Lợi ích bất ngờ của việc học ngôn ngữ thứ 2.

- Can you speak English?
- ¿Hablas Español?
- Parlez-vous Français?
Nếu như bạn vừa trả lời các câu hỏi trên bằng “Yes”, “Sí” hoặc “Oui” trong khi bạn đang đọc bài viết này bằng tiếng Việt, thì có vẻ như bạn cũng thuộc nhóm số đông trong cộng đồng có khả năng sử dụng song ngữ, hoặc tuyệt vời hơn là đa ngôn ngữ trên thế giới này.
Ngoài việc hỗ trợ nâng cao kỹ năng giao tiếp của bạn, thuận tiện khi du lịch và giúp bạn có thể tiếp cận thêm với rất nhiều nội dung mới mẻ trên Internet, việc thành thạo thêm ít nhất 1 ngôn ngữ nữa ngoài tiếng mẹ đẻ vẫn luôn là một trong những kỹ năng mềm được các nhà tuyển dụng đánh giá cao trong rất nhiều vị trí công việc tiềm năng của xu hướng toàn cầu hóa hiện nay.
Tìm hiểu về ngôn ngữ cũng đồng nghĩa với việc có thêm nhiều hiểu biết về văn hóa, về con người tại nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ khác nhau. Điều này đem tới những cơ hội học tập, cơ hội việc làm, cơ hội phát triển cho bản thân và tương lai mà mình tin là có rất nhiều bạn trẻ đang cố gắng từng ngày để đạt được những cơ hội đó.
Khả năng sử dụng thêm được một hoặc nhiều ngôn ngữ khác ngoài ngôn ngữ bản địa cũng là dấu hiệu cho thấy chúng mình có một bộ não với kết cấu và phương thức vận hành khá là khác biệt so với những người sử dụng đơn ngữ đấy các bạn ạ.
Các bạn có bao giờ thử tự hỏi rằng: Bộ não chúng ta sử dụng ngôn ngữ như thế nào?
Có phải chúng ta chỉ đơn giản là ghi nhớ thật nhiều từ vựng, học thuộc tất cả các quy tắc ngữ pháp để lắp ghép các từ đó cho đúng, vậy là chúng ta đã biết ngôn ngữ đó rồi ư?
Trong thực tế, khả năng sử dụng ngôn ngữ của mỗi người thường được đánh giá thông qua 4 kỹ năng chủ chốt, đó chính là các kỹ năng: nói - viết - nghe - đọc.
Nếu các bạn cũng đã từng thử trải qua những bài kiểm tra ngôn ngữ thì có lẽ bạn cũng đã nhận ra tầm quan trọng của 4 kỹ năng này rồi ha.

CÓ CẢ SONG NGỮ “THIS” VÀ SONG NGỮ “THAT”?
Mặc dù đúng là có những người sử dụng song ngữ với khả năng cân bằng rất tốt, họ có thể sử dụng ngôn ngữ thứ 2 cũng thành thạo tương đương như với ngôn ngữ mẹ đẻ. Nhưng thực tế là phần lớn những người dùng song ngữ chúng mình thường sẽ có xu hướng thành thạo 2 ngôn ngữ đó theo những tỷ lệ khá là chênh lệch nhau.
Việc này hoàn toàn không hề có nghĩa rằng bạn có ít tiềm năng hơn trong việc học ngôn ngữ mới đâu nha. Đừng tin vào những lời tiêu cực đó các bạn nhé.
Khả năng thành thạo một ngôn ngữ thường phụ thuộc rất nhiều vào các yếu tố bên trong như sự chăm chỉ, sự rèn luyện và sự tự tin của bạn. Nhưng có 2 yếu tố bên ngoài cũng rất quan trọng mà bạn cần phải biết tới, đó là “cách bạn tiếp cận với việc học ngôn ngữ đó” và “độ tuổi bạn biết tới ngôn ngữ đó”.
Dựa vào 2 yếu tố trên, chúng mình có thể phân chia những người sử dụng song ngữ ra thành 3 nhóm chính. Cùng mình đi qua 1 ví dụ nho nhỏ để hiểu hơn về 3 nhóm này nhé.
Xin được giới thiệu với các bạn về cô bé tên Mai. Gia đình cô bé chuyển sang Anh Quốc định cư từ hồi bé mới tròn 2 tuổi. Bé Mai nhờ thế mà có thể phát triển 2 ngôn ngữ cùng một lúc trong quá trình mà cô bé lớn lên, thông qua việc liên tục sử dụng 2 ngôn ngữ để mô tả cùng 1 khái niệm. Nhờ vậy mà bé Mai có thể học được cả tiếng Anh và tiếng Việt một cách rất tự nhiên thông qua chặng đường tìm hiểu về thế giới xung quanh cô bé.
Trường hợp học song ngữ như bé Mai ở đây, các nhà nghiên cứu gọi là “Compound Bilingual”.
Mai có một người anh trai, cậu bé tên là Minh và hiện tại cậu bé đã là một học sinh trung học. Minh có thể sẽ phải tiếp cận với ngôn ngữ thứ 2 thông qua việc kết nối những khái niệm cậu đã biết bằng tiếng Việt, với những khái niệm tương đương mà cậu mới học bằng tiếng Anh. Minh học và sử dụng tiếng Anh ở trường trong khi vẫn sử dụng tiếng Việt thường xuyên khi ở bên gia đình.
Trường hợp học ngôn ngữ mới như của bạn Minh, các nhà nghiên cứu đặt tên là “Coordinate Bilingual”.
Và đến cuối cùng là bố mẹ của Mai, cô chú sử dụng ngôn ngữ tiếng Việt như là một tấm màng lọc, giúp lọc ngôn ngữ thông qua thông tin, ngữ cảnh và tình huống giao tiếp để sử dụng được tiếng Anh.
Đây là trường hợp học song ngữ được đặt tên là “Subordinate Bilingual”
Bởi vì với cả 3 hướng tiếp cận như mình vừa nêu ra ở trên, người ta đều có thể trở nên thành thạo và điêu luyện trong việc sử dụng ngôn ngữ thứ 2, bằng cách kết hợp với quá trình luyện tập chăm chỉ và đều đặn, vậy nên có thể các bạn sẽ cảm thấy chúng không có vẻ gì là quá khác biệt.

VẬY THÌ CHÚNG KHÁC BIỆT Ở ĐIỂM NÀO?
Những tiến bộ mới nhất với công nghệ áp dụng trong nghiên cứu não bộ đã cho các nhà ngôn ngữ học thần kinh nhiều hiểu biết mới về cách mà những bộ não song ngữ vận hành.
Có lẽ các bạn cũng đã biết rằng bán cầu não trái chính là trung tâm xử lý phần lớn những loại thông tin mang tính logic, đòi hỏi mức độ phân tích cao. Trong khi bán cầu não phải thì lại thường chịu trách nghiệm xử lý những thông tin mang tính xúc cảm với cá nhân hay với tập thể.
Trong thực tế thì những sự khác biệt giữa não trái và não phải không hề được phân chia quá rõ ràng như cách mà những câu văn trên miêu tả đâu các bạn ạ. Nhưng mình vẫn muốn nêu ra ở đây bởi vì ngôn ngữ là một khái niệm đòi hỏi bộ não phải sử dụng cả tính logic và tính xúc cảm cùng một lúc.
Trong hành trình trưởng thành, có 1 quá trình diễn ra trong não bộ được gọi là “lateralization”. Đây chính là quá trình khiến cho 1 bên bán cầu não của chúng ta giỏi cái này, còn bên kia thì giỏi cái khác. Vì quá trình kỳ lạ này của não bộ tăng lên theo cùng với độ tuổi, vậy nên các nhà nghiên cứu đã đưa ra một giả thuyết mang tên “Critical Period Hypothesis”.
Giả thuyết này cho rằng trẻ em có thể học thêm một (hoặc nhiều) ngôn ngữ mới dễ dàng và nhanh chóng hơn, là do bộ não của các em thường có độ “dẻo dai” rất cao. Do chưa bị ảnh hưởng nhiều bởi sự phân hóa do quá trình “lateralization” gây nên, trẻ em có thể sử dụng cả 2 bán cầu não cùng một lúc để xử lý ngôn ngữ, trong khi người lớn thường chỉ có thể dùng có 1 bên.
Nếu như giả thuyết này là chính xác, việc học thêm một ngôn ngữ mời từ khi còn nhỏ có thể giúp các em nắm bắt được toàn diện tiềm năng ngôn ngữ của bản thân tốt hơn, cũng như cho các em nhỏ thêm nhiều kinh nghiệm và niềm vui thích để học tiếp sang những ngôn ngữ hay các loại kiến thức bổ ích khác.
Nó cũng cho thấy rằng các em sẽ có khả năng bộc lộ cảm xúc và suy nghĩ tốt hơn qua ngôn ngữ do được luyện tập kết hợp nhuần nhuyễn tính năng của cả 2 bán cầu não cùng lúc.
Ngược lại một chút, các nghiên cứu mới đây đã chỉ ra rằng những người trưởng thành khi học thêm ngôn ngữ thứ 2 thì thường có xu hướng ít bộc lộ cảm xúc qua ngôn ngữ mới hơn, và họ thường sử dụng chúng như một công cụ hơn là như một kỹ năng.

NHỮNG LỢI ÍCH BẤT NGỜ CỦA VIỆC HỌC NGÔN NGỮ MỚI.
Dù cho bạn có học thêm ngôn ngữ mới vào khoảng thời gian nào trong đời, thì việc sử dụng được song ngữ vẫn luôn có thể đem lại những lợi ích to lớn cho bạn. Một số lợi ích còn có thể khiến cho bạn bất ngờ đấy.
Ví dụ như giúp gia tăng mật độ chất xám trong não bộ, nơi mà lưu trữ phần lớn các neuron và các synapse của bạn; cũng như tăng cường hiệu quả hoạt động của một số vùng quan trọng khác. Lợi ích to lớn nhất mà khoa học tìm ra được vào lúc này chính là những dấu hiệu cho thấy bộ não song ngữ có khả năng chống chọi tốt hơn với các bệnh lý thần kinh nguy hiểm như Alzheimer’s và mất trí nhớ ở người cao tuổi (dementia).
Ngày nay, việc học thêm một hay nhiều ngôn ngữ mới đã và đang trở thành mục tiêu học tập cơ bản của rất nhiều bạn trẻ, thậm chí là với nhiều em học sinh nhỏ tuổi. Và mình thực sự rất vui vì những phong trào học tập lành mạnh này từ giới trẻ nước mình.
Mình từng đọc được rất nhiều ý kiến tiêu cực cho rằng việc sử dụng song ngữ hoặc đa ngôn ngữ có thể khiến cho con người ta suy nghĩ chậm chạp hơn, gây ảnh hưởng tới quá trình phát triển của não bộ. Những ý kiến này lý luận rằng sử dụng đa ngôn ngữ khiến cho não bộ phải tiêu tốn nhiều năng lượng hơn trong việc chọn lọc và chuyển đổi giữa các ngôn ngữ.
Những nghiên cứu khoa học cho thấy đúng là bộ não sẽ luôn phản ứng chậm hơn hoặc có thể sẽ có sai sót trong quá trình chuyển giao giữa các ngôn ngữ khác nhau, nhưng các kết quả nghiên cứu đều thể hiện rằng đây là một quá trình hoàn toàn bình thường và có thể được luyện tập để cải thiện theo thời gian bằng nỗ lực và sự tập trung.
Hoạt động chuyển giao này nếu được diễn ra thường xuyên có thể giúp củng cố cho các chức năng của “dorsolateral prefrontal cortex”. Đây là một phần của não bộ đóng góp vai trò rất lớn trong việc điều hành các chức năng, giải quyết vấn đề, chuyển giao giữa các nhiệm vụ và duy trì sự tập trung.

LỜI KẾT.
Đến cuối cùng thì việc học thêm một ngôn ngữ mới có thể sẽ không giúp cho chúng mình trở nên thông minh hơn. Nhưng chắc chắn một bộ não song ngữ sẽ luôn là một bộ não khỏe mạnh hơn, hoạt bát hơn và có thể là phức tạp hơn nhiều đó nhé.
Phần lớn các bạn trẻ chúng mình có lẽ đều không có được cơ may để học thêm ngoại ngữ từ những ngày mới biết nói O, A. Nhưng mình tin rằng với ngoại ngữ thì không bao giờ là quá muộn đâu các bạn ạ.
Tất cả những gì bạn cần là có được quyết tâm để lựa chọn học thêm những điều mới mẻ. Biết đâu những ngôn ngữ mới và những trải nghiệm mới mà chúng mang lại cho bạn lại có thể giúp cho bạn cảm thấy trẻ ra, hehe.
Chấp bút: Tom.