top of page

Khúc hát của chim ca và rắn độc – Tác phẩm tiền truyện mẫu mực cho một kẻ phản diện!

Đã cập nhật: 21 thg 3

Tác giả sách: Suzanne Collins

Thể loại: Tiểu thuyết drama, viễn tưởng, hành động, tâm lý.

Số trang: 641

Đánh giá: Hay!


Vậy là với Khúc hát của chim ca và rắn độc, mình đã chính thức “cày” xong series Đấu trường sinh tử của tác giả Suzanne Collins.


Phải nói thật là mình cảm thấy khá tự hào về bản thân sau khi hoàn thành series này, vì cũng đã từ lâu lắm rồi mình chưa theo đuổi một series truyện nào, và cũng đã từ lâu rồi chưa có series truyện nào hấp dẫn mình đến nhường này.


Cuốn sách Khúc hát của chim ca và rắn độc là phần tiền truyện của series Đấu trường sinh tử và mình cho rằng tác giả Suzanne Collins đã làm rất tốt với cuốn sách này.

Đây không chỉ là một câu chuyện hấp dẫn, mà theo mình, cuốn sách này xứng đáng được trở thành một ví dụ mẫu mực rất đáng để tham khảo khi ta muốn chấp bút nên một sản phẩm tiền truyện thú vị.


Có lẽ như các bạn cũng đã biết, các sản phẩm tiền truyện của những series ăn khách thì thường có tiếng là “nhạt nhẽo”, đôi khi thậm chí có thể nói là “tệ”.

Với cuốn sách này, mình thấy tác giả Suzanne Collins đã rất khéo léo khi né tránh được rất nhiều “vết xe đổ” của các sản phẩm tiền truyện khác.


Trong bài viết ngày hôm nay, mình sẽ chia sẻ với bạn 4 bài học kinh nghiệm viết lách mà mình học được từ tác giả Suzanne Collins thông qua cuốn sách Khúc hát của chim ca và rắn độc.


Đây là 4 bài học mà mình tin rằng bạn hoàn toàn có thể áp dụng vào quy trình viết, đặc biệt là nếu bạn đang ấp ủ một tác phẩm tiền truyện của riêng bạn.


1. Giữ gìn nét riêng của tác phẩm gốc

Chúng ta, những khán giả, thường đón nhận các sản phẩm tiền truyện với tư cách là fan của tác phẩm gốc.

“Chiều lòng fan” cũng thường là một trong những nguồn động lực chính thúc đẩy các tác giả quyết định viết tiền truyện hoặc hậu truyện.


Dù biết điều cơ bản là vậy, nhưng hết lần này đến lần khác, các tác giả thường xuyên khiến fan thất vọng vì họ đưa vào tiền truyện những chi tiết thiếu tính ăn khớp với mạch truyện của tác phẩm gốc.


Hai trong những khó khăn lớn nhất của việc viết một sản phẩm tiền truyện (hay thậm chí là cả hậu truyện), theo mình, chính là phần tiền truyện phải vừa ăn khớp với mạch truyện chính đã có sẵn, mà cũng vừa phải có các yếu tố đủ mới mẻ và nguyên bản để tạo nên một tác phẩm độc lập.


Khi đọc các bài review của Khúc hát của chim ca và rắn độc trên Goodread, mình thấy rất nhiều độc giả đánh giá thấp cuốn sách này vì lý do “Nó có quá ít phân cảnh với Đấu trường sinh tử”, và họ cho rằng như vậy nghĩa là tác giả Suzanne Collins đã không giữ gìn được nét độc đáo của series gốc.


Cá nhân mình hoàn toàn không đồng tình với các quan điểm này.

Bởi theo mình, series Đấu trường sinh tử chưa bao giờ là một loạt truyện kể về “Đấu trường sinh tử”.


Những nét độc đáo chạy xuyên suốt series Đấu trường sinh tử hoàn toàn nằm ở những thông điệp về quyền tự do, quyền bình đẳng, sự phân biệt giàu nghèo, phân biệt giai cấp; cùng với nhiều khía cạnh chính trị, xã hội rất thực tế khác nữa gắn liền với một chế độ độc tài luôn ra sức bóc lột và áp bức những người dân thuộc tầng lớp lao động.


“Đấu trường sinh tử” đối với mình chỉ là một biểu tượng cho những gì mà tác giả Suzanne Collins tin rằng là những bộ mặt tồi tệ nhất của con người, đặc biệt là của những kẻ nắm quyền hành mà không có trái tim nhân ái, và cả những kẻ có tài mà không có đức độ.


Sự kiện man rợ này là cách tác giả hình tượng hóa một ách thống trị luôn reo rắc nỗi sợ và chia rẽ con người trong thế giới giả tưởng của bà, để qua đó bà có thể truyền tải những thông điệp về thế giới thực đến với các bạn đọc được dễ dàng hơn.


Với bối cảnh trong một thế giới tàn khốc, cũng những chi tiết vừa lạ lẫm mà cũng vừa quen thuộc gắn liền với thế giới thực, mình cảm thấy tác giả Suzanne Collins đã làm rất tốt trong việc đề cao nhân tính và những phẩm chất tốt đẹp nơi con người, đồng thời đề cao hòa bình và bài xích chiến tranh, bài xích áp bức, bóc lột.


Trong Khúc hát của chim ca và rắn độc, tác giả Suzanne Collins không những tiếp tục duy trì được những thông điệp ý nghĩa trên, mà bà còn tiếp tục đào sâu hơn nữa vào tính đứng đắn về đạo đức, hay thậm chí là cả tính hợp tình hợp lý của tất cả những gì mà cái sự kiện Đấu trường sinh tử này đại diện cho.

Qua đó, bà khéo léo làm nổi bật lên hai lý tưởng sống đối lập nhau giữa cặp đôi Coriolanus Snow và Lucy Gray Baird ở trong truyện.


Cá nhân mình tin rằng phần tiền truyện này đã làm rất tốt trong việc bảo tồn và phát triển những thông điệp ý nghĩa mà 3 phần truyện của series chính đã nêu lên.


Những gì mà nó làm khác đi so với series chính cũng rất tinh tế và hợp lý.

Ví dụ như chuyện Đấu trường sinh tử của những năm đầu tiên – trong bối cảnh một Panem vẫn còn kiệt quệ sau chiến tranh – vốn được tổ chức trong một sân vận động bỏ hoang và chẳng được mấy người dân ủng hộ.


Bài học cơ bản mình rút ra được từ đây là câu chuyện của phần tiền truyện luôn phải ăn khớp với câu chuyện của tác phẩm gốc.

Và sẽ là tốt nhất nếu ta có thể tiếp tục duy trì và phát triển những giá trị ý nghĩa tạo nên nét riêng của tác phẩm gốc, thay vì chỉ đơn giản là chắp nối các sự kiện – giống như cách tác giả Suzanne Collins vẫn có thể tiếp tục phát triển giá trị nhân văn của Đấu trường sinh tử, dù cho bà viết rất ít về “Đầu trường sinh tử” trong phần tiền truyện này.


2. Tập trung vào cá nhân, thay vì đại cục

Một thử thách nữa dành cho các tác giả khi viết tiền truyện đó là hầu hết khán giả của tác phẩm gốc đã biết trước chuyện gì sẽ xảy ra rồi – đặc biệt là những sự kiện mang ý nghĩa quan trọng tác động tới đại cục của câu chuyện.


Thử thách của “sự biết trước” này có thể gây khó khăn cho cây viết khi ta muốn xây dựng kịch tính cho các sự kiện trong sản phẩm tiền truyện.

Bởi vì sự hồi hộp và căng thẳng đã không còn, cái kết của phần tiền truyện cũng sẽ dễ trở nên “nhạt nhẽo”, “không thỏa mãn”, hoặc “tầm thường” trong mắt khán giả.


Fan của series Đấu trường sinh tử đã biết thừa là rồi Coriolanus Snow sẽ trở thành tên tổng thống độc tài và tàn nhẫn của Panem.

Sẽ chẳng có gì tác giả Suzanne Collins viết ra mà lại có thể khiến độc giả phải thắc mắc những câu như “Biết đâu cậu ta sẽ thành người tốt thì sao?”

Bởi vì ta biết điều đó sẽ không xảy ra, nên cũng thật khó để cảm thấy hào hứng với khả năng nó có thể xảy ra.


Ở một khía cạnh khác, những thử thách mang tính cá nhân thì có ưu điểm là vừa khó nắm bắt hơn, bởi tính biến hóa khó lường của nó, mà cũng vừa giúp khán giả dễ dàng liên hệ với nhân vật hơn; bất chấp cho sự thật là khán giả đã biết trước cái kết rồi sẽ ra sao.


Coriolanus Snow trong Khúc hát của chim ca và rắn độc vẫn còn là một cậu thanh niên 18 tuổi đang chật vật để đấu tranh sinh tồn trong một thế giới mà cậu đã gần như không còn gì để mất.


Xuyên suốt cuốn sách, Coriolanus liên tục bị đẩy vào những tình huống “do or die” một cách trớ trêu.

Cũng nhờ những tình huống này và cách cậu ta phản ứng trước chúng, tác giả Suzanne Collins xây dựng nên trong tâm trí mình hình ảnh của một Coriolanus Snow mưu toan nhưng cũng còn thiếu kinh nghiệm, lý trí nhưng cũng liều lĩnh, đầy tham vọng nhưng cũng giỏi kiềm chế, tự mãn nhưng cũng không phải là không có tình người, ích kỷ nhưng cũng không phải là không biết yêu.


Khác với Katniss Everdeen – một nhân vật chính luôn giữ được lòng vị tha và tính nhân hậu bất chấp cho những khuyết điểm và thử thách mà cô phải đối mặt – Coriolanus Snow rõ ràng là một kiểu nhân vật chính phức tạp hơn bởi cậu không thể được mô tả chỉ bằng một trong hai từ “tốt” hoặc “xấu”.


Những câu hỏi hiện ra trong đầu mình khi theo dõi hành trình của cậu thanh niên Coriolanus Snow không phải là “Rồi cậu ta sẽ trở thành loại người nào?”, mà thường là “Quyết định vừa rồi của cậu ta là tốt hay xấu?”


Mình tin rằng đây chính là điểm quan trọng nhất khiến cho Coriolanus Snow trở thành một nhân vật mà độc giả có thể dễ dàng liên hệ với cậu ta.


Đến cả cái cách mà cậu ta suy nghĩ về người khác cũng “lúc lên lúc xuống” rất chân thực.

Có lẽ do quá khứ nghèo đói trong thời chiến, Coriolanus thường có xu hướng bắt đầu suy nghĩ về người khác theo chiều hướng tiêu cực.

Những tiền đề của cậu ta về một nhân vật nào đó sẽ “tốt lên” nếu nhân vật ấy giúp ích cho cậu ta, và sẽ “xấu đi” nếu nhân vật ấy có vẻ như đang ngáng đường.


Mình rất thích chi tiết này trong lối tư duy của nhân vật Coriolanus.

Nó không chỉ giúp cậu ta trở thành một nhân vật chân thực hơn, mà còn nêu bật lên một cách tinh tế phần tính cách ưa lợi dụng và ưa trục lợi từ người khác của cậu ta; hơn nữa, nó còn là một điểm quan trọng trong plot truyện để dẫn dắt đến cái kết cục của chính nhân vật này.

Mình thấy đây quả là một nước đi đáng khâm phục trong khâu phát triển nhân vật của tác giả Suzanne Collins.


Dù cho cuốn sách này thường được giới thiệu là “hành trình leo lên đỉnh cao quyền lực của Coriolanus Snow”, nhưng mình thấy mừng vì tác giả Suzanne Collins đã quyết định dồn nhiều tâm sức hơn vào những xung đột nội tâm rất cá nhân của Coriolanus và cái cách những yếu tố hoàn cảnh đã tác động đến cậu ta, thay vì chỉ đơn giản là viết về các sự kiện biến cậu ta thành gã tổng thống bạo chúa.


Mình cũng mừng vì tác giả Suzanne Collins đã không biến Coriolanus Snow thành kiểu nhân vật “người hùng sa ngã” giống như Darth Vader.

Xuyên suốt những trang sách của Khúc hát của chim ca và rắn độc, Coriolanus đã liên tục vượt qua những làn ranh giới của thiện và ác bằng những lựa chọn của chính cậu ta.


Điều này, theo mình, khiến cho cái kết nơi mà Coriolanus hoàn toàn bị nuốt chửng bởi tính xảo quyệt và sự tàn nhẫn trở nên thuyết phục hơn, bởi lẽ mình hiểu rằng “đây cũng là lựa chọn của cậu ta”.


Bài học mà mình rút ra được từ đây đó là khán giả thường dễ quan tâm tới số phần của một con người hơn là số phần của một cái gì đó quá lớn lao, ví dụ như trong trường hợp này là của đất nước giả tưởng Panem.


Nếu mình có thể khiến cho khán giả quan tâm tới một, hoặc một vài cá nhân, trong câu chuyện của mình; họ cũng sẽ dễ có xu hướng quan tâm tới đại cục của câu chuyện mình viết ra hơn.

Điều này đặc biệt quan trọng trong trường hợp cây viết bị mất đi yếu tố “cái kết bất ngờ” khi viết tiền truyền.


Có vẻ như xây dựng được một thế giới thú vị vẫn là chưa đủ để thuyết phục khán giả, nếu như chúng ta không thể đặt vào trong thế giới đó những nhân vật thực sự có ý nghĩa.


3. Phục vụ những gì khán giả muốn, nhưng đừng phục vụ theo cách họ kỳ vọng

Về mặt lý tưởng mà nói, phần tiền truyện chúng ta viết ra nên tập trung vào những gì mà khán giả chưa biết và muốn được biết.

Đó có thể là những câu hỏi còn đang bỏ ngỏ trong tuyến truyện của tác phẩm gốc, hoặc những câu hỏi được cộng đồng khán giả quan tâm đặt ra.


Thử thách dành cho các cây viết đó là chọn những câu hỏi nào để trả lời trong phần tiền truyện, và phải trả lời sao cho thuyết phục được khán giả.


Khi cần lên ý tưởng cho một sản phẩm tiền truyện, nhiều tác giả sẽ lập tức nghĩ đến việc viết về chuyện quá khứ của nhân vật chính trong tác phẩm gốc – một ý tưởng mà theo mình là thường không thực sự tạo nên nhiều câu hỏi thú vị và cũng thường không đem lại những câu trả lời hấp dẫn.

Hai ví dụ tiêu biểu của “vết xe đổ” này, theo mình, chính là những phần phim tiền truyện của Han Solo và Indiana Jones.


Katniss Everdeen – cũng giống như Han Solo và Indiana Jones – câu chuyện của cô đã được hoàn thành một cách mĩ mãn ở tác phẩm gốc rồi.

Mọi điều chúng ta cần biết về cô, kể cả chuyện quá khứ, đều đã được tác giả Suzanne Collins chia sẻ trong 3 tập truyện của series Đấu trường sinh tử, một phần tiền truyện về cô vào lúc này chắc chắn sẽ là thừa mứa và không cần thiết.


Mình tin rằng, nhân vật chính mà chúng ta tạo ra không nên cần tới sự giải thích dài dòng để khán giả hiểu được họ.

Thực ra, nếu ta phải hao tổn quá nhiều giấy mực chỉ để giải thích về nhân vật chính thì chứng tỏ đó không phải là một nhân vật chính có thể thỏa mãn được khán giả.


Hay nói theo một cách khác, chúng ta phải làm sao để tự khán giả có thể suy ngẫm và hiểu được nhân vật của ta.

Và chúng ta, với tư cách là các tác giả, chỉ nên chủ động trả lời những câu hỏi thực sự cần được trả lời mà thôi.


Ở một chiều hướng khác, những nhân vật phản diện – như Tổng thống Snow của series Đấu trường sinh tử – lại thường gợi nên nhiều câu hỏi thú vị hơn hẳn.

Làm sao một tên bạo chúa tàn nhẫn tới mức này lại có thể được bầu làm tổng thống?

Những lý tưởng ám ảnh bởi sự kiểm soát tuyệt đối của hắn có nguồn gốc từ đâu?

Tại sao hắn luôn chĩa mũi dùi vào Katniss Everdeen như vậy?


Chúng ta hoàn toàn có thể đặt những câu hỏi tương tự cho các nhân vật phản diện khác, ví dụ như Maleficent hoặc Cruella de Vil chẳng hạn.

Với vị trí là nhân vật phản diện, sự bí ẩn và khó đoán là một trong những yếu tố quan trọng khiến cho những nhân vật này trở thành mối hiểm họa cho nhân vật chính diện.

Bởi vậy nên thời lượng họ xuất hiện trong truyện và những gì ta được biết về họ cũng thường rất giới hạn.


Nếu mình nhớ không nhầm thì bản thân nhân vật Tổng thống Snow cũng chỉ xuất hiện không quá 5 lần trong suốt chiều dài 3 cuốn sách của series Đấu trường sinh tử.

Trên bản phim chuyển thể thì nhân vật này góp mặt trong nhiều phân cảnh hơn hẳn.


Theo mình, tất cả những yếu tố trên khiến cho câu chuyện của các nhân vật phản diện dễ dàng tạo tiền đề cho một phần tiền truyện tiềm năng, đặc biệt là khi bạn có một nhân vật phản diện được fan của tác phẩm gốc mến mộ.

Đương nhiên, nếu bạn không cẩn thận, thì những tiềm năng từ câu chuyện của một kẻ phản diện cũng sẽ dễ dàng trở nên vô vị, giống như cái cách bộ phim Hannibal Rising đã chứng minh.


Tiểu sử của một nhân vật cũng không phải là phương án khả quan duy nhất để phát triển thành một sản phẩm tiền truyện.

Một lựa chọn khác đó là lịch sử hình thành một yếu tố đóng vai trò quan trọng nhưng vẫn còn mơ hồ trong tác phẩm gốc.


Yếu tố này có thể là một hội nhóm hay một tổ chức, kiểu như Justice League; hoặc một sự kiện, như Đấu trường sinh tử chẳng hạn.


Lý do hàng đầu khiến mình tin rằng Khúc hát của chim ca và rắn độc là một tác phẩm tiền truyện mẫu mực đó là bởi tác giả Suzanne Collins đã kết hợp cả hai ý tưởng trên trong cuốn sách này một cách gần như là hoàn hảo.

Cuốn sách này vừa là hành trình Coriolanus Snow trở thành kẻ phản diện Tổng thống Snow mà chúng ta biết ở trong series gốc; và cũng đồng thời là quá trình Đấu trường sinh tử phát triển trở thành sự kiện tàn khốc như trong câu chuyện của Katniss Everdeen.


Khúc hát của chim ca và rắn độc đã đạt được sự kết hợp trên bằng cách: Phục vụ những gì khán giả muốn, nhưng không phục vụ theo cách họ sẽ kỳ vọng được phục vụ.

Mình tin rằng đây là phương pháp hiệu quả nhất để khiến khán giả vẫn phải “Ồ À” vì bất ngờ dù cho họ đã biết kết cục rồi sẽ ra sao.


Bạn muốn biết thêm về tiểu sử của Tổng thống Snow à?

Ok, có ngay, nhưng hắn sẽ không phải là kiểu nhân vật mà bạn có thể dễ dàng ghét bỏ hay yêu mến.


Bạn muốn biết thêm về lịch sử của Đầu trường sinh tử ư?

Được thôi, nhưng đó hoàn toàn không phải là kiểu sự kiện mà bạn đã quen biết trong series gốc.


Bài học cốt lõi nhất mình rút ra được từ đây đó là dù cho ta không thể thay đổi CÁI GÌ (what) đã xảy ra, nhưng ta hoàn toàn có thể thay đổi cái LÝ DO (why) nó xảy ra và cái cách nó xảy ra THẾ NÀO (how).


Ta sẽ vẫn phục vụ khán giả những gì họ muốn được phục vụ, nhưng ta cũng nên tìm cơ hội phù hợp để cho khán giả một cú plot twist đánh vào những gì họ tưởng là họ đã biết.

Để nâng cao sự thành công của thủ thuật này, ta nên cẩn thận trong việc lựa chọn những câu hỏi để trả lời trong phần tiền truyện của mình.


4. Đặt câu chuyện của bạn trong một quá khứ xa xôi

Nếu bạn thực sự không muốn vấp phải khó khăn về mạch truyện, dòng thời gian, nhân vật và nhiều hạn chế khác của việc viết tiền truyện, vậy thì bạn nên cân nhắc việc đặt câu chuyện của bạn trong một quá khứ xa xôi.


Xa đến thế nào thì là đủ ư?

Theo mình, nó nên đủ xa để bạn có thể thoải mái viết nên một câu chuyện thú vị cho những khán giả yêu mến thế giới mà bạn tạo ra trong tác phẩm gốc.


Tùy vào khoảng cách thời gian mà bạn chọn, đôi khi, mẹo này cũng có thể khiến cho phần tiền truyện của bạn chỉ là “tiền truyện trên danh nghĩa”.

Bởi rất có thể với một khoảng cách thời gian quá lớn giữa tiền truyện và tác phẩm gốc, mọi sự kiện sẽ gần như không còn có tính liên hệ với nhau nữa.


Nhưng đây cũng đồng thời chính là ưu điểm của mẹo này.

Nếu bạn có thể đặt một khoảng thời gian đủ rộng và hợp lý giữa phần tiền truyện và tác phẩm gốc của bạn, vậy thì dù cho những sự kiện ở tiền truyện có xảy ra theo chiều hướng nào đi chăng nữa, nó cũng sẽ không gây ảnh hưởng hoặc làm rối rắm mạch truyện của tác phẩm gốc.


Lấy ví dụ với Khúc hát của chim ca và rắn độc, tác giả Suzanne Collins đặt một khoảng cách thời gian là 64 năm giữa phần tiền truyện này và series Đấu trường sinh tử.


Đây là một khoảng cách thời gian đủ rộng, bởi 64 năm trước chưa có nhân vật chính nào trong series Đấu trường sinh tử được sinh ra hết, vậy nên các sự kiện trong Khúc hát của chim ca và rắn độc gần như không gây ảnh hưởng tới số phận của các nhân vật chính.


Chỉ cần tác giả Suzanne Collins không cho nổ tung cả Panem, bà hoàn toàn có thể tự do viết nên một câu chuyện thú vị cho Coriolanus Snow mà chẳng cần phải lo nghĩ nhiều.


64 năm cũng là một khoảng thời gian hợp lý đối với nhân vật Coriolanus Snow và thế giới trong series Đấu trường sinh tử.

Đến cuối cùng thì ta sẽ vẫn phải tập trung vào Coriolanus vì đây là câu chuyện của cậu ta.


Mình tin rằng Khúc hát của chim ca và rắn độc sẽ không hấp dẫn mình tới vậy nếu như câu chuyện này viết về một Coriolanus với gia đình giàu có trước thời chiến, hoặc một Coriolanus đã nắm trong tay nhiều quyền lực sau khi đã gây dựng lại được tiền đồ.


Coriolanus Snow trong phần tiền truyện này mới chỉ vừa 18 tuổi, và cậu đang trong giai đoạn sa cơ lỡ vận nhất từ trước tới nay.

Cậu thông minh và không hề non nớt hay ngây thơ, như người bạn Sejanus, nhưng cậu cũng đồng thời chưa thể xảo quyệt được như Tiến sĩ Gaul.

Dù khéo léo, nhưng không phải lúc nào cậu cũng nắm quyền kiểm soát trong mọi tình huống và các lựa chọn hành động của cậu cũng vì thế mà thường bị giới hạn.


Đúng như những gì đã được giới thiệu trong trang sách đầu tiên:

Rằng ở tuổi mười tám, người thừa kế của gia tộc Snow lừng lẫy một thời chẳng có gì để sống dựa vào ngoài tài trí của mình.

Coriolanus trong giai đoạn này mới chính là kiểu nhân vật chính phù hợp với những thông điệp mà tác giả Suzanne Collins muốn truyền đạt qua loạt tác phẩm của bà.

Hình bóng của tên Tổng thống Snow với mọi mưu mô và quyền lực có đôi lúc mập mờ hiện ra cùng với Coriolanus, nhưng chỉ khi ta đọc đến những trang cuối cùng ta mới thực sự được nhìn thấy hắn “lộ diện”.


Sử dụng mẹo “quá khứ xa xôi” cũng đồng thời giúp các cây viết loại bỏ cái cám dỗ được đưa các nhân vật trong tác phẩm gốc vào tiền truyện để làm “cameo” một cách không cần thiết.


Mình tin rằng chiến lược này sẽ phát huy hiệu quả nhất với những bối cảnh thế giới mang yếu tố lịch sử lâu đời ở trong đó, ví dụ như Trung Địa trong series Chúa nhẫn, hoặc vũ trụ xa ơi là xa của Star Wars chẳng hạn.

Một ví dụ tiêu biểu đó là video game Knights of Old Republic trong vũ trụ Star Wars.

Game này có bối cảnh đặt tại 4000 năm trước khi bất cứ sự kiện nào trong các phim Star Wars diễn ra.


Tuy nhiên, bài học mà mình rút ra được từ đây đó là với một khoảng cách thời gian được lựa chọn cẩn thận và hợp lý, mình vẫn hoàn toàn có thể tận dụng được các ưu điểm từ mẹo nhỏ này để vượt qua các thử thách trong hành trình viết một tác phẩm tiền truyện.



Nói đi thì cũng phải nói lại, mình tin rằng để viết được một tác phẩm tiền truyện hay là rất khó.

Trong phần lớn các trường hợp, có lẽ cá nhân mình sẽ nghĩ nên đầu tư vào hậu truyện hoặc viết hẳn một câu chuyện mới thì hơn, haha.


Tuy nhiên, nếu như bạn sẵn sàng đương đầu với thử thách của việc viết tiền truyện, mình tin rằng bạn sẽ có thể rút ra được khá nhiều bài học đáng tham khảo từ lối viết của tác giả Suzanne Collins trong cuốn sách Khúc hát của chim ca và rắn độc đó.


Trên đây mới chỉ là 4 bài học mà cá nhân mình cảm thấy là quan trọng nhất đã tạo nên tính thuyết phục và hấp dẫn cho tác phẩm này.

Dẫu cho có thể đây không phải là một cuốn sách hoàn hảo, nhưng bạn hãy thử tìm đọc tác phẩm này và rút ra những bài học kinh nghiệm viết lách cho riêng bạn nhé.


TB: Xin cảm ơn tác giả Suzanne Collins vì series Đấu trường sinh tử.


“Keep Moving Forward”

Chấp bút và minh họa: Tom.


***

Nếu bạn đọc yêu thích blog của Tom và cảm thấy blog mang lại lợi ích tích cực cho cuộc sống của mình, hãy ủng hộ cho Tom Writing để blog có thể tồn tại và phát triển mạnh mẽ và bền vững hơn bạn nhé.


Bạn chỉ cần nhấn vào nút “Buy me a coffee” dưới đây để ủng hộ cho Tom Writing một "tách cà phê":

Buy me a coffee


Mỗi "tách cà phê" chỉ có giá $5 (khoảng 117 ngàn đồng) nhưng mang lại lợi ích không hề nhỏ cho việc duy trì blog và truyền động lực sáng tạo cho Tom đó ạ :')

11 lượt xem0 bình luận

Bài đăng gần đây

Xem tất cả
Bài đăng: Blog2 Post
bottom of page