top of page

Lợi ích của một cái lưng thẳng.

Good posture isn’t something we do, it’s something we build.


Các bạn trẻ chúng mình ngày nay có lẽ vẫn thường xuyên phải nghe những lời nhắc nhở như: “Đứng thẳng lưng lên đi”, hoặc là “Ngồi thẳng cái lưng lên”.

Những lời nhắc nhở đó đôi khi có thể sẽ khiến chúng mình cảm thấy phiền toái, thậm chí là bực dọc; nhưng những lời đó thực sự không hề sai đâu các bạn ạ.


Tư thế đứng tư thế ngồi chính là nền tảng cho mọi cử động mà cơ thể chúng mình có thể thực hiện được trong sinh hoạt hằng ngày. Chúng cũng sẽ là yếu tố quyết định khả năng thích ứng với những giới hạn áp lực mà cơ thể bạn có thể chịu đựng.


Những áp lực này có thể chỉ đơn giản như là khuân vác vật nặng, hoặc phải ngồi lâu trong một tư thế kém thoải mái trên xe bus chẳng hạn. Đương nhiên là chúng mình cũng không thể quên nhắc đến lực hấp dẫn, thứ lực vô cùng quan trọng hiện đang áp dụng lên tất cả mọi sự vật trên quả đất này.



TẠI SAO BẠN NÊN CHÚ Ý TỚI TƯ THẾ CỦA MÌNH NHIỀU HƠN?

Nếu như tư thế sinh hoạt của bạn không được điều chỉnh ở mức tối ưu, các cơ bắp sẽ phải vận hành vất vả hơn để giữ cho cơ thể của bạn được cân bằng trong tư thế đứng thẳng trên 2 chân, một tư thế vốn dĩ đã khá là kém cân bằng nếu so với tư thế di chuyển của các nhóm động vật có xương sống khác.


Vì lý do trên, nhiều nhóm cơ bắp của bạn sẽ có xu hướng bị căng cứng, trở nên kém linh hoạt, thậm chí còn có thể bị tê liệt, gây nên các cơn đau mỏi thường xuyên. Nếu để tình trạng này kéo dài, cơ bắp có thể sẽ bị rối loạn chức năng, khiến cho cơ thể chúng mình trở nên dễ bị tổn thương trước các áp lực bên ngoài.


Đứng và ngồi sai tư thế cũng gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến các đốt sống lưng, đốt sống cổ, khớp và dây chằng đầu gối; dẫn đến gia tăng nguy cơ chúng mình bị gãy xương, trật khớp trong trường hợp không may bị tai nạn. Đồng thời, sinh hoạt sai tư thế cũng có thể gây nên các tác động tiêu cực tới một số cơ quan nội tạng, như phổi và tim mạch, khiến chúng hoạt động kém hiệu quả hoặc khó khăn hơn.


Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra mối liên hệ giữa việc sinh hoạt sai tư thế với các chứng bệnh như chứng cong vẹo cột sống, chứng đau đầu và cả chứng đau lưng; tuy nhiên hiện nay vẫn chưa có bằng chứng cụ thể để chứng tỏ các chứng bệnh này là do đứng - ngồi sai tư thế gây nên.


Tư thế sinh hoạt thậm chí còn có thể ảnh hưởng tới tâm lý của bạn. Những tư thế đứng và ngồi chuẩn có thể vô hình chung bổ trợ cho quá trình hình thành nên sự tự tin, phong thái chuyên nghiệp, tạo ra các loại cảm xúc tích cực về bản thân và giảm thiểu độ nhạy cảm với nỗi đau.


Nếu như bạn đã đọc đến đây rồi, thì mình tin rằng bạn cũng đã hiểu ra rằng chúng mình có rất nhiều lý do để phải chú ý tới tư thế đứng và ngồi nhiều hơn.

Nhưng có phải là xã hội của chúng ta càng phát triển, chúng mình lại càng có thêm nhiều những cái lưng cong vẹo hay không?


Việc phải ngồi trong những tư thế kém thoải mái trong một thời gian dài, điều mà thế hệ chúng ta vẫn đang phải thường xuyên thực hiện tại trường lớp và môi trường công sở, chắc chắn sẽ làm ảnh hưởng xấu tới tư thế sinh hoạt của chúng ta.

Điều này cũng liên hệ trực tiếp tới việc ngày nay chúng ta đã gắn bó với các thiết bị điện tử nhiều hơn, như điện thoại hay laptop, đều là những thiết bị liên tục khiến chúng ta phải nhìn xuống.



NHỮNG TƯ THẾ SINH HOẠT CHUẨN SẼ TRÔNG NHƯ THẾ NÀO?

Nếu như bạn đứng thẳng trong tư thế chuẩn thì khi quan sát từ góc nhìn chính diện, 33 đốt cột sống của bạn sẽ tạo thành một đường thẳng đứng. Và khi quan sát từ góc nhìn mặt bên, thì cột sống thường sẽ có 3 đoạn cong; 1 đoạn cong ở cổ, 1 đoạn cong ở bả vai và 1 đoạn cong ở vùng dưới lưng.


Trong thực tế, chúng mình không hề được sinh ra với cột sống dạng chữ “S” như vậy đâu. Những em bé sơ sinh thường sẽ chỉ có cột sống với 1 đoạn cong, khá là tương đồng với chữ “C”. Những đoạn cong khác sẽ bắt đầu hình thành sau khi em bé đạt tới khoảng 12 - 18 tháng tuổi, đây cũng là khoảng thời gian các hệ cơ bắp bắt đầu phát triển, hỗ trợ gia cố cho cột sống.


Những đường cong này hoàn toàn không có gì là bất thường hết và chính nhờ chúng mà cơ thể chúng ta mới có thể đứng thắng, cũng như hạn chế được những ảnh hưởng từ các ngoại lực tác dụng khi ta đi lại hoặc chạy nhảy.


Trong tư thế đứng chuẩn, bạn sẽ có thể vẽ được 1 đường thẳng từ vùng vai, tới vùng sau hông, tới đầu gối và xuống tới bàn chân của bạn; đương nhiên là “đường thẳng” này ở mỗi người cũng sẽ mỗi khác các bạn nhé.


Tư thế đứng chuẩn sẽ giúp giữ cho trọng tâm cơ thể chúng ta được nằm ở đúng vị trí cần thiết của nó, vào khoảng 3cm bên dưới rốn; qua đó cũng sẽ hỗ trợ bạn sinh hoạt và làm việc một cách hiệu quả hơn, hạn chế được đau mỏi cơ bắp, cũng như là đau nhức xương khớp.


Với dáng ngồi chuẩn, bạn nên giữ cổ trong tư thế thẳng, đừng nghiêng về phía trước quá nhiều. Vai của bạn nên được thả lỏng một cách thoải mái, và hai cánh tay nên ép nhẹ vào thân. Đầu gối nên được bạn giữ ở một góc 90° và 2 lòng bàn chân cũng nên được đặt song song với mặt sàn.



HÃY BẮT ĐẦU ĐIỀU CHỈNH TỪ MÔI TRƯỜNG, RỒI TỚI THÓI QUEN CỦA BẠN.

Nếu như giờ bạn đã nhận ra rằng tư thế đứng và ngồi trong sinh hoạt của bạn là chưa tốt, mình khuyên bạn nên thử bắt đầu thay đổi từ chính môi trường sinh hoạt của bạn trước.


Nếu bạn là người thường xuyên phải ngồi làm việc trên bàn với laptop và máy tính giống như mình, hãy điều chỉnh màn hình để sao cho chúng nằm ngang hoặc chỉ thấp hơn 1 chút xíu so với tầm mắt nhìn thẳng của bạn. Hãy lựa chọn những chiếc ghế làm việc thoải mái, hỗ trợ dáng ngồi thẳng lưng, có cả tay ghế để kê khuỷu tay khi làm việc thì lại càng tốt nha.


Bạn cũng có thể tham khảo cả những mẫu bàn đứng để bạn có thể dần chuyển đổi sang đứng làm việc, hoặc kết hợp giữa cả hình thức ngồi và đứng xen kẽ nhau trong quá trình làm việc. Một nghiên cứu được công bố trên European Journal of Preventive (Tạp chí Châu Âu về Tim mạch dự phòng) cho thấy việc chuyển sang đứng thay vì ngồi 6 giờ mỗi ngày có thể giúp người ta giảm hơn 2kg trong một năm. Một số nhà nghiên cứu thậm chí còn gợi ý rằng đứng làm việc có thể làm chậm lão hóa.


Khi ngủ, bạn nên chọn nằm nghiêng thay vì nằm dọc, sử dụng gối có độ cao hợp lý, và nếu được thì nên bổ sung thêm 1 chiếc gối nữa vào giữa 2 chân. Hãy lựa chọn đi giày đế thấp, gót thấp và có thiết kế bảo vệ khớp cổ chân bạn nhé.



ĐỪNG QUÊN THƯỜNG XUYÊN VẬN ĐỘNG VÀ TẬP THỂ DỤC, THỂ THAO.

Chỉ giữ cho tư thế đứng và dáng ngồi thẳng thôi là chưa đủ đâu. Việc vận động và tập thể dục, thể thao thường xuyên cũng vô cùng quan trọng để giúp duy trì sự dẻo dai của các cơ bắp và khớp xương đấy nhé.

Trong thực tế, việc bạn giữ cho cột sống ở tư thế đứng thẳng và bất động quá lâu có thể đem lại những hậu quả xấu tương tự như khi bạn sinh hoạt sai tư thế vậy đó.


Khi bạn cần phải ôm vác đồ vật, hãy lựa chọn để giữ vật đó càng sát thân người càng tốt. Ba lô nên được điều chỉnh dây quai hợp lý để lưng bạn và lưng ba lô tiếp giáp với nhau như 2 mặt phẳng song song, và cũng hãy chú ý để ba lô luôn đứng thẳng cúng với bạn khi bạn đeo nó nhé, không nghiêng phải, không nghiêng trái nha.


Nếu như bạn cũng đang công tác trong những môi trường làm việc yêu cầu ngồi nhiều giống như mình, thì mình khuyên bạn nên dành ra 5 phút sau mỗi 30 phút làm việc để đứng dậy đi lại và thư giãn gân cốt. Cũng đừng quên vận động hằng ngày thông qua các loại hình thể dục và thể thao các bạn nhé.



Cá nhân mình lựa chọn đi bộ, và dạo gần đây mình cũng đang bén duyên với bộ môn cầu lông, hehe.

Việc rèn luyện cơ bắp và hệ xương khớp của bạn một cách đều đặn sẽ giúp chúng trở nên dẻo dai và hiệu quả hơn trong mọi nhiệm vụ mà bạn sẽ phải đương đầu mỗi ngày.


Nếu như bạn vẫn còn đang mang nhiều nỗi lo về tư thế và dáng người của mình, thì mình khuyên bạn hãy tìm tới sự trợ giúp của các bác sĩ chuyên ngành để được họ tư vấn nhé.


Hiện tại mình vẫn đang áp dụng những tips giúp hỗ trợ điều chỉnh tư thế sinh hoạt từ anh Youtuber Hybrid Calisthenics. Xin được chia sẻ với các bạn đọc của mình những tip này nha, mình hy vọng là video này cũng sẽ mang lại những hiệu quả tích cực đối với các bạn.

Fix Your Posture with Calisthenics! - TikTok Compilation


Chấp bút: Tom.


7 lượt xem0 bình luận

Bài đăng gần đây

Xem tất cả
Bài đăng: Blog2 Post
bottom of page