có thể giúp bạn xác định được trạng thái cảm xúc của bản thân, từ đó giúp bạn cụ thể hóa nguyên nhân khiến bạn cảm thấy mắc kẹt có thực sự nằm ở mối quan hệ tình cảm bạn đang có, hay thực ra là do bạn đang mắc kẹt trong một vấn đề khác.
Mẹo nhỏ để phân biệt ở đây đó là, khác với cảm giác mắc kẹt vì lưỡng lự trong tình yêu, cảm giác mắc kẹt trong các khía cạnh khác của cuộc sống thường có xuất phát điểm từ sự bế tắc, hoặc sự trì trệ.
Đó là cái cảm giác khi bạn đã cố gắng, thậm chí là đã nỗ lực hết sức, mà dường như không có sự tiến triển nào xảy ra, hoặc được công nhận.
Đôi khi, ta rất dễ phóng chiếu cảm giác bế tắc này vào người bạn đời của ta, vào mối quan hệ tình cảm của ta, từ đó, trong một góc nhỏ nào đó của tiềm thức, cái ý tưởng rằng “nếu ta có một cuộc tình mới thú vị hơn, thì có lẽ mọi thứ sẽ được cải thiện” cũng bắt đầu nảy nở.
Đương nhiên, một người tỉnh táo sẽ nhận ra rằng những ý tưởng như trên không thực sự là một lời hứa hẹn cho một tương lai hạnh phúc hơn dành cho chúng ta.
Bởi lẽ ta thậm chí còn chẳng thể đoán được ngày mai có những gì, chứ đừng nói đến một cuộc tình ở thì tương lai.
Nhưng chúng lại thường hấp dẫn và thậm chí là đầy thuyết phục, bởi theo một cách nào đó, những ý tưởng này phản ánh những mong muốn của chúng ta trong một cuộc tình – những mong muốn mà có lẽ cuộc tình hiện tại đang chưa thể khiến cho ta thỏa mãn.
Trong nhiều trường hợp, bạn có thể vô thức cảm thấy như bản thân không thể yêu người bạn đời hiện tại một cách hết lòng như lúc ban đầu được nữa, đơn giản vì mối quan hệ này có lẽ đang thiếu vắng thứ tình yêu, sự thân mật (intimacy) và kiểu gần gũi (closeness) mà bạn khao khát.
Đây là lúc ta có lẽ sẽ bắt đầu nghi ngờ tính “đúng đắn” cho những nguyện vọng của bản thân.
“Mình có sai không khi mong muốn những điều này?”, bạn có lẽ sẽ tự hỏi.
Hay, có là bình thường không nếu ta đòi hỏi thêm từ cuộc tình hiện tại những gì mà ta cảm thấy là đang thiếu?
Ví dụ như: tôn trọng nhau nhiều hơn, dành thời gian cho nhau nhiều hơn, dành thời gian riêng tư nhiều hơn, ân ái nhiều hơn (hoặc ít hơn), trò chuyện với nhau nhiều hơn, làm bạn với nhau nhiều hơn,…
Những sự tự nghi ngờ như trên có thể khiến bạn cảm thấy như những khao khát trong tình yêu của bản thân thật là sai trái, hay thậm chí là ích kỷ.
Mình đương nhiên sẽ không thể thay bạn khẳng định chuyện đúng sai của những khao khát này, cái đó mình tin rằng chỉ có bạn và nửa kia của bạn mới quyết định được.
Nhưng mình muốn bạn hiểu rằng thực tế là không bao giờ có thể có một thước đo khách quan nào cho những vấn đề kiểu này.
Bạn muốn những gì bạn muốn, bởi vì bạn đang thiếu chúng, hoặc chưa có được chúng, đơn giản là vậy thôi.
Tất cả chúng ta đều như vậy cả, và dù cho ta có tự tranh luận với bản thân nhiều cỡ nào đi chăng nữa, những nhu cầu của chúng ta cơ bản là sẽ không tự nhiên mà mất đi, hoặc trở nên kém hấp dẫn hơn.
Có lẽ đây sẽ là một chủ đề thú vị để hai bạn tâm sự và trở nên cởi mở hơn với nhau, qua đó mà thấu hiểu hơn về nhu cầu của nhau.
Điều quan trọng, theo mình, là ta không nên vội vàng tự dán lên trán cái mác “khó tính” (difficult) rồi bắt bản thân phải “ngậm bồ hòn làm ngọt” trong một cuộc tính kém thỏa mãn cho tới khi cả hai đều không còn chịu đựng được nhau nữa.
Điều quan trọng là ta học cách tôn trọng và khéo léo bảo vệ sự phức tạp nội tâm của bản thân ta trong mối quan hệ với người bạn đời mà ta đã lựa chọn để yêu thương.
Tiếp theo, hãy thử xác định vấn đề từ mối quan hệ hiện tại.
Sau khi tự suy ngẫm về bản thân, bạn có thể đã tìm ra được một vài nguyên nhân chủ quan hiện đang khiến bạn cảm thấy mắc kẹt trong chuyện tình cảm.
Nhưng đồng thời, có lẽ bạn cũng nhận ra rằng trong mối quan hệ hiện tại đang ẩn chứa không ít nguồn cơn đóng góp vào lý do khiến bạn cảm thấy bị mắc kẹt và không thực sự hạnh phúc.
Có lẽ đây là lúc mình nên tiết lộ cho bạn biết sự thật về tinh thần của bài viết này.
Đó là, không ai thực sự bị mắc kẹt trong một mối quan hệ hết.
Yep, bạn không đọc nhầm đâu.
Không một ai – bao gồm cả bạn, và người bạn đời của bạn – thực sự bị mắc kẹt trong một mối quan hệ cả.
Hay nói theo cách khác, dù nghe có thể có phần “tàn nhẫn” và dễ bị hiểu nhầm hơn, đó là bạn không cần sự đồng ý (consent) của bất cứ ai để rời khỏi một cuộc tình.
Lời chia tay, từ xưa đến nay, dẫu có đường đột hoặc cứa lòng đến đâu, luôn mang bản chất là một lời thông báo (announcement), chứ không phải là một lời xin phép.
Khi ta nói “Chúng mình chia tay thôi”, thì ý ta muốn nói là “Chúng mình đã đến lúc phải chia tay”, chứ không phải là “Chúng mình chia tay đi, nhé?”
Ngoài ra, cũng giống như việc bạn không cần phải gọi hết tất cả các món trong menu mỗi khi vào nhà hàng, mà bạn chỉ cần gọi món nào bạn thích nhất, hoặc phù hợp với bạn nhất; trong tình yêu, tất cả chúng ta cũng đều có quyền được lựa chọn cách mà chúng ta được yêu thương sao cho đó là những gì mà ta thích nhất, hoặc phù hợp với ta nhất.
Mà, chẳng phải đó là lý do khiến chúng ta rong buồm vào đời để tìm kiếm cho bản thân một mối quan hệ tình cảm ngay từ đầu đó sao?
Chẳng phải đó là do bạn muốn yêu một người, giả sử, cũng yêu thích chăm sóc vườn tược giống như bạn, và thích hôn bạn vào vành tai, và sẵn lòng du ngoạn đây đó với bạn mỗi năm một lần đó sao?
Với bí mật của bài viết đã được bật mí, mình vẫn muốn khẳng định rằng chúng ta đều có thể có những lý do rất chính đáng để lưỡng lự trước lựa chọn rời bỏ một mối quan hệ tình cảm.
Đó có thể là do cảm giác tội lỗi hoặc hổ thẹn.
Theo một cách nào đó, bạn có thể đang cảm thấy “mắc nợ” người bạn đời của mình, hoặc bạn đang lo sợ về những gì người khác nghĩ về bạn nếu bạn quyết định rời bỏ mối quan hệ hiện tại.
Khi nghĩ về một tương lai giả định nơi mà hai bạn sẽ không còn ở bên nhau, bạn có thể sẽ lo lắng không biết bao giờ vết thương lòng của người ấy mới lành lại, bạn bè sẽ nói gì, gia đình sẽ nghĩ sao,...
Đặc biệt là khi mối quan hệ này dường như đều đã được tất cả mọi người chấp thuận và ủng hộ, việc bạn dễ cảm thấy căng thẳng về cách mọi người sẽ phán xét quyết định của bạn cũng là điều dễ hiểu.
Một lý do nữa, có thể là do sợ hãi.
Rất nhiều người cảm thấy sợ hãi khi phải rời bỏ một mối quan hệ không hạnh phúc.
Có những mối quan hệ độc hại (toxic relationship), nơi người ta sợ hãi những gì có thể sẽ xảy ra với họ nếu một ngày họ quyết định muốn cắt đứt mọi duyên nợ.
Nếu bạn không may vướng phải một mối quan hệ kiểu này, mình khuyên bạn hãy tìm tới sự giúp đỡ của gia đình, người thân, bạn bè, và nếu cần thiết, hãy nhờ tới sự can thiệp của pháp luật.
Trong những trường hợp khác, nỗi sợ hãi có thể sẽ ít hướng về phía người bạn đời của ta hơn, mà sẽ chủ yếu hướng về phía một tương lai bấp bênh, không chắc chắn (uncertain), và rất có thể là ẩn chứa đầy rủi ro.
Cuộc sống sau này rồi sẽ ra sao?
Có là quá trễ để bắt đầu lại từ đầu không?
Nhỡ ta phải chịu cảnh cô đơn đến hết đời thì sao?
Chúng ta, bằng những bản năng tự nhiên nhất, đều sợ hãi nỗi cô đơn.
Nhỡ đâu, sau quyết định buông tay người bạn đời hiện tại, ta cũng đã tự kết án bản thân suốt đời với sự cô đơn thì sao?
Lấy gì làm đảo bảo rằng cuộc sống hậu chia tay sẽ viên mãn hơn cuộc sống trong tình yêu đây?
Và, nghĩ kỹ thì, nếu không có gì để làm đảm bảo cho cái “hơn” đó thì ta cũng đâu còn lý do nào để rời bỏ mối quan hệ hiện tại nữa.
Đây đều là những câu hỏi phổ biến xuất phát từ nỗi sợ mà người ta thường tự hỏi bản thân mỗi khi nghĩ đến việc rời bỏ một mối quan hệ, và đúng là có nhiều nỗi sợ ở trong đây là có cơ sở, tùy thuộc vào hoàn cảnh riêng của mỗi người.
Để trấn an bản thân trước những nỗi sợ cô đơn và sự vô thường của tương lai, mình tin rằng chúng ta đều nên nhớ lấy một sự thật, dù có phần hơi “đắng lòng” nhưng cũng đầy tính truyền cảm hứng, rằng: Dù ta có đang yêu hay không, cuộc đời của ta vẫn phải do tự mình ta sống.
Đương nhiên, có một người tri kỷ để cùng ta chia sẻ bát bún thang vào những buổi sáng cuối tuần đẹp trời, hay có ai đó nhắc ta đi ngủ sớm vào mỗi tối, mặc ấm vào ngày lạnh, uống nhiều nước vào ngày nắng, thì cũng vui lắm chứ.
Nhưng, những câu hỏi kiểu như “cuộc sống của chúng ta rồi sẽ thế nào?” hay “liệu tương lai có được viên mãn hơn hay không?” hay “nhỡ cô đơn thì sao?”, nếu bạn nghĩ kỹ sẽ thấy, phần nhiều, chẳng liên quan gì đến chuyện tình yêu đôi lứa.
“Có yêu hay không?”, “có bằng lòng với hiện tại hay không?”, “có cô đơn hay không?”, “có viên mãn hơn hay không?”, theo mình, đều lý tưởng nhất là nên được bạn từ quyết định cho bản thân.
Sau khi chia tay, ta sẽ chỉ đơn giản là chuyển từ trạng thái "Đang trong một mối quan hệ với…" sang thành "Độc thân"; chứ không bao giờ là từ "Đang được yêu thương" mà chuyển thành "Mãi mãi cô đơn!"
Đã không còn nữa, cái thời mà ai cũng cho rằng đời sống độc thân (singlehood) là một cái gì đó thật là “cô đơn”, “nhàm chán”, và “kém hấp dẫn”.
Chính những sự hiểu lầm có phần đã lỗi thời này khiến cho viễn cảnh về một cuộc sống độc thân trong mắt chúng ta dễ bị bóp méo thành “một tấn bi kịch”, thay vì được nhìn nhận với bản chất thật của nó – là một lựa chọn sống bình thường, và cũng đáng được tôn trọng như bao lựa chọn sống khác.
Và một lý do nữa có thể đang khiến bạn lưỡng lự, đó có thể là do sự phụ thuộc (dependence).
Hai kiểu phụ thuộc phổ biến nhất trong một mối quan hệ tình cảm, theo mình, đó là phụ thuộc về cảm xúc (emotional dependence) và phụ thuộc về tài chính (financial dependence).
Không thể phủ nhận sự thật rằng có những người bị phụ thuộc về mặt tài chính nơi bạn đời của họ nên lựa chọn chia tay dường như chưa bao giờ thuộc vào top đầu trong danh sách của họ.
Và cũng có những người với toàn bộ danh tính (identity) và đời sống của họ được xây dựng dựa vào mối quan hệ tình cảm mà họ đang có.
Rời bỏ cuộc tình này, đối với họ mà nói, cũng chính là rời bỏ con người họ.
Khi suy ngẫm về một mối quan hệ tình cảm, mẹo nhỏ ở đây là: Bạn nên đồng thời suy ngẫm về những điều gì khiến bạn muốn rời đi, và cả những điều gì khiến bạn muốn ở lại trong cuộc tình này.
Bằng việc cân nhắc cả ưu và nhược điểm của những lựa chọn, mình tin rằng bạn sẽ có thể đưa ra được một quyết định hợp lý cho bản thân, đồng thời tránh tình trạng rơi vào vòng xoáy của thiên kiên (bias).
Một yếu tố quan trọng nữa sẽ giúp bạn đưa ra được quyết định không chỉ hợp lý mà còn dứt khoát, đồng thời đóng vai trò là liều thuốc giải cho sự lưỡng lự, đắn đo – chính là sự tự tin (confidence).
Sự thật rằng bạn cảm thấy mắc kẹt trong một mối quan hệ do sự lượng lữ nên là dấu hiệu đầu tiên khiến bạn nhận ra rằng bạn có lẽ đang không đặt nhiều lòng tin vào bản thân.
Bạn đủ tỉnh táo và sự quan tâm để nhận thức được rằng có những vấn đề trong mối quan hệ tình cảm hiện tại đang khiến bạn không hạnh phúc, hoặc thậm chí là khổ sở, nhưng có lẽ bạn đang không đủ tự tin để cảm thấy rằng bản thân bạn có khả năng để làm gì đó sẽ khiến mọi chuyện khác đi.
Một lần nữa, mình xin được nhấn mạnh vào niềm tin rằng: Những thay đổi trong cuộc sống của chúng ta thì lý tưởng nhất là nên được ta tự quyết định cho bản thân.
Và khi đưa ra những quyết định quan trọng trong cuộc sống, điều quan trọng là chúng ta cũng cần phải cảm thấy tự tin vào những quyết định đó.
Biện pháp tháo nút để giải thoát bản thân khỏi cảm giác bị mắc kẹt trong một mối quan hệ, theo mình, chính là: Hãy bắt đầu coi trọng bản thân nhiều hơn một chút.
Giờ, với tất cả những gì mà chúng ta đã chia sẻ với nhau, hãy thử tự hỏi bản thân rằng: Ta nên làm gì tiếp theo với mối quan hệ này đây?
Liệu nó có còn cơ hội để cứu vãn và cải thiện không?
Hay có lẽ đã tới lúc đôi ta phải đường ai nấy đi?
Rõ ràng là nếu một mối quan hệ tình cảm khiến ít nhất một trong hai bên cảm thấy bị mắc kẹt nhiều hơn là được yêu thương một cách thỏa đáng, vậy thì chắc chắn có điều gì đó sẽ cần phải được hai người yêu nhau cùng điều chỉnh hoặc cải thiện.
Hay nói theo một cách khác, dưới dạng những câu hỏi mà ta sẽ luôn có thể tự đặt ra cho bản thân mỗi khi bối rối với cảm giác mắc kẹt trong một mối quan hệ:
Điều gì sẽ cần phải thay đổi để ta muốn tiếp tục mối quan hệ này?
Và liệu ta có thể đạt được sự thay đổi ấy với người bạn đời hiện tại hay không?
Mình hy vọng rằng bài viết này – dù chắc chắn là vẫn còn nhiều thiếu sót – đã có thể ít nhiều giúp bạn có được những ý tưởng mới, hoặc những góc nhìn mới, để qua đó bạn sẽ có thể tìm kiếm được câu trả lời cho những câu hỏi trên.
Bạn không thực sự bị mắc kẹt trong một mối quan hệ nào cả đâu.
Nhưng bởi những lý do mà chúng ta đã bàn luận ở trên, cảm giác bị mắc kẹt lại thường là một điều gì đó rất chính đáng, và cũng đồng thời rất “con người”, bởi lẽ ai cũng có thể có cảm giác này.
Nếu bạn có bao giờ cảm thấy bị mắc kẹt trong một mối quan hệ, mình mong bạn sẽ sớm tìm được sự tự tin nơi bản thân để có thể đưa ra được những quyết định quyết đoán nhất, phù hợp nhất với bạn và cuộc sống mà bạn mong muốn.
“Keep Moving Forward”
Chấp bút và minh họa: Tom.