Lối sống tối giản của người Nhật - 7 lợi ích bất ngờ từ lối sống tối giản.
Đã cập nhật: 31 thg 5, 2022
Tác giả sách: Sasaki Fumio
Thể loại: Sách kỹ năng / kỹ năng sống / lối sống
Số trang: 294
Đánh giá: Hay

Cũng đã lâu lắm rồi mình mới đọc một đầu sách được viết bởi một tác giả người Nhật. Theo như mình tìm hiểu thì cuốn sách này cũng là cuốn sách đầu tay của tác giả Sasaki Fumio.
Cá nhân mình nghĩ rằng cuốn sách này nên được đổi tên thành: Nghệ thuật vứt đồ của người Nhật, haha.
Đổi tên như vậy thì nó sẽ phù hợp với phần nội dung chiếm khoảng 70% dung lượng của cuốn sách này, đó là về chuyện giảm bớt đồ đạc trong nhà.
Sau đây mình sẽ chia sẻ với các bạn 7 lợi ích của lối sống tối giản mà mình đã rút ra được từ cuốn sách này.
Nội dung
Đây là một cuốn sách cũng khá dày và nhiều chữ, với số trang là 294 trang.
Sách được chia thành 5 chương lớn với các đầu mục rất rõ ràng.
Tác giả thường sử dụng nội dung chính của các đầu mục để đặt làm câu tiêu đề cho chính đầu mục đó luôn, vậy nên các bạn có thể không cần thực sự đọc đầu mục ấy, mà chỉ cần đọc cái tiêu đề thôi là các bạn cũng sẽ học được một điều gì đó rồi. Đây là lối trình bày rất hay mà mình tin rằng nên được xem là một điểm cộng lớn dành cho cuốn sách này.
Trước khi thực sự đi vào chia sẻ với các bạn 7 lợi ích của lối sống tối giản mà mình rút ra được từ cuốn sách này, mình muốn chia sẻ lại với các bạn về khái niệm “thế nào là người sống tối giản?” trước đã.
Mình tin rằng góc nhìn của tác giả Sasaki Fumio về khái niệm “người sống tối giản” rất là chính xác và đáng được chia sẻ rộng rãi.
Theo tác giả Sasaki Fumio, người sống tối giản là:
Người thực sự hiểu rõ cái gì cần thiết với mình.
Người biết giảm bớt đồ đạc vì những thứ thực sự quan trọng.
Với khái niệm này trong đầu, giờ đây mình tin rằng các bạn sẽ có thể hiểu rõ hơn về 7 lợi ích của lối sống tối giản mà mình sẽ trình bày ngay sau đây.
1. Có thời gian
Thời gian đối với mình vẫn luôn là thứ giá trị nhất. Mình cảm thấy lối sống tối giản đã luôn giúp mình xây dựng một tư duy cởi mở hơn về mọi thứ, từ đó giúp mình hướng tới sự giải phóng bản thân, trân trọng thời gian quý báu.
Trong mục này, tác giả Sasaki Fumio có viết rằng:
Đời người rất ngắn, vậy nên nếu ta còn rút ngắn nó vì đồ vật ngoài thân thì thật lãng phí.
Ở đây, tác giả bắt đầu muốn cùng với độc giả xây dựng lối tư duy (mindset): Tôi đang có tất cả những thứ mà tôi cần.
Chính vì đuổi theo những món đồ bạn cho là mình đang còn thiếu, mà bạn đã đã rút ngắn đi thời gian cho chính bản thân mình.
Lối sống tối giản với tư duy trên còn có thể giúp giải phóng những phần thời gian mà chúng ta thường dành cho những việc liên quan tới mua sắm, di chuyển, dọn dẹp nhà cửa.
Lối sống tối giản càng phát triển thì tiêu chuẩn chọn đồ càng rõ ràng. Nếu thu hẹp được phạm vi lựa chọn cho mình thì bạn sẽ quyết định nhanh hơn và quan trọng là bạn sẽ không lãng phí thời gian.
Nếu có ít đồ đạc, công việc bạn phải làm cũng ít đi. Mình nhớ là trong cuốn sách này tác giả có lấy ví dụ với một món đồ hình con cú đặt trên sàn nhà. Cụ thể là nếu như bạn có một món đồ hình con cú trên sàn nhà mà bạn lại đang muốn lau nhà, thì bạn sẽ phải trải qua các bước: (1) Nhấc con cú lên, (2) Lau nhà, (3) Đặt con cú xuống. Đó là còn chưa kể tới thời gian bạn phải lau chùi con cú đó. Còn nếu trong trường hợp bạn không có con cú đó nữa, thì bạn sẽ chỉ phải trải qua đúng 1 bước duy nhất là Lau nhà mà thôi. Đây chính là phương pháp giảm thời gian uể oải và biếng nhác được tác giả Sasaki Fumio giới thiệu trong cuốn sách này.
Thời gian phong phú cũng chính là nguồn gốc của hạnh phúc.
“Sự dư dả về thời gian” có liên quan trực tiếp đến hạnh phúc của con người, còn “sự giàu có về vật chất” lại không làm được điều đó. Thời gian nghỉ ngơi, rảnh rỗi không phải là khoảng thời gian vô ích mà là khoảng thời gian cần thiết để nhìn nhận lại chính mình. Và thảnh thơi tận hưởng thời gian rảnh rỗi là điều không thể thiếu để cảm nhận hạnh phúc.
2. Tận hưởng cuộc sống
Khi đọc cuốn sách này thì có thể các bạn sẽ cảm thấy con người hiện tại của tác giả Sasaki Fumio là một người rất mê dọn dẹp và loại bớt đồ đạc. Vậy nên đối với tác giả, “tận hưởng cuộc sống” ở đây chính là tận hưởng thành quả của quá trình dọn dẹp và loại bỏ bớt đồ đạc.
Thực tế thì không có ai chán ghét thành quả sau khi dọn dẹp hết.
Kể cả với người ghét dọn dẹp cũng không thể ghét bỏ thành quả sau khi dọn dẹp được. Bởi căn nhà được dọn dẹp sạch sẽ đều tạo cảm giác dễ chịu cho bất kỳ ai.
Tác giả khuyên người đọc chúng ta nên rèn luyện một thói quen mà tác giả gọi là “bản năng về tổ” của đồ đạc.
Cụ thể hơn thì đây chính là thói quen “lấy ra ở đâu thì cất vào đúng chỗ đó”. Mình nghĩ rằng đây là một điều cơ bản trong lối sống hằng ngày rồi, nhưng cá nhân mình cũng đã từng có thời sống rất bề bộn nên mình rất hiểu tầm quan trọng của thói quen tưởng chừng như là “ai cũng biết” này. Ai cũng biết, nhưng mình không chắc là ai cũng làm.
Ở đầu mục này, tác giả cũng chia sẻ một ý rất hay mà mình đặc biệt yêu thích, đó là: Bụi bặm hay bám bẩn thực ra là chính con người chúng ta.
Cụ thể thì tác giả có viết trong sách:
Những thứ chất đống trong phòng không phải là bụi bẩn hay rác thải, mà chính là “quá khứ của bản thân mình” đã bị bám bụi trong thời gian dài.
Khi giảm bớt đồ đạc, biến dọn dẹp thành thói quen, bạn sẽ dần hướng đến một con người “làm được ngay khi cần làm”, bạn sẽ yêu quý bản thân mình hơn, tự tin và dũng cảm hơn.
3. Cảm giác tự do, được giải phóng bản thân
Lối sống tối giản đem tới sự tự do và giải phóng trong rất nhiều khía cạnh của cuộc sống.
Tác giả Sasaki Fumio có viết:
Con chim có thể tự do bay cao trên bầu trời là do tổ của nó nhỏ gọn và chẳng tích trữ gì bên trong cả.
Khi bạn không sở hữu quá nhiều đồ vật, việc chuyển nhà có thể sẽ trở nên bớt nặng nhọc và dễ dàng hơn rất nhiều. Trong cuốn sách này tác giả có chia sẻ về câu chuyện chuyển nhà chỉ trong vòng có 30 phút.
Nếu việc chuyển nhà mà đã dễ dàng như vậy thì người sống tối giản cũng sẽ có thể tự do di chuyển bất cứ lúc nào. Khi đi du lịch cũng vô cùng gọn nhẹ và không cần mất nhiều thời gian chuẩn bị.
Ngoài ra, nếu là một người sống tối giản, bạn có thể dễ dàng thử nghiệm bất cứ cách sống nào.
Chi phí sinh hoạt của người sống tối giản cũng thường chỉ dừng lại ở mức tối thiểu, bởi họ không cần phải mua sắm nhiều đồ đạc, nhờ đó mà tư duy sống tối giản cũng sẽ giúp việc tiết kiệm trở nên hiệu quả hơn.
Khi mức chi phí sinh hoạt chỉ dừng lại ở mức tối thiểu, thì người sống tối giản cũng sẽ có thể trở nên tự do hơn trong công việc. Họ không còn phải cố gắng nai lưng ra làm những công việc đến kiệt sức mỗi ngày để cố gắng duy trì cuộc sống nữa, hay theo như lời tác giả thì về già, kiếm 100 nghìn yên cũng tốt rồi.
Tất cả những điều trên khi tổng hợp lại sẽ tạo nên một lợi ích to lớn hơn, đó chính là thoát khỏi những “ham muốn”.
“Ham muốn” ở đây chính là ham muốn mua sắm quá mức cần thiết và ham muốn thể hiện bản thân qua đồ vật ngoài thân. Với lối tư duy “Tôi đang có tất cả những thứ mà tôi cần”, chúng ta có thể giải phóng bản thân khỏi ham muốn liên quan tới những món đồ và vật chất. Không có những món đồ khiến bản thân ao ước muốn có, đó chính là cảm giác thoải mái nhất.
4. Không so sánh với người khác
Đây có lẽ chính là bài học bổ ích nhất mà mình đã rút ra được từ cuốn sách này.
Trong mục này, tác giả chia sẻ rằng:
Có một cách để bạn thấy bất hạnh chỉ trong giây lát. Đó là so sánh mình với người khác.
Bất cứ ai dù vô tình hay cố ý cùng có lúc so sánh mình với người khác. Và vấn đề là việc so sánh này sẽ chẳng bao giờ kết thúc cả. Bởi lẽ việc so sánh với người khác là do xung quanh chúng ta luôn có người giỏi hơn mình.
Lời khuyên mà tác giả dành ra cho độc giả trong phần này nằm ở quan điểm cho rằng: Kinh nghiệm là không thể so sánh được.
Theo tác giả Sasaki Fumio, kinh nghiệm được cho là có thể kéo dài hạnh phúc lâu hơn là đồ đạc. Bạn mua một chiếc áo khoác 100 nghìn yên, mỗi lần mặc nó là mỗi lần bạn thấy quen thuộc hơn và dần dần bạn sẽ không còn cảm giác hạnh phúc khi mặc nó nữa. Tuy nhiên, nếu bạn dành 100 nghìn yên đấy để đi du lịch người ngoài với bạn bè thì sau này, mỗi khi nhớ lại, bạn sẽ luôn có cảm giác vui vẻ, hạnh phúc như lúc đi chơi vậy. Chẳng món đồ nào có thể so được với những kỷ niệm, càng hồi tưởng lại càng thấy vui vẻ, hạnh phúc.
Lý do sâu xa nhất khiến cho chúng ta tiếp tục mua sắm và tích trữ đồ đạc quá mức cần thiết đó là bởi đồ đạc sẽ dễ dàng so sánh với người khác hơn. Ví dụ như túi xách mà bạn sở hữu giúp bạn dễ so sánh với người khác hơn. Giá trị của chiếc túi xách có thể dễ dàng xác định qua giá tiền của chiếc túi xách đấy. Nếu nó là hàng hiệu thì mọi người lạ càng biết giá trị của nó và càng dễ để so sánh.
Tuy nhiên, ta lại không thể so sánh khóa học yoga của mình với bài tập golf của người khác, hay kinh nghiệm câu cá của bản thân với trải nghiệm leo núi của ai đó.
Nếu so sánh bằng kinh nghiệm thì khó có thể biết được ai là người ưu tú hơn, vậy nên mới nói kinh nghiệm là không thể so sánh được, và điều đó tạo nên giá trị to lớn cho những kinh nghiệm sống của mỗi người.
Đặc biệt hơn nữa, kinh nghiệm thì không thể bị cướp hay bị lấy trộm, khác với những vật ngoài thân, nó luôn đi theo bạn đến bất cứ đâu, vào bất kỳ lúc nào.
Quan điểm của tác giả cho rằng chúng ta nên tiêu tiền vào các trải nghiệm và con người hơn là vào vật chất.
Nếu trở thành một người sống tối giản, biết bản thân cần gì, thì bạn sẽ không tập trung vào một ai đó để so sánh mà chỉ chú ý vào bản thân mình thôi.
Với lối tư duy “Tôi đang có tất cả những thứ mà tôi cần”, chúng ta cũng không cần thiết phải so sánh bản thân với người khác.
5. Thói quen hành động
Đây là đầu mục mà tác giả giới thiệu khá nhiều khía cạnh khác nhau của lợi ích liên quan tới thói quen hành động trong lối sống tối giản.
Đầu tiên phải kể đến bài học về sự hối tiếc. Theo tác giả Sasaki Fumio, nếu phải chọn “hối tiếc vì không làm” thì tôi thà chọn “hối tiếc vì lỡ làm”.
Cụ thể hơn, tác giả có viết:
Sự hối tiếc do không làm gì sẽ lớn hơn rất nhiều so với sự hối tiếc vì mình đã làm.
Và lời khuyên mà tác giả muốn chia sẻ ở đây đó là: dù thành công hay thất bại, bạn cũng đã chiến thắng vì bạn đã làm.
Tiếp theo tác giả có chia sẻ một góc nhìn về tài chính khá là thú vị. Theo tác giả, ngoài những khoản chi phí tối thiểu cần cho cuộc sống, thì tất cả những khoản chi tiêu còn lại đều là những khoản tiền chuẩn bị vì cái nhìn của người khác, đó là số tiến chúng ta phung phí cho những giá trị giả tạo bề ngoài.
Và cuối cùng là bài học liên quan tới mạo hiểm. Tác giả có chia sẻ quan điểm rằng để duy trì được đồ đạc, bạn không thể mạo hiểm.
Để điều kiện sống không đi xuống, để có thể tiếp tục sở hữu những món đồ này, bạn sẽ chi có thể tiếp tục làm những công việc bạn không mong muốn.
6. Thay đổi mối quan hệ với mọi người
Đây cũng là đầu mục mà tác giả chia sẻ một góc nhìn rất thú vị liên quan tới các mối quan hệ, đặc biệt là trong chuyện hôn nhân và tình cảm bạn bè.
Đầu tiên là lời khuyên: Đừng nhìn người khác như đồ vật.
Trong ý này, tác giả lấy một ví dụ về một đôi vợ chồng đều đi làm nên cả hai đều bận rộn. Người chồng khi thấy quần áo chưa gấp thì nghĩ xấu cho vợ, trong khi người vợ thấy chồng không làm gì giúp mình thì cũng sẽ nghĩ xấu về chồng. Và thế là bắt đầu một vòng tuần hoàn tiêu cực của việc nghĩ xấu về đối phương, mối quan hệ dần trở nên bế tắc.
Nếu cả hai bên đều coi nhau là “đồ vật” thì mối quan hệ giữa người với người sẽ mãi như vậy và chẳng bao giờ được cải thiện.
Từ đó cũng dẫn tới lời khuyên tiếp theo: Ít đồ hơn, ít cãi nhau hơn.
Giờ hãy cùng tưởng tượng nếu quần áo của hai vợ chồng trên ít đi, việc giặt quần áo không còn tốn công sức nữa thì chắc chắn những rạn nứt trong mối quan hệ vợ chồng họ sẽ không có cơ hội để hành thành.
Bởi vậy nên tác giả đã kết luận, bí quyết cho cuộc sống hôn nhân chính là “hai vợ chồng chia sẻ với nhau thật nhiều”.
Lời khuyên thứ ba đó là: Tối giản cả quan hệ bạn bè.
Ở ý này, tác giả Sasaki Fumio có viết:
Con số kỳ diệu cho bạn bè hay đồng nghiệp là ba người.
Nếu bạn có ba người bạn thân thiết, hiểu rõ về nhau thì dù mỗi cuối tuần bạn chỉ gặp một người, bạn cũng có một tháng vui vẻ rồi.
Nếu bạn có những người bạn mà không thể chia sẻ những suy nghĩ của mình, hãy dừng mối quan hệ đó lại.
7. Biết trân trọng.
Bài học cuối cùng cũng là bài học ý nghĩa nhất. Ở mục này, tác giả chia sẻ rằng:
Người có nhiều thứ không có nghĩa là người vĩ đại, người không có gì cả không có nghĩa là kẻ tầm thường.
Dù bạn có nhiều đồ đến đâu, nhưng nếu không biết trân trọng chúng, bạn sẽ nhanh chóng chán những món đồ ấy. Ngược lại, dù bạn có ít đồ nhưng biết trân trọng tất cả các món đồ ấy, bạn sẽ thấy cuộc sống thật mỹ mãn.
Cảm nghĩ
Sự thật là mình chọn mua cuốn sách này với kỳ vọng sẽ được tìm hiểu thêm về các mẹo sống tối giản và phong cách bày trí theo chủ nghĩa tối giản, vậy nên mình cũng cảm thấy khá là thất vọng khi cuốn sách này dành ra hơn tới khoảng 70% dung lượng chỉ để chia sẻ về phương pháp loại bỏ bớt đồ đạc.
Tuy nhiên, những góc nhìn của tác giả về lợi ích của lối sống tối giản thì vẫn rất thú vị và bổ ích. Nội dung của sách cũng chia sẻ rất nhiều về triết lý sống tối giản và những vấn đề xã hội vậy nên mình cũng không thể nói rằng mình không học được thêm điều bổ ích nào từ cuốn sách này, chỉ là không phải những điều mà mình mong đợi thôi, haha.
Tác giả Sasaki Fumio lựa chọn một lối hành văn khá là đều đặn, mình cảm giác tác giả viết không quá ấn tượng, không có nhiều cảm xúc, nhưng lại rất dễ hiểu và thỉnh thoảng có thêm những câu bông đùa khá hài hước nữa.
Cá nhân mình tin rằng đây là cuốn sách phù hợp nhất với những người vừa mới làm quen hoặc vừa mới chuyển đổi sang lối sống tối giản, bởi những lời khuyên và tips “vứt đồ” của tác giả chắc chắn sẽ rất có hữu hiệu cho các bạn.
Tuy nhiên, nếu bạn chưa phải là người sống tối giản thì có thể bạn sẽ có cảm giác tác giả là một người bị ám ảnh với việc “vứt đồ” và cá nhân mình cũng cho rằng nội dung của cuốn sách này có thể sẽ chưa đủ độ hay để có thể truyền cảm hứng cho những người chưa sống tối giản cân nhắc đổi sang lối sống tối giản.
Tiếp theo, mình sẽ đọc cuốn sách Atomic Habits, tác giả James Clear.
“Keep Moving Forward.”
Chấp bút: Tom.