Khoa học của tình yêu.
Tình yêu - Là gì? Tại sao? Và Như thế nào?

Love, but don’t fall in love. Most things that fall break.
Tình yêu. Thứ cảm xúc lãng mạn và mạnh mẽ bậc nhất. Đẹp đẽ vô cùng và cũng dễ khiến con người ta phải say đắm. Có thể làm trái tim ta tan nát, và cũng có thể cứu rỗi tâm hồn ta. Ban phát lẽ sống và cũng khiến lắm kẻ xin được từ giã cõi đời. Đôi khi, tình yêu có thể đem đến cho ta tất cả những điều trên, cùng 1 lúc.
Tình yêu là gì mà lại có quyền lực to lớn đến vậy với đời người? Tại sao người biết yêu là rủi ro mà người lại vẫn yêu? Có phải tình yêu đem lại ý nghĩa đích thực cho đời người hay không? Hay yêu chỉ là lối thoát giúp người trốn chạy bản chất cô độc? Phải chăng tình yêu chính là chiếc mặt nạ bóng bẩy ẩn chứa dục vọng của người? Hoặc yêu chính là cú lừa của tạo hóa khiến cho người tiếp tục sinh sôi nảy nở?
Liệu yêu có phải là tất cả những gì chúng ta cần? Hay tất cả chúng ta liệu có cần phải yêu?
Chúng ta yêu như thế nào?
Đa phần chúng ta đều mô tả tình yêu như là một phép màu kì diệu, khó lòng diễn giải và tự xuất phát từ trái tim. Nhưng thực ra những "phép màu" đó đều được xuất phát từ não bộ của bạn, khi nó thực hiện xử lý những luồng thông tin khổng lồ và phức tạp trong khoảng thời gian được tình bằng những phần nhỏ nhất của 1 giây đồng hồ, tạo nên những xúc cảm chịu trách nhiệm cho sự "cuốn hút" mà bạn cảm nhận được từ đối tượng tình yêu của cá nhân bạn.
Nghe có vẻ không được thơ mộng hay lãng mạn cho lắm các bạn nhỉ? Nhưng dù cho bản chất của "yêu" nó đến với chúng ta xuất phát từ bộ não thay vì trái tim, không có nghĩa rằng tất cả những cảm xúc ấm áp và bay bổng khi ta yêu đều được cảm thụ bằng hệ thần kinh trung ương. Trong thực tế, cả 5 giác quan của bạn đều sẽ đồng thời hoạt động để giúp bạn cảm nhận tình yêu một cách trọn vẹn nhất có thể.
Những ánh nhìn âu yếm, những mùi hương quyến rũ, những chiếc ôm ấm áp, những câu nói thân quen, những nụ hôn ngọt ngào,... Khi chúng ta trải nghiệm tình yêu, trái tim ta đập nhanh hơn, tròng mắt nở rộng và cơ thể giải phóng ra nhiều đường glucose để tiếp thêm năng lượng bổ sung. Tất cả đều là những phản xạ tự nhiên của cơ thể chúng ta mỗi khi có điều gì đó quan trọng xảy ra hoặc sắp xảy ra. Để giúp bạn tập trung hơn, thần kinh thị giác của chúng ta có thể tạo ra một dạng hiệu ứng "ánh sáng cuối đường hầm", với tâm điểm chú ý là người bạn yêu thương, giúp giảm bớt sự xao nhãng từ môi trường xung quanh. Tình yêu thậm chí còn có thể bẻ cong cảm nhận về thời gian của bạn, hỗ trợ cường hóa trí nhớ, khiến mỗi phút giây bạn dành cho nửa đặc biệt có thể trở nên ý nghĩa và ấn tượng hơn nhiều lần.
Mình biết rằng chuyện cơ thể của chúng ta trải nghiệm tình yêu thông qua các loại phản ứng hóa học và sinh học nghe có vẻ kém lãng mạn, thậm chí là nhàm chán. Vậy mà trong khi viết những dòng này, mình ngộ ra rằng khi mình yêu chân thành, mình sẽ yêu người ấy với tất cả những gì đặc biệt nhất ở mình. Có lẽ như vậy là cũng đủ lãng mạn đối với mình rồi, hihi.
Tại sao chúng ta yêu?
Nếu như có tồn tại mục đích cho tình yêu, thì có lẽ khoa học vẫn chưa thể khám phá được câu trả lời chính xác cho câu hỏi ở trên. Trong chiều dài lịch sử, có rất nhiều nhà triết học đã đưa ra những giả thuyết khá là hấp dẫn về lý do ẩn chứa đằng sau việc yêu của chúng ta.
"Tình yêu hoàn thiện chúng ta".
Plato, nhà triết học nổi tiếng xứ Hy Lạp cổ đại, đào sâu tìm hiểu ý tưởng cho rằng chúng ta yêu vì chúng ta muốn được hoàn thiện bản thân. Trong cuốn "Symposium", Plato đã kể một câu chuyện rằng loài người từng là sinh vật có 2 đầu, 4 tay và 4 chân. Một ngày nọ, vì lỡ thất kính với các vị thần, nên thần Zeus đã giáng sét chia đôi con người ra, trở thành những cá thể với 1 đầu, 2 tay và 2 chân như hiện nay. Kể từ đó, mỗi con người đều bị thiếu đi một nửa của chính mình.
Tình yêu có lẽ chính là sự mong mỏi, hy vọng kiếm tìm một nửa sẽ giúp chúng ta cảm thấy hoàn hảo nhất.
"Tình yêu là cú lừa để chúng ta sinh con đẻ cái."
Rất rất lâu sau thời của Plato, nhà triết học người Đức Arthur Schopenhauer cho rằng tình yêu có gốc rễ bắt nguồn từ ham muốn thể xác, và rằng nó chỉ là một ảo giác của dục vọng. Ông đã đưa ra ý kiến rằng con người chúng ta yêu là bởi vì chúng ta tin rằng một người khác sẽ có thể làm chúng ta hạnh phúc; nhưng đáng buồn thay, chúng ta đều đã lầm. Tự nhiên đã tạo ra cú lừa mang tên tình yêu để khiến chúng ta tiếp tục sinh con đẻ cái, và rồi những thứ tình cảm nồng thắm mà chúng ta hằng ao ước cho bản thân sẽ đều được dành cho những đứa trẻ mà ta sinh ra. Khi ham muốn thể xác của chúng ta đã được thỏa mãn, ta sẽ lại một lần nữa bị đẩy trở về với thực tại phũ phàng và cuộc sống khổ đau.
Đến cuối cùng, việc duy nhất mà ta có thể thành công khi yêu, chính là việc duy trì nòi giống; và nhờ thế, nên vòng đời khổ não của loài người sẽ vẫn cứ xoay tròn.
"Tình yêu là lối thoát cho sự cô đơn."
Theo như nhà triết học từng đoạt giải Nobel, Bertrand Russell, chúng ta yêu là bởi vì chúng ta muốn được thỏa mãn những nhu cầu về thể chất và tâm lý của bản thân. Nhưng ông cũng hiểu rằng nếu không có những thứ "phép màu" của tình yêu đích thực, thì t.ì.n.h d.ụ.c cũng sẽ trở nên kém thỏa mãn. Nỗi sợ chúng ta dành cho thế giới lạnh lùng và tàn nhẫn này khiến cho ai cũng phải xây nên những bức tường trong trái tim, để tự cách ly và bảo vệ bản thân. Tình yêu chính là sự khoái lạc, sự cảm thông và cũng là làn hơi ấm giúp chúng ta có thể tiếp tục phát triển trong một thế giới lạnh lùng.
Tình yêu làm chính chúng ta trở nên "giàu có" hơn, theo những cách mà không đồng tiền nào có thể làm được.
"Tình yêu giúp chúng ta vươn lên một tầm cao mới."
Nữ triết học gia người Pháp Simone de Beauvoir đưa ra ý kiến rằng tình yêu chính là mong muốn được gắn bó với ai đó, và rằng tình yêu liên kết chúng ta với những giá trị tốt đẹp trong cuộc sống. Tuy nhiên, thay vì tập trung vào câu hỏi lý do tại sao chúng ta yêu, bà lại quan tâm tới phương pháp để chúng ta có thể yêu hiệu quả hơn. Bà nhận ra rằng vấn đề lớn nhất đối với tình yêu lãng mạn đó là nó có thể trở nên quá mê hoặc, như một hũ mật khiến con người ta trở nên đắm đuối với hương vị ngọt ngào, thậm chí biến nó thành lẽ sống duy nhất ở đời. Và đương nhiên, khi chúng ta bị phụ thuộc vào một mối quan hệ với người khác để có được một lẽ sống, kết cục ắt sẽ không tránh khỏi chính là chán nản, sa ngã, thậm chí là đánh mất bản thân trong trò chơi tư tưởng với người khác. Để né tránh vấn đề trên, bà Beauvoir khuyến khích mọi người nên yêu chân thành, hãy cứ coi tình yêu như là một tình bạn rất đặc biệt.
Những người yêu nhau nên thường xuyên khích lệ và cổ vũ cho nhau trên con đường khai phá bản thân của mỗi cá nhân, hãy biết cùng nhau vươn lên một tầm cao mới, trở thành những phiên bản hoàn thiện hơn của chính mình. Cùng nhau, có lẽ chúng ta sẽ có thể vẽ thêm nhiều mảng màu sặc sỡ hơn nữa cho cuộc sống này. Có lẽ đây cũng chính là giả thuyết mà mình yêu thích nhất.
Vậy, tình yêu là gì?
Nói thật với các bạn, khi viết đến đây rồi mình lại chợt cảm thấy tắc tị. Có lẽ vì đây cũng là câu hỏi mà mình đã luôn tự hỏi bản thân nhưng chưa thể tìm kiếm nổi câu trả lời. Có lẽ do mình còn chưa đủ khôn ngoan, chưa đủ chín chắn, chưa đủ kinh nghiệm để tự cho bản thân một câu trả lời thỏa đáng. Nhưng nhờ may mắn gặp được những người tốt, nên ít ra mình cũng đã biết rằng tình yêu là một thứ tình cảm rất đặc biệt, rất đẹp đẽ và cũng rất mong manh. Rằng tình yêu khi đã được trao đi thì luôn gửi kèm vào đó là hy vọng sẽ được trân trọng.
Với mong muốn hoàn thiện bài viết này, mình đã tham khảo định nghĩa tình yêu ở khá là nhiều nguồn khác nhau. Nhưng càng đọc, càng xem nhiều thì mình lại càng hiểu ra rằng có lẽ không ai nắm được khái niệm của tình yêu trong lòng bàn tay hết. Nếu mỗi con người chúng ta đều khác biệt, thì tình yêu của mỗi chúng ta cũng sẽ rất khác biệt. Mình hy vọng nếu bạn hiểu được điều trên, thì bạn sẽ cảm thấy trân quý tình cảm của nửa đặc biệt nhiều hơn nữa. Có lẽ đến cuối cùng, mình sẽ vẫn phải đồng tình với nhà thơ Xuân Diệu, rằng:
"Làm sao cắt nghĩa được tình yêu! Có nghĩa gì đâu, một buổi chiều Nó chiếm hồn ta bằng nắng nhạt, Bằng mây nhè nhẹ, gió hiu hiu..."
Chấp bút: Tom