top of page

Khi tự phê bình, cũng cần phải tự thông cảm.

Trích từ cuốn sách Đừng chết trên giảng đường, tác giả Hải Thắng.


Chúng ta đều cần có tinh thần tự phê bình, Tiên Hiền Tăng Tử nói, “Ngô nhật tam tỉnh ngô thân”, nghĩa là: “Ta mỗi ngày đều nhiều lần tự kiểm điểm bản thân”, tự kiểm điểm một cách đúng đắn, có thể nâng cao sự tu dưỡng và năng lực của một người. Nhưng cùng với việc tự kiểm điểm, chúng ta cũng cần học cách tự thông cảm cho mình.


Đầu tiên, chúng ta không thể trách bản thân vì những nhân tố bên ngoài không thể kiểm soát được


Trong bộ phim đoạt giải Oscar “Bệnh nhân người Anh”, Hana là một y tá hết sức trách nhiệm, hay giúp đỡ mọi người và được nhiều người yêu quý. Nhưng chiến tranh khiến người thân, bạn bè bên cạnh cô lần lượt ra đi, một loạt những biến cố xảy ra khiến cô cảm thấy mình là một “người xui xẻo”, bất cứ ai có quan hệ thân thiết với cô, đều sẽ gặp điều không may mắn, thậm chí cô cũng giữ thái độ sợ hãi và nghi ngờ một cách kỳ lạ với tình yêu.


Tâm lý của Hana có thể giải thích bằng một thuật ngữ logic học “ngụy biện sai nguyên nhân” (post hoc, ergo propter hoc). Tức là sự kiện B phát sinh sau sự kiện A, chúng ta thường sẽ cho rằng A là nguyên nhân của B. Nhưng trên thực tế, hai sự kiện này có thể có quan hệ nhân quả, cũng có thể không có quan hệ gì với nhau. Trong ví dụ trên, người thân và bạn bè của Hana bị chiến tranh cướp đi mạng sống, không hề liên quan tới cô, nên cô không cần phải tự trách mình vì điều này.


Những tình huống tương tự trong cuộc sống rất nhiều. Có những bạn nhìn thấy người khác không vui, liền nghĩ rằng không biết có phải mình làm gì sai không? Kết quả thi giảm sút, liền trách móc bản thân có phải đang thụt lùi? Trên thực tế, người khác có thể đang bực mình vì chuyện khác, và độ khó của bài kiểm tra có thể hơi cao.


Thứ hai, chúng ta phải chấp nhận điểm yếu của tính cách con người, không nên trách móc bản thân vì những lẽ thường tình.


Những cảm xúc tiêu cực như phẫn nộ, đố kỵ, sợ hãi, lo lắng, ủ rũ và mọi niềm thất vọng của chúng ta, đều là những thứ mà con người ai cũng có, là một phần của con người.


Khi chúng ta mắc lỗi, cần phân thành hai loại. Đối với những lỗi lầm về mặt hành động, ngôn ngữ, cần sửa ngay lập tức; đối với những thứ thuộc về nhân tính, cần học cách tha thứ và chấp nhận.


Tiến sĩ trường đại học Harvard, Tal Ben–Shahar, tác giả cuốn sách “Hạnh phúc hơn” từng nói: “Phải chấp nhận bản tính của mình, cho phép bản thân có những điểm yếu của một con người.” Tự trách móc vì cảm xúc và dục vọng của bản thân là điều không sáng suốt. Phủ định bản tính của mình là một việc hoang đường.


Đương nhiên, chấp nhận bản tính của mình không có nghĩa là buông thả bản thân, hoặc biện hộ cho sai lầm của mình. Một người dù không thể lựa chọn được cảm xúc hay ham muốn, nhưng anh ta có thể quyết định hành vi của mình. Vì vậy cách làm đúng đắn là: trên cơ sở chấp nhận bản tính của bản thân, lựa chọn hành động đúng với khuôn phép đạo đức.


Thứ ba, khi đối mặt với thất bại, chúng ta phải khẳng định động lực và thành tích của mình.


Trên đời không có thất bại nào là tuyệt đối, chúng ta không thể vì một kết quả mà vứt hết những nỗ lực của mình. Chỉ cần điểm xuất phát của bạn tốt, cũng đã cố hết sức để làm, điều này xứng đáng được công nhận.


“Keep Moving Forward”

Tom.


5 lượt xem0 bình luận

Bài đăng gần đây

Xem tất cả
Bài đăng: Blog2 Post
bottom of page