top of page

Làm bạn với bản thân – Bước đầu tiên trên hành trình Self-love.



Nếu như bạn đang cần một lời khuyên để bắt đầu hành trình xây dựng tâm lý self-love cho bản thân, vậy thì tiêu đề của bài viết này có lẽ chính là lời khuyên mà bạn đang tìm kiếm.

Hãy bắt đầu hành trình đó bằng cách trở thành một người bạn tốt với chính bản thân bạn.


Mình biết rằng lời khuyên này không phải là mới.

Có thể bạn đã từng nhận được lời khuyên tương tự từ một người bạn, hay một người thân vào một khoảnh khắc nào đó trong quá khứ rồi.

Tuy nhiên, mình nhận ra rằng, bản thân mình của một năm trước, cùng với nhiều bạn trẻ của hiện tại có lẽ cũng đang cảm thấy lời khuyên này có phần khá là mơ hồ, trừu tượng và thậm chí có thể là dễ gây hiểu lầm.


Mình nghĩ là cảm giác mơ hồ đó cũng là dễ hiểu, bởi vì những lời khuyên như trên thường được đưa ra mà không bao gồm bất cứ lời chỉ dẫn nào cho chúng ta hết.

Nó giống như việc bạn nhận được một cuốn sách chỉ có tiêu đề mà không có bất cứ con chữ nào ở trong vậy.


Tuy nhiên, có lẽ cũng là do không hề có công thức chung nào cho việc tự yêu bản thân và tự làm bạn với bản thân hết, vậy nên cuốn sách đó mới luôn được giữ trống trơn, để bạn sẽ phải tự lưu lại những trải nghiệm và kinh nghiệm của bản thân bạn trên hành trình self-love vào trong đó.


Ngày hôm nay, mình muốn chia sẻ với bạn những gì mà mình đã tự điền vào cuốn sách self-love không chữ của mình.

Mình hy vọng bài viết này sẽ có thể giúp bạn có thêm được một vài ý tưởng, hoặc nguồn cảm hứng tích cực để bắt đầu hành trình làm bạn với bản thân ngay từ hôm nay.


Nếu như hiện tại bạn đang có suy nghĩ rằng: “Làm bạn với chính mình à? Sao mà nghe kỳ cục thế?”

Vậy thì bạn không cô đơn đâu bởi lẽ mình cũng đã tiếp cận với ý tưởng “làm bạn với chính mình” với suy nghĩ rằng nó nghe thật là kỳ cục quá mức.


Mình tin rằng cảm giác kỳ cục này đến từ việc mỗi khi hình dung ra hình ảnh của một người bạn, hoặc khi nhắc đến hai chữ “bạn bè”, thì chúng ta thường ngay lập tức nghĩ đến gương mặt của những người khác, chứ không phải là gương mặt của chính chúng ta.


Điều này đã giúp mình bước đầu học được một sự thật rằng: Chúng ta hiếm khi nào đối tốt với bản thân theo những cách mà chúng ta đối tốt với người khác.

Hay cụ thể hơn một chút, mình nhận ra rằng chúng ta thường nắm rất rõ cách làm sao để đối đãi với người bạn thân của chúng ta, với sự cảm thông và lòng nhiệt thành, nhưng chúng ta lại hiếm khi nào tự dành những giá trị này cho chính bản thân mình.


Khi cô bạn thân của bạn đang đau buồn vì một cuộc tình đổ vỡ, bạn đâu có lập tức nói rằng: “Mày đáng phải chịu như vậy!”

Khi anh bạn thân của bạn đang gặp nhiều khó khăn trong công việc, bạn đâu có nói rằng: “Mày là đồ bỏ đi!”

Chẳng phải khi thấy người bạn thân gặp rắc rối, phản ứng đầu tiên của bạn thường là tìm cách xoa dịu nỗi đau của họ, động viên tinh thần của họ và khuyến khích họ rút ra bài học để tiếp tục ngẩng cao đầu mà bước tiếp trên hành trình cuộc đời của họ hay sao.

Chẳng phải trong tình bạn, chúng ta vẫn luôn có thể khai triển rất nhiều “chiến thuật” yêu thương, một cách bản năng, để giúp đỡ người bạn thân của chúng ta đó ư.


Vậy mà khi chuyện tình cảm không thành hoặc khi công việc vỡ lở, chúng ta lại rất nhanh chóng dày vò bản thân với những lời lẽ tự xúc phạm trên, thay vì triển khai những “chiến thuật” yêu thương nọ sao cho phù hợp.


Mình chia sẻ sự thật trên, bởi lẽ dẫu cho hình thức có khác nhau, mình muốn bạn thử nhìn lại và nhận ra rằng kỹ năng yêu thương đã sẵn tồn tại ở bên trong bạn rồi, và bạn vẫn đang hằng ngày dùng tới nó.

Chỉ là bạn hiếm khi áp dụng nó cho bản thân bạn, hoặc có lẽ bạn đang áp dụng nó chưa được hiệu quả đó thôi.

Hay như trong nhiều trường hợp, có thể có những rào cản tâm lý đang gây khó dễ cho hành trình bạn học cách để trở nên thân thiện hơn với bản thân.


Với trường hợp của cá nhân mình, rào cản đó chính là tâm lý self-hatred và những giọng nói nội tâm tiêu cực, hay còn gọi là chatter.

Dù vậy, trong bài viết Phải làm sao khi suy nghĩ của bạn quá tàn nhẫn?, mình đã có chia sẻ một quan điểm rằng: suy nghĩ tiêu cực cũng có những tác dụng và ý nghĩa riêng.

Rằng chúng cũng rất quan trọng với sự sống còn và phát triển của bạn, cũng như là của mình.


Đúng là những giọng nói nội tâm tiêu cực của chúng ta đôi khi có thể rất tàn nhẫn và xấu tính. Tuy nhiên, mình đã học được rằng trong rất nhiều trường hợp, chatter xấu tính và hay phê bình tàn nhẫn như vậy là bởi vì nó đang cố gắng giúp đỡ mình.


Chatter có thể sẽ nói:

  • “Thôi đừng xung phong, nhỡ mà hỏng việc thì vừa thiệt thân mà lại còn bị cười cho thối mũi.”

Hoặc nó có thể nói:

  • “Người ta tài giỏi, xinh đẹp như vậy, mình làm sao mà so bì được.”

Hoặc là câu nói kinh điển:

  • “Mày nghĩ mày là ai cơ chứ?!”


Có vẻ như trong nỗ lực muốn bảo vệ mình và giúp mình tránh khỏi những tình huống có thể trở nên bẽ mặt, xấu hổ hoặc trở nên ngu ngốc trong mắt người khác, những giọng nói nội tâm cũng đã không từ thủ đoạn để đạt được mục đích của nó.

Trong video Ted Talk mang tên “The Art Of Being Your Own Best Friend”, diễn giả Carissa Karner có chia sẻ rằng:

The critical parts of me, just like the critical parts of you, are doing their best to help you survive.

Qua video Ted Talk trên, mình đã học được rằng không phải lúc nào chatter cũng là kẻ thù của mình.

Chúng cũng là một phần quan trọng của mình, và có những lúc chúng đại diện cho sự thận trọng, trong cả suy nghĩ và hành động, thay vì đơn giản là một bước lùi của sự hèn nhát.


Biết đâu nhờ việc suy nghĩ cẩn thận trước khi xung phong nhận việc mà bạn sẽ có thể chuẩn bị kỹ càng hơn cho sự thành bại của dự án.

Biết đâu bằng việc tránh những hành vi vô vập và vội vã mà bạn lại có thể chiếm được cảm tình của đối phương.

Hoặc biết đâu, bằng việc đào sâu suy nghĩ vào câu hỏi “Mình là ai?”, bạn sẽ tìm ra được sức mạnh để luôn tiến về phía trước, tiến về phía mục tiêu mà bạn hằng ao ước.


Sau khi đã hiểu được những điều trên, mình đã học được rằng khi mình muốn làm bạn với bản thân, thì điều đó cũng có nghĩa là mình sẽ phải làm bạn với tất cả mọi khía cạnh của chính mình.

Kể cả phần mình yêu, kể cả phần mình ghét. Kể cả những phần bị tổn thương và những phần hay xù gai phòng vệ. Những phần hay khóc và cả những phần hay cười. Phần hay động viên và cả phần hay xét nét.


Mình nhận ra rằng, ở cá nhân mình, khi tình bạn mình dành cho bản thân bắt đầu trở thành một phần không thể thiếu trong cuộc sống, có những sự thay đổi đáng kể đã diễn ra.

Phần bị tổn thương dường như bớt đau hơn. Phần hay phòng vệ cũng trở nên thư thái (relax) hơn.

Phần hay khóc nay đã biết cười. Và phần hay xét nét nay cũng đã điềm tĩnh (calm) hơn trước nhiều.


Mình có đủ tự tin để chia sẻ những bài viết hãy còn vụng về của mình đến với các bạn trong suốt thời gian qua cũng là bởi vì mình đã tìm được nguồn cảm hứng tới từ chính bên trong nội tâm của mình, nơi mà hiện đang có một người bạn tốt, hằng ngày cổ vũ cho mình luôn tiến về phía trước.


Vậy, mình đã “xây dựng” nên người bạn tốt trong nội tâm đó như thế nào?

Sau đây là một số những khía cạnh cơ bản của một “người bạn tốt trong tâm” mà mình cho rằng chúng ta đều nên áp dụng với bản thân. Những điều sau đây được mình rút ra từ quá trình quan sát những người bạn của mình và cả cách mình đối đãi với họ nữa.


Mình cũng khuyến khích bạn hãy thử dành thời gian quan sát cách người bạn thân của bạn quan tâm bạn và cách bạn quan tâm lại họ xem sao nhé.

Bởi lẽ mình tin rằng, mỗi tình bạn đều có những giá trị độc nhất mà chẳng có sách vở nào ghi chép lại được, và cũng sẽ chẳng có nhà nghiên cứu nào có thể quan sát ra được đâu. Chúng là độc nhất bởi lẽ đó là những giá trị ý nghĩa chỉ tồn tại giữa hai người bạn mà thôi.


1. Hãy yêu mến bản thân bởi vì bạn là chính bạn.

Một người bạn tốt sẽ yêu mến bạn bởi vì bạn là chính bạn.

Nhưng điều đó cũng không có nghĩa là họ không muốn bạn thay đổi theo chiều hướng tích cực hơn.


Một người bạn tốt sẽ luôn là người động viên bạn tiến bộ hơn mỗi ngày, đặc biệt là khi sự tiến bộ đó có thể tạo nên giá trị to lớn cho bạn trong tương lai.

Bất cứ gợi ý nào liên quan đến việc thay đổi con người bạn đều được họ đưa ra với sự chân thành, kèm theo đó là sự chấp nhận vô điều kiện với kết quả của sự thay đổi đó.


Họ khuyên bạn nên chọn chiếc váy này, dù cho đó không phải là phong cách thường ngày của bạn, bởi vì họ tin rằng bạn sẽ trông rất tuyệt vời (fabulous) với nó.

Họ rủ bạn đi đá bóng hoặc đến phòng gym luyện tập thay vì ngồi nhà lướt điện thoại cả ngày, bởi vì họ biết rằng như vậy sẽ có lợi cho sức khỏe hơn nhiều.

Họ khuyên bạn nên chọn ngôi trường tốt hơn, cơ quan tốt hơn, dẫu cho đôi khi lựa chọn đó có thể khiến bạn phải rời xa họ, nhưng họ đâu có màng tới sự thật đó. Vì sự tiến bộ chính đáng của bạn, họ sẽ sẵn sàng chấp nhận kết quả của sự thay đổi.


Và dẫu cho đến cuối cùng, dù bạn có thể sẽ không lựa chọn chiếc váy đó, hay không ghi được bàn thắng nào trong trận bóng; dù cho quá trình học tập và công việc của bạn có không được như ý muốn đi chăng nữa, thì sự chân thành của một người bạn sẽ vẫn cho họ khả năng chấp nhận sự thật đó.


Một người bạn tốt sẽ yêu mến bạn bởi vì bạn là chính bạn.

Họ sẽ khăng khăng rằng bạn của hiện tại là đủ tốt rồi (good enough), nhưng điều đó cũng sẽ không ngăn được việc họ sẽ luôn khích lệ để bạn thử lại lần nữa, hoặc tìm một hướng đi mới, để bạn có thể trở nên tiến bộ hơn nữa trong tương lai.


2. Đừng chối bỏ phần nào của con người bạn.

Mình đã học được rằng, để giảm bớt thói xấu hay chối bỏ những ưu điểm của bản thân, mình cần phải tự tin hơn. Hay có thể nói rộng ra một chút nữa, đó là mình cần phải tin tưởng (trust) bản thân nhiều hơn.


Trong cuốn sách Trò chơi vô cực, tác giả Simon Sinek có chia sẻ rằng:

Để cảm xúc tin tưởng được phát triển, chúng ta phải thấy an toàn với việc thể hiện bản thân. Chúng ta phải cảm thấy an toàn khi để lộ những điểm dễ tổn thương của mình.

Một người bạn tốt sẽ không nịnh bợ, nhưng họ cũng sẽ không bao giờ quên khen ngợi và tán thưởng bạn vào những khoảnh khắc phù hợp.

Có thể như bạn đã biết rồi đó, lời khen và hành động tán dương của một người bạn tốt đôi khi có thể hơi “quá đà” hoặc “kỳ cục” (odd), nhưng một lần nữa, chúng lại đều xuất phát từ lòng nhiệt thành, chứ không phải là nỗ lực che mắt bạn bằng sự tích cực giả tạo (sugar-coat).


Mình nhận ra rằng, bằng cách này hay cách khác, chúng ta thường rất dễ bỏ qua hoặc xua tay chối bỏ với những ưu điểm của chính mình.

Chúng ta nghĩ rằng “Mình không tốt đến thế đâu” hoặc “Mình không giỏi tới vậy đâu”.


Với mình, những suy nghĩ trên giống như là những cái bẫy sập tự động vậy.

Mình nhận ra rằng, trong quá khứ, mỗi khi có ai đó khen một sản phẩm mình vẽ hoặc cảm ơn mình vì một bài viết đem lại ý nghĩa tích cực cho họ, phản ứng đầu tiên của mình luôn là thu mình lại, rồi xua tay mà nói:

  • “Mấy cái này có gì đâu.”

Hoặc:

  • “Mình làm cho vui thôi ý mà.”


Đương nhiên, mình cũng không hề có ý muốn cổ xúy cho thói kiêu ngạo ở đây.

Mình của hiện tại là người tin rằng có sự khác biệt rất lớn giữa sự tự kiêu và sự tự tin. Nhưng có vẻ như khoảng cách giữa khiêm tốn và tự ti thì lại thường quá ngắn để chúng ta có thể dễ dàng nhận ra.


Bản thân mình cũng đã phải mất rất lâu mới học được rằng câu trả lời phù hợp nhất cho những lời khen như trên, hóa ra lại chỉ đơn giản là một câu nói cảm ơn chân thành từ mình.

Những câu nói như:

  • “Cảm ơn bạn đã ủng hộ mình.”

  • “Cảm ơn bạn, mình đã rất cố gắng.”

  • “Mình rất vui vì sản phẩm của mình đã có thể giúp ích được cho bạn. Cảm ơn bạn đã động viên mình.”


Một người bạn tốt thường không rơi vào những chiếc bẫy tự chối bỏ như trên.

Họ sẽ không phủ định rằng vấn đề bạn đương đầu khó khăn tới nhường nào, nhưng nhờ vậy mà họ cũng sẽ không bao giờ phủ định những ưu điểm hoặc thành tích của bạn trong quá trình đương đầu với khó khăn đó, dẫu cho những điều đó có là nhỏ hay to.


Một người bạn tốt cũng là một người thân với đầy lòng vị tha.

Khi chúng ta vấp ngã – rồi chúng ta đều sẽ ngã – họ sẽ hào phóng với chúng ta bằng sự thấu hiểu và thông cảm, và chắc chắn cũng sẽ không tằn tiện nếu như chúng ta có cần tới những lời động viên và an ủi.


Những khiếm khuyết của chúng ta sẽ không bao giờ là lý do để họ đẩy ta ra khỏi vòng tròn tình cảm của họ.

Mình tin rằng, trong vòng tròn đó, chúng ta có thể được an toàn để thể hiện bản thân và để bộc lộ những điểm dễ tổn thương nhất.


3. Hãy học cách lắng nghe bản thân.

Theo như chia sẻ của diễn giả Carissa Karner trong video Ted Talk “The Art Of Being Your Own Best Friend”, bà khuyên rằng chúng ta nên bắt đầu hành trình làm bạn với bản thân bằng cách lắng nghe bản thân nhiều hơn.


Nhưng do bản thân mình gặp nhiều khó khăn với tâm lý self-hatred và những giọng nói nội tâm tiêu cực, nên mình cảm thấy việc bắt đầu với lời khuyên này là không hiệu quả đối với trường hợp của mình.

Vậy nên mình đã bắt đầu bằng cách học “quản lý suy nghĩ”, chấp nhận con người mình, và không chối bỏ bất cứ phần nào của bản thân mình trước. Khi những nền tảng này đã vững chắc rồi, mình cảm thấy việc lắng nghe bản thân trở nên dễ dàng hơn bao giờ hết.


Cũng theo diễn giả Carissa Karner, lắng nghe là công cụ để con người chúng ta hiểu về nhau. Và khi bạn cảm thấy được thấu hiểu, các nhà thần kinh học cho rằng, hệ thần kinh của bạn sẽ có thể bớt chạy rông hơn, nó sẽ bình tĩnh hơn và dành nhiều thời gian hơn để sống trong hiện tại.


Trong cuốn sách Tâm lý học về tiền, tác giả Morgan Housel có chia sẻ một bài thơ trong đó có một câu như sau:

Nó càng ít nói, nó càng lắng nghe được nhiều hơn.

Khả năng lắng nghe của một người bạn tốt hữu ích ở chỗ, khi bạn trò chuyện, tâm sự hoặc giãi bày tình cảm, họ chỉ đơn giản là lắng nghe thuần túy mà thôi.

Họ lắng nghe, mà không hề cố gắng sửa chữa hoặc bác bỏ.

Họ lắng nghe, với tấm lòng bác ái (charity), họ giúp bạn cảm thấy như bạn đang được lắng nghe và đang được thấu hiểu.

Họ lắng nghe, và điều đó khiến bạn cảm thấy bình tâm hơn.

Họ lắng nghe, và cho chúng ta biết rằng, những cảm xúc con người mà chúng ta đang trải qua vào lúc đó, như tủi hổ hoặc đớn đau, là hoàn toàn bình thường và phải lẽ.


Mình nhận ra rằng, những khi chúng ta cần được lắng nghe nhiều nhất, thường là những lúc chúng ta yếu lòng, hoặc sau những thất bại bẽ bàng trong cuộc sống.

Một người bạn tốt sẽ giúp chúng ta hiểu rằng, thất bại thực ra không phải là hiếm.

Mà ngược lại, thất bại có lẽ vẫn luôn áp đảo thành công về mặt số lượng trong suốt chiều dài lịch sự của nhân loại.


Bạn có thể nhớ lại về mọi câu chuyện thành công mà bạn biết – đó có thể là câu chuyện về Thomas Edison, J.K Rowling, Anh em nhà Wright, Lionel Messi, hoặc Warren Buffett – chẳng phải điểm chung trong các câu chuyện của họ đều nằm ở chỗ họ đã phải nếm trải rất nhiều thất bại trước khi thực sự tìm ra được cơ hội thành công trong sự nghiệp của họ hay sao?

Mình nhận ra, thật dễ để hiểu nhầm rằng những câu chuyện của họ là những câu chuyện về thành công – về việc trở thành người giàu nhất, thông minh nhất hoặc tài năng nhất.

Mình tin rằng mình nên đặt một góc nhìn mới và ngưỡng mộ họ vì tinh thần không chịu thua trước thất bại, thay vì chỉ đơn giản là ngưỡng mộ những đồng tiền, trí tuệ hoặc những thành tựu của họ.


Ngoài các phương pháp “quản lý suy nghĩ” như mình đã chia sẻ trong bài viết Phải làm sao khi suy nghĩ của bạn quá tàn nhẫn?, để cải thiện khả năng lắng nghe tiếng nói nội tâm của bản thân, mình đã quyết định xây dựng thói quen thiền ít nhất 5 phút mỗi ngày.


Mình biết rằng thiền thường là lúc mọi người tĩnh tâm và “không nghĩ gì hết”, nhưng với cá nhân mình thì mình thường dành thời gian khi thiền để sống chậm lại, và đồng thời sử dụng sự tĩnh tâm của thiền để hỏi thăm bản thân.

  • “Hôm nay mình cảm thấy thế nào?”

  • “Hiện tại mình đang có những cảm xúc gì?”

  • “Những cảm xúc đó có tên không? Nếu có thì tên chúng là gì?”

  • “Nguồn gốc của những cảm xúc đó là từ nội tâm hay ngoại tâm?”


Nếu như bạn cảm thấy thiền không phù hợp với cuộc sống của bạn thì mình cũng khuyên bạn hãy dành thời gian và không gian để bạn có thể lắng nghe bản thân với một đôi tai thân thiện.

Trước khi tìm đến thiền thì mình đã viết nhật ký. Mình tin rằng viết lách cũng là một phương pháp rất tốt để bạn có thể được nghe bản thân kể chuyện và giãi bày tâm sự.


***

Và đó là tất cả những gì mà mình đã học được trong quá trình tìm cách làm một người bạn tốt hơn với chính bản thân mình.

Sau khi đọc tới những dòng cuối cùng này, có lẽ nhiều bạn đọc sẽ cảm thấy nghi ngờ và nghĩ rằng:

  • “Trên đời này làm gì có người bạn nào hoàn hảo và tuyệt vời như được mô tả trong bài viết.”


Nếu như đó là quan điểm của bạn, vậy thì mình cũng sẽ không tìm cách phủ định điều đó. Một phần nào đó trong mình có lẽ cũng sẽ đồng tình với quan điểm của bạn.

Nhưng mình mong bạn nên nhớ rằng, bài viết này hướng tới mục tiêu giúp bạn làm bạn tốt với bản thân và qua đó bạn sẽ có thể yêu thương chính bạn nhiều hơn. Nó khác với việc giúp bạn lập ra một list những đặc điểm của một người bạn hoàn hảo để bạn đi tìm.


Hay nói theo cách khác, qua bài viết này, mình mong bạn có thể nhận ra rằng bạn là người duy nhất có thể trở thành người bạn hoàn hảo và tuyệt vời đó cho chính bạn.


Và đương nhiên, học cách làm bạn với bản thân không có nghĩa là chúng ta không cần bạn bè nữa, hay không cần quan hệ xã hội nữa, và nó cũng không nên là cái cớ để né tránh giao thiệp người khác hoặc trở thành một “shut-in”.

Chúng ta nên cảm thấy may mắn vì mỗi người chúng ta đều có rất nhiều nguồn tham khảo để học cách trở thành một người bạn tốt hơn với chính mình.


Hình ảnh “một người bạn tốt” đôi khi không chỉ hiện hữu ở người bạn cùng lớp hay người bạn thời thơ ấu của bạn.

Đó còn có thể là một người cha, một người mẹ, một người anh chị em, một người ông, một người bà, một người thân, một người giáo viên, một người đồng nghiệp, một người sếp, hay đôi khi, đó thậm chí còn có thể là một người xa lạ mà bạn tình cờ gặp gỡ trên đường đời.


Chúc bạn có mọi may mắn và tốt lành trên hành trình self-love của riêng bạn nhé.


“Keep Moving Forward”

Chấp bút: Tom.

7 lượt xem0 bình luận

Bài đăng gần đây

Xem tất cả
Bài đăng: Blog2 Post
bottom of page