Lợi ích kỳ diệu của giấc ngủ.
“The best bridge between despair and hope is a good night’s sleep.” — E. Joseph Cossman, Entrepreneur and Author

Này bạn ơi. Cho mình hỏi nè. Có phải là đêm qua bạn lại thức khuya có đúng không? Lần cuối cùng bạn đi ngủ sớm là từ bao giờ vậy?
Có phải do ngày mai bạn có bài kiểm tra toán? Hay bạn cần phải luyện tập cho buổi trình diễn piano?
Có phải bạn cũng đã chăm chỉ học hành, luyện tập rất nhiều trong suốt mấy ngày đêm vừa qua, vậy mà đến giờ chót rồi nhưng bạn vẫn chưa hề cảm thấy tự tin với những gì mình đã nắm được trong đầu.
Hay một số bạn trẻ còn nghĩ rằng thức đêm để học bài mới là biểu hiện của sự chăm chỉ. Rằng các bạn nên nắm lấy thời cơ lúc người khác đang nghỉ ngơi để có thể vượt lên dẫn trước.
Đêm nay các bạn hoàn toàn có thể tiếp tục pha cho mình những ly cà phê đậm đặc, sau đó dành ra thật nhiều giờ đồng hồ để nhồi nhét kiến thức và tập luyện.
Nhưng có lẽ sẽ tốt hơn rất nhiều nếu như các bạn dành ra cho mình một giấc ngủ thật ngon đấy.
Theo Mayoclinic, mỗi người trưởng thành từ độ tuổi 18 trở lên đều cần ít nhất 8 tiếng hoặc hơn để ngủ mỗi ngày. Trung bình mỗi chúng ta đều dành ra khoảng ⅓ quãng thời gian cuộc đời của mình để dành cho việc ngủ, nhìn vào con số trên là các bạn cũng đã biết rằng việc ngủ rất quan trọng với sức khỏe rồi đúng không nào? Nhưng sự thật rằng phần đông con người trong thời hiện đại ngày nay, đặc biệt là nhóm các bạn trẻ chúng mình, lại rất ít khi chú ý chăm sóc cho chất lượng giấc ngủ.
Sự thờ ơ với giấc ngủ thường là do những hiểu lầm rằng: “Ngủ là phí thời gian”. Hoặc “Ngủ là sự nghỉ ngơi sau khi chúng ta đã làm xong việc.”
Các nghiên cứu đều chỉ ra rằng ngủ là một chức năng vô cùng thiết yếu và quan trọng với cơ thể. Ngủ cho phép cơ thể và tâm trí bạn được nạp lại năng lượng, giúp bạn sảng khoái và thoải mái khi thức dậy. Những giấc ngủ lành mạnh cũng sẽ giúp cho cơ thể bạn lành mạnh, ngăn ngừa bệnh tật. Nếu không ngủ đủ giấc, hệ thần kinh sẽ không thể hoạt động hiệu quả.
Đọc đến đây, có thể bạn đang nghĩ:
“Nghe cũng quan trọng đấy, nhưng bài kiểm tra của tôi cũng rất là quan trọng chứ.”
Mình không phủ nhận điều đó. Nhưng như mình đã trình bày ở ý phía trên, nếu không ngủ đủ giấc, hệ thần kinh sẽ không thể hoạt động hiệu quả được đâu các bạn ạ.
Trong giấc ngủ, sẽ có khoảng ⅕ khối lượng máu trong cơ thể bạn được hệ tuần hoàn đưa lên não. Quá trình này là để chuẩn bị cho những hoạt động “tái xây dựng” và “tái tổ chức” mà bộ não của bạn sẽ thực hiện hằng đêm. Cả hai hoạt động này đều vô cùng quan trọng đối với ký ức và trí nhớ của chúng ta.
Có thể bạn nghĩ rằng khả năng ghi nhớ sự vật và sự việc của bộ não dường như cũng không có gì là quá ấn tượng. Đó là chức năng cơ bản mà một bộ não phải làm. Nhưng điều đó liệu có đúng không?
Nhà tâm lý học Hermann Ebbinghaus đã chứng minh rằng bộ não chúng ta thường nhanh chóng quên mất khoảng 40% những thông tin mới trong vòng 20 phút đầu tiên, quá trình này sau đó sẽ chậm lại và sau 9 giờ đồng hồ thì chúng ta sẽ quên đi khoảng 60% những thông tin mới đó. Đây là một hiện tượng được ông mô tả là "The Forgetting Curve".

Sự “rơi rụng” thông tin này có thể được hạn chế với quá trình "củng cố trí nhớ", là quá trình các thông tin được vận chuyển từ vùng hình thành trí nhớ ngắn hạn tại đồi hải mã, tới những khu vực lưu trữ trí nhớ dài hạn và bền vững hơn tại vỏ não.
Vậy thì tại sao chúng ta lại vẫn bị nhớ cái này nhưng lại quên cái nọ?
Thực tế là có một số yếu tố có thể ảnh hưởng tới phạm vi và độ hiệu quả của quá trình củng cố trí nhớ. Ví dụ như những ký ức được hình thành trong những khoảnh khắc mà cảm xúc của bạn được đẩy lên cao trào, hoặc ngược lại, khi cảm xúc của bạn bị đẩy xuống thấp tới mức độ căng thẳng, đều sẽ được ghi lại nhanh chóng và bền vững hơn; do đồi hải mã có mối liên hệ rất lớn tới quá trình hình thành cảm xúc của chúng ta.
Tuy nhiên, một trong những yếu tố có tầm ảnh hưởng bậc nhất tới quá trình củng cố trí nhớ ở não bộ, có lẽ bạn cũng đoán được rồi ha, chính là những giấc ngủ ngon.
Ngủ là quá trình được hình thành từ 4 giai đoạn, trong đó có giai đoạn ta ngủ sâu nhất được đặt tên là REM (rapid eye movement). Điện não đồ trong những giai đoạn này cho thấy khi ta ngủ, não liên tục hình thành các các xung điện chạy khắp các khu vực quan trọng như hành não, đồi hải mã, đồi thị và vỏ não; đều là những khu vực có thể chịu trách nghiệm như những trạm chuyển tiếp trong quá trình hình thành ký ức. Và mỗi giai đoạn của giấc ngủ đều có ý nghĩa với sự củng cố của những loại ký ức khác nhau.
Trong giai đoạn NREM thứ 3, “trí nhớ rõ ràng” (explicit memory), loại trí nhớ giúp ta nhớ được tên, ngày tháng, địa điểm, sự kiện, kí tự, kiến thức,...; sẽ được mã hóa và lưu trữ tạm thời ở vùng phía trước của đồi hải mã. Bằng quá trình trao đổi thông tin liên tục giữa vùng vỏ não và vùng đồi hải mã, những ký ức này cũng sẽ liên tục được kích hoạt lại, giúp cho chúng được “in sâu” và “sắp xếp hợp lý” hơn tại vỏ não. Mình tin là các bạn không hề muốn bị nhớ lộn công thức trong giờ kiểm tra toán có đúng không nào?
Ở mặt khác, với giai đoạn REM, bộ não xuất hiện những hoạt động tương tự như khi chúng ta đang “thức”. Giai đoạn này là quá trình rất quan trọng để củng cố các “trí nhớ phương thức” (procedural memory), là loại trí nhớ dài hạn ảnh hưởng tới khả năng thực hiện các loại hành động và kĩ năng của chúng ta, cũng chính là những gì mà bạn cần nếu như ngày mai bạn có một buổi biểu diễn piano đó.

Mình hy vọng là bài viết này đã giúp các bạn nhận ra rằng việc thiếu ngủ có ảnh hưởng xấu thế nào tới sức khỏe về lâu về dài, cũng như những ảnh hưởng tiêu cực của nó tới quá trình học tập và làm việc của các bạn.
Khi mình dành thời gian để suy nghĩ về tất cả những sự “tái xây dựng” và “tái cấu trúc” diễn ra bên trong cơ thể khi đang ngủ, mình nghĩ chúng ta có thể nói rằng:
“Mỗi ngày ta thức dậy với một bộ não phiên bản mới, với những cập nhật tối tân nhất cả về phần cứng lẫn phần mềm, sẵn sàng cùng ta đương đầu với mọi thử thách.”
Mỗi chúng ta đều đang sở hữu 1 công cụ mạnh mẽ và siêu việt tới vậy bên trong cơ thể chúng mình đó. Các bạn cũng hãy trân trọng nó như cách các bạn trân trọng những chiếc điện thoại, laptop của các bạn nha.
Hãy ngủ sớm. Hãy ngủ đủ.
Chấp bút: Tom.