Mất ngủ có nguyên do từ đâu?

Có rất nhiều nguyên nhân có thể khiến bạn trằn trọc và khó ngủ.
Đôi khi chỉ đơn giản là do bạn không thể ngừng tự đặt ra những câu hỏi vu vơ trong đầu, hay cũng có thể là do bạn đang phấn khích vì chuyến du lịch sắp tới với người thân. Hoặc là do bạn đang lo lắng với những công việc còn dang dở, hay do bạn chưa tự tin với bài kiểm tra vào sáng mai.
Với nhiều người thì những nỗi lo và cảm xúc kể trên đều chỉ là những hiệu ứng mang tính tạm thời, bởi chúng đều có thể được bạn giải quyết một cách dễ dàng trong các hoạt động hằng ngày.
Nhưng nếu như lý do khiến cho bạn mất ngủ lại chính là nỗi lo sợ bị mất ngủ thì sao?
Câu hỏi nghe có vẻ khó hiểu trên chính là câu trả lời cho cốt lõi của chứng mất ngủ (insomnia) - chứng rối loạn giấc ngủ phổ biến nhất thế giới hiện nay.
Chứng mất ngủ - Nguyên nhân và tác hại.
Gần như bất cứ thứ gì cũng có thể khiến cho bạn phải trải qua những đêm khó ngủ có tính lặp lại.
Đó có thể là do những tiếng ngáy, do bạn đang bị đau, hoặc do bạn đang có tâm trạng không tốt. Một số trường hợp đặc biệt như là do bị lệch múi giờ sau khi di chuyển tới một đất nước xa lạ cũng có thể làm ảnh hưởng tới nhịp sinh học của bạn, gây ảnh hưởng trực tiếp tới giấc ngủ.
Mặc dù vậy, trong phần lớn các trường hợp, cơn khó ngủ thường chỉ là nhất thời. Đến cuối cùng thì cơ thể nào rồi cũng sẽ phải cảm thấy mệt mỏi, và giấc ngủ sẽ tới như là một điều tất yếu.
Tuy nhiên, có nhiều tình trạng sức khỏe như các chứng rối loạn hô hấp, các loại bệnh đường ruột, chứng suy tim,... đều có thể gây ảnh hưởng tới khả năng cảm nhận sự mệt mỏi của cơ thể.
Khi các đêm mất ngủ cứ thế chất chồng, chiếc giường cũng vì thế mà trở nên đáng sợ với rất nhiều người mang chứng mất ngủ. Họ có thể trở nên lo ngại chuyện đi ngủ vì họ sợ rằng họ sẽ lại bị mất ngủ.
Và đó là cách mà chứng mất ngủ trở thành một loại stress.
Người ta có thể bị stress vì chuyện mất ngủ tới nỗi khiến cho bộ não tự kích hoạt stress response system, hay có thể hiểu là cơ chế phản ứng với stress.
Mình đã có riêng một bài viết về chủ đề này rồi nên các bạn có thể tham khảo thêm ở bài viết mình để ở bên dưới nha.
Trong cơ chế phản ứng này, hormone cortisol và adrenocorticotropic sẽ được bơm vào trong hệ mạch máu, khiến cho tim đập nhanh và huyết áp tăng cao, đẩy cơ thể đến một trạng thái được gọi là hyperarousal.
Trong trạng thái trên, bộ não sẽ liên tục tìm kiếm và đề phòng với mọi hiểm họa tới từ môi trường xung quanh, bất chấp đó có phải là hiểm họa thật hay không. Khiến cho những người mắc chứng mất ngủ sẽ không thể gạt đi những cảm xúc khó chịu, hay kể cả những âm thanh nhỏ nhất để mà chợp mắt cho được.
Trong trường hợp người mang chứng mất ngủ có thể thành công trong việc rơi vào giấc ngủ, thì thường là chất lượng giấc ngủ của họ cũng không tốt.
Bộ não chúng ta lấy năng lượng chủ yếu từ một nguồn được gọi là cerebral glucose.
Khi ta có những giấc ngủ lành mạnh, cơ thể sẽ tạm thời làm chậm quá trình trao đổi chất để bảo toàn nguồn năng lượng glucose này cho những hoạt động sau khi ta thức giấc vào sáng ngày hôm sau.
Bằng công nghệ PET, các nhà nghiên cứu đã chỉ ra rằng các loại adrenaline gây cản trở giấc ngủ cũng đồng thời khiến cho quá trình trao đổi chất hoạt động mạnh bất thường ở những người mắc chứng mất ngủ.
Nói cho dễ hiểu, chứng mất ngủ khiến cho bộ não phải ngốn năng lượng ngay cả khi trong giấc ngủ, khi bộ não đáng nhẽ cần phải được nghỉ ngơi.
Nếu tình trạng này diễn ra thường xuyên, người mất ngủ sẽ luôn phải thức dậy trong một trạng thái kiệt quệ, mệt mỏi, hoang mang và căng thẳng. Đây cũng chính là những yếu tố đã gây nên chứng mất ngủ ngay từ đầu, khiến mất ngủ trở thành một vòng lặp bất tận của sự mệt mỏi, mệt mỏi và mệt mỏi.
Trong trường hợp người có những vòng lặp này đã kéo dài tới cả tháng, họ có thể sẽ được chẩn đoán với chứng mất ngủ mãn tính, hay chronic insomnia.
Mặc dù chứng mất ngủ hiếm khi thực sự dẫn tới hậu quả xấu là tử vong, nhưng cách mà chứng bệnh này gây ảnh hưởng tới não bộ và sức khỏe thì lại khá là tương đồng với một tình trạng bệnh lý là anxiety attack, thường được ghi nhận ở những người đang phải trải qua trạng thái trầm cảm và lo âu.
Các nhà nghiên cứu cũng đã tìm ra được nhiều mối liên hệ giữa chứng trầm cảm và chứng mất ngủ. Khảo sát thực tế cũng ghi nhận rằng mắc phải một trong hai chứng bệnh kể trên sẽ làm gia tăng khả năng bạn mắc phải chứng còn lại cao hơn nhiều lần so với những người có tình trạng tâm lý ổn định.
Một số lời khuyên.
Đáng sợ là thế, nhưng rất may mắn, có những phương pháp có thể giúp người mắc chứng mất ngủ phá vỡ những vòng lặp luẩn quẩn của sự mệt mỏi.
Tìm được các phương pháp thư giãn phù hợp để giảm thiểu tác động của cơn stress gây nên tình trạng hyperarousal chính là một trong những phương pháp hiệu quả nhất để hỗ trợ điều trị mất ngủ.
Luyện tập để có được những giấc ngủ ngon cũng là một biện pháp tốt để giúp bạn tái kết nối với giờ đi ngủ lành mạnh của bạn thân.
Một số tips nhỏ mình dành cho các bạn tham khảo để cải thiện giấc ngủ:
Hãy lên giường ngủ đúng giờ mỗi tối và thức dậy đúng giờ mỗi sáng, kể cả vào cuối tuần. Và hãy nhớ phải kiên trì để tạo thành thói quen.
Phòng ngủ của bạn nên được yên ắng, tối, thoải mái và lạnh vừa phải.
Hãy hạn chế, hoặc tốt hơn là không nên sử dụng các thiết bị điện tử trước khi đi ngủ.
Tránh ăn quá no, không nên sử dụng các chất có chứa caffeine và đồ uống có cồn trước giờ đi ngủ.
Hãy luyện tập thể dục thể thao thường xuyên. Vận động thể chất vào ban ngày sẽ giúp bạn dễ ngủ hơn vào ban đêm.
Nếu bạn cảm thấy khó ngủ, hãy rời giường và tìm đến một vài hoạt động thư giãn để bộ não phải chóng “thấy mệt” như đọc sách, ngồi thiền hoặc viết nhật ký.
Dùng thuốc?
Trong một số trường hợp, các y bác sĩ sẽ có thể gợi ý bạn luyện tập thói quen ngủ lành mạnh, kết hợp thêm với các loại thuốc hỗ trợ giấc ngủ.
Nhưng mình muốn bạn nên biết rằng không phải loại thuốc ngủ nào cũng nên được sử dụng trong các trường hợp mất ngủ, vậy nên bạn đừng bao giờ tự ý đi mua thuốc mà không có sự chỉ dẫn của các y bác sĩ chuyên môn nhé.
Đó là còn chưa kể đến chuyện thuốc ngủ thường có tính gây nghiện rất cao, nếu bạn không sử dụng đúng cách và đúng liệu lượng, chuyện bỏ thuốc có thể sẽ còn khó khăn hơn cả chuyện chữa mất ngủ nữa đấy các bạn ạ.
Lời kết.
Chu kỳ ngủ và thức của mỗi chúng ta đều được đặt trên những bàn cân mong manh. Mong manh tới vậy nhưng chúng lại rất quan trọng và thiết yếu để giúp chúng ta duy trì sức khỏe thể chất và tinh thần.
Với tất cả những lý do trên, mình nghĩ rằng ai trong chúng ta cũng nên dành ra thêm thời gian và nỗ lực để đảm bảo chất lượng giấc ngủ cho chính mình.
***
Fun Fact: Có một hội chứng bệnh được gọi là Delayed Sleep Phase Disorder (DSPD) với nhiều biểu hiện bên ngoài khá giống với chứng mất ngủ thường gặp. Đây là một chứng bệnh khiến cho nhịp sinh học của người mắc bị lệch hoàn toàn so với những múi giờ thông thường, khiến cho ban đêm họ không thấy buồn ngủ vì nhịp sinh học của họ vẫn chưa đến giờ phải buồn ngủ. Chứng bệnh này là do các vấn đề về gen gây ra, khác với chứng mất ngủ với nguyên nhân tới từ các căng thẳng tâm lý.
Chấp bút: Tom.