Mình đã vượt qua áp lực điểm số như thế nào?

Mình vẫn nhớ đó là một buổi chiều thứ 5, năm đó mình học lớp 3. Mình đạp xe thật nhanh về nhà với 2 hàng nước mắt. Khi về đến nhà mình thì tìm cách lén lút lên phòng và nằm trùm chăn kín mít. Mình ôm gối khóc trong sự tủi hổ và những lời nhục mạ mà chính mình dành cho bản thân. Ngày hôm ấy, mình nhận được một điểm 5 trong môn toán ở trường. Mẹ sớm phát hiện ra những hành động lạ lùng của mình và cũng tìm cách an ủi, nhưng bố thì lại mắng mình vì bố luôn muốn mình phải giữ được cái danh hiệu “giỏi nhất họ”. Mình bèn phải hứa với bố rằng từ nay sẽ học chăm chỉ hơn nữa để gỡ lại điểm trong đợt thi giữa kì sắp tới. Thế nhưng, đợt thi giữa học kì năm ấy, điểm của mình rất thấp. Vì áp lực điểm số mà mình đã không thể giữ được bình tĩnh khi làm bài kiểm tra. Và thế là mình lại bị mắng.
Giờ đây, mỗi khi nhìn lại quãng thời gian cắp sách tới trường, mình đều cảm thấy hơi rùng mình và hiểu ra rằng mình đã từng bị những con số trên trang giấy gây áp lực kinh khủng đến nhường nào.
Trong thực tế, điểm số vẫn luôn được xem là thang đo năng lực học tập của học sinh, sinh viên. Việc đặt ra các thang điểm đánh giá nhằm mục đích giúp cho các bạn có thể chú tâm đến việc học tập, hạn chế sự lơ là và trì trệ. Mình cũng hiểu rằng khi làm bất kỳ công việc gì thì bạn cũng cần có những mục tiêu rõ ràng thì mới có thể phát triển được hết năng lực của bản thân. Tuy nhiên, hiểu rằng nền giáo dục của nước ta chú trọng nhiều vào thành tích, sự kỳ vọng của cha mẹ vào con cái dẫu cho có xuất phát từ tình yêu thương và quan tâm, không ít các trường hợp cũng có thể trở nên thái quá, vô hình chung gây nên các áp lực, khiến cho việc giành giật điểm số trở thành gánh nặng mỗi ngày, từ đó việc học cũng không còn là niềm vui thích đối với con trẻ nữa.
Các bạn hãy hiểu rằng học tập là cả một hành trình rất dài, nó có những khó khăn để bạn phải tìm phương hướng mà vượt qua, nhưng một khi đã vượt qua được rồi thì thành quả thu nhận được là vô cùng xứng đáng. Áp lực điểm số có thể chính là hòn đá to mà bạn đang vác trên vai hoặc trói buộc ở cổ chân, chừng nào bạn còn chưa nhận thức được gánh nặng từ tảng đá đó, bạn sẽ còn phải lê bước trên hành trình học tập của mình đấy.
Dấu hiệu nào giúp mình nhận ra những áp lực tiêu cực từ điểm số?
Trong trường hợp của mình, mình may mắn có một người mẹ luôn quan tâm đến cảm xúc và suy nghĩ của mình chứ không chỉ là những thành tích mà mình đã đạt được. Mẹ là người đã chú ý đến những trạng thái mệt mỏi, căng thẳng và thậm chí là những dấu hiệu của trầm cảm khi mình vừa mới thi vào trường THCS. Sau đây là một số dấu hiệu giúp bạn có thể nhận biết được những bạn đang cảm thấy mệt mỏi và căng thẳng vì áp lực điểm số:
Luôn quan tâm quá mức đến điểm số. Thường có tâm lý lo lắng, bất an mỗi khi đến kỳ kiểm tra, thi cử hoặc chờ kết quả thi.
Không còn nhiều niềm vui đối với việc học tập, thường lo âu, bồn chồn, hoang mang, lo sợ rằng bản thân có thể làm bài chưa được tốt.
Khi không đạt được điểm số như kỳ vọng hoặc có điểm số thấp hơn các bạn khác thì sẽ nảy sinh tâm lý chán nản, buồn rầu, ủ rũ, thất vọng về chính mình và cho rằng bản thân là vô dụng. Trong nhiều trường hợp, trẻ còn cố gắng che giấu, cảm thấy sợ hãi đối với những lời chê trách, la mắng của cha mẹ, thầy cô.
Trẻ có thể trở nên nhạy cảm hơn, dễ bị tổn thương hơn mỗi khi bị nhắc đến vấn đề điểm số, thi cử. Đôi lúc, những người xung quanh không có ý xem thường hay trêu đùa về điểm số của trẻ nhưng trẻ vẫn có thể cảm thấy khó chịu hoặc căng thẳng rất nhiều.
Những áp lực điểm số là từ đâu mà ra?
Một người bạn khóa dưới của mình từng chia sẻ, cha mẹ bạn ấy có lối suy nghĩ rằng điểm 10 là tốt, điểm 9 là bình thường và từ điểm 8 trở xuống thì bạn ấy sẽ bắt đầu bị chê trách và la mắng.
Sau khi đã có cơ hội tìm hiểu sâu hơn về áp lực điểm số, thông qua việc chia sẻ và được chia sẻ về nhiều trường hợp khác nhau, mình cũng đã hiểu ra được rằng đây là thứ áp lực ảnh hưởng đến rất rất nhiều các bạn học sinh trong suốt cả quá trình học tập, tại nhiều cấp bậc khác nhau, và thường là nó đem lại những ảnh hưởng tiêu cực tới sức khỏe và tâm lý của các bạn.
Một số nguyên nhân có thể gây nên mệt mỏi và căng thẳng vì áp lực điểm số như: Muốn khẳng định năng lực bản thân Hiện nay ở nước ta, học sinh đều được đánh giá năng lực chủ yếu thông qua thang điểm từ 0-10. Khả năng của trẻ sẽ được công nhận và tán thưởng nếu như đạt được thành tích tốt. Điều này thực sự không sai, nhưng đôi lúc mọi người lại đề cao những con số quá mức, khiến cho trẻ phải luôn nỗ lực và chạy theo chúng.
Đặc biệt đối với những đứa trẻ đang ở giai đoạn tuổi dậy thì lại càng có xu hướng muốn thể hiện bản thân nhiều hơn. Tuy nhiên, kết quả học tập không phải lúc nào cũng thuận theo ý muốn của chúng ta. Nhiều bạn vì muốn thể hiện bản lĩnh của mình nên đã tự đặt ra những mục tiêu quá lớn, vượt ngoài khả năng vốn có. Điều này vô hình chung cũng sẽ tạo nên những áp lực lớn khiến các bạn dễ bị mất phương hướng, thậm chí còn có thể dẫn đến những quyết định sai lầm trong quá trình học tập và thi cử. Cha mẹ, thầy cô đặt quá nhiều kỳ vọng Thực tế cho thấy, bất kỳ bậc phụ huynh nào cũng muốn con mình đạt được những thành tích cao trong học tập, muốn con học giỏi, đạt được những điểm số vượt trội. Tuy nhiên, không phải bậc phụ huynh nào ngày nay cũng hiểu được rằng mỗi đứa trẻ đều là những cá nhân đặc biệt với những năng lực và tài năng đặc biệt của riêng chúng. Khi cha mẹ đặt ra cho con trẻ một mục tiêu quá lớn, vượt xa đối với khả năng của trẻ, thì dù trẻ có thực sự cố gắng, chăm chỉ, cũng khó có thể đạt được những thành tích như mong đợi.
Ngoài ra, ở trường học, cũng còn nhiều thầy cô đặt nặng vấn đề thành tích, điểm số. Kỳ vọng rằng các em sẽ đạt được những điểm số cao để rinh về cho nhà trường, cho lớp học những giải thưởng, những bằng khen. Sự kỳ vọng này vô tình tạo nên những áp lực nặng nề khiến cho các em học sinh mất đi sự thoải mái và vui vẻ trong quá trình học tập, trao dồi kiến thức. Vì thường xuyên bị quở trách, so sánh Cha mẹ đặt kỳ vọng vào con cái là điều hết sức dễ hiểu. Tuy nhiên, khi trẻ không đạt được những thành tích mà cha mẹ mong muốn thì rất dễ gây ra những bất đồng. Nhiều bậc phụ huynh thường hay bày tỏ thái độ thất vọng, chê bai, trách mắng con cái khi con không đạt được những thành tích tốt. Thậm chí còn có nhiều phụ huynh thường hay đem con ra so sánh với bạn bè, “con nhà người ta” luôn là câu nói quen thuộc của họ.
Như đã chia sẻ ở trên, mỗi trẻ đều có những tài năng và thế mạnh khác nhau. Có những trẻ có thể hứng thú với các con số, con chữ trong khi lại có những trẻ yêu thích các hoạt động thể chất, thể thao; có trẻ đam mê hội họa và có cả những trẻ có năng khiếu với âm nhạc. Đôi khi thể mạnh của trẻ còn có thể không phải là một bộ môn được dạy ở trường như là khả năng giao tiếp tốt, khả năng ứng biến tốt, trí nhớ dài hạn tốt,.v..v…
Các bậc phụ huynh không chỉ nên nhìn vào các bảng điểm, họ nên nhìn về phía con cái họ nhiều hơn. Phụ huynh nên phối hợp với thầy cô ở trường để cùng nhau quan sát, tìm hiểu về năng khiếu và những điểm nổi bật trong tính cách của trẻ; thay vì liên tục đặt lên vai trẻ những căng thẳng và áp lực thông qua những lời quở trách, chì chiết và so sánh. Tự đặt áp lực cho chính bản thân Tình trạng này thường gặp nhiều ở các bạn học sinh có thành tích giỏi, xuất sắc. Tâm lý của trẻ luôn muốn giữ vững được “phong độ” của mình, nhất là những bạn ở vị trí dẫn đầu. Lúc này trẻ luôn muốn cố gắng vùi đầu vào học tập, ôn luyện để có thể giữ vững thứ hạng của mình.
Tuy rằng điều này có thể mang lại nhiều yếu tố tích cực, giúp trẻ phấn đấu học tập nhiều hơn. Tuy nhiên, những áp lực vô hình mà trẻ tự tạo ra cho bản thân đôi lúc sẽ khiến trẻ cảm thấy đuối sức, mệt mỏi và căng thẳng. Cũng bởi vì nếu thành tích học tập bị tuột dốc thì sẽ khiến trẻ cảm thấy thất vọng về bản thân, nhiều trường hợp trẻ còn tự đổi lỗi và dằn vặt chính mình.
Mình đã vượt qua áp lực điểm số như thế nào?
Với cá nhân mình, giai đoạn mình gặp khủng hoảng về chuyện điểm số nhiều nhất và áp lực học tập lớn nhất chính là ở những giai đoạn cuối cấp, chuẩn bị thi chuyển cấp. Nhiều bạn bè của mình cũng đồng tình với mình và cảm thấy những áp lực tương đương.
Cũng chính nhờ việc được nghe nhiều bạn bè tâm sự nên mình cũng hiểu ra rằng ở mỗi học sinh lại mang những áp lực điểm số ở những khía cạnh rất khác nhau trong quá trình học tập. Sau đây mình xin chia sẻ một số phương pháp và lối suy nghĩ cơ bản đã giúp mình vượt qua được áp lực điểm số ở cá nhân: Hiểu ra rằng điểm số không phải là tất cả Học tập là một hành trình rất dài, nó không chỉ dừng lại ở việc trao dồi kiến thức nơi trường lớp mà ngay cả khi ta đã trưởng thành thì ta vẫn cần phải học tập rất nhiều. Bạn nên hiểu rằng, học tập là phương pháp để đem lại cho chính bạn một cuộc sống lành mạnh, vui vẻ và thành công. Khi ta còn ngồi trên ghế nhà trường thì điểm số chính là công cụ đánh giá tốt nhất để bạn thấy được kết quả ôn luyện và khả năng làm chủ tình huống của mỗi cá nhân. Tuy nhiên, nó vẫn chỉ là một công cụ đánh giá, chứ hoàn toàn không phải là kết quả của cả quá trình học tập. Điểm số cũng không thể phản ánh đúng giá trị con người bạn và cũng không thể đại diện cho tương lai của bạn.
Để phát triển được năng lực của bản thân, vươn lên được những vị trí tốt trong xã hội và được mọi người trong cộng đồng công nhận thì bạn cũng cần phải nỗ lực hơn nữa ở nhiều khía cạnh, kể cả việc học tập và cả các kỹ năng sống.
Đừng vì điểm số mà tự hạ thấp hay đề cao quá mức năng lực của bản thân các bạn nhé. “Học, học nữa, học mãi”. Đặt mục tiêu phù hợp với năng lực Điểm số không phải là tất cả nhưng bạn cũng không thể vì thế mà bạn có thể bỏ bê việc học và lãng quên nó. Để dễ dàng hơn trong quá trình học tập và đạt được những thành công nhất định thì trước tiên bạn nên đặt ra những mục tiêu phù hợp với bản thân. Mỗi người đều có những ưu điểm và khuyết điểm riêng, bạn cần biết bạn đang mạnh ở điểm nào và yếu ở điểm nào để tìm ra phương hướng cụ thể cho bản thân. Hãy tự nhìn nhận và đưa ra những đánh giá chân thật nhất về bản thân mình, hoặc bạn cũng có thể tham khảo thêm ý kiến của cha mẹ, thầy cô và bạn bè. Mình tin rằng những người yêu quý bạn sẽ không bao giờ ngần ngại giúp đỡ bạn đâu, vậy nên bạn cũng đừng ngại ngùng gì bạn nhé. Chia sẻ, tâm sự với thầy cô và cha mẹ Nếu bạn đã tự nhận thức được rằng những áp lực điểm số khiến bạn căng thẳng và mệt mỏi bấy lâu nay là do xuất phát từ những kỳ vọng của người lớn như cha mẹ, thầy cô; thì mình khuyên bạn hãy mạnh dạn chia sẻ và tâm sự với họ về vấn đề này. Một người bạn đã cho mình biết rằng trong những năm tháng học cấp 3, bạn ấy đã luôn cảm thấy mệt mỏi và áp lực vì gia đình muốn định hướng cho tương lai bạn ấy vào học trường đại học y danh giá, trong khi đam mê của bạn ấy lại nằm ở lĩnh vực liên quan đến máy tính và phát triển các phần mềm kinh doanh. Khi những áp lực và căng thẳng đã lên đến đỉnh điểm thì bạn ấy đã mạnh mẽ đứng lên để nói rõ tiếng lòng của bản thân cho cha mẹ biết, nhờ vậy mà gia đình mới nhận ra từ trước tới nay họ đã vô tình khiến cho con cái khổ sở và áp lực đến nhường nào.
Mình nghĩ mấu chốt khi trò chuyện là bạn cần phải giữ tâm trạng thoải mái, tự tin, bình tĩnh và hãy nói ra những suy nghĩ, tâm tư, áp lực mà bản thân đang phải đối mặt để người lớn có thể đồng cảm và thấu hiểu. Trong một số trường hợp, để có thể thay đổi được suy nghĩ của người lớn về chuyện quan trọng điểm số là điều khá khó khăn. Do đó, bạn cần phải kiên trì và nỗ lực thật nhiều để chia sẻ và bày tỏ ước muốn của bản thân bạn nhé. Dù cho đôi lúc cha mẹ có thể phản ứng cứng nhắc và gây nên những xung đột không đáng có thì bạn cũng đừng bỏ cuộc nhé, hãy nhờ đến sự hỗ trợ của những người thân khác trong gia đình khi nói chuyện với cha mẹ. Mình tin bạn cũng sẽ làm được. Lập kế hoạch học tập cụ thể “Học tài, thi phận” có lẽ đã là câu nói không còn quá xa lạ đối với các bạn học sinh. Đã không ít lần mình trải qua cảm giác buồn bã và thất vọng về bản thân do kết quả học tập không được mong đợi dù cho đã học tập chăm chỉ và siêng năng. Mãi đến khi trưởng thành rồi, mình mới hiểu ra rằng đó là do mình chưa từng có một kế hoạch học tập cụ thể cho bản thân trong suốt cả 3 cấp học.

Sau đây mình xin chia sẻ với các bạn cách mình xây dựng kế hoạch học tập cho bản thân mình hiện tại. Mình cũng đã chia sẻ nó với một số người bạn của mình và họ đều có những phản hồi khá tích cực, vậy nên mình hy vọng những hướng dẫn sau đây cũng sẽ có ích với các bạn.
Xác định mục tiêu học tập. Phân biệt rõ ràng giữa mục tiêu ngắn hạn và mục tiêu dài hạn.
Để bắt đầu một kế hoạch học tập, bạn cần phải biết mình muốn học gì và cần học gì. Xem xét tại sao mình muốn học kỹ năng, kiến thức này, chứ không phải kỹ năng, kiến thức khác. Hãy hình dung mục tiêu cuối cùng trước, sau đó cụ thể hóa thành các công việc nhỏ để đạt được mục tiêu đó.
Xác định các mục tiêu ngắn hạn như ôn tập cho kỳ kiểm tra trong 1 tuần, hay đọc xong tài liệu tham khảo này trong vòng 2 tuần,...
Mục tiêu dài hạn như là thi đỗ đại học, thi chứng chỉ, hay phỏng vấn cho một vị trí làm việc mới,...
Xác định những hạng mục mục tiêu.
Xếp hạng các mục tiêu học tập theo mức độ quan trọng, đầu mục nào bạn cần ưu tiên nhất thì hãy đánh số thứ tự số 1 và cứ thế. Bạn cũng hãy cân nhắc đến cả mức độ phức tạp, đồ khó khăn, thời gian đọc tài liệu, thời gian ôn tập,... nữa nhé.
Dành thời gian trống cho những hoạt động bổ ích khác.
Bạn sẽ không thể học tập tốt nếu bạn không dành thời gian nghỉ ngơi, giải trí để lấy lại năng lượng và cảm hứng.
Cân nhắc các phương pháp học tập hiệu quả với bạn.
Hãy thử nghiệm để tìm hiểu xem bản thân bạn tiếp nhận kiến thức tốt hơn qua việc nghe audio, xem video hay đọc tài liệu. Bạn tập trung tốt hơn vào buổi sáng hay buổi tối. Bạn thích viết ra giấy hơn hay gõ vào máy tính hơn. Hãy tìm hiểu chính mình để có được phương pháp học tập tốt nhất bạn nhé.
Tập trung và cam kết với bản thân để tự theo sát kế hoạch học tập mà bạn đã đề ra.
Hãy đánh dấu mỗi khi hoàn thành một mục tiêu, hoặc bạn cũng có thể tự thưởng sau khi đạt được kết quả tốt trong quá trình thực hiện kế hoạch học tập. Có một cách rất hay mà mình thấy hiện nay có nhiều bạn trẻ đang áp dụng đó là tìm đồng đội học chung để có thể giúp “giám sát” nhau theo sát kế hoạch. Đừng quên rằng học tập chân chính là dựa trên tinh thần hợp tác chứ không phải là cạnh tranh. Bạn không hề cô đơn trên con đường học tập đâu.
Đừng chờ đợi thời cơ. Thời cơ tốt nhất chính là ngay lúc này.
Cá nhân mình nghĩ rằng tư duy trì hoãn chính là kẻ thù lớn nhất của loài người trong quá trình học tập và phát triển. Đặc biệt là trong thời hiện đại ngày nay khi chỉ cần mở cái điện thoại lên thôi là những nội dung cuốn hút đến mê hoặc khiến chúng ta lãng phí vài giờ đồng hồ mà ta không hề biết.
Mình mong các bạn sẽ sớm nhận ra rằng thời cơ sẽ không đến vào ngày mai, hay tuần sau, hay sau khi bạn lướt nốt cái video này, hoặc đọc nốt các bài post này. Mình mong sẽ sớm nhận ra rằng thời cơ tốt nhất chính là ngay lúc này. Hãy hành động đi, các bạn nhé.
Lời kết
Mệt mỏi, căng thẳng vì áp lực điểm số là vấn đề muôn thuở trong học tập mà mình nghĩ rằng sẽ khó lòng mà xóa bỏ trong một sớm một chiều được. Mình đã may mắn có được sự giúp đỡ của người thân trong gia đình, thầy cô và cả những người bạn đáng quý để hỗ trợ mình vượt qua được những ảnh hưởng tiêu cực từ áp lực điểm số. Nhưng tất cả cũng bắt đầu từ việc mình đã tự nhận thức được nguyên nhân của những sự phiền muộn và căng thẳng, là do trong suy nghĩ mình đã bị ám ảnh quá nhiều bởi những con số trên trang giấy.
Mình hy vọng rằng bài viết này cũng đã có ích với các bạn và phần nào giúp các bạn tìm ra được nguyên nhân những các áp lực học tập mà các bạn đang phải trải qua. Như mình đã nói ở các ý phía trên, học tập là cả một hành trình rất dài, nó có những khó khăn để bạn phải tìm phương hướng mà vượt qua, nhưng một khi đã vượt qua được rồi thì thành quả thu nhận được là vô cùng xứng đáng. Áp lực điểm số có thể chính là hòn đá to mà bạn đang vác trên vai hoặc trói buộc ở cổ chân, chừng nào bạn còn chưa nhận thức được gánh nặng từ tảng đá đó, bạn sẽ còn phải lê bước trên hành trình học tập của mình đấy.
Bạn đã chịu buông bỏ tảng đá mà bạn đang mang chưa? Chấp bút: Tom.