top of page

Mình là một người hướng nội. Và mình tự hào về điều đó!



Mình là một người hướng nội. Và mình tự hào về điều đó.


Mình biết là mình không hề cô độc, vì mình biết rằng người hướng nội có mặt ở khắp mọi nơi.

Người hướng nội chúng mình thường tiếp cận với các vấn đề trong cuộc sống một cách ôn hòa, và đúng, chúng mình cũng thường thích dành thời gian ở một mình vào những lúc có thể.


Cá nhân mình gọi khoảng thời gian này là “solitary time”.

Dựa trên câu nói nổi tiếng của Albert Einstein:

The monotony and solitude of a quiet life stimulates the creative mind.

Nhiều người có thể xem những nét tính cách trên là “nhược điểm”, hoặc “khuyết điểm”.

Nhưng mình thì tin rằng, đó đều là những thế mạnh, và là “siêu năng lực” của người hướng nội.


Tuy nhiên, với một người hướng nội mà nói, đôi khi thật khó để mình có thể nhìn nhận những đặc điểm tích cách của bản thân dưới một góc nhìn tích cực.

Và trong rất nhiều trường hợp, dường như còn khó hơn để những người xung quanh có thể ghép nối tính cách hướng nội của mình với hai chữ “tích cực”.


Mình hiểu rằng, chúng ta đang sống trong một thời đại bận rộn.

Đây là thời đại của thuyết phục khách hàng, của gây ấn tượng với mọi người, của tham gia họp hành, thuyết trình, phát biểu, vượt mặt đối thủ, quản lý nhân viên, chạy theo xu hướng, duy trì quan hệ xã hội, có mặt ở thật nhiều nơi, và hẹn hò với thật nhiều người.


Mình nhận ra rằng, đôi khi mọi người thường nhầm lẫn sự “to tiếng” với sự “tự tin”.

Vậy nên, thật dễ để một người hướng nội – vốn quen ăn nói nhỏ nhẹ – bị hiểu nhầm là “nhút nhát” (shy) hoặc “kém giao thiệp” (antisocial).


Mình nghĩ đây có lẽ chính là một trong những hiểu lầm lớn nhất dành cho người hướng nội.

Cũng giống như tất cả những kiểu tính cách khác, người hướng nội cũng có thể tìm thấy niềm vui trong các giao thiệp xã hội và các hoạt động đội nhóm.


Người hướng nội cũng có thể trở nên thành công, hoặc trở thành người dẫn dắt.

Trong thực tế, bạn có thể đã biết tới những cái tên lẫy lừng như Bill Gates, Warren Buffett, Mark Zuckerberg, Marissa Mayer, Elon Musk, Emma Watson, J.K Rowling, Abraham Lincoln, Eleanor Roosevelt, Albert Einstein, Rosa Parks hay Mahatma Gandhi.

Và có lẽ bạn cũng đã đoán được rồi đấy, họ đều được cho là những người hướng nội.


Cái im lặng thường thấy ở người hướng nội thực ra không xuất phát từ sự nhút nhát hoặc kém giao thiệp.

Thay vì đơn giản là tìm cách lấp đầy cuộc trò chuyện với những câu từ, người hướng nội như mình sẽ kiên nhẫn lắng nghe bạn, mình sẽ suy nghĩ về những gì bạn vừa chia sẻ, rồi chia sẻ lại với bạn những gì mà mình cho là ý nghĩa nhất.


Là một người làm sáng tạo, mình yêu thích được dành thời gian trong không gian sáng tạo của riêng mình.

Mình có thể tự khiến bản thân bận rộn và tự giải trí chỉ với sách và giấy bút.

Mình chỉ có khoảng 5 người bạn thân và họ đều ở xa nơi mình sinh sống.

Mình thường chỉ ra ngoài để đi chợ vào buổi sáng và đi tập thể dục vào buổi chiều.


Mình thích ngồi thiền vào những lúc mệt mỏi. Đây là lúc mình tự thăm hỏi và tự khám phá những phần mới mẻ bên trong tâm trí mình.

Mình thường thích tự pha cà phê và tự thưởng thức tại nhà hơn là ngồi quán.

Mình nhận ra là mình thích những ngày yên bình và không sự kiện (uneventful).

Ồ, và dạo gần đây mình còn có hứng thú với cả nghệ thuật cắm hoa nữa, dẫu cho vẫn còn vụng về lắm, haha.


Tất cả những đặc điểm trên trong đời sống cá nhân của mình đôi khi làm dậy nên sự lo lắng nơi người nhà và sự nghi ngờ (suspicious) nơi người ngoài.

Sự thật là trong quá khứ, cũng đã có không ít lần, do bị ảnh hưởng bởi những lời mắng mỏ, dè bỉu và chê bai của người khác mà mình đã nghĩ rằng mình thật “kỳ cục” (weird) hoặc có lẽ mình “bị bệnh” gì đó.


Vậy nên, đôi khi mình cảm thấy vô cùng biết ơn nhà tâm lý học Carl Jung vì đã nghiên cứu và đặt ra khái niệm cho các từ “introvert” và “introversion”, “extrovert” và “extroversion”.

Nhờ đó mà giờ đây, những người hướng nội như mình mới có được một thuật ngữ ngắn gọn và khoa học để có thể dễ dàng giải thích, phản bác và tôn vinh tất cả giá trị làm nên con người thực của mình với những người hãy còn thiếu hiểu biết về sự khác biệt cơ bản ở mỗi cá nhân.


Trong video Ted Talk mang tên The skill of self confidence, diễn giả Ivan Joseph có kết luận bằng một câu mà mình cho rằng là rất ý nghĩa.

Ông nói:

We’re supposed to be different, folks. And when people look at us, believe in yourself.

Mình nhận ra rằng, khi mình đã có đủ tự tin vào bản thân, cuộc sống của một người hướng nội cũng có thể trở nên vô cùng phong phú, với những trải nghiệm thú vị và đầy tính thỏa mãn (grateful).

Trong nhiều khía cạnh, người hướng nội như mình cần ít hơn rất nhiều để có thể cảm thấy “đủ”.


Người hướng nội thường không cần phụ thuộc vào sự huyên náo (noise) và sự chú ý (attention) từ người khác để làm tốt công việc của họ.

Những khách hàng của mình cũng thường ở xa nơi mình sinh sống và mình khá tự tin rằng mình chưa từng khiến vị khách nào phải cảm thấy không hài lòng.


Mình có ít bạn, nhưng mối quan hệ của chúng mình đều rất nhiệt thành.

Đủ nhiệt thành để chúng mình không còn ngại ngùng khi trao cho nhau cả những khoảnh khắc yếu lòng và cả những phút giây hạnh phúc nhất trong đời.


Mình thích dành thời gian ở một mình vào những lúc có thể, nơi mình có thể lắng nghe bản thân được tốt hơn và dễ dàng kết nối với bản thân mình hơn.

Bởi mình tin rằng chỉ sau khi mình đã có thể tự tin chia sẻ với chính mình, mới mới có thể sẵn sàng tiếp tục chia sẻ với thế giới.


Cũng đã từ lâu, mình không còn cố gắng giả vờ quan tâm về “cái sự kiện đình đám kia” hay “con người nổi tiếng nọ”.

Giờ đây, mình quan tâm nhiều hơn tới những câu hỏi như:

  • Hôm nay mình đã học được những gì mới?

  • Đã có bao nhiêu chữ mình viết? Bao nhiêu nét mình vẽ?

  • Đã có bao nhiêu nơi mình đặt chân tới? Nơi tiếp theo sẽ là đâu?

  • Đã có bao nhiêu cuốn sách mình đọc? Cuốn tiếp theo sẽ là gì?

  • Đã có bao nhiêu khó khăn/hạnh phúc mình vượt qua? Tiếp theo sẽ là khó khăn/hạnh phúc nào đây?


Mình viết bài viết này không hề mang ham ý muốn gây nên sự chia rẽ giữa người hướng ngoại và người hướng nội.

Ngược lại, mình tin rằng không nên tồn tại những khái niệm kiểu như “Introverts vs. Extroverts”.

Bởi vậy nên xuyên suốt bài viết, mình cũng không hề có ý muốn so sánh giữa các đặc điểm tính cách của người hướng nội với người hướng ngoại.


Mình cũng không hề quan tâm xem kiểu người nào là tốt hơn kiểu người nào, bởi lẽ mình tin rằng chúng ta đều có thế mạnh và thế yếu; vậy nên mọi sự so sánh hơn thua đều là khập khiễng trong mắt mình.

Mình tin rằng, thay vì sự hơn thua (competition), có lẽ đã đến lúc chúng ta nên tập trung nhiều hơn vào yếu tố hợp tác (collaboration).


Mình tin vào một thế giới nơi mà sự khác biệt ở mỗi cá nhân nên được tôn trọng và chân quý một cách bình đẳng.

Vậy nên, qua bài viết này, mình muốn chia sẻ góc nhìn của mình – góc nhìn của một người hướng nội – để qua đó, biết đâu bạn cũng sẽ có thể tiến một bước tới gần hơn với việc thấu hiểu bản thân và những người bạn hướng nội xung quanh bạn.


Như mình đã chia sẻ ở trên, chúng ta đang sống trong một thời đại bận rộn.

Sự thật là mình rất yêu thích tất cả những nét đẹp đa dạng và có phần hơi hỗn loạn (chaotic) của thế giới hiện đại chúng ta.

Có lẽ đó cũng là một trong những nguồn cảm hứng đã đưa mình tới với các công việc sáng tạo.


Tuy nhiên, sau tất cả, mình vẫn muốn bỏ lại thế giới ồn ào sau cánh cửa hoặc sau mỗi lần tắt laptop.

Sau tất cả, một chốn yên bình, với chú mèo béo và những cuốn sách, vẫn là nơi mà mình muốn được trở về.


Sau tất cả, mình là một người hướng nội, và mình tự hào về điều đó.


“Keep Moving Forward”

Chấp bút: Tom.


7 lượt xem0 bình luận

Bài đăng gần đây

Xem tất cả
Bài đăng: Blog2 Post
bottom of page