top of page

Khi bạn bị “đá” vì một kẻ thứ ba…

Bài viết này được truyền cảm hứng từ truyện ngắn “Cơ quan độc lập” trong cuốn sách Những người đàn ông không có đàn bà, tác giả sách Haruki Murakami.


Đôi khi, chúng ta không chỉ “đơn giản” là bị bỏ lại trong một cuộc tình.

Đôi khi, chúng ta bị bỏ lại vì người mà ta yêu thương đã rời bỏ ta để yêu một người khác.


Nỗi đau từ vết thương hậu chia tay, trong trường hợp này, thường khá là trầm trọng.


Khi phải đối diện với sự thật rằng giờ “người ấy” đã kết đôi với kẻ khác, bạn sẽ rất dễ bị mắc kẹt với cảm giác cô đơn khủng khiếp vì bị bỏ rơi (abandoned), và sẽ vô cùng đau đớn trước suy nghĩ rằng, không rõ từ lúc nào mà, bạn đã bị thay thế (replaced).


Nỗi đau của việc bị “đá” vì một kẻ thứ ba, bởi vậy mới nói, giống như là một cú đấm đi kèm theo sau một cú tát.

Hòa chung với hỗn hợp của những niềm đau ấy còn có thêm cả một nỗi nhục nhã (shame) khổng lồ.


Bạn có lẽ đã cảm thấy bản thân thật kém cỏi (inadequate) vì không thể “giữ gìn” người mà bạn yêu thương.

Phẩm giá (dignity) của bạn có lẽ đã hoàn toàn sụp đổ trước suy nghĩ rằng bạn đã bị “cắm sừng”, hoặc “chỉ là một lựa chọn tạm bợ” (expendable) đối với họ.

Bạn có lẽ đã hoàn toàn mất hết sự tự tin nơi bản thân – bạn đột nhiên cảm thấy kém đặc biệt hơn, kém thú vị hơn, kém hấp dẫn (attractive) hơn – sau khi đã cống hiến rất nhiều cho mối quan hệ này mà, đến cuối cùng, vẫn là “không đủ”.


Trong hoàn cảnh như vậy, có một câu hỏi sẽ hành hạ chúng ta trong những đêm mất ngủ.

Một câu hỏi có thể gợi lên không biết bao nhiêu là sự tự trách, hổ thẹn và những cơn giận dữ ghê gớm.

Một câu hỏi mà chúng ta vẫn thường thốt ra, cùng với cảm giác cay đắng nơi khóe mi và một cục tức ở trong cổ họng, khi phải đối mặt với những sự thật mà ta cho là quá bất công.


Một trong những câu hỏi có thể gây ám ảnh nhất với chúng ta trong hoàn cảnh này, đó là:

“Kẻ đó có gì mà mình không có chứ?”


Đây là câu hỏi có liên hệ trực tiếp tới một trong những đặc điểm cơ bản nhất của tâm lý con người.

Một đặc điểm mà đã được ông cha ta đúc kết trong câu tục ngữ: Đẹp đẽ khoe ra, xấu xa đậy lại.


Mỗi người chúng ta, về mặt bản chất, vẫn là cá thể con người đang hiểu rõ chính bản thân ta nhất.


Hay nói theo một cách khác, chỉ có bạn mới biết rõ nhất bạn là một con người như thế nào – từ trong nội tâm cho tới vẻ ngoài; từ những ưu điểm ít được công nhận nhất, cho tới những khuyết điểm nhỏ nhặt nhất – dù bạn có nhận thức được điều ấy hay không.


Trong khi đó, ở chiều ngược lại, chúng ta chỉ có thể biết về người khác từ những gì ở bên ngoài.

Từ những giá trị bề nổi, nơi mà tất cả những gì bạn có thể đang quan sát được là một gương mặt rất hấp dẫn và một phong thái vô cùng quyến rũ.

Từ những gì mà người khác đã lựa chọn để “khoe ra” (reveal) với thế giới, mà trong hầu hết mọi trường hợp, là quá ít so với những gì mà họ đã “đậy lại”.


Đây là lý do khiến cho người yêu mới của người yêu cũ thường trông hoàn hảo và tuyệt vời tới vậy về mọi mặt trong mắt chúng ta, đặc biệt là trong trường hợp ta chỉ biết về người này thông qua mạng xã hội.


Chỉ cần khoảng 10 phút xem trang cá nhân của họ và bạn có thể sẽ bắt đầu có những nhận xét kiểu như:

Trong khi bạn quá nhút nhát thì họ lại rất tự tin.

Trong khi bạn quá ưa sự bình yên thì họ lại đề cao những thú vui kịch tính.

Trong khi đời sống của bạn vẫn còn quá nhiều dấu hỏi chấm thì họ dường như đã có lời giải đáp cho mọi thứ.

Những gì trông thật phức tạp với bạn thì lại dường như vô cùng đơn giản đối với họ.


“Chẳng trách sao mà mình bị bỏ lại…” – bạn sẽ nghĩ.


Để an ủi một trái tim tan vỡ, trong hoàn cảnh này, gia đình và những người bạn tốt sẽ có cách để giúp bạn tái kết nối lại với những phẩm chất tốt đẹp bên trong con người bạn.

Họ sẽ là những người có thể gợi nhắc cho bạn nhớ về trí thông minh, tấm lòng nhân ái, hoặc khiếu hài hước mà họ đã luôn yêu mến bạn vì.


Do mình, rất tiếc, không phải là một ai đó thân thích và hiểu bạn ở mức độ cá nhân tới vậy, nên để giúp bạn cảm thấy phần nào được xoa dịu, mình muốn cùng bạn thử tiếp cận nỗi đau này dưới một góc nhìn mới mẻ hơn.


Để bước đầu vượt qua nỗi đau bị “đá” vì một tình địch trông “hoàn hảo” tới vậy, mình tin rằng, sẽ là rất hữu ích nếu chúng ta đều có thể sớm nhận thức được về mức độ bình thường (mediocre) của mọi cá nhân đã và đang tồn tại trên quả đất này.


Yep, bạn không đọc nhầm đâu.

Trên thực tế, không có bất cứ ai có thể được coi là “một người hoàn hảo” cả.


Và đương nhiên, từ “bình thường” ở trên không có ý muốn nói là chúng ta đã (và sẽ) không bao giờ đạt được những thành tựu lớn lao mang tính “phi thường”, mà nó có nghĩa là dù cho chúng ta đã (và sẽ) đạt được những thành tựu lớn lao hay phi thường đến nhường nào, thì sao tất cả, chúng ta đều vẫn chỉ là những con người bình thường.


Điều đó có nghĩa là ai trong chúng ta cũng đều có những khía cạnh rắc rối khác nhau, những phần tính cách khó để yêu thương khác nhau, và thời gian chắc chắn sẽ tiết lộ những khía cạnh này trong mọi mối quan hệ tình cảm, bất chấp cho người yêu cũ của chúng ta có thể đang lý tưởng hóa (idealizing) người yêu mới của họ đến mức nào.


Mình mong bạn hiểu rằng mình chia sẻ quan điểm này không phải vì mình muốn khuyên bạn nên “bới lông tìm vết” trong mối quan hệ mới của người yêu cũ, và đương nhiên, mình cũng không hề có ý muốn cổ xúy cho tư duy “không ăn được thì đạp đổ”.


Ở đây, với quan điểm này, mình thực lòng đang muốn khuyên bạn nên làm hòa (make peace) với nỗi đau mất đi tình yêu vào tay một người khác; dù mình hiểu rằng, với bạn, đó có thể sẽ là cả một thử thách.


Và mình hy vọng, bạn sẽ tiếp tục duy trì tinh thần ngay thẳng, một thái độ sống đàng hoàng, với niềm tin nơi bản thân và nơi mọi người xung quanh; bất chấp cho rất nhiều mối nghi ngờ và thù ghét mà bạn đang dành cho cả thế giới vào ngay lúc này.


Nói thế cũng không có nghĩa là chúng ta nên ngó lơ những thất bại và khuyết điểm của bản thân.

Mà ngược lại, hãy biết chấp nhận rằng chúng có thể đều là thật.


Có lẽ đúng là bạn cũng đã chưa làm tốt ở nhiều khía cạnh trong mối quan hệ, và mắc sai lầm ở nhiều khía cạnh khác, vậy nên người tình ấy mới quyết định rời đi.

Có lẽ đúng là bạn đã chưa thể yêu thương họ theo những cách mà họ thực sự muốn, và cần, được yêu thương.


Hy vọng dành cho sự phục hồi của những vết thương hậu chia tay kiểu này, bởi vậy, không nên nằm ở việc cố gắng phủ nhận những phần nhân cách kém xuất sắc và những lỗi lầm của chúng ta.

Hy vọng ấy nên được đặt ở một góc nhìn với nhiều sự cân nhắc về tính đồng đẳng hơn mà ta dành cho tất cả mọi người xung quanh.


Câu trên nghe có vẻ hơi khó hiểu ha.

Đừng lo, mình sẽ giải thích.


Chuyện tình địch của bạn sở hữu những phẩm chất mà bạn còn đang thiếu (lack), nếu bạn nghĩ kỹ sẽ thấy, đó là chuyện tất yếu.

Đương nhiên là họ có thể sẽ có một mái tóc đẹp hơn, một chiếc xe sang hơn, hay một mức lương ấn tượng hơn.


Nhưng đồng thời, họ cũng sẽ có vô số những vấn đề rất nghiêm trọng trong đời sống cá nhân của họ – những vấn đề mà, dù lắm khi khó lòng để nêu tên chính xác, nhưng chúng ta có thể chắc chắn rằng là có tồn tại.

Chúng ta biết chắc, không phải vì chúng ta thực sự quen biết họ, mà là vì chúng ta đã quen biết với loài người nói chung.


Chẳng có cuộc đời của ai, khi được xem xét kỹ lưỡng, mà lại chẳng có những vết nhơ của nỗi thất vọng, những vết rạn nứt của khuyết điểm, và những vệt méo mó của sự ích kỷ.


Đi kèm với những niềm hạnh phúc mới mẻ mà một người yêu mới có thể mang lại cho người yêu cũ của bạn, luôn luôn, sẽ là những nỗi buồn đau mới, những khổ tâm mới và cả những mối phiền toái (irritant) cũng hoàn toàn mới.


Sự thật này đương nhiên là áp dụng với tất cả chúng ta, chứ không chỉ riêng gì với người yêu cũ của bạn và mối quan hệ mới của họ.

Điều đó cũng có nghĩa là bạn đừng nên vì nỗi đau mới mất đi tình yêu mà lập tức tìm một người khác để thay thế người tình trước của bạn.


Một cuộc tình mới với một người yêu mới, đến cuối cùng, sẽ vẫn luôn có thể khiến chúng ta thất vọng nhiều như chính cuộc tình cũ và người yêu cũ đã từng làm.


Thực tế này thậm chí còn có thể đáng thất vọng hơn thế nhiều, nếu như bất cứ ai trong chúng ta vội vã lao vào một mối quan hệ mới với niềm hy vọng rằng người tình tiếp theo sẽ luôn có thể làm tốt hơn người tình trước trong “nhiệm vụ” yêu thương chúng ta.


Bởi vậy mới nói, không một ai trong chúng ta có thể chạm được tới cánh cổng thiên đường với chỉ một bước đơn giản là thay mới một người tình.

Có chăng, bạn sẽ chỉ trao đổi một mối quan hệ không hoàn hảo để có một mối quan hệ không hoàn hảo khác mà thôi.


Đây cũng là lý do vì sao bạn không nên trộn lẫn nỗi đau bị bỏ rơi với suy nghĩ rằng người yêu cũ của bạn, rồi đây, sẽ chắc chắn có được nhiều hạnh phúc hơn bên người yêu mới của họ – bên cái người mà không phải là bạn ấy.


Bài học sâu sắc, mà cũng khó nuốt trôi, của việc bị “đá” trong trường hợp này không phải là cái nhận thức rằng bạn là một con người tệ hại và kém cỏi, và rằng bởi vậy nên bạn mới bị “thay thế” một cách dễ dàng.


Lý do khiến bạn bị bỏ rơi, rất có thể, đã xuất phát từ một cái ảo tưởng (delusion) thường xuyên xuất hiện khi một người bắt đầu cảm thấy không hài lòng với mối quan hệ tình cảm hiện tại, rằng:

Chỉ cần cứ được yêu một người khác thì con người ta chắc chắn sẽ hạnh phúc hơn nhiều.


Sự thật là chúng ta rất hiếm khi nghĩ tới khía cạnh này của tình yêu khi ta bắt đầu một mối quan hệ tình cảm với ai đó, rằng tình yêu là một dịch vụ trọn gói.


Mọi cuộc tình đều là những combo, với cả niềm vui và nỗi buồn, được pha trộn bằng những tỉ lệ khác nhau.


Đây là một combo mà bạn sẽ không thể chỉ order những gì là hạnh phúc, là vui vẻ, là thấu hiểu; mà không phải nhận kèm theo đó, không ít thì nhiều, những gì là bất hạnh, là buồn tủi, và là xa cách.


Mọi mối quan hệ của chúng ta, với bất cứ ai, bởi vậy, cũng đều sẽ có sự hiện diện của nỗi buồn (unhappiness) trong những hình thái đẹp đẽ riêng biệt và khác nhau về mức độ gay gắt (acute).


Mình hiểu rằng có lẽ tất cả chúng ta đều tìm tới tình yêu vì ta mưu cầu những giá trị tốt đẹp và tích cực mà nó có thể đem lại cho đời sống thường ngày.


Chúng ta tìm tới tình yêu, vì ta khao khát có một vòng tay để ôm, một bờ vai để dựa, một trái tim để an ủi, một tâm hồn để kết nối.

Chúng ta tìm tới tình yêu, vì ta kỳ vọng sẽ có thêm thật nhiều tiếng cười, thật nhiều những kỉ niệm đẹp, thật nhiều những trải nghiệm ý nghĩa.

Chúng ta tìm tới tình yêu, rất lắm khi, với hy vọng to lớn rằng nó sẽ thay đổi cuộc đời chúng ta.


Nhưng thực tế nghiệt ngã, cùng với thời gian, sẽ không bao giờ ban (grant) cho bạn thứ tình yêu chỉ với toàn màu hồng ấy, bởi vì một lẽ đơn giản mà cũng khó chấp nhận, rằng:

Trong mỗi người chúng ta đều có quá nhiều vấn đề cá nhân.


Thực tế này, nếu bạn nghĩ kỹ sẽ thấy, cũng có tính an ủi đến bất ngờ.


Nếu như hiện tại, bạn đã có thể chấp nhận được sự thật rằng ở bản thân bạn có rất nhiều vấn đề, và tất cả mọi người đều có những vấn đề của riêng họ; và rằng tình yêu không phải lúc nào cũng là lời giải đáp cho những vấn đề ấy, mà ngược lại, tình yêu có thể sẽ chỉ tiết lộ, hoặc sẽ khiến cho vấn đề nơi mỗi người yêu nhau trở nên phức tạp hơn, vậy thì mình tin rằng, rồi đây, trong một cuộc tình mới, bạn sẽ có thể bắt đầu cảm thông một cách sáng suốt hơn, tha thứ một cách công bằng hơn, yêu thương một cách tích cực hơn, và đặc biệt nhất, là bạn sẽ không dễ dàng bỏ cuộc.


Đương nhiên là không phải cứ nhận được một cái ôm là mọi mệt mỏi trong ngày sẽ lập tức tan biến.

Đương nhiên là không phải cuộc trò chuyện nào cũng sẽ dẫn tới sự thấu hiểu dành cho cả hai bên.

Đương nhiên là không phải lúc nào bạn ra “tín hiệu” (hint) là họ cũng sẽ đọc được suy nghĩ của bạn và lập tức hiểu được bạn đang mong muốn điều gì.


Tình yêu sẽ trở nên thú vị (enjoyable) hơn nhiều, nếu như chúng ta cùng giảm bớt cho nhau gánh nặng của những kỳ vọng phi thực tế, và cùng tập trung vào một mục tiêu quan trọng hơn cả khi ta dành thời gian bên nhau: yêu.


Xem thêm bài viết: Yêu như thế nào?


Trong các mối quan hệ mới, ở một tương lai đủ xa, nơi mà bạn đã có thể làm hòa được với nỗi đau bị bỏ rơi, có lẽ sẽ là tốt nhất nếu như người mà bạn lựa chọn để yêu thương không phải là một người yêu bạn với cái ý tưởng rằng bạn là “một người hoàn hảo” – và rằng, cũng vì lý do đó, mà họ sẽ không bao giờ muốn rời bỏ bạn.


Có lẽ sẽ là tốt nhất, nếu như đó là một người dẫu cho có thể đã nhìn thấy rất rõ ràng những thiếu sót của bạn, nhưng vẫn biết cách bình tĩnh để cùng bạn giải quyết những vấn đề ấy.


Người bạn đời mà chúng ta cần, không nên là một người sẽ ở bên chúng ta vì họ nghĩ rằng chúng ta quá tuyệt vời tới mức không thể bị thay thế (irreplaceable), mà đó nên là một người đủ thông thái (wise) để hiểu được rằng không một ai thực sự ấn tượng như những ấn tượng ban đầu hết.


Và mình khuyên bạn: Hãy bắt đầu với việc trở thành một người như vậy cho chính những người mà bạn yêu thương nhất.


Tình yêu, nếu nhìn từ phương diện này, chính là khi hai con người liên tục giúp đỡ nhau lên những kế hoạch mới để ứng phó với những vấn đề và nỗi thất vọng mà họ gây ra cho nhau.


Đó là khi chúng ta, cuối cùng thì, cũng sẽ học được rằng:

Đơn vị nhỏ nhất của một mối quan hệ tình cảm – thứ giữ chúng ta ở lại bên nhau, và là thứ chúng ta thực sự khao khát (crave) ở nhau – không phải là tình yêu, mà là sự kết nối (connection).


“Keep Moving Forward”

Chấp bút và minh họa: Tom.

3 lượt xem0 bình luận

Bài đăng gần đây

Xem tất cả
Bài đăng: Blog2 Post
bottom of page